Bước thụt lùi của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân
Sau 4 tuần thảo luận tích cực tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10 đã kết thúc hôm 26-8 mà không đưa ra được tuyên bố chung do vấp phải sự phản đối của Nga.
NPT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-3-1970, chỉ cho phép 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. Theo quy định, Hội nghị đánh giá NPT được triệu tập 5 năm một lần để đánh giá tình hình liên quan đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân cùng các vấn đề khác liên quan đến hiệp ước hiện có 191 nước tham gia này.
Đây là lần thứ hai liên tiếp hội nghị này kết thúc mà không đưa ra báo cáo, giống kỳ họp trước đó được tổ chức vào năm 2015. Kỳ họp năm 2020 bị trì hoãn tới năm nay do đại dịch COVID-19. Đại sứ Gustavo Zlauvinen của Argentina, Chủ tịch Hội nghị đánh giá NPT nói với các nhà báo rằng ông cảm thấy “thất vọng” khi các bên không thông qua được văn bản cuối cùng.
Bóng đen cuộc chiến Ukraine
Đại sứ Zlauvinen tiết lộ, ngay trước khi tiến trình thảo luận bắt đầu, ông biết rằng triển vọng sẽ “rất mong manh” bởi các bên có nhiều quan điểm khác biệt về hàng loạt vấn đề, ví dụ như các cam kết trước đây về các bảo đảm an ninh. Trong một cuộc họp báo tối 26-8, ông phát biểu: “Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến những căng thẳng này thêm trầm trọng và chúng tôi biết rằng chiến tranh ở Ukraine sẽ phủ bóng đen lên Hội nghị đánh giá NPT lần này”.
Số phận của một nhà máy điện nguyên tử ở Ukraine đang do Nga kiểm soát và việc kêu gọi các quốc gia áp dụng học thuyết cấm sử dụng vũ khí hạt nhân trước là một trong những vấn đề gây tranh cãi khiến cuộc họp bắt đầu từ ngày 1-8 tại New York (Mỹ) không đạt được kết quả như mong muốn. Dự thảo cuối cùng cần được tất cả các nước tại hội nghị thông qua. Tuy nhiên, Nga phản đối một đoạn văn bản của dự thảo, trong đó bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các hoạt động quân sự xung quanh các nhà máy hạt nhân của Ukraine - trong đó có nhà máy Zaporizhzhia mà Nga đã kiểm soát trong những ngày đầu của cuộc chiến. Tuần trước, nhà máy Zaporizhzhia bị ngắt khỏi lưới điện, làm dấy lên lo ngại sẽ xảy ra một thảm họa phóng xạ. Nga sau đó đã bày tỏ thái độ hoan nghênh chuyến thanh tra cơ sở hạ tầng của nhà máy do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang tiến hành.
Đoạn văn bản cũng bình luận về "sự mất kiểm soát của chính quyền Ukraine có năng lực tại những địa điểm như vậy do kết quả của các hoạt động quân sự đó và tác động hết sức tiêu cực của chúng đến tình hình an toàn chung". Đại diện của Nga - ông Igor Vishnevetsky nói dự thảo cuối cùng thiếu "cân bằng". Ông nhấn mạnh: "Phái đoàn của chúng tôi phản đối mạnh mẽ về một số đoạn mang tính chất chính trị rõ ràng”.
Mặc dù các bên không nhất trí được văn bản cuối cùng, tuy nhiên ông Zlauvinen tin tưởng rằng, xét về tổng thể, Hội nghị đánh giá NPT “có nhiều ý nghĩa”. Các đoàn đại biểu đã tham gia thảo luận về các vấn đề rất phức tạp và việc không thể đi tới thống nhất được văn bản cuối cùng không làm mất đi giá trị những gì họ đã làm. Ông nói: “Nó giống như một bộ phim kéo dài 4 tuần nhưng chúng ta không thể cùng chụp ảnh vào phút cuối. Không có bức ảnh nào không có nghĩa rằng bộ phim không tồn tại”.
Phản ứng của các bên
Adam Scheinman - đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân - tuyên bố: "Nga là lý do khiến chúng ta không có sự đồng thuận ngày hôm nay. Nga là nước đã xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm Hiến chương LHQ". Đại diện của Mỹ tại LHQ Bonnie Jenkins, nói phía Mỹ "rất lấy làm tiếc về kết quả này và còn tiếc hơn về hành động của Nga đã dẫn chúng ta đến tình huống ngày hôm nay".
Ngoại trưởng Australia Penny Wong nói bà "thất vọng sâu sắc" về việc không có một sự đồng thuận. "Nga ngăn chặn tiến triển bằng cách từ chối thỏa hiệp về một đoạn văn bản được tất cả các quốc gia khác chấp nhận", bà nói.
Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở ở Washington nói hội nghị này là "một cơ hội bị bỏ lỡ để thúc đẩy hiệp ước và an ninh toàn cầu".
Một số quốc gia, trong đó có Hà Lan và Trung Quốc, bày tỏ sự thất vọng rằng không có sự đồng thuận nào đạt được. Phái đoàn Hà Lan bày tỏ họ "hài lòng với các cuộc trao đổi hữu ích” nhưng "rất thất vọng rằng chúng ta chưa đạt được đồng thuận". Trong khi đó, phía Trung Quốc nói mặc dù không đạt được đồng thuận, quá trình bàn thảo là "sự thực thi quan trọng về an ninh chung và chủ nghĩa đa phương thực sự".
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ António Guterres hoan nghênh sự tham gia chân thành và có ý nghĩa của các bên và thực tế rằng Hội nghị đánh giá NPT là "nền tảng" của chế độ giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc rằng hội nghị này đã không thể giải quyết những thách thức cấp bách đang đe dọa an ninh tập thể của toàn cầu.
Con đường phía trước
Mặc dù Hội nghị đánh giá NPT lần này đã thất bại nhưng cộng đồng quốc tế đã đạt được một thành công trong năm nay vào tháng 6 vừa qua. Tại cuộc họp đầu tiên giữa các quốc gia thành viên tham gia ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), các nước đã cam kết thực hiện Kế hoạch hành động Vienna, 50 bước cụ thể để thúc đẩy giải trừ vũ khí, giúp đỡ các nạn nhân của việc sử dụng và thử nghiệm hạt nhân, cam kết thực hiện các bước đi tiến bộ về giải trừ quân bị. Đối mặt với tình hình toàn cầu nguy hiểm như hiện nay, trong 3 ngày, các quốc gia thành viên của TPNW đã làm những gì mà NPT không làm được trong 1 tháng qua.
NPT đang gặp khủng hoảng nhưng TPNW đã bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ giải trừ vũ khí hạt nhân của NPT. Tất cả các quốc gia NPT khác không đạt được tiến bộ trong Hội nghị đánh giá NPT vừa qua cũng nên bắt tay tham gia vào công việc này.