Bán đảo Triều Tiên: Màn thách đố nguy hiểm

Thứ Năm, 09/06/2022, 11:18

Ngày 6-6, Hàn Quốc và Mỹ đã bắn 8 quả tên lửa xuống vùng biển phía Đông để đáp trả việc CHDCND Triều Tiên phóng số lượng tên lửa tương tự trước đó một ngày. Trong khi giới chức Mỹ nghi ngờ CHDCND Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân trở lại thì đây được xem là màn “thách đố” hơn là mang tính chất “thị uy” như lời giới chức quốc phòng Hàn Quốc đưa ra.

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, vụ phóng tên lửa “ăn miếng trả miếng” thể hiện Hàn Quốc “đủ khả năng và sẵn sàng thực hiện hành động tập kích chính xác” đối với các cơ sở phóng tên lửa cũng như các trung tâm điều hành tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên.

Tại một cuộc gặp cấp cao tại Seoul hồi tháng 5, ông Yoon nhất trí với Tổng thống Mỹ Biden là sẽ nâng cấp các cuộc diễn tập quân sự chung và các động thái răn đe chung, bao gồm cả việc gia tăng vũ khí mạnh hơn của Mỹ. Ông Yoon cho rằng, các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đã đạt đến mức độ có thể “đe dọa đến an ninh khu vực”, cho nên trong thời gian tới, Hàn Quốc và Mỹ cần có những động thái đáp trả “mạnh mẽ và cứng rắn hơn”.

Bán đảo Triều Tiên: Màn thách đố nguy hiểm -0
Hình ảnh vụ bắn thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua đại dịch COVID-19 và đặc biệt là cuộc chiến tại Ukraine, Mỹ và đồng minh vẫn đặc biệt quan tâm đến những động thái phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Vụ phóng tên lửa mới nhất được Bình Nhưỡng thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du Thái Bình Dương để thúc đẩy hơn nữa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Đặc biệt là Mỹ cũng vừa kết thúc một cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong vùng biển Philippines với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan, lần đầu tiên sau 5 năm. Bình Nhưỡng chỉ trích việc Mỹ và đồng minh tiếp tục có những hành động khiêu khích, đe dọa an ninh đối với CHDCND Triều Tiên, cụ thể là những cuộc tập trận chung mang tính chất “răn đe” nhưng thực chất là sự thách thức đối với sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng.

Giới chuyên gia quân sự nhận định, Bình Nhưỡng đang phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo mới có khả năng vận hành linh hoạt hơn rất nhiều so với các loại tên lửa trước đây. Các tên lửa thế hệ mới mang nhiều đầu đạn, kể cả đầu đạn hạt nhân và có khả năng nạp lại đầu đạn. Việc phóng 8 quả tên lửa cùng lúc từ nhiều vị trí khác nhau cho thấy CHDCND Triều Tiên đang thử nghiệm khả năng tấn công tên lửa tổng hợp nhằm áp đảo Hàn Quốc trong tình huống chiến tranh quân sự xảy ra, theo nhận định của giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul.

Bán đảo Triều Tiên: Màn thách đố nguy hiểm -0
Mỹ-Hàn tập trận chung trong vùng biển Philippines.

Từ đầu năm 2022 đến nay, CHDCND Triều Tiên đã vài lần phóng thử tên lửa với 18 quả thuộc nhiều loại tên lửa khác nhau, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa siêu vượt âm. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm người ta chứng kiến CHDCND Triều Tiên bắn thử các loại tên lửa như thế. Tháng 5-2022, Bình Nhưỡng bắn thử 3 quả tên lửa, trong đó có ICBM, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Biden kết thúc chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương.

Các vụ phóng tên lửa của cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ, Hàn Quốc diễn ra ngay đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk-yeol, báo hiệu thách thức mới cho an ninh khu vực trong giai đoạn 5 năm tới. Ngay sau các vụ phóng tên lửa của cả hai bên, Tổng thống Yoon đã họp khẩn cấp Hội đồng An ninh quốc gia và ra lệnh “tăng cường khả năng răn đe và mở rộng diện phòng thủ chung Hàn-Mỹ”.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại trước vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ngay trong thời điểm đó, Mỹ lại cử đại diện đặc biệt về CHDCND Triều Tiên đến Đông Bắc Á để hội đàm với các đồng nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm mục đích quan trọng là bàn các giải pháp dự phòng trong trường hợp CHDCND Triều Tiên nối lại việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Washington tiếp tục vận động yêu cầu Liên Hợp quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa đối với CHDCND Triều Tiên do các vụ bắn thử tên lửa, nhưng động thái này đã bị Nga và Trung Quốc ngăn chặn bằng quyền phủ quyết.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 2-6 CHDCND Triều Tiên làm Chủ tịch luân phiên Hội nghị Giải trừ vũ khí họp tại Geneva. Hội nghị này là một định chế quốc tế không thuộc Liên Hợp quốc nhưng lại sử dụng trụ sở của Liên Hợp quốc ở Geneva làm nơi tổ chức hội nghị. Với 65 quốc gia thành viên, đây được xem là một diễn đàn quan trọng để bàn bạc, đưa ra các biện pháp kiểm soát hoặc giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cũng như nhiều diễn đàn quốc tế khác, Hội nghị Giải trừ vũ khí tiếp tục là diễn đàn để các bên “đấu tố” nhau hơn là thống nhất đưa ra các giải pháp thiết thực cho mục tiêu giải trừ vũ khí.

Trên thực tế, hàng loạt quốc gia tham gia Diễn đàn này đã chất vấn Đại sứ CHDCND Triều Tiên Han Tae-Song về việc Bình Nhưỡng thử tên lửa và đang có dấu hiệu tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Tại hội nghị khai mạc hôm 2-6, Đại sứ Han Tae-Song đã khiến hội nghị dậy sóng khi tuyên bố “CHDCND Triều Tiên vẫn còn chiến tranh với Mỹ”. Đại sứ Han Tae-Song đã bác bỏ mọi lời chỉ trích về việc bắn thử tên lửa đạn đạo hay ý định thử vũ khí hạt nhân, cho rằng “không quốc gia nào có quyền can thiệp vào chiến lược tự bảo vệ mình của một quốc gia khác” và CHDCND Triều Tiên có quyền “tự vệ” trước mối đe dọa an ninh thường trực từ Mỹ.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.