Brazil: Mối lo từ xác tàu sân bay bị đánh chìm

Thứ Hai, 13/02/2023, 19:53

Ngày 3/2/2023, hải quân Brazil đã đánh chìm tàu sân bay Sao Paulo xuống đáy biển độ sâu 5.000 m bằng thuốc nổ tại một điểm cách bờ biển nước này 350 km. Đối với nhiều người, đây là dấu chấm hết cho một chiếc tàu từng có thời là niềm kiêu hãnh của cả Pháp và Brazil.

Nhưng, không ít nhà hoạt động môi trường lại gióng hồi chuông báo động vì cho rằng xác tàu khổng lồ kia hoàn toàn có thể trở thành một “quả bom ô nhiễm” trong tương lai gần.

Bài toán nan giải

Foch là tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Clemenceau được hải quân Pháp đưa vào biên chế hồi đầu thập niên 1960. Riêng tàu Foch được khởi công vào năm 1957 và hạ thủy năm 1959. Trong vòng 37 năm phục vụ hải quân Pháp, Foch đã nhiều lần ghi tên mình vào lịch sử. Nó có mặt trong vụ thử bom nguyên tử của Pháp tại Thái Bình Dương. Nó từng tham gia những chiến dịch quân sự trong các cuộc chiến tranh tại Djibouti, Lebanon và Yugoslavia. Nhưng rồi Paris quyết định bán con tàu cũ cho Brazil để “dọn đường” cho tàu sân bay Charles de Gaulle.

Brazil: Mối lo từ xác tàu sân bay bị đánh chìm -0
Tàu sân bay Sao Paulo của Brazil.

Tàu Foch được đổi tên thành Sao Paulo và đóng vai trò “xương sống” trong hải quân Brazil từ năm 2000 đến 2018. Nó là tàu sân bay thứ hai Brazil sở hữu sau chiếc Minas Gerais được đóng từ Thế chiến II. Tuy đã có phần lỗi thời nhưng với Sao Paulo, Brazil vẫn có thể tự hào là quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ sở hữu tàu sân bay, đi cùng đó là khả năng bành trướng quyền lực của mình đến bất kỳ đâu trên thế giới.

Trên thực tế thì tàu Sao Paulo liên tục gặp hỏng hóc trong thời gian hoạt động. Thiết bị xuống cấp, Brazil lại không tìm được phụ tùng thay thế. Vào năm 2005, một vụ cháy bùng lên trong phòng động cơ của tàu làm 3 thủy thủ tử nạn và 8 người bị thương. Hải quân Brazil nhận thấy không thể tiếp tục “đốt tiền” vào Sao Paulo nữa nên quyết định rút tàu khỏi biên chế vào năm 2018.

Phải 4 năm sau họ mới tìm được cách giải quyết tàu Sao Paulo. Họ bán xác tàu cho công ty tái chế Sok Denizcilik ở Thổ Nhĩ Kỳ để tháo dỡ lấy sắt vụn. Brazil chi 12 triệu USD để mua tàu sân bay từ Pháp, chưa kể chi phí vận hành, sửa chữa và nâng cấp tàu. Họ bán tàu đi với giá 1,91 triệu USD. Theo kế hoạch thì tàu Sao Paulo sẽ thực hiện chuyến hành trình cuối cùng từ Rio de Janeiro qua eo biển Gibraltar để cập bến Thổ Nhĩ Kỳ.

Mọi chuyện đều diễn ra ổn thỏa cho đến khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ ra lệnh đóng cửa cảng, không cho tàu sân bay đỗ lại tại bất kỳ đâu trên đất nước họ. Theo thông cáo của Ankara thì bộ môi trường của họ phát hiện ra rất nhiều sai sót trong báo cáo tác động môi trường được phía Brazil đệ trình. Đơn cử, trong báo cáo ghi trên tàu chỉ có 9,6 tấn asbestos được dùng để lát trần và bọc chống lửa cho các thiết bị. Con số này trên thực tế lên đến 600 tấn. Abestos là một loại vật liệu cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây ung thư đường hô hấp cho bất kỳ ai hít phải. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng lo ngại khả năng abestos và những loại vật liệu, hóa chất nguy hiểm khác trên tàu Sao Paulo lọt vào đất, nước, không khí khi con tàu này được phá dỡ.

Trong khi Bộ Ngoại giao Brazil điều đình với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vướng mắc, dư luận trong nước xôn xao bàn tán chuyện phải làm gì với con tàu. Một số cá nhân và tổ chức vận động cho việc biến Sao Paulo trở thành một “viện bảo tàng” trên biển, nhưng quan điểm này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi bởi vấn đề chi phí. Tập đoàn Sela Saudi Arabian Jeddah của Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng trả giá gấp 3 mức phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra để mua lại con tàu. Có thông tin cho rằng tập đoàn này nhận được sự ủng hộ ngầm của Riyadh muốn mua Sao Paulo về để phục vụ mục đích quân sự. Không rõ vì lý do gì mà cuộc thương thảo giữa Brazil và Tập đoàn Sela đi đến thất bại.

Quan điểm chung của đại đa số người dân Brazil là không thể để tàu sân bay trở về nước vì lo sợ ô nhiễm môi trường. Đồng thời, theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Brazil, trên thân tàu đã xuất hiện những lỗ thủng khiến nước tràn vào khoang. Không còn sự lựa chọn nào khác, họ đành đặt thuốc nổ để đánh chìm tàu.

Thảm họa chực chờ

Ngay sau khi thông tin tàu Sao Paulo bị đánh chìm được công bố rộng rãi, nhiều tổ chức hoạt động vì môi trường quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Brazil vì hành động này. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) ra thông cáo nói: “Đánh chìm một con tàu sân bay ở giữa Đại Tây Dương thật không khác gì vụ khủng bố quốc tế. Brazil đã “đầu độc” không chỉ biển khơi và những loại động thực vật sống dưới nước, mà còn cả trăm triệu người dân đang và sẽ sống ở bờ biển của họ và những quốc gia Nam Mỹ khác”.

Vậy xác tàu Sao Paulo nguy hiểm đến mức nào? Chuyên gia Baskut Tuncak của ủy ban về vật liệu độc hại thuộc Liên hợp quốc cho biết: “Tàu Sao Paulo được đóng vào thập niên 1950. Khi đó công nghệ vật liệu chưa phát triển, mà người ta cũng không nghĩ đến việc con tàu sẽ có ngày bị phá dỡ. Bất kỳ thứ gì trên tàu cũng có khả năng gây nguy hiểm cho môi trường và con người. Lấy ví dụ như nước được chứa trong lòng tàu. Trong thứ nước này có váng dầu, muối vô cơ, thủy ngân, đồng, kẽm, chì, rác thải và đủ loại vi khuẩn, vi trùng đã phát triển hàng chục năm trong điều kiện vô cùng bẩn. Chúng ta hoàn toàn không biết phía Brazil đã làm gì với số nước trong lòng tàu Sao Paulo”.

Không cần nhìn đâu xa để nhìn ra sự nguy hiểm của tàu cũ. Cảng Alang-Sosiya ở thị trấn Alang, tỉnh Gujarat của Ấn Độ được mệnh danh là “thủ đô phá tàu” của cả thế giới. Nó cũng là thủ đô ung thư và trẻ sơ sinh chết yểu ở Ấn Độ. Các nghiên cứu chỉ ra sự đột biến về gen giữa các thế hệ trong những gia đình làm nghề phá tàu ở Alang-Sosiya, từ đó dẫn đến những bệnh di truyền không chữa được. Chưa hết, chất độc, đặc biệt là dioxin và furan sản sinh từ việc tẩy lớp sơn ngoài của tàu, đã làm ô nhiễm cả một khu vực rộng lớn trên bờ lẫn dưới nước. Chính phủ Ấn Độ nghiêm cấm việc sử dụng và mua bán mọi sản phẩm nông nghiệp sản xuất trong khu vực này.

Vũ Công (Tổng hợp)
.
.