Bị phạt vì tin máy đo nồng độ cồn mua trên mạng

Thứ Bảy, 04/03/2023, 09:15

Khi lực lượng CSGT kiên quyết xử lý những lỗi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện thì cũng là lúc máy đo nồng độ cồn được rao bán rầm rộ trên mạng. Với tâm lý “test” trước nồng độ cồn, nhiều “ma men” đã tự rước họa vào thân khi vẫn bị CSGT bắt lỗi bởi những chiếc máy trôi nổi đó không cho ra kết quả chính xác.

“Thập cẩm” máy đo

Chẳng khó khăn gì để sở hữu một chiếc máy đo nồng độ cồn, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “mua máy đo nồng độ cồn”, bạn có thể thoải mái lựa chọn đủ chủng loại. Các sản phẩm này được quảng cáo với xuất xứ đa dạng, từ hàng Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến các nước châu Âu như Anh, Đức... với giá chênh nhau cả chục lần.

Bị phạt vì tin máy đo nồng độ cồn mua trên mạng -0
Lực lượng CSGT sẽ liên tục kiểm tra, xử lý nồng độ cồn với lái xe trên các tuyến đường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bán chạy nhất là loại máy có xuất xứ từ Trung Quốc, được quảng cáo là giá rẻ lại tiện ích vì rất nhỏ gọn (máy đo nồng độ cồn mini - PV). Đặc biệt lại có giá vô cùng hấp dẫn, chỉ dao động từ hơn 100 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Gọi vào số điện thoại 093435xxx, vừa nghe chúng tôi hỏi về chiếc máy đo nồng độ cồn Trung Quốc với giá chỉ 200 nghìn đồng liệu có chính xác không thì người bán hàng trả lời: “Chính xác chứ, không chính xác mà bên anh lại bán được hàng nghìn cái. Em tìm tới shop anh là đúng chỗ rồi đó, đảm bảo uy tín. Nếu sai anh cam kết trả lại tiền, thế là yên tâm rồi chứ”. Để thuyết phục chúng tôi, người đàn ông này đã nói liền một mạch để PR cho sản phẩm mình đang bán.

Tương tự, khi gọi tới một số điện thoại khác, phóng viên ngỏ ý muốn mua máy đo nồng độ cồn trong hơi thở có tên “Alcohol Tester AT-570”. Người bán hàng cho hay, đây là một sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn tích hợp màn hình LCD, hiển thị thông số khi kiểm tra trong hơi thở, sử dụng chip điện tử thế hệ mới.

Vì thế, máy này sẽ giúp định lượng chính xác nồng độ cồn trong hơi thở người uống rượu bia. Ngoài ra, ưu điểm của máy là được thiết kế nhỏ gọn, cầm chắc tay và dễ dàng sử dụng. Độ bền và độ chính xác cao, chip A6 thế hệ mới, độ sai số 0,1%. Tuy nhiên, trong phần giới thiệu về sản phẩm lại tuyệt nhiên không ghi xuất xứ hay thông tin về nhà sản xuất. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua nhiều, sau đó bán buôn, người bán hàng nhanh nhảu đáp: “Chị lấy bao nhiêu cũng có, số lượng không giới hạn”. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ liên quan đến sản phẩm thì nhân viên này lảng đi và tỏ ra nghi ngờ: “Giá cả thế này thì làm gì có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ nguồn gốc. Mà nói luôn với chị, độ chính xác của những con máy này cũng chỉ tương đối thôi. Mình nhập về bán kiếm lời chứ quan tâm gì đến đúng sai”.

Bị phạt vì tin máy đo nồng độ cồn mua trên mạng -0
Một trang web khá nổi tiếng bán nhiều loại máy đo nồng độ cồn.

Mất tiền oan vì máy đo rởm

Thời gian gần đây câu chuyện “thổi nồng độ cồn” có lẽ chiếm khá nhiều thời lượng trong các cuộc nhậu. Người thì kể lại những câu chuyện buồn mà mình gặp phải, người thì mách nhau cách tránh các chốt kiểm tra của CSGT. Thậm chí, nhiều người còn rỉ tai nhau rằng nên thủ cho mình một chiếc máy đo nồng độ cồn riêng. Sau cuộc nhậu, nếu máy báo quá nồng độ cồn thì nhờ bạn bè hay bắt xe về. Còn nếu máy báo không vấn đề gì thì cứ tự tin điều khiển phương tiện.

Vì nghe lời khuyên từ bạn bè mà anh Vũ Văn Thanh (xã Tự Nhiên, Thường Tín Hà Nội) đã bị mất tiền oan. Anh Thanh kể, cách đây hơn 1 tháng, anh có đi ăn liên hoan cùng bạn bè sau tết. Chuẩn bị dự tiệc, anh Thanh nghe một người nói có mang theo máy đo nồng độ cồn mini. Mọi người cứ uống sau đó sẽ kiểm tra. Nếu nồng độ cho phép thì tự lái xe về, còn không sẽ bắt taxi.

“Sau khi uống rượu, anh bạn tôi có mang máy đo cho cả hội thổi. Tôi thổi thì nồng độ báo ở mức cho phép nên cứ ung dung lái xe về mà không sợ. Khi đến gần sân vận động Mỹ Đình thì gặp chốt CSGT kiểm tra. Tôi rất tự tin để các anh CSGT kiểm tra, thật không ngờ máy đo nồng độ cồn của CSGT lại cho kết quả khác. Cũng may, nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu nên tôi chỉ bị phạt 6 triệu đồng chứ chưa đến mức bị tước bằng có thời hạn”, anh Thanh kể lại.

Bị phạt vì tin máy đo nồng độ cồn mua trên mạng -0
Dù thử đo nồng độ cồn bằng máy mua trên mạng nhưng người đàn ông này vẫn bị xử phạt sau khi CSGT thổi nồng độ cồn.

Chị Lê Thị Thúy (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là rút ra bài học sâu sắc khi mua máy đo nồng độ cồn trên mạng. Vì lo lắng chồng đi uống rượu sẽ bị phạt, chị đã mua một chiếc máy đo với giá 500 nghìn đồng trên mạng để sẵn trên ô tô của chồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị Thúy đã thấy nó “có vấn đề” vì trông nó chả khác gì đồ chơi. Dù vậy, chị vẫn nhận. Thế nhưng, hôm đầu tiên chồng chị mang máy ra thử (sau khi đã uống nhiều rượu) thì máy không hiển thị kết quả. Cuối cùng, chị đành phải vứt cái máy “rác” đó đi.  

Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như nhân viên của mình, hiện nay rất nhiều công ty vận tải thực hiện việc đo nồng độ cồn với lái xe. Anh Nguyễn Đức Chiến (tài xế một hãng xe bus trên địa bàn Hà Nội) cho hay, gần đây công ty anh thường xuyên thực hiện đo nồng độ cồn đối với lái xe trước khi nhận ca. Nếu các tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị cắt ca lái hôm đó, trừ vào tiền lương. Anh Chiến kể: “Tôi lái xe bus thì việc đo nồng độ cồn là cần thiết. Thế nhưng, tôi vẫn hoài nghi với những chiếc máy đo nồng độ cồn ở công ty, vì theo tôi quan sát, máy này không có tem kiểm định gì cả. Hơn nữa, nhìn không khác gì so với những cái máy được bán trên mạng xã hội. Có lần đi dự đám cưới bạn, tôi chỉ uống 1 chén rượu nhỏ nhưng khi vào ca làm, họ kiểm tra nồng độ cồn của tôi thì lại vượt mức cho phép. Hôm đó tôi bị cắt ca và bị trừ lương. Rõ ràng, việc đo nồng độ cồn là rất đúng nhưng những chiếc máy đo đó phải là máy chuẩn, có kiểm định rõ ràng để chúng tôi không bị oan. Đấy là máy sai kiểu tăng nồng độ cồn, chứ nếu uống nhiều mà máy lại đo xuống, vẫn cho tài xế lái ca đó thì thực sự nguy hiểm”.

Bị phạt vì tin máy đo nồng độ cồn mua trên mạng -0
Chiếc máy này rao bán với giá hơn 1 triệu đồng.

Không chỉ công ty vận tải sử dụng máy đo nồng độ cồn với nhân viên mà một số công ty sản xuất cũng sử dụng loại máy này đối với công nhân trước giờ làm việc. Anh Nguyễn Huy Khoa, quản đốc một công ty cơ khí trên địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên cho biết, công ty anh gần đây có kiểm tra nồng độ cồn của công nhân trước giờ làm. Anh kể: “Công ty tôi hầu hết công nhân đều sử dụng máy móc, từ máydập, tiện, khoan, hàn... đến những máy móc hiện đại. Công ty tôi từng có những công nhân bị tai nạn do uống rượu nên giờ quy định rất chặt chẽ. Cách đây 2 tuần, sau khi đi nhậu với bạn buổi trưa cũng khá say nhưng khi tôi đo nồng độ cồn trước khi vào làm thì máy lại báo không vượt mức cho phép. Lúc vào làm, thấy người vô cùng khó chịu, tôi quyết định báo với quản đốc là mình không đủ tỉnh táo để điều khiển máy. Khi dùng máy đo nồng độ cồn khác để kiểm tra lại thì tôi vượt ngưỡng quá xa. Từ đó để thấy, việcmua bán máy đo nồng độ cồn trôi nổitrên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm. Cá nhân, đơn vị nào muốn mua máy đo nồng độ cồn chính xác, tôi nghĩ cần tìm đến địa chỉ tin cậy, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định”.

Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trongthời hạn giá trị ghi trên tem. Các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.

Bị phạt vì tin máy đo nồng độ cồn mua trên mạng -0
Một mẫu máy đo nồng độ cồn đang bán chạy với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

Nói về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT Bộ Công an cho biết: “Người dân có thể dùng những thiết bị này để tham khảo, còn để xử lý vi phạm hành chính đối với việc vi phạm nồng độ cồn thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đó là những thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lực lượng chức năng sử dụng. Thiết bị này được kiểm định và thỏa mãn giữa 2 kỳ kiểm định theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kết quả của thiết bị này mới có giá trị để xử phạt vi phạm hành chính”.

Như vậy, hầu hết các máy đo nồng độ cồn bán tràn lan trên mạng hiện nay người dân mua về để dùng một cách tự phát chứ những máy đo nồng độ cồn này không được kiểm định và chứng nhận chất lượng bởi bất kỳ tổ chức nào. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, chủ các phương tiện giao thông nếu đã uống rượu thì không nên lái xe”.

Phong Anh
.
.