“Bão” đình công tê liệt giao thông châu Âu

Thứ Hai, 11/07/2022, 09:45

Trong những ngày cuối tháng 6, hàng loạt cuộc đình công khiến đường sắt Anh gần như tê liệt và hàng trăm chuyến bay tại châu âu bị gián đoạn. Giao thông đình trệ ngay vào thời điểm một mùa nghỉ Hè bận rộn bắt đầu và có nhiều dấu hiệu còn kéo dài.

Sau 2 năm dịch bệnh, mùa hè “hậu COVID-19” của năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu đi lại của người dân. Các hãng hàng không ở Bỉ đều ghi nhận tỷ lệ đặt vé cao hơn nhiều so với giai đoạn tháng 6 và 7-2019, một năm được coi là kỷ lục của ngành hàng không.

Thế nhưng, các hãng hàng không châu Âu lại đang đối mặt với một mùa hè khó khăn trong bối cảnh nhân viên kêu gọi tiến hành các cuộc đình công yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.

Làn sóng đình công

Cuối tháng 6, các nghiệp đoàn đại diện cho tiếp viên và phi công của hãng hàng không giá rẻ Ryanair tại Bỉ, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã kêu gọi tiến hành các cuộc đình công. Trong khi đó, nhân viên hãng hàng không easyJet chi nhánh tại Tây Ban Nha cũng có kế hoạch tiến hành cuộc đình công kéo dài 9 ngày trong tháng 7 tại các sân bay ở Barcelona, Malaga  và Palma de Mallorca. Theo tính toán, nhân viên của easyJet chi nhánh Tây Ban Nha đang nhận mức lương 950 euro/tháng, mức thấp nhất trong số các chi nhánh của hãng này tại châu Âu.

Ông Damien Mourguesm, đại diện cho Nghiệp đoàn SNPNC tại hãng hàng không Ryanair chi nhánh ở Pháp, cho biết ban lãnh đạo hãng hàng không này đã không tuân thủ các quy định về thời gian nghỉ trong khi nhân viên chỉ nhận tiền lương ở mức tối thiểu. Trước đó, các cuộc đình công kéo dài trong ngày 12 và 13-6 đã khiến 40 chuyến bay của hãng hàng không Ryanair tại Pháp, tương đương 25% tổng số chuyến bay của hãng, bị hủy.

“Bão” đình công tê liệt giao thông châu Âu -0
Nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng đình công có thể lan rộng.

Các cuộc đình công xảy ra trong bối cảnh ngành hàng không đang dần hồi phục sau COVID-19. Nhiều hãng hàng không từng phải sa thải nhân viên trong thời gian đại dịch nay lại gặp khó khăn “kép” khi vừa thiếu nhân viên buộc họ phải hủy nhiều chuyến bay, vừa phải đối mặt với các cuộc đình công. Một số sân bay rơi vào tình trạng quá tải do nhân viên đình công, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn tại các quầy làm thủ tục bay và kiểm tra an ninh.

Trở ngại phục hồi

Các cuộc đình công của nhân viên hàng không tại Bỉ, Anh, Pháp... do mức lương không theo kịp lạm phát trong khi áp lực công việc gia tăng. Bà Julia Lo Bue-Said, Giám đốc điều hành Advantage Travel Group, đại diện cho khoảng 350 công ty du lịch Anh, cho biết: “Các sân bay luôn thiếu nhân viên và những người được thuê mới mất nhiều thời gian xử lý công việc hơn”.

Trung tâm của vấn đề là điều kiện lao động mới được áp dụng cho tiếp viên và phi công khi bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID-19. Để các công ty có thể tồn tại trong thời điểm đó, các nhân viên phải chấp nhận cắt giảm lương và tăng năng suất cao hơn. Giờ đây, khi ngành hàng không đang dần “sống lại”, người lao động muốn tìm kiếm điều kiện làm việc giống như trước khi xảy ra COVID-19. “Với COVID-19, tất cả các công ty đã thu hẹp hoạt động bằng cách giảm lương hoặc sa thải công nhân. Sau đó, họ khởi động lại rất cứng nhắc, mặc dù thiếu lao động” - Alain Vanalderweireldt, Chủ tịch Hiệp hội buồng lái Bỉ giải thích.

Kịch bản đình công kéo dài sẽ làm tổn hại đến hành khách đi nghỉ hè cũng như ngành hàng không dân dụng. Nathalie Pierard, người phát ngôn của sân bay Brussels, cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ không có công việc ngừng hoạt động vào mùa hè này vì chúng tôi đang hồi phục hoàn toàn sau 2 năm. Chúng tôi cần phải có những ngày bận rộn”.

Một nguy cơ đáng lo hơn là khả năng nếu các công đoàn muốn tổ chức các hành động phối hợp ở cấp độ châu Âu thay vì đơn lẻ theo từng nước. Tuy nhiên, theo ông chủ hãng hàng không giá rẻ Ryanair, viễn cảnh của một cuộc đình công trong toàn ngành hàng không châu Âu rất khó xảy ra.

Đường sắt Anh tê liệt

Tại Anh, cuộc đình công lớn nhất ngành đường sắt trong 30 năm qua đã bắt đầu từ ngày 21-6, khi hàng chục nghìn nhân viên yêu cầu tăng lương và đảm bảo việc làm. Biểu tình sau đó tiếp tục vào các ngày 23 và 25-6, trong đó ngày biểu tình 25-6 khiến hệ thống đường sắt tại Anh lâm vào tình trạng gần như đình trệ. Chỉ 20% số chuyến tàu tại Anh vận hành trong ngày này so với bình thường. Thời gian hoạt động trong ngày cũng ngắn hơn so với bình thường.

Hiện tại, dịch vụ tàu đã trở lại bình thường nhưng đại diện RMT tuyên bố khả năng sẽ tổ chức thêm các cuộc đình công vào cuối tháng 7. Tổng Thư ký Liên đoàn Công nhân ngành đường sắt, hàng hải và vận tải Anh (RMT) đã nhấn mạnh: “Chiến dịch của chúng tôi sẽ kéo dài cho đến khi cần thiết”.

Trước đó, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Anh và RMT diễn ra ngày 20-6 đã không đạt được thỏa thuận. Kinh tế Anh ban đầu hồi phục mạnh mẽ nhưng lại vấp phải cảnh báo suy thoái do đối diện tình trạng thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và các vấn đề thương mại hậu Brexit. Chính phủ cho biết đang hỗ trợ thêm hàng triệu hộ nghèo nhưng cho biết việc trả lương trên mức lạm phát sẽ gây thiệt hại kinh tế về căn bản.

Làn sóng đình công trong ngành đường sắt còn đang đe dọa mở ra các kịch bản đáng lo hơn. Các liên đoàn lao động cho biết đình công ngành đường sắt có thể đánh dấu mở đầu “mùa hè bất mãn” khi giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh và thậm chí luật sư cũng sẽ từ chối làm việc trong bối cảnh giá thực phẩm, nhiên liệu đẩy lạm phát lên gần ngưỡng 10% và lương chưa có mức tăng tương ứng.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.