Bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Một công trường ngổn ngang
Ngày 7/11, một ngày trước khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ chính thức diễn ra, đã có 42 triệu cử tri Mỹ hoàn tất bỏ phiếu sớm - theo kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu bầu cử thuộc Đại học Florida. Sự quan tâm rất đáng chú ý dành cho cuộc bầu cử này từ cử tri Mỹ, một cách gián tiếp, tô đậm thêm những thách thức dành cho cả đảng Dân chủ đang cầm quyền lẫn Đảng Cộng hòa đối lập, cho dù kết quả ấn định chiến thắng nghiêng về bên nào.
Sức nóng từ những đòi hỏi thực tế
Tại cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, các cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm, 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm (trong đó 15 ghế hiện do đảng Dân chủ nắm giữ, 20 ghế do đảng Cộng hòa kiểm soát).
Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn 36 ghế thống đốc bang, 30 ghế tổng chưởng lý và 27 ghế tổng thư ký bang, hàng nghìn nghị sĩ cấp bang và quan chức địa phương. Nói cách khác, kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ này sẽ tái xác lập những đường nét chính trong cục diện chính trị và kinh tế của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, trong ít nhất là 2 năm tới.
Điều đáng chú ý, nó diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối diện với chỉ số lạm phát cũng như chi phí sinh hoạt cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Vì vậy, đây cũng có thể xem là một cuộc “trưng cầu dân ý” dành cho những chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như đảng Dân chủ của ông.
Không phải ngẫu nhiên, theo kết quả thăm dò được tờ Washington Post và hãng tin ABC công bố ngày 6/11, cử tri Mỹ coi kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng nhất ở lần bỏ phiếu này. Cụ thể, 26% cử tri coi kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất, tiếp theo là nạo phá thai (22%), lạm phát (21%) và các mối đe dọa đối với nền dân chủ (21%).
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, trước ngày bầu cử chính thức, đảng Cộng hòa dẫn trước đảng Dân chủ 14 điểm trong quan điểm vể cách thức xử lý các vấn đề kinh tế, 12 điểm trong vấn đề lạm phát và giá cả leo thang, 20 điểm về xử lý tội phạm. Điều này phản ánh xu hướng trong các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Mỹ lo lắng nhất về “túi tiền” của họ và có vẻ đảng Cộng hòa được tin tưởng hơn trong việc xoay chuyển tình hình, đặc biệt là khi đảng Dân chủ vẫn trung thành với “cương lĩnh” đã giúp họ thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngược lại, đảng Dân chủ dẫn trước đảng Cộng hòa 13 điểm trong vấn đề nạo phá thai và 19 điểm trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không đảng nào chiếm lợi thế trong vấn đề quy chế dành cho người nhập cư, bất chấp việc đảng Cộng hòa đã phát động chiến dịch cứng rắn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép tăng vọt, đồng thời công kích mạnh mẽ chính sách "mở cửa" biên giới của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 49% cử tri đã đăng ký tham gia bầu cử sẵn sàng đi bỏ phiếu và 48% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. 80% những người ủng hộ đảng Cộng hòa hoặc các cử tri cánh hữu đã đi bỏ phiếu hoặc khẳng định sẽ đi bỏ phiếu, trong khi chỉ 74% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ sẵn sàng làm việc này.
Theo một số kết quả khảo sát xã hội khác, tỷ lệ ủng hộ đối với ông chủ Nhà Trắng chỉ ở mức 40%, nhỉnh hơn một chút so với mức thấp nhất 36% hồi tháng 5-6 vừa qua. Tỷ lệ cử tri không ủng hộ hoặc cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng, lên tới gần 60%, điều cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đang giảm đi.
Tại Thượng viện, tỷ lệ ủng hộ hai đảng dao động theo từng mốc thời gian và đến thời điểm sát bầu cử thì gần như cân bằng. Ở Thượng viện, đảng Dân chủ giữ 50 ghế (gồm 48 ghế của đảng và 2 ghế độc lập), còn đảng Cộng hòa cũng nắm 50 ghế. Ở Hạ viện, đảng Dân chủ đang có 220 ghế, với 212 ghế của đảng Cộng hòa.
Và theo tờ The Hill ngày 7/11, khi Tổng thống Biden kêu gọi: “Hãy tưởng tượng chúng ta có thể làm những gì nếu duy trì được quyền kiểm soát Quốc hội”, thì thực tế, ai cũng có thể nhận ra, cơ hội chiến thắng dành cho đảng Dân chủ là không hề rõ ràng.
Những quân bài cũ
Ở không ít khía cạnh ngoài lề, cuộc bầu cử giữa kỳ lần này đang gợi lại hình bóng của những cuộc tranh luận chia rẽ sâu sắc nước Mỹ, tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Đơn cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và ít nhất 3 ứng cử viên đảng Cộng hòa khác tại 3 bang trọng yếu là Pensylvania, Wisconsin và Michigan đã tuyên bố nghi ngờ tính hợp pháp của các lá phiếu bỏ bằng đường bưu điện (khoảng 22,7 triệu phiếu). Tranh cãi về tính pháp lý của các phiếu bầu khiến các bang chiến địa như Pensylvania đối mặt với nguy cơ xảy ra hỗn loạn trong ngày bầu cử. Nếu kết quả không thuận lợi cho đảng Dân chủ, rất có thể việc kiểm phiếu sẽ kéo dài, thậm chí phải kết thúc tại Tòa án Tối cao.
Hơn thế, sự trở lại chính trường của cựu Tổng thống Donald Trump - người không giấu giếm ý định sẽ tái tranh cử vào năm 2024 - đang khiến những chia rẽ về quan điểm trong lòng xã hội Mỹ trở nên rõ ràng hơn. Với những người ủng hộ ông, việc phe Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11 sẽ mở rộng đường cho ông trở lại Nhà Trắng. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động, ông Trump đã đẩy mạnh các hoạt động, thăm các bang Iowa và Florida cũng như bang Pennsylvania.
Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, ông Trump tiếp tục kêu gọi các cử tri "cứu lấy giấc mơ Mỹ" bằng cách bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, sau khi bày tỏ lo ngại về vị thế của Washington trên trường quốc tế trong những năm gần đây.
Tuy vậy, dù kết quả cuộc bầu cử này nghiêng về phía nào, tựu trung, vẫn sẽ chỉ có 3 kịch bản chính: Đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát lưỡng viện; đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện; đảng Dân chủ thất bại ở cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Ở kịch bản đầu tiên, nhiều khả năng đảng Dân chủ sẽ bắt đầu lại các cuộc đàm phán về một số mục trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden - những hạng mục chưa được thông qua, bao gồm cả gói chương trình kinh tế và xã hội mới, bị đình trệ do bất đồng nội bộ của đảng này.
Ở 2 kịch bản còn lại, có thể tin chắc rằng mọi quyết sách lớn của đảng Dân chủ đều sẽ vấp phải những sự ngáng trở cực kỳ khó vượt qua từ phe đối lập. Không loại trừ khả năng, những hiện tượng đặc trưng của chính trường Mỹ như “vách đá tài chính” hay tình huống Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời do thiếu đồng thuận ở quốc hội về kinh phí hoạt động cũng sẽ lại liên tục xuất hiện.
Đương nhiên, những xáo trộn trong nội tại nước Mỹ chắc chắn cũng sẽ tác động đến nhiều phương diện của tình hình quốc tế, theo cách này hay cách khác. Đơn cử, vấn đề mà cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa sẽ đều phải đối mặt vẫn là mức độ can dự vào cuộc xung đột quân sự ở Ukraine (cùng các vấn đề đi kèm là “sức sống” của NATO, cùng mối quan hệ với Liên minh châu Âu/EU).
Ngày 7/11, Nhà Trắng khẳng định tiếp tục ủng hộ “vững chắc” với Ukraine, ngay cả khi đảng Cộng hòa chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ. Phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Kiev.
Song, một số khác có lập trường thân cận với ông Donald Trump chỉ trích Washington đã quá “hào phóng” với gói viện trợ 40 tỷ USD được lưỡng đảng phê duyệt hồi tháng 5, cũng như yêu cầu chi thêm 11,2 tỷ USD khác của Tổng thống Joe Biden. Gần đây, thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy, người sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cơ quan này, đã cảnh báo sẽ không có tấm “séc trắng” nào cho Ukraine nếu đảng của ông chiến thắng. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell - một nghị sĩ Cộng hòa khác - cho biết ông sẽ vượt qua Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy các hoạt động cung cấp các loại vũ khí cho Kiev, bao gồm các loại vũ khí tầm xa hơn.
Chỉ riêng câu chuyện này thôi, có lẽ cũng đã đủ khắc họa thực trạng thiếu đồng thuận - vốn hầu như luôn diễn ra trước và sau các cuộc bầu cử Mỹ. Mặc dù vậy, cũng không nên quên rằng, khác với chuyện “nội trị”, đường lối ngoại giao của nước Mỹ (cũng như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới) thường dễ tìm được điểm thỏa hiệp giữa các phe phái hơn, khi điều bị thách thức và ảnh hưởng là một giá trị chung: Lợi ích cốt lõi của quốc gia.
Dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa nắm quyền, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vẫn sẽ nỗ lực đến tận cùng để duy trì một thế giới đơn cực mà trong đó họ là siêu cường duy nhất.