Bước ngoặt lịch sử của NATO

Thứ Hai, 10/04/2023, 10:20

Phần Lan vừa chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thứ Ba (4/4), bước ngoặt lịch sử mà theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá là một bước tiến quan trọng của NATO để “phù hợp với tình hình thực tế” hiện nay.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã tham dự buổi lễ kết nạp tại Brussels vào lúc 13h35 (GMT), đánh dấu cột mốc sự kiện Phần Lan gia nhập NATO. “Chúng tôi không muốn người khác bảo chúng tôi nên làm gì và không nên làm gì. Tôi luôn tin rằng NATO sẽ không đóng cửa với chúng tôi, tuy nhiên, Nga đã tìm mọi cách để tạo ra một phạm vi ảnh hưởng xung quanh họ. Chúng tôi không cùng chiến tuyến! Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay chính là câu trả lời”, nguyên thủ quốc gia Phần Lan nói.  “Chúng tôi đã ở trên cùng một chiếc thuyền trong một thời gian dài”, ông nói thêm. “Chúng tôi có quan hệ đối tác tiên tiến với Thụy Điển hơn 10 năm nay và trong thời gian này, chúng tôi đã phát triển năng lực của mình và hợp tác với NATO”.

Bước ngoặt lịch sử của NATO -0
Cờ Phần Lan được kéo lên trước trụ sở NATO tại Brussels.

Việc gia nhập này đánh dấu bước ngoặt trong kỷ nguyên mới của Phần Lan sau nhiều thập niên không liên kết quân sự do chiến tranh với Liên Xô thời Thế chiến II. Kể từ đó, Helsinki đã ủng hộ việc duy trì mối quan hệ thân tình với nước láng giềng Nga. Tuy nhiên, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, theo nhận định của phương Tây thì cuộc chiến này đã thúc đẩy Phần Lan gia nhập NATO.

Sau khi Budapest và Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập của Helsinki vào tuần trước, bước chính thức cuối cùng là bàn giao tài liệu thành viên cho các đại diện của Mỹ tại Brussels để được phê duyệt. Sau khi Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto chuyển tiếp tài liệu này, cờ Phần Lan được kéo lên trước trụ sở NATO cùng với lá cờ của 30 quốc gia thành viên. Các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên minh sau đó sẽ gặp nhau.

Phần Lan có đường biên giới dài tổng cộng 1.300 km với Nga, đồng nghĩa với việc đường biên giới giữa NATO và Nga sẽ tăng gấp đôi. Ý nghĩa biểu tượng lớn nhất của sự kiện này liên quan đến cuộc đối đầu với Điện Kremlin, vì tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ trung lập của Phần Lan, được thông qua vào năm 1944 để giữ hòa khí với Liên Xô. Bất chấp quan điểm trung lập trong vòng 79 năm qua, Phần Lan chưa bao giờ lơ là khả năng quân sự của mình. Quốc gia này hiện có một kho vũ khí đáng kể trên lục địa châu Âu, với khoảng 1.500 khẩu pháo, 100 xe tăng Leopard 2. Nước này còn có khoảng 50 máy bay chiến đấu F/A 18 Hornet và đã đặt mua hơn 60 chiếc F-35 của Mỹ. NATO cũng sẽ có thể trông cậy vào 19.000 binh sĩ và khoảng 280.000 quân dự bị của Phần Lan.

Khi Phần Lan được kết nạp vào NATO, các nước vùng Baltic láng giềng của Nga sẽ có thêm bảo đảm về an ninh. Vốn chỉ có đường biên giới đất liền dài vỏn vẹn 65 km với các đồng minh ở phía Nam, giờ đây, các quốc gia Baltic đã có một đồng minh ở biên giới phía Bắc, ngay bên kia biển Baltic, chuyên gia Juliette Gheerbrant cho biết.

Ở phía Bắc của “Lục địa già” cũng vậy, việc Phần Lan gia nhập NATO còn tăng cường vùng biên giới Na Uy - Nga và nói chung là tăng cường trọng lượng của Liên minh ở khu vực Bắc Cực nhằm đối trọng với lợi ích của Moscow lẫn Bắc Kinh. Cụ thể, Phần Lan đã có các thỏa thuận chiến lược với các nước láng giềng Baltic và với NATO, nhưng kể từ bây giờ, Helsinki cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tương trợ lẫn nhau của các đồng minh trong trường hợp bị tấn công và từ khả năng răn đe hạt nhân của họ.

31 Ngoại trưởng NATO cũng đã nhóm họp để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ diễn ra tại Vilnius vào tháng 7 tới. Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ được tổ chức tại Litva, một quốc gia có đường biên giới với Nga. Đây là một biểu tượng mang ý nghĩa mong muốn phô trương lực lượng nhằm vào Điện Kremlin và thể hiện sự thống nhất của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Tăng chi tiêu quân sự sẽ là nội dung trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius. Sau nhiều thập kỷ Mỹ kêu gọi các đồng minh châu Âu “chia sẻ gánh nặng”, nghĩa là đầu tư vào quốc phòng của chính họ, NATO đã quyết định đặt mục tiêu năm 2014 tại Cardiff là tăng chi tiêu quân sự lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội. Một phần tư các quốc gia đồng minh vẫn chưa có mặt tại đó. Được biết, 2% chỉ là mục tiêu sàn tối thiểu phải đạt được.

“Đây là một tình huống nghiêm trọng. Việc mở rộng của NATO là động thái vi phạm đến an ninh và lợi ích quốc gia của Liên bang Nga. Điều này buộc chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đối phó về mặt chiến thuật và chiến lược vì an ninh của chúng tôi”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. “Về cơ bản, tình hình giữa Nga và Phần Lan khác tình hình với Ukraine. Phần Lan chưa bao giờ chống lại Nga và chúng tôi không tranh chấp gì với họ”. “Việc gia nhập này chỉ có thể ảnh hưởng đến bản chất quan hệ song phương với các quốc gia thành viên mới của NATO, bởi vì liên minh này là một tổ chức không thân thiện, thù địch theo nhiều cách đối với Nga. Nhưng, tôi nhắc lại: Ukraine khác với Phần Lan, không thể so sánh hai bên”.

Bước ngoặt lịch sử của NATO -0
Ông Pekka Haavisto, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan và Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO trong một cuộc họp báo.

Moscow đã cảnh báo rằng họ sẽ tăng cường lực lượng quân sự ở các khu vực phía Tây để đối phó với việc mở rộng của liên minh xuyên Đại Tây Dương này. Tuy nhiên, trước đó Nga đã bắt đầu triển khai quân đội ở gần sườn phía Đông của NATO. Đáp lại những thông báo mới nhất từ Moscow, ông Stoltenberg cho biết NATO đang liên tục khẳng định vị thế của chính mình khi tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự hơn và tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Bắc Âu.

Ông Jens Stoltenberg cũng nhắc lại thông báo của Nga về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. “Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi hạt nhân nào từ Nga khiến chúng tôi phải điều chỉnh lại chiến lược của mình, nhưng chúng tôi sẽ vẫn cảnh giác, giám sát chặt chẽ những gì họ làm và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để luôn đảm bảo khả năng răn đe đáng tin cho tất cả các đồng minh của chúng tôi”, ông Stoltenberg tuyên bố. “Từ việc Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO, chúng tôi đang loại bỏ mọi khả năng tính toán sai lầm của Moscow đối với việc NATO sẵn sàng bảo vệ Phần Lan, điều này vừa giúp Phần Lan an toàn hơn, vừa giúp NATO trở nên mạnh hơn”, ông tuyên bố.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.