Burkina Faso: Một năm hai cuộc đảo chính

Thứ Tư, 05/10/2022, 09:12

Các binh sĩ có vũ trang, đeo mặt nạ đã xuất hiện trên truyền hình ở Burkina Faso vào tối 30-9 để xác nhận việc lật đổ Tổng thống Paul-Henri Damiba. Đây cuộc đảo chính thứ hai ở quốc gia Tây Phi này trong năm nay, kéo dài thêm tình trạng bất ổn diễn ra từ nhiều năm.

Trước năm 2022, Burkina Faso đã diễn ra 6 cuộc đảo chính tính từ khi giành được độc lập. Riêng trong năm nay, quốc gia này đã nổ ra 2 cuộc đảo chính.

Burkina Faso: Một năm hai cuộc đảo chính -0
Tổng Thống Damiba bị đảo chính chỉ sau 8 tháng nắm quyền.

Ngày 24-1-2022, binh lính Burkina Faso xông vào tư dinh Tổng thống Roch Marc Christian Kabore ở thủ đô Ouagadougou, tuyên bố lật đổ chính quyền dân cử và nắm quyền kiểm soát đất nước. Cuộc binh biến này chấm dứt quyền lực của ông Kabore, người lên nắm quyền Tổng thống Burkina Faso từ năm 2015. Ông Kabore tái đắc cử tổng thống năm 2020, với cam kết coi cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo, trong đó có các nhóm liên quan đến al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, vị tổng thống 65 tuổi này chịu nhiều chỉ trích do chính phủ không thể chấm dứt tình trạng phiến quân Hồi giáo cực đoan gây bất ổn nhiều nơi, khiến khoảng 1,4 triệu người sơ tán. Riêng trong năm 2021, các vụ tấn công của phiến quân đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người.

Đông đảo người dân lẫn quân đội Burkina Faso cho rằng Tổng thống Kabore có lỗi khi để xung đột với phiến quân leo thang. Nhiều đợt biểu tình phản đối chính phủ đã bùng phát trong vài tháng trước đó, cùng với làn sóng bất mãn ngày càng tăng trong hàng ngũ quân đội. Các binh sĩ nổi loạn bắt đầu hành động, chiếm quyền kiểm soát một số căn cứ từ ngày 23-1, rồi lật đổ chính phủ một ngày sau. Người lên nắm quyền tổng thống sau cuộc đảo chính này là tướng Paul-Henri Damiba.

Nhưng, ông Damiba cũng không nắm quyền được lâu. Các binh sĩ có vũ trang, đeo mặt nạ đã xuất hiện trên truyền hình ở Burkina Faso vào tối 30-9 để xác nhận việc lật đổ tổng thống sau cuộc đảo chính thứ hai ở quốc gia Tây Phi này trong năm nay.

Theo Reuters, thông báo trên đã kết thúc một chuỗi sự kiện ở Burkina Faso trong ngày 30-9, bắt đầu bằng tiếng súng gần một trại quân sự ở thủ đô Ouagadougou. Sau đó, một vụ nổ xảy ra gần dinh tổng thống và chương trình truyền hình nhà nước bị gián đoạn.

Lãnh đạo mới của Burkina Faso là đại úy Ibrahim Traore. Ông Traore đã xuất hiện trên truyền hình với binh sĩ đứng xung quanh rồi tuyên bố chính phủ nước này bị giải tán, ngưng áp dụng hiến pháp và đóng cửa biên giới, lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Các động thái này tương tự những gì ông Damiba đã thực hiện để nắm quyền trong cuộc đảo chính ngày 24-1. Hiện vẫn chưa rõ ông Damiba ở đâu khi cuộc đảo chính ngày 30-9 xảy ra.

Đại úy Traore cho biết một nhóm sĩ quan từng giúp ông Damiba nắm chính quyền vào tháng 1 đã quyết định lật đổ thủ lĩnh của họ do ông Damiba không có khả năng đối phó với lực lượng nổi dậy Hồi giáo.

"Đối mặt với tình hình ngày càng xấu đi, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng yêu cầu Tổng thống Damiba tái tập trung vào việc chuyển đổi vấn đề an ninh", theo tuyên bố có chữ ký của ông Traore được một sĩ quan khác đọc trên truyền hình.

Tuyên bố cho biết ông Damiba đã bác bỏ đề xuất của các sĩ quan về việc tổ chức lại quân đội. Thay vào đó, Tổng thống Damiba tiếp tục sử dụng cơ cấu quân đội đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền trước đó. Các bên liên quan sẽ sớm được mời thông qua điều lệ mới về việc chuyển đổi chính quyền và chỉ định một nhà lãnh đạo quân sự hoặc dân sự mới.

Burkina Faso trở thành nơi diễn ra các cuộc tấn công do những nhóm liên kết với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện. Tình trạng bạo lực này bắt đầu ở quốc gia láng giềng Mali vào năm 2012 và lan sang các nước Tây Phi khác ở phía Nam sa mạc Sahara.

Hàng ngàn người đã thiệt mạng trong các cuộc đột kích ở nông thôn và hàng triệu người buộc phải chạy trốn. Tuần vừa rồi, ít nhất 11 binh sĩ thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở miền Bắc Burkina Faso. Hàng chục thường dân vẫn mất tích.

Tương lai đất nước Burkina Faso có nhiều dấu hỏi lớn sau cuộc đảo chính mới nhất. Tiến trình bầu cử để thành lập chính quyền dân sự tại đây khó mà đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian đã đặt ra. Quốc gia này cũng phải đối mặt với nhiều bất cập, bị cô lập trên trường quốc tế mà chưa dễ gì giải quyết ngay được.

Đại úy Ibrahim Traore đã chấp nhận đơn từ chức có điều kiện của Tổng thống Paul-Henri Damiba sau cuộc đảo chính hôm 30-9.

Theo thỏa thuận được công bố tại một cuộc họp báo, ông Traore đã đồng ý với 7 điều kiện, bao gồm đảm bảo sự an toàn cho Tổng thống Damiba và an ninh của những người lính ủng hộ ông, đồng thời cam kết tôn trọng những lời hứa với khối Tây Phi để quay trở lại áp dụng hiến pháp nước này trước tháng 7-2024, theo Reuters.

Cuộc đảo chính ngày 30-9 tiếp tục tạo ra vấn đề hóc búa cho Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). ECOWAS đã cố gắng thuyết phục những người lãnh đạo các cuộc đảo chính trong khu vực quay lại chế độ dân sự càng sớm càng tốt.

ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Burkina Faso sau cuộc đảo chính hồi tháng 1. Sau đó, ECOWAS đồng ý cho nước này 2 năm để quay lại các cuộc bầu cử dân chủ. "ECOWAS tái khẳng định sự phản đối của mình đối với bất kỳ hành vi chiếm đoạt hoặc duy trì quyền lực nào bằng các biện pháp vi hiến", tổ chức này tuyên bố. ECOWAS cũng yêu cầu "tôn trọng mốc thời gian đã được thỏa thuận với các cơ quan chuyển tiếp để trở lại trật tự theo hiến pháp không muộn hơn ngày 1-7-2024".

Liên hợp quốc ngày 1-10 đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính mới nhất tại Burkina Faso và tuyên bố không chấp nhận bất kỳ hành động chiếm quyền bằng vũ lực nào.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki lên án hành động thay đổi chính quyền một cách vi hiến, kêu gọi quân đội Burkina Faso chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực đe dọa an toàn của dân thường. AU cũng kêu gọi các bên ở Burkina Faso nỗ lực khôi phục trật tự hiến pháp trước tháng 7-2024 như đã cam kết.

Đỗ Tiến
.
.