“Bầu không khí nóng” trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Bảy, 12/11/2022, 07:51

Cuộc tập trận Mỹ - Hàn Vigilant Storm bắt đầu ngày 31/10 với khoảng 240 máy bay và tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles, Key West tham gia. Hai nước dự kiến kết thúc tập trận vào ngày 4/11 nhưng quyết định gia hạn để đáp trả việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 3/11.

Vài giờ trước khi phóng 23 tên lửa các loại ra biển vào tuần trước (nhiều nhất trong một ngày), CHDCND Triều Tiên đưa ra một lời lên án khác về các cuộc tập trận Vigilant Storm. Hàng loạt vụ bắn tên lửa và viễn cảnh một vụ thử hạt nhân khác của CHDCND Triều Tiên cho thấy Washington và các đồng minh không có nhiều lựa chọn để ngăn Bình Nhưỡng tiến hành các chương trình vũ trang. Các nước đồng minh đang chuyển sang những cuộc tập trận quân sự lớn để “răn đe” chiến tranh, mặc dù một số quan chức Mỹ, trong quá khứ và hiện tại, nói rằng các cuộc tập trận như thế có thể góp phần gây ra một “bầu không khí nóng” nơi đây.

Về phần mình, CHDCND Triều Tiên cho biết đã tiến hành các cuộc thử nghiệm và trình diễn vũ khí của mình vì những lý do khác, trong đó có kiểm tra tiến bộ kỹ thuật, tuyên truyền, kiểm tra khả năng sẵn sàng của quân đội, đồng thời chứng minh rằng khả năng răn đe không chỉ đến từ một phía.

“Bầu không khí nóng” trên bán đảo Triều Tiên -0
Chiến cơ F-35B của không quân Mỹ và FK-16 của không quân Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Vigilant Storm.

Các nhà phân tích cho rằng F-35 đã đặt các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Bình Nhưỡng vào tình thế dễ bị tấn công. Năm ngoái, Bình Nhưỡng nói rằng việc Hàn Quốc và các quốc gia sử dụng máy bay phản lực của Mỹ đã buộc họ phải phát triển tên lửa mới. Sau hàng loạt vụ thử tên lửa hồi tháng trước, CHDCND Triều Tiên cho biết họ đang mô phỏng một trận mưa vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào  mục tiêu bao gồm các căn cứ quân sự và sân bay.

Takashi Kawakami, giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, lưu ý rằng ngoài các động thái quân sự khác, Mỹ gần đây đã bắt đầu triển khai các vũ khí tấn công ra tiền tuyến, bao gồm cả việc luân chuyển máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới Okinawa. Ông nói thêm, việc phóng đồng thời tên lửa tầm ngắn và tầm xa cùng các vũ khí khác là điều đáng ngại vì chúng cho thấy CHDCND Triều Tiên đang thực hành chuẩn bị kế hoạch tấn công các mục tiêu ở xa của Mỹ trong một cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên nếu có.

Một số nhà phân tích cho rằng năm ngoái Bình Nhưỡng đã có số lượng các vụ thử nghiệm tên lửa kỷ lục trước khi Mỹ-Hàn nối lại các cuộc tập trận lớn và phản ứng của họ đối với các cuộc tập trận mới nhất cho thấy nước này có thể đang tạo tiền đề cho một điều gì đó lớn hơn. Về vụ phóng tên lửa chưa từng có của Bình Nhưỡng tuần trước, ông Kawakami nói: “Các vụ phóng tên lửa này chỉ nhằm mục tiêu làm leo thang căng thẳng. Họ có thể sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới”. Có vẻ như Triều Tiên đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị kỹ thuật cho một vụ thử hạt nhân, lần thử gần đây là năm 2017, theo các quan chức Hàn Quốc và Mỹ. Theo ông Kawakami, CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì một số lý do, bao gồm tăng tác động của vụ thử, định hình cách Mỹ và các đồng minh nhìn nhận vụ thử, làm loãng phản ứng của cộng đồng quốc tế hoặc giúp Bình Nhưỡng xoa dịu Trung Quốc. Bắc Kinh phẫn nộ về việc thử hạt nhân ngay trước cửa nhà mình nhưng cũng đổ lỗi cho Washington và Seoul vì đã làm trầm trọng thêm tình hình.

“Về mặt chính trị và ngoại giao, mục tiêu của CHDCND Triều Tiên là gây áp lực với Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ để Washington rút lại các chính sách thù địch với Bình Nhưỡng, đồng thời cho cử tri Mỹ thấy rằng chính sách của Tổng thống Biden với CHDCND Triều Tiên đã thất bại”, Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên ở Seoul nhận định. Chính quyền Bình Nhưỡng cũng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong thời điểm kinh tế đất nước gặp khó khăn, ông nói.

Park Won-gon, giáo sư tại Đại học Ewha Womans ở Seoul cho rằng Chủ tịch Kim có thể sẽ tìm kiếm sự công nhận ngầm CHDCND Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và việc đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là một mục tiêu phi thực tế. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố với toàn thế giới hồi tháng trước rằng CHDCND Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và sẽ không bao giờ từ bỏ. Ông nói rằng quyết định này “không thể đảo ngược”, rằng những vũ khí này đại diện cho “phẩm giá, cốt lõi và sức mạnh tuyệt đối của nhà nước” và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển chương trình này “chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên trái đất”.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu bây giờ đã phải lúc chấp nhận rằng CHDCND Triều Tiên trên thực tế là một quốc gia có vũ khí hạt nhân? Làm như vậy sẽ chôn vùi những mong muốn lạc quan hay thậm chí là ảo tưởng khi hy vọng rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể vẫn chưa hoàn thiện hoặc vẫn có thể thuyết phục họ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ankit Panda, chuyên nghiên cứu chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nói: “Đơn giản là chúng ta phải đối xử với họ theo đúng bản chất của nó chứ không phải như chúng ta mong muốn”. Nhìn dước góc độ thuần túy thời sự, CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và rất ít người theo dõi sát tình hình có thể bác bỏ điều này. Thống kê gần đây trong tờ Bulletin of the Atomic Scientists ước tính rằng CHDCND Triều Tiên có thể đã sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo từ 45 đến 55 đầu đạn hạt nhân. Các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây cho thấy họ có một số phương pháp vận chuyển những vũ khí này. Tuy nhiên, việc thừa nhận một cách công khai điều này hết sức nguy hiểm đối với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Mỹ.

“Bầu không khí nóng” trên bán đảo Triều Tiên -0
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Un phát biểu tại Bình Nhưỡng.

Một trong những lý do lớn nhất để Mỹ không làm vậy vì lo ngại châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á. Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ là một vài láng giềng mong muốn sánh ngang với Bình Nhưỡng.

Nhưng, một số chuyên gia nói rằng việc từ chối thừa nhận sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, trước những bằng chứng ngày càng rõ ràng, không khiến cho các nước lân cận cảm thấy yên tâm. Ngược lại, họ lại càng lo lắng hơn vì có cảm giác là các đồng minh của Mỹ đang rúc đầu, không muốn nhìn thẳng vào sự thật. Andrei Lankov, giảng viên Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định:

“Hãy chấp nhận CHDCND Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và họ có tất cả các loại vũ khí cần thiết có thể mang đầu đạn hạt nhân, kể cả ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) khá hiệu quả”. Nhiều chuyên gia gợi ý rằng có thể nên nhìn nhận chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên giống chương trình của Israel - tức là ngầm chấp nhận chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đó là giải pháp được Jeffrey Lewis, giáo sư thỉnh giảng tại trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey đưa ra.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.