Các nước châu Âu dừng điều tra vụ nổ Nord Stream

Thứ Hai, 04/03/2024, 16:37

Cảnh sát Đan Mạch tuyên bố sẽ đóng cuộc điều tra về vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở Biển Baltic hồi tháng 9/2022, vì cho rằng “không có đủ cơ sở” để truy tố. Một quyết định “gần như vô lý”, theo Điện Kremlin.

Cảnh sát Copenhagen không thấy “đủ cơ sở để theo đuổi vụ án hình sự ở Đan Mạch”, họ cho biết hôm đầu tuần trong một thông báo về diễn biến vụ việc. Cuộc điều tra được thực hiện cùng với Cơ quan An ninh và Tình báo Đan Mạch (PET), đã đưa ra kết luận rằng vụ việc là hành vi phá hoại có chủ ý. Tuy nhiên, không có thông tin nào về các nghi phạm được đưa ra trong thông cáo báo chí.

Ngoài Đan Mạch, hai cuộc điều tra khác đã được mở bởi Đức và Thụy Điển, nhưng Văn phòng Công tố Thụy Điển đã ngừng cuộc điều tra vào đầu tháng 2, mà không có bất kỳ truy tố nào vì cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền của họ. Về phía Đức, cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn. Cảnh sát Đan Mạch nói trong thông cáo báo chí: “Theo cuộc điều tra, nhà chức trách có thể kết luận rằng hành vi phá hoại đường ống Nord Stream là có chủ ý. Đồng thời, không có cơ sở để Đan Mạch tiếp tục điều tra hình sự”.

Các nước châu Âu dừng điều tra vụ nổ Nord Stream -0
Vụ nổ dưới nước làm thủng đường ống Nord Stream 2, ngày 26/9/2022.

Vào ngày 26/9/2022, 4 vụ nổ đường ống đã diễn ra cách nhau vài giờ ở Nord Stream 1 và 2, các đường ống nối Nga với Đức và vận chuyển phần lớn khí đốt của Nga đến châu Âu. Các đường ống dẫn khí không hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ nổ. Nga đã dừng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1, trong bối cảnh các nước châu Âu quay lưng với khí đốt Nga để ủng hộ Ukraine. Trong khi đó, Nord Stream 2 chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước cuộc xung đột ở Ukraine, Đức đã phải nhanh chóng thay thế bằng các nhà cung cấp khác, với cái giá là chi phí năng lượng tăng vọt ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tổng thống Nga Putin cho biết, quyết định của Chính phủ Đức chuyển từ khí đốt Nga sang các nguồn năng lượng đắt tiền hơn đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo phương Tây rõ ràng đã hy vọng rằng Moscow sẽ nhanh chóng rút lui nếu bị thị trường châu Âu xa lánh, nhưng họ đã tính toán sai lầm.

Tuyên bố của Đan Mạch cho biết vụ nổ này xảy ra gần đảo Bornholm của Đan Mạch nhưng “bên ngoài lãnh hải Đan Mạch”. Đan Mạch, Đức và Thụy Điển đã hợp tác trong cuộc điều tra được cho là “phức tạp và chuyên sâu”, hợp tác cùng Cơ quan Tình báo Đan Mạch.

Các phương tiện truyền thông đã cố gắng làm sáng tỏ vụ án cực kỳ phức tạp về mặt kỹ thuật, bằng cách thực hiện các cuộc thám hiểm dưới đáy biển, một số nhờ đến tàu ngầm không người lái, các chuyên gia, cựu đặc vụ bí mật và những người dẫn đường từ Warsaw đến Crimea qua Moldova. Cả Ukraine, Nga và Mỹ, những nước bị tình nghi trong các cuộc điều tra này, đều phủ nhận mạnh mẽ mọi sự liên quan. Đặc biệt, Tổng thống Zelensky đã nhiều lần phủ nhận việc Ukraine có thể liên quan đến vụ nổ Nord Stream.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/2 cho rằng quyết định của Đan Mạch chấm dứt cuộc điều tra về vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream dưới Biển Baltic có lẽ được thúc đẩy bởi việc Copenhagen không muốn xác minh sự thật về tội ác này. “Quyết định này gần như vô lý. Một mặt, Đan Mạch thừa nhận rằng hành vi phá hoại đường ống Nord Stream là có chủ ý, nhưng mặt khác, họ dừng việc điều tra”, người phát ngôn Điện Kremlin nói. Ông Peskov trước đó cũng cho biết, quyết định đóng cuộc điều tra của Thụy Điển là “đáng ngờ”. Đan Mạch cho biết các nhà điều tra đã hợp tác với “các đối tác nước ngoài có liên quan”, nhưng ông Peskov nhấn mạnh rằng cơ quan thực thi pháp luật của Nga không nằm trong số đó. Ông nói: “Trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra, chúng tôi liên tục yêu cầu Đan Mạch cung cấp thông tin về những gì đã xảy ra, nhưng các yêu cầu đều bị từ chối”.

Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết, Berlin vẫn rất quan tâm đến việc truy bắt tội phạm. Truyền thông phương Tây ban đầu cáo buộc Nga vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Các báo cáo sau đó cho biết các nhà điều tra châu Âu không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh giả thuyết này. Những thông tin rò rỉ đã xác định một "nhóm thân Ukraine" và một sĩ quan Ukraine hiện đang bị Kiev giam giữ trong một vụ án riêng biệt là thủ phạm đứng sau kế hoạch này.

Các nước châu Âu dừng điều tra vụ nổ Nord Stream -0
Vị trí 4 vụ nổ trên hai đường ống Nord Stream.

Nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin của Đài Truyền hình và Phát thanh nước Nga ngày 21/2, Tổng thống Putin nói: "Cuối cùng, mọi thứ chỉ phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ Đức. Nord Stream-2: Một đường ống vẫn còn nguyên vẹn bất chấp vụ tấn công khủng bố. Chúng ta có thể khởi động lại Nord Stream 2 không? Chúng ta có thể!". Ông Putin cho biết: “Sẽ mất một tuần. Nhưng, họ không muốn làm vậy”. Tổng thống Nga cho rằng, phương Tây ngừng mua khí đốt của Nga với lo ngại đất nước này sẽ sụp đổ nhanh hơn tình thế "không thể đảo ngược" của các nền kinh tế phương Tây.

"Nhưng, thực tế thì chính họ đang bắt đầu có những vấn đề không thể đảo ngược. Ngành công nghiệp sản xuất đang dần chuyển hướng sang các nước khác, bao gồm cả Mỹ, nơi tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi với nguồn năng lượng rẻ hơn. Vì họ cần hóa lỏng, sau đó vận chuyển vượt đại dương và tiếp tục tái hóa khí. Tất cả điều này sẽ làm tăng chi phí”, ông Putin nói.

Theo dữ liệu từ Văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu, Eurostat, được nhật báo kinh doanh RBK của Nga trích dẫn, Nga đã cung cấp năng lượng trị giá hơn 29 tỷ euro cho EU vào năm ngoái. Kể từ tháng 2/2022, khi xung đột Ukraine bắt đầu nổ ra, Brussels đã áp đặt 13 gói trừng phạt đối với Nga và dần thu hẹp phạm vi thương mại. Dù vậy, vẫn có những miễn trừ tạm thời đối với việc Bulgaria nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển và việc sử dụng đường ống dẫn dầu Druzhba, nơi cung cấp cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. Đồng thời, khí đốt và LNG của Nga qua đường ống cũng không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.

Ngày 22/2, báo Bild của Đức cho biết, Tổng Công tố Liên bang Đức cho biết đang điều tra xem liệu các nhân viên của Cơ quan khai thác mỏ Stralsund có cố tình tiết lộ bí mật nhà nước liên quan đến khu vực hoạt động của tàu ngầm NATO gần mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream hay không. Bộ Quốc phòng Đức được cho là đã gửi một báo cáo bí mật tới Thủ tướng nước này về cuộc điều tra vào tháng trước.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.