Bán đảo Triều Tiên đang nóng dần
Loạt sự kiện, động thái của cả Mỹ, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong vài tuần gần đây đã làm bầu không khí mùa hè trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên “nóng” hơn, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Hãng thông tấn CNN dẫn tuyên bố từ Thông tấn xã Trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) cho biết Bình Nhưỡng ngày 16/8 lần đầu lên tiếng xác nhận thông tin về việc Trung sĩ quân đội Mỹ tên Travis King đã đào tẩu từ hàn Quốc sang CHDCND Triều Tiên vào trung tuần tháng 7/2023. Theo KCNA, trung sĩ King, người da đen, bày tỏ “sẵn sàng xin tị nạn” ở CHDCND Triều Tiên hoặc một nước thứ ba và rằng, anh ta đã quyết định vào CHDCND Triều Tiên vì “anh ta có cảm giác khó chịu trước sự ngược đãi vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ”.
Trước đó, khi có thông tin King sang CHDCND Triều Tiên, gia đình anh ta đã lên tiếng cầu xin Bình Nhưỡng “đối xử tử tế” với anh ta, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố “ưu tiên hàng đầu là đưa trung sĩ King trở về Mỹ an toàn”. Truyền thông quốc tế cho rằng, việc “đưa trung sĩ King trở về Mỹ an toàn” khó thực hiện trong thời gian trước mắt, xét tình hình quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Đàm phán sẽ vấp phải những khó khăn, trở ngại lớn từ cả hai phía, nhất là khi Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Bình Nhưỡng đã không đáp lại việc Washington yêu cầu tiếp cận trung sĩ King “ngoại trừ một thông điệp xác nhận gửi tới các quan chức Liên hợp quốc”.
Vụ việc trung sĩ King đã tiếp thêm “dầu” vào mồi lửa đang âm ỉ do quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên thời gian qua. Những diễn biến gần đây cho thấy hai bên đang đi theo chiều hướng “nhích dần” tới điểm giới hạn cho sự bùng nổ căng thẳng mới.
Quan hệ Mỹ-Triều tiếp tục xấu đi trong suốt những năm sau khi cuộc đàm phán giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị đổ vỡ vào năm 2019. Những cuộc đàm phán đó, gồm 3 cuộc gặp trực tiếp và sự kiện ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước qua đường phân giới khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, đã kết thúc mà không có bất kỳ đột phá ngoại giao có ý nghĩa nào.
Cần nhớ rằng, Bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn chưa chấm dứt chiến tranh, dù đã có lệnh đình chiến cách đây 70 năm. Mỹ trên thực tế vẫn duy trì một quân số đồn trú nhất định cùng khí tài, vũ khí ở hàn Quốc với lý do “bảo vệ đồng minh” trước mối đe dọa an ninh từ láng giềng. Dễ thấy nhất là Bình Nhưỡng thường xuyên cáo buộc Washington và Seoul gây căng thẳng bằng các cuộc tập trận quân sự và triển khai vũ khí. Tháng 3/2023, Mỹ và hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất trong 5 năm qua bất chấp những cảnh báo từ Bình Nhưỡng. Trung tuần tháng 7/2023, tàu ngầm USS Kentucky, tàu ngầm tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân của hải quân Mỹ, đã tới cảng Busan của hàn Quốc. Những động thái này rõ ràng không nhằm hạ nhiệt không khí trên bán đảo mà khiến Bán đảo Triều Tiên luôn trong trạng thái căng thẳng.
Ở phía ngược lại, CHDCND Triều Tiên đã đẩy mạnh các chương trình hạt nhân và tên lửa nhằm tạo sức mạnh răn đe quân sự trước mối đe dọa an ninh thường trực của Mỹ và các đồng minh. Cho đến nay, CHDCND Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 lần trong năm 2023. Năm ngoái, thống kê của truyền thông cho thấy CHDCND Triều Tiên đã hơn 90 lần phóng thử tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, trong đó có một tên lửa được cho là đã bay qua Nhật Bản, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Việc gia tăng thử nghiệm đã làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tiềm năng - lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Giới quan sát cũng theo dõi chặt chẽ những động thái mới nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó đáng chú ý nhất là việc ông đã cho thôi chức Tổng Tham mưu trưởng đối với ông Pak Su Il vào ngày 9/8, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên và tuyên bố rằng ông muốn quân đội nước này “chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến”. “Trong tình hình hiện nay, trong đó các thế lực thù địch ngày càng lộ rõ tư thế đối đầu quân sự liều lĩnh với CHDCND Triều Tiên, đòi hỏi quân đội phải có ý chí tích cực, chủ động, áp đảo hơn nữa và sự sẵn sàng quân sự toàn diện, hoàn hảo cho một cuộc chiến” - hãng tin KCNA viết.
Ngày 15/8, CHDCND Triều Tiên kỷ niệm 78 năm Ngày giải phóng khỏi sự chiếm đóng của phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới II. 3 ngày sau, ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc tiếp đón Tổng thống hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Camp David trong một hội nghị thượng đỉnh “tay ba”. Không khó để dự đoán được những nội dung trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh này là gì, khi mà Mỹ đang quyết liệt thúc đẩy các mục tiêu lợi ích trên tất cả các khu vực, trong đó có Đông Bắc á và cả Đông Nam á.
Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư chúc mừng đến nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Nội dung thư có đoạn viết: “Ngày lễ này là một biểu tượng của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của những người lính hồng quân và những người yêu nước Triều Tiên đã cùng nhau chiến đấu để giải phóng đất nước Triều Tiên khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản. Đó đã là nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên”.
Sự thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị của nước Nga một lần nữa tiếp thêm sức mạnh cho CHDCND Triều Tiên trong cuộc đối đầu trực diện với các thế lực thù địch luôn tìm cách kiềm chế, áp đảo CHDCND Triều Tiên. Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang tiếp diễn, thông điệp của Tồng thống Nga Putin còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước nhằm chống lại “thế trận” bao vây của phương Tây do Mỹ dẫn dắt.