Cải cách tuổi nghỉ hưu và biểu tình: Nước Pháp sẽ đi về đâu?

Thứ Hai, 03/04/2023, 10:37

Các cuộc biểu tình phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu đang làm rung chuyển nước Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Emmanuel Macron biện minh cho việc sử dụng Điều 49.3 để lách luật bỏ phiếu tại nghị viện rằng cải cách là “cần thiết cho đất nước” và ông chấp nhận rủi ro uy tín sụt giảm.

Báo chí đặt câu hỏi về lý do của sự rạn nứt xã hội sâu sắc hiện nay và tương lai của nước Pháp sẽ ra sao, liệu có rơi vào hỗn loạn sau khi ông Macron rời nhiệm sở?

Sau nhiều tuần biểu tình rầm rộ với sự tham gia của hàng triệu người trên khắp các thành phố của Pháp, các cuộc tuần hành phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 hiện nay lên 64 đã biến thành bạo lực. Tại nhiều thành phố lớn của Pháp, từ Paris đến Lyon, những người biểu tình mặc áo đen đã phóng hỏa và ném các vật thể về phía cảnh sát chống bạo động, khiến hơn 400 cảnh sát bị thương.

Cải cách tuổi nghỉ hưu và biểu tình: Nước Pháp sẽ đi về đâu? -0
Người biểu tình ở Nantes, miền Nam nước Pháp.

Bên bờ vực của một cuộc cách mạng?

Nhiều cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch vào tuần tới, gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Macron. Các cuộc biểu tình được cho là có thể trở nên tồi tệ hơn nếu có sự tham gia của giới sinh viên. Theo tờ “The Spectator”, hoàn toàn có khả năng ông Macron sẽ buộc phải từ chức vì những hậu quả mà các cuộc biểu tình có thể gây ra đối với nền kinh tế đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Báo Le Monde, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Allianz đã buộc tội tổng thống “chọc giận” người Pháp...

Tuy nhiên, theo hệ thống chính trị của Pháp, ông Macron gần như được đảm bảo sẽ tại nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2027. Sau khi vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chủ nhân Điện Élysée có thể sẽ tiến hành cải tổ nội các. Câu hỏi lớn hơn được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau khi ông Macron rời sân khấu chính trị? Hiến pháp Pháp giới hạn số nhiệm nhiệm kỳ tổng thống không quá 2 nên sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2027, ông Macron sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực mà các nhà lãnh đạo cực tả và cực hữu đang muốn lấp đầy. Nói cách khác, sau “triều đại Macron”, nước Pháp có thể đối mặt với sự hỗn loạn.

Nền tảng lung lay

Cây bút bình luận Jean Quatremer viết trên tờ “Libération” rằng Tổng thống Macron lập luận người Pháp đã bỏ phiếu cho ông vì các đề xuất của ông - điều này hoàn toàn sai. Sở dĩ ông được bầu là vì đã chống lại tư tưởng cực đoan, điều mà lẽ ra buộc ông phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp được xã hội chấp nhận. Bác bỏ thỏa hiệp, tin chắc mình đúng, ông Macron có vẻ như đã càng làm suy yếu nền dân chủ Pháp, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 mà không rút ra được bài học nào.

Theo các nhà phân tích, dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên đối với nền dân chủ Pháp là tình trạng của đảng Tiến bước thuộc nhóm Phục hưng trung dung của ông Macron. Trong nhiều hệ thống chính trị, các đảng cầm quyền có nguồn gốc sâu xa và nền tảng ý thức hệ, ít nhất là về lý thuyết, mang lại cho họ mục đích tồn tại ngoài việc thực thi quyền lực. Nhưng, điều này không đúng với đảng Tiến bước, được thành lập với mục đích duy nhất là đưa người sáng lập vào Điện Elysée. Cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu hiện nay cho thấy nhóm Phục hưng yếu hơn nhiều so với suy nghĩ.

Thật vậy, Thủ tướng Borne tin rằng bà có thể dựa vào sự ủng hộ của đảng Những người Cộng hòa trung hữu để có được số phiếu cần thiết thông qua cải cách theo một thỏa thuận liên minh không chính thức. Tuy nhiên, hy vọng này đã tan biến đột ngột và bất ngờ khi 19 nghị sĩ đảng Những người Cộng hòa, đứng đầu là Aurélien Pradié, bất chấp mệnh lệnh từ ban lãnh đạo đảng, tuyên bố ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ. Các cuộc biểu tình nổ ra không chỉ bộc lộ sự yếu kém của nhóm Phục hưng mà còn cho thấy sự xáo trộn liên tục của phe trung hữu, nơi xuất thân của hầu hết các nhà lãnh đạo của nước Pháp kể từ Thế chiến 2 và giờ chỉ còn là cái bóng của chính nó.

Tín hiệu báo động nghiêm trọng thứ hai là cuộc khủng hoảng lương hưu đã khuyến khích các phe cực hữu và cực tả trong quốc hội. Trung tâm chính trị, hiện do ông Macron đại diện, đang kiệt sức, tạo ra khoảng trống mà phe cánh tả đang lấp đầy một phần. Quả bóng hiện đang ở bên sân cánh tả do Jean-Luc Mélenchon lãnh đạo. Ông có trách nhiệm đưa ra một giải pháp chính trị thay thế cho mô hình tân tự do của ông Macron, Nếu không, rất có thể sẽ xuất hiện một phong trào cực hữu, có khả năng - như chiến thắng gần đây của Giorgia Meloni ở Italy đã cho thấy - sẽ được công nhận trên sân khấu chính trị nước Pháp.

Tuy nhiên, triển vọng lên nắm quyền của ông Mélenchon có vẻ mong manh. Theo cuộc thăm dò của Viện IFOP được công bố hồi đầu tháng 3, chỉ 21% người Pháp tin rằng ông Mélenchon có tiềm năng để trở thành lãnh đạo phe đối lập. Bà Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu, được đánh giá cao hơn nhiều. Thật vậy, kể từ thất bại gần đây nhất trước ông Macron, bà Le Pen đã có những bước tiến xa hơn để trở thành tổng thống khi tiếp tục nỗ lực “tẩy độc” cho hình ảnh của đảng mình. Không chỉ bỏ tên đảng Mặt trận quốc gia gắn liền với người cha Jean-Marie Le Pen theo chủ nghĩa bài Do thái, bà đã từ bỏ kế hoạch tranh cử tai hại (kêu gọi rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu) và tự khẳng định là người lãnh đạo của nhóm 88 tại Quốc hội Pháp, qua đó đặt bà vào vị trí trung tâm của cuộc phản đối cải cách lương hưu. Phát biểu với kênh truyền hình BFM TV trong tuần này, lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia tuyên bố: “Sau Macron sẽ là chúng tôi”.

May thay, nước Pháp sẽ không tiến hành bầu cử trong những ngày tới. Vì nếu như vậy, kết quả có thể rất thảm khốc. Paul Ackerman, phóng viên của nhật báo Le Temps cảnh báo: “Mối nguy hiểm thực sự không phải từ  các cuộc huy động biểu tình trong những ngày tới. Mà đó là cuộc đối đầu vào năm bầu cử 2027 giữa Jean-Luc Mélenchon, hiện thân cho sự tức giận trỗi dậy và Marine Le Pen, hiện thân của sự tức giận ngày càng rõ. Nếu quá tập trung vào đốt thùng rác, bạn có thể quên mất nguy cơ hỏa hoạn thực sự, thậm chí còn làm ngọn lửa bùng lên dữ dội hơn.

Nguyệt Ánh
.
.