Bê bối tàu ngầm và dấu hiệu của một trật tự toàn cầu mới

Thứ Năm, 23/09/2021, 08:35

Mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ-Anh-Pháp rạn nứt và có nguy cơ bị xóa sổ khi Pháp triệu hồi đại sứ của mình về nước. Bối cảnh căng thẳng càng trở nên phức tạp bởi Australia quyết định rút khỏi hợp đồng trị giá 66 tỉ USD với Naval Group (Pháp) đóng một hạm đội tàu ngầm truyền thống và thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ của Mỹ-Anh sau khi thiết lập đối tác an ninh 3 bên mới mang tên AUKUS.

Cú đâm sau lưng

Trả lời đài RFI về quyết định của Canberra và Washington, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian cho biết, đây là “cú đâm sau lưng”. Hiện Pháp đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia. “Đã có sự nói dối, một sự vi phạm lớn giữa lòng tin và sự khinh thường”, ông Le Drian nói với kênh truyền hình France 2 đồng thời mô tả việc rút đại sứ lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước là một hành động “mang tính biểu tượng” nhằm “cho thấy chúng tôi không hài lòng như thế nào và đang có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa hai bên”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh, Australia đã “nuốt lời” và tuyên bố hủy cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Anh vốn đã lên lịch từ lâu. Bà Florence Parly khẳng định, sự giải thích của Thủ tướng Australia Scott Morrison là công nghệ tàu ngầm quy ước, theo mẫu mà Naval Group dự kiến đóng không còn thích hợp với Canberra là một sự giải thích nhầm lẫn và cố ý. Còn Anh đã hành động một cách “cơ hội” trong thỏa thuận giữa Mỹ-Australia, dẫn đến việc Canberra từ bỏ thỏa thuận đã ký với Paris trước đó.

Bê bối tàu ngầm và dấu hiệu của một trật tự toàn cầu mới -0
Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp hồi tháng 6 ở Điện Elysee. Ảnh: AP

Năm 2016, Naval Group đã trúng thầu hợp đồng trị giá 66 tỷ USD đóng 12 tàu ngầm quy ước cho hải quân Australia. Trong những năm qua, Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron đã rất nỗ lực ủng hộ sự hợp tác này. Tuy nhiên, phía Australia lại dần đưa ra những lời chê trách với Pháp như chậm trễ hoặc chi phí bị đội lên. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, Pháp cùng Naval Group là bên thiệt thòi nhất dù được chính quyền Canberra chuẩn bị bồi thường gần 300 triệu USD.

Trong bối cảnh bị Pháp chỉ trích dữ dội, Thủ tướng Australia Scott Morrison lên tiếng thanh minh và cho hay ông từng đề cập tới khả năng Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmnauel Macron. Thừa nhận sự tổn hại đối với mối quan hệ Australia-Pháp, ông Scott Morrison nói: “Tôi đã làm rất rõ. Chúng tôi đã có một bữa tối dài tại Paris về những vấn đề hết sức quan ngại liên quan đến khả năng của các tàu ngầm truyền thống trong việc đối phó với môi trường chiến lược mới mà chúng ta đang đối mặt. Tôi cũng đã làm rõ rằng đó là một vấn đề mà Australia cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia”. Cũng theo giải thích của Thủ tướng Australia, công nghệ tàu ngầm quy ước theo mẫu mà Naval Group dự kiến đóng không còn thích hợp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bởi tàu ngầm hạt nhân có nhiều lợi ích hơn, mạnh hơn, bền hơn, nhanh hơn, kín đáo hơn và có khả năng chuyên chở lớn hơn.

8 tàu ngầm SSN

Cho đến ngày 20-9, cả Mỹ, Anh, Australia đều bày tỏ sự tiếc nuối trước hành động của Pháp. Nhà Trắng đã ra thông cáo nhấn mạnh Pháp là “một đối tác sống còn, một đồng minh lâu đời” và Washington muốn giải quyết căng thẳng thông qua con đường ngoại giao. Hiện cả Pháp và Mỹ đang nỗ lực sắp xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng thống Joe Biden. Anh cũng không ngoại lệ, tìm mọi cách hàn gắn quan hệ với chính quyền Paris. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố ông đã nói chuyện với người đồng cấp Pháp và rằng “đó không phải là bất đồng chiến lược giữa Anh và Pháp. Tôi thấu hiểu sự thất vọng của Paris đối với hợp đồng này”.

Bê bối tàu ngầm và dấu hiệu của một trật tự toàn cầu mới -0
Bê bối tàu ngầm và dấu hiệu của một trật tự toàn cầu mới -1
Bê bối tàu ngầm và dấu hiệu của một trật tự toàn cầu mới -0
Australia quyết định mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh và Mỹ.

Theo tin từ Hãng Reuters, giới chức Australia đã xác nhận việc Canberra hủy hợp đồng sản xuất 12 tàu ngầm quy ước với Naval Group của Pháp trị giá 66 tỷ USD và chuyển sang dùng tàu ngầm hạt nhân của Anh-Mỹ. Với thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ có ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân được chế tạo theo công nghệ Anh-Mỹ và chiếc đầu tiên dự kiến bàn giao vào năm 2040. Cùng với việc hợp tác mới này, Australia dự kiến sẽ cho nghỉ hưu hạm đội 6 tàu ngầm lớp Collins vào năm 2030. Với sự hỗ trợ của Anh-Mỹ, Australia sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới vận hành tàu ngầm hạt nhân.

Theo CNN, Mỹ có 3 loại tàu ngầm hạt nhân gồm: tàu ngầm lớp Ohio có khả năng bắn tên lửa đạn đạo (SSBN); tàu lớp Ohio có khả năng bắn tên lửa dẫn đường và triển khai các hoạt động đặc biệt (SSGN) và tàu tấn công nhanh (SSN). Anh có 12 tàu ngầm hạt nhân gồm tàu SSBN thuộc lớp Vanguard và tàu SSN. Australia đã xem xét kỹ từng loại tàu ngầm này và lựa chọn SSN. Cụ thể, tàu SSN lớp Virginia của Mỹ đại diện cho một thành tựu kỹ thuật hiện đại. Thân tàu áp suất đường kính 10,2m chứa một lò phản ứng S9G có khả năng được đánh giá ở khoảng 190 megawatt, tương đương với lò phản ứng OK-650 của Nga trong lớp Akula của Dự án 971. Lớp Virginia có tuổi thọ lõi của lò phản ứng trên tàu là 33 năm và không cần tiếp nhiên liệu. Còn tàu SSN lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh tự hào có lõi lò phản ứng “sự sống của tàu” vượt trội hơn nhiều so với yêu cầu tiếp nhiên liệu mỗi thập niên một lần của Barracuda (Pháp). Đáng chú ý là không lâu sau lễ công bố AUKUS, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng xác nhận việc nước này sẽ mua tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Trật tự thế giới mới?

Trên thực tế, thỏa thuận mới giữa Australia với Mỹ-Anh không chỉ làm Pháp nổi giận mà còn khiến Trung Quốc khó chịu. Thế nhưng, đến nay, Bắc Kinh vẫn khá im lặng. Trước đó, Trung Quốc từng cáo buộc phương Tây có “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và cảnh báo nước ngoài không nên can thiệp vào khu vực và rằng Bắc Kinh sẽ “theo dõi chặt chẽ tình hình”.

Vậy AUKUS có ý nghĩa như thế nào với 3 bên trong liên minh và cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương? Một số nhà quan sát gọi nó là “thỏa thuận hạt nhân” nhưng lại không là gì cả bởi các tàu ngầm không phải là những chiếc Tridents mang vũ khí hạt nhân được thấy trong bộ phim truyền hình Vigil của BBC, mà là những chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, mang lại tầm hoạt động xa hơn. Đối với phương Tây, AUKUS là sự ràng buộc của Mỹ vào an ninh châu Á-Thái Bình Dương trong dài hạn và sự dính líu của Mỹ vào an ninh châu Âu trong một thế giới mà NATO có thể ít liên quan hơn.

Tờ Guardian bình luận: “Tuần này, Pháp có mọi lý do để tức giận về việc mất hợp đồng tàu ngầm và liên minh với Australia. Trong thập niên tới, Anh và Pháp đều sẽ là trụ cột của trật tự an ninh châu Âu (cùng một lực lượng mới ra đời của EU). Liên kết với AUKUS mang lại sự ổn định quan trọng nhất - sự hiện diện của Mỹ là đồng minh vững chắc với một cường quốc lớn ở châu Âu là Anh (mặc dù không thuộc EU). AUKUS gợi ý rằng trật tự tự do có thể tự tái tạo thông qua các thỏa thuận nhỏ, trong đó các nhóm quyền lực khác nhau cùng hành động trong các vấn đề khác nhau. “QUAD” của Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ là ví dụ nổi tiếng nhất về điều này nhưng AUKUS có thể là một dấu hiệu nhiều hơn nữa. Những thỏa thuận đó có thể khiến từng thành viên của trật tự tức giận trong thời gian ngắn (Anh tức giận Mỹ về Afghanistan, Pháp giận Australia vì AUKUS) nhưng chúng thực sự cho thấy trật tự tự do mạnh mẽ hơn những ồn ào bề ngoài. Đó không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh, mà là một loạt các chuyển thể thay đổi liên tục”.

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, Trung Quốc sẽ ít quan tâm hơn đến các chi tiết cụ thể của AUKUS, vì đã có rất nhiều khí tài quân sự phương Tây trong khu vực. Song, thách thức thực sự đối với Trung Quốc là, tại sao rất ít quốc gia láng giềng của họ phàn nàn về hiệp ước mới này.

Một báo cáo từ Nhóm chính sách đối ngoại của Anh hồi trung tuần tháng 9 cho thấy, động thái gia nhập CPTPP sẽ là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm cải thiện vấn đề khu vực xung quanh. Một ngày sau khi AUKUS được công bố, Bắc Kinh cũng tuyên bố chính thức tham gia quan hệ đối tác. Đây là một bước đi thông minh nhưng cũng là một rủi ro. CPTPP đòi hỏi một loạt các tiêu chuẩn về thương mại và quan trọng là lao động. Những tiêu chuẩn này chắc chắn yếu hơn các quy tắc của EU nhưng vẫn chính xác hơn so với các quy tắc của chính Trung Quốc. Bắc Kinh có sức mạnh và có thể đàm phán các điều khoản của riêng mình một cách tự do hơn so với các thành viên nhỏ hơn. Nếu Anh có thể tìm ra cách đóng góp vào một quá trình đưa Trung Quốc vào các tiêu chuẩn cao hơn về thương mại và quyền lao động, đồng thời với việc giữ cho AUKUS tồn tại thì đó sẽ là một đóng góp thực sự cho ý tưởng “Nước Anh toàn cầu”.

Còn Mỹ, chính cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa Washington ra khỏi TPP, tiền thân của CPTTP. Nhưng, nỗ lực của Trung Quốc có thể chỉ cám dỗ người Mỹ quay trở lại; đó có nghĩa là điều trớ trêu nhất của AUKUS có thể là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên chia rẽ hơn về vấn đề an ninh, đồng thời gắn bó chặt chẽ hơn với nhau thông qua thương mại.

Khánh Chi
.
.