Bước ngoặt trên chiến trường Nga-Ukraine
Sau hơn 50 ngày, chiến dịch của Nga tại Ukraine đang bước vào giai đoạn mới. Trong đó, Nga chuyển hướng sang “kế hoạch B”, chuyển trọng tâm vào miền đông Ukraine và dự định sẽ đạt được mục tiêu trong tháng 5-2022.
Phương Tây chắc chắn sẽ ngăn cản Nga bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng liệu sự trợ lực này có thể giúp Ukraine ngăn chặn được Nga hay không, nhất là trong bối cảnh cả Bruxelles lẫn Washington đều tự đặt ra những giới hạn về mặt quân sự để khỏi bị Moscow coi là bên tham chiến?
Ngày 14-4, cuộc chiến Ukraine bước sang ngày thứ 50, thành phố Mariupol có vẻ như sắp không chiu đựng nổi sự tấn công của quân đội Nga và lực lượng ly khai miền Đông. Sau các lãnh đạo chính trị ở Kiev, quân đội Ukraine đã thừa nhận Mariupol, biểu tượng của cuộc kháng cự trước quân Nga, đang sắp thất thủ vì thiếu vũ khí đạn dược. Chỉ huy lực lượng ly khai cũng khẳng định đã kiểm soát hoàn toàn cảng biển của thành phố nằm bên bờ biển Azov.Hiện tại, quân Nga phối hợp với lực lượng ly khai chuẩn bị tấn công vào khu công nghiệp của Mariupol, cứ điểm cuối cùng, nhằm kiểm soát hoàn toàn thành phố trước khi tập trung tổng lực vào chiến trường Donbass.
Với chiến trường mang tính quyết định là Donbass, kế hoạch cũng đã sẵn sàng. Tình báo phương Tây đã nhận ra sự dịch chuyển của các đoàn quân Nga, vốn đã kiểm soát được thành phố chiến lược Izium trên đường đến Kramatorsk. Việc gia tăng không kích tại Severodonetsk và Popasna như báo trước những trận đánh dữ dội. Cuộc chiến mới sẽ diễn ra tại sườn phía Đông, từ Kharkov ở miền Bắc đến Mariupol ở miền Nam. Trong 10 đến 15 ngày tới, Nga sẽ cố gắng giải phóng Donbass gồm 2 tỉnh Luhansk và Donetsk, và nếu được, chiếm thêm Mariupol cùng 2 tỉnh Kherson, Zaporrijia ở miền Nam.
Việc điều thêm quân từ Belarus đến miền Đông sẽ mất 3-4 ngày và lực lượng tăng viện từ Quân khu miền Trung và miền Đông của Nga mất thêm vài ngày nữa. Nga đã vét sạch lực lượng để tung vào chiến dịch, khoảng 50% bộ binh.
Hãng tin CNN dẫn lời một số quan chức nắm rõ các đánh giá tình báo mới nhất của Mỹ cho hay, Tổng thống Nga Putin đã sửa đổi chiến lược, tập trung giành quyền kiểm soát ở Donbass và các vùng khác ở phía Đông Ukraine. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 11-4 cho biết, Nga đang tăng cường lực lượng quanh Donbass, với đoàn xe quân sự lớn đang tiến đến gần thành phố Izyum, song chưa mở chiến dịch tại miền Đông Ukraine mà chỉ đang "tái bố trí lực lượng" ở khu vực này. Hoạt động điều chuyển quân tới miền Đông Ukraine được quân đội Nga tiến hành sau khi tuyên bố hoàn tất giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự đặc biệt và rút phần lớn lực lượng khỏi ngoại ô Kiev cũng như miền Bắc Ukraine.
Điện Kremlin mô tả quyết định rút quân này nhằm "thể hiện thiện chí đàm phán" với Ukraine nhưng đã 2 tuần trôi qua sau hội nghị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, phái đoàn hai nước vẫn chưa tổ chức thêm cuộc gặp trực tiếp nào. Giới quan sát cho rằng, đây là "khoảng lặng trước cơn bão", khi hai bên đều nỗ lực củng cố lực lượng, khí tài chuẩn bị cho những trận đánh mang tính quyết định sắp tới ở miền Đông Ukraine.
Giới chức Kiev và đồng minh cùng các chuyên gia đánh giá trong những trận đánh tới đây ở miền Đông, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải đối mặt với điều kiện và hình thái chiến đấu hoàn toàn khác so với giai đoạn chiến sự đầu tiên. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuần trước đánh giá Ukraine đã thành công trong giai đoạn đầu chiến sự, khi cầm chân được lực lượng Nga ở phía Bắc nhờ kết hợp giữa tác chiến đô thị và chiến đấu kiểu du kích, quấy rối tuyến hậu cần của đối phương. Tuy nhiên, tình hình chiến trường tại Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine sẽ là câu chuyện khác, khi các trận chiến diễn ra trên địa hình trống trải, khiến lực lượng Ukraine mất đi lợi thế tác chiến trong đô thị. Phía Đông của Ukraine cũng có biên giới với vùng Tây Nam của Nga, cho phép quân đội Nga tránh được các vấn đề về hậu cần, truyền thông, những vấn đề từng làm chệch hướng chiến dịch của nước này ở Ukraine.
Điện Kremlin đã chỉ định tướng Aleksandr Dvornikov chỉ huy cuộc tấn công vào Đông Nam Ukraine.Tướng Aleksandr Dvornikov (60 tuổi) là người của tình huống. Ông là tư lệnh Quân khu miền Nam từ 2016, phạm vi hoạt động gồm cả Crimea, Donbass và vùng Rostov trên sông Đông, có nghĩa là ông nắm rõ địa thế.
Ông Dvornikov sẽ phải cải thiện việc liên lạc giữa các quân khu và khó khăn trước mắt là thời gian: trong vòng chưa đầy một tháng phải kết thúc chiến dịch trong tư thế thắng cuộc, trước dịp mừng Chiến thắng phát-xít Đức với cuộc diễu binh truyền thống. Có nghĩa là phải chinh phục toàn bộ vùng Luhansk và Donetsk, sau đó “phi quân sự hóa” Ukraine càng nhiều càng tốt.Ông Dvornikov từng chỉ huy các lực lượng Nga tại Syria ngay từ đầu. Trước đó, vị tướng sinh tại vùng Viễn Đông này từng chỉ huy sư đoàn cơ giới của Quân khu Bắc Kapkaz, vào lúc cuộc chiến Tchetchenya lần 2 đang ác liệt nhất.
Để giữ Donbass, Ukraine rất cần NATO viện trợ vũ khí “bây giờ hoặc là quá trễ” - theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba. Cộng hòa Séc đã đáp ứng qua việc gửi một số xe tăng T-72 và xe bọc thép thời Liên Xô, Slovakia tặng hệ thống S-300. Đặc biệt, trong chuyến thăm Kiev bất ngờ hôm 9-4, Thủ tướng Anh loan báo gửi 120 xe bọc thép và tên lửa chống hạm, loại vũ khí mà Ukraine vẫn mong đợi từ nhiều tuần qua.
Ngày 13-4, Mỹ công bố một khoản viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine lên tới 750 triệu USD. Trước đó, Liên minh châu Âu hôm 11-4, cũng đã đồng ý "tháo khoán" thêm 500 triệu euro trợ giúp quân sự cho Kiev. Theo nhật báo Mỹ The Washington Post, trong số các thiết bị được Mỹ cung cấp cho Ukraine lần này có các loại xe bọc thép Humvee, pháo phản lực, máy bay không người lái bảo vệ bờ biển và các loại tên lửa cá nhân khác... Trực thăng Mi-17 từng được dự trù nhưng có tin là đã bị rút khỏi danh sách vào giờ chót. Cho đến nay, vũ khí được giao cho Ukraine chủ yếu là các loại vũ khí mệnh danh là “phòng thủ” không cho phép Ukraine tiến hành các cuộc phản công lớn để giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Thế nhưng, việc chuyển giao những loại vũ khí gọi là tấn công cho Ukraine vẫn là điều cấm kỵ đối với phương Tây. Cả Bruxelles lẫn Washington đều tự đặt ra những giới hạn về mặt quân sự để khỏi bị Moscow coi là bên “tham chiến”.
Chi tiết liên quan đến việc Mỹ rút bỏ trực thăng Mi-17 ra khỏi danh sách hàng viện trợ lần này cho Ukraine cho thấy rõ thái độ dè dặt của Mỹ, đã từng được thấy khi Mỹ bác bỏ đề nghị của Ba Lan vào trung tuần tháng 3 vừa qua khi tuyên bố sẵn sàng cung cấp một cách gián tiếp cho Ukraine toàn bộ số máy bay Mig-29 mà họ hiện có. Trên bình diện quân sự, việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine luôn kèm theo một sự kiềm chế nhất định để tránh mọi nguy cơ leo thang.
Một khi đạt được mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donbass hoặc thậm chí tiến tới hữu ngạn dòng Dniper, lực lượng Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn để thay đổi chiến thuật, củng cố phòng ngự lẫn kiểm soát trên thực địa, bước sang giai đoạn xung đột kéo dài và tiêu hao nguồn lực đối phương. Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu nhận định Ukraine không còn nhiều thời gian để tái vũ trang trước khi giai đoạn chiến sự tiếp theo bắt đầu. "3 tuần tới mang ý nghĩa then chốt, có khả năng định đoạt liệu Ukraine có cơ hội ngăn chặn đợt tiến công của lực lượng Nga hay chiến sự sẽ kéo dài thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa", ông nói.
Liên quan đến trừng phạt kinh tế và ngoại giao, các biện pháp được ban hành ngày càng mạnh nhưng các quyết định có nhiều khả năng tác động đến Nga (cấm vận khí đốt và dầu mỏ) vẫn chưa được đưa ra, do tác hại ngược đối với các nước châu Âu. Quan điểm thiếu dứt khoát của phương Tây ngày càng bị phản đối. Michel Duclos, nguyên là một nhà ngoại giao Pháp, hiện là cố vấn đặc biệt cho Viện Nghiên cứu Montaigne ở Paris, cho rằng phương Tây cần nhanh chóng thay đổi chiến lược theo chiều hướng dứt khoát hơn, vì tình hình chiến sự Ukraine kéo dài chỉ có lợi cho Nga. Bên cạnh đó, còn có một hạn chế khác đối với hành động của phương Tây là phản ứng của phần còn lại trên thế giới: Các nghị quyết của Liên Hợp quốc quy trách nhiệm cho Nga quả là đã được đa số bỏ phiếu ủng hộ nhưng các cường quốc nặng ký như Ấn Độ, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và nhiều nước khác lại từ chối góp phần cô lập nước Nga.
Xung đột càng kéo dài, càng có nhiều khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp đã được phương Tây thông qua. Các mầm mống của sự chia rẽ cũng sẽ phát triển nhiều hơn, như đã thấy qua việc Đức từ chối tiến xa hơn ở giai đoạn này trong lệnh cấm vận dầu khí hoặc với những lời chỉ trích của Ba Lan đối với Paris và Berlin.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng sau khi Nga thay đổi thế trận ở Ukraine, phương Tây cũng nên thay đổi chiến lược của mình.Nhưng, phương Tây đã không nâng việc cung cấp các hệ thống vũ khí lên một bậc, để giúp Ukraine chống chọi lại cú sốc trước các cuộc tấn công sắp tới của Nga ở Donbass.
Trên bình diện ngoại giao, ngày 13-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên gọi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là “hành động diệt chủng”.Điện Kremlin hoàn toàn không đồng ý với cách mô tả của Nhà Trắng và gọi đó là điều không thể chấp nhận được. Bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng từ chối sử dụng ngôn từ quá khích như Mỹ, mà theo nhà lãnh đạo chẳng giúp gì cho nỗ lực tìm đến hòa bình cho Ukraine. Trong khi đó, các Tổng thống Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đã đến Kiev hôm 13-4 và gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, Kiev từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong thời điểm này vì Berlin tỏ ra do dự trong việc đẩy nhanh quá trình gia nhập EU của Ukraine. Ông Zelensky nói rằng, Ukraine sẵn sàng đón tiếp các nhà lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao có thể mang đến kết quả tích cực cho Kiev.