Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc đua của các nhà tài trợ

Thứ Ba, 29/10/2024, 18:27

Việc gây quỹ đóng vai trò trung tâm trong nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ và là yếu tố then chốt trong việc xác định khả năng thành công của các ứng cử viên. Tiền gây quỹ được dùng để trả lương cho những người phục vụ trong chiến dịch mà không phải là tình nguyện viên, chi phí đi lại, tài liệu chiến dịch, quảng cáo trên phương tiện truyền thông và các khoản chi phí bất trắc khác.

Theo luật pháp Mỹ, các ứng cử viên chính thức phải nộp thông tin chi tiết về tài chính chiến dịch cho Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) vào cuối mỗi tháng hoặc quý dương lịch. Bản tóm tắt các báo cáo này sẽ được công khai ngay sau đó, tiết lộ tình hình tài chính tương đối của tất cả các chiến dịch.

Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc đua của các nhà tài trợ -0
Bà Kamala Harris đang mất dần lợi thế trước ông Trump khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ bắt đầu

Các số liệu báo cáo đến ngày 30/9 vừa được FEC công bố hôm 22/10 cho thấy chiến dịch tranh cử của bà Kmala Harris đã vận động được số tiền nhiều gấp 3 lần chiến dịch tranh cử của ông Trump, và chi tiêu cho tranh cử cũng nhiều hơn gấp 3 lần. Theo hồ sơ của FEC công bố hôm 22/10 cho biết Ban vận động tranh cử của ông Trump huy động được 371,9 triệu USD từ tháng 1/2023 đến ngày 30/9/2024, trong khi Ban vận động tranh cử của bà Harris đã huy động được hơn 1 tỉ USD tính từ ngày 1/7 đến ngày 30/9. Trong đó, chỉ riêng Quỹ Harris Victory đã huy động được 633,2 triệu USD trong 3 tháng.

Trong các chiến dịch trước đây, bà Hillary Clinton năm 2016, ông Biden và ông Trump năm 2020 đều huy động được số tiền trên 1 tỉ USD thông qua nhiều quỹ khác nhau trong suốt thời gian dài của chiến dịch. Nhưng bà Harris trong năm 2024 này đã gây ngạc nhiên lớn khi tạo ra con số đó chỉ trong 3 tháng bước chân vào chiến dịch tranh cử (từ ngày 1/7 đến 30/9) - một tốc độ “siêu khủng” khó có chính trị gia nào ở Mỹ làm được.

Các tỉ phú Mỹ đóng góp rất lớn cho “két sắt” chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên. Nhà tài trợ lớn nhất của ông Trump là người thừa kế tỷ phú Timothy Mellon, với số tiền quyên góp khổng lồ 140 triệu USD. Ông chủ Tesla Elon Musk cũng đã quyên góp 75 triệu USD cho PAC America ủng hộ ông Trump. Ông Trump có gần 50 tỉ phú khác ủng hộ, bao gồm bà Linda McMahon, vợ của ông trùm đấu vật Vince McMahon; giám đốc điều hành năng lượng Kelcy Warren; người sáng lập ABC Supply Diane Hendricks; tỷ phú dầu mỏ Timothy Dunn và các nhà tài trợ bảo thủ nổi tiếng Richard và Elizabeth Uihlein.

Trong khi đó, bà Harris đã nhận được sự ủng hộ của ít nhất 76 nhà hảo tâm giàu có, bao gồm đồng sáng lập Netflix Reed Hastings, cựu giám đốc điều hành Tập đoàn Meta (công ty mẹ của Facebook) Sheryl Sandberg và nhà từ thiện Melinda French Gates. Hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm đã ký một lá thư vào ngày 31/7 ủng hộ bà Harris và cam kết bỏ phiếu cho bà, trong đó có các tỷ phú như doanh nhân Mark Cuban, nhà đầu tư Vinod Khosla và người sáng lập Lowercase Capital Chris Sacca.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh tiền nhiều chưa chắc đã tạo ra kết quả như mong muốn. Cụ thể, cho đến gần ngày bầu cử chính thức, số tiền huy động khổng lồ đó vẫn chưa tạo ra lợi thế rõ ràng cho bà Harris trong cuộc đối đầu với ông Trump, nhất là ở các tiểu bang “chiến trường”.

Một dấu hiệu cảnh báo trước thềm bầu cử đối với bà Phó Tổng thống là cuộc thăm dò của Trường đại học Quinnipiac được công bố vào hôm 9/10 cho thấy bà đang kém ông Trump lần lượt 2 và 3 điểm phần trăm ở 2 tiểu bang Wisconsin và Michigan - đây là các tiểu bang cùng với Pennsylvania được đảng Dân chủ dán nhãn là “bức tường xanh”. Cuộc khảo sát cho thấy ông Trump dẫn trước 48-46% ở tiểu bang Wisconsin và 50-47% ở tiểu bang Michigan. Bà Harris dẫn trước sít sao trong hầu hết các cuộc thăm dò trên toàn quốc.

Theo Quinnipiac, bà Harris vẫn duy trì lợi thế 3 điểm phần trăm ở tiểu bang Pennsylvania trong khi cựu Tổng thống Barack Obama đến tiểu bang này để vận động cho bà. Cựu Tổng thống Obama đã kêu gọi cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11. Tính đến ngày 24/10, bà Harris đang giành ưu thế 1 điểm phần trăm (48% so với 47%) trong kết quả sơ bộ bỏ phiếu sớm trên toàn quốc.

Một nghịch lý, có lo ngại rằng thành công trong việc gây quỹ của bà Harris có thể khiến tiền mặt cạn kiệt khi cần thiết nhất, bằng cách làm giảm nhiệt tình của các nhà tài trợ trong việc cung cấp thêm tiền mà các nhà chiến lược tin rằng có thể cần thiết để đưa bà vượt qua vạch đích trong cuộc đua căng thẳng. “Chưa bao giờ có nhiều phiếu đại cử tri được đưa ra vào giai đoạn cuối của kỳ bầu cử như vậy, điều đó có nghĩa là nhiệt tình gây quỹ và tình nguyện mạnh mẽ của chúng tôi không được đảm bảo là đủ để tiếp cận hoàn toàn cử tri ở mọi nơi họ đến”, tờ Washington Post trích lời một nhân viên giấu tên trong chiến dịch tranh cử của bà Harris.

Sự xuất hiện của ông Obama trên đường vận động tranh cử diễn ra sau khi đảng Dân chủ nhận thấy bà Harris không kết nối được với các thành phần chủ chốt của khu vực bầu cử của đảng Dân chủ, bao gồm cả nam giới da đen.

Tờ Politico điện tử đưa tin rằng các nhân viên của đảng Dân chủ lo ngại về sự thờ ơ của những người đàn ông da đen ở Detroit, thành phố lớn nhất của tiểu bang Michigan, ngay cả khi chiến dịch của bà Harris đã cử một số người Mỹ gốc Phi nổi tiếng đến tiểu bang này, bao gồm huyền thoại bóng rổ Magic Johnson. Tôi lo ngại về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở Detroit”, Jamal Simmons, cựu giám đốc truyền thông của bà Harris, nói với tờ Politico.

Mối lo ngại đã lan sang các chiến lược gia của các chiến dịch tranh cử tổng thống thắng lợi trước đây của đảng Dân chủ, bao gồm David Axelrod, cựu cố vấn cấp cao của ông Obama. Ông Axelrod đã nói với trang tin điện tử Axios: “Bà Harris đã đạt được những tiến bộ ổn định và gia tăng trong 10 ngày sau cuộc tranh luận (10/9), nhưng hiện tại cuộc đua đã đi vào bế tắc”.

Một quan chức chiến dịch tranh cử của bà Harris cho biết họ luôn mong đợi cuộc bầu cử sẽ là “một cuộc đua có biên độ sai số”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.