Cái giá phải trả cho những chính sách xây dựng lỏng lẻo

Thứ Tư, 15/02/2023, 12:56

Bộ trưởng Môi trường và Đô thị hóa Murat Kurum thống kê, hơn 170.000 tòa nhà và  24.921 công trình trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập hoặc hư hỏng nặng. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát. Số người chết đã vượt quá 37.000 và dự kiến sẽ tăng thêm.

Hiện đã có 131 người được xác định là chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của một số trong hàng nghìn tòa nhà bị san phẳng ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất hôm 6/2. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ trừng phạt bất kỳ ai chịu trách nhiệm và các công tố viên đang bắt đầu thu thập các mẫu tòa nhà để làm bằng chứng về vật liệu được sử dụng trong quá trình xây dựng.

Sự kiện tồi tệ nhất trong 100 năm

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin, các công tố viên ở Adana đã ra lệnh bắt giữ 62 người trong cuộc điều tra về các tòa nhà bị sập, trong khi bắt giữ 33 người ở Diyarbakir vì lý do tương tự; 8 người khác bị bắt ở Sanliurfa và 4 người ở Osmaniye liên quan đến các tòa nhà bị phá hủy được cho là có lỗi, chẳng hạn như các cột đã bị dỡ bỏ… Đồng thời, cảnh sát cũng đã bắt giữ một nhà đầu tư xây dựng tên là Mehmet Yasar Coskun ngay tại sân bay Istanbul khi ông ta chuẩn bị lên chuyến bay tới Montenegro vào tối 10/2. Ông này đã xây dựng khu phức hợp dân cư cao cấp 12 tầng bao gồm 250 căn hộ cách đây 10 năm ở Antakya và tòa nhà này đã hoàn toàn bị đổ sập. Mehmet Yasar Coskun nói với các công tố viên rằng ông ta không biết tại sao khu phức hợp bị sập và chuyến đi tới Montenegro là vì công việc chứ không phải chạy trốn. “Chúng tôi đã hoàn thành tất cả các thủ tục được quy định trong luật pháp. Tất cả các giấy phép đã được lấy”, Anadolu trích dẫn lời nói của người đàn ông này.

Cái giá phải trả cho những chính sách xây dựng lỏng lẻo -0
Các đội cứu hộ sơ tán một người sống sót khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/2. Ảnh: AP.

Đánh giá về hậu quả của trận động đất, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thừa nhận rằng khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi động đất có đường kính 500 km và là nơi sinh sống của 13,5 triệu người. Ước tính, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị thiệt hại từ 50- 80 tỷ USD. Trong khi đó, báo cáo do Liên đoàn doanh nghiệp và kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ công bố vào cuối tuần trước cho thấy, thiệt hại ở Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 84,1 tỷ USD, trong đó 70,8 tỷ USD là chi phí sửa chữa hàng nghìn tòa nhà; 10,4 tỷ USD là thất thu quốc gia và 2,9 tỷ USD là thiệt hại từ việc giảm ngày làm.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Mahmoud Mohieldin nhận định, hệ quả của động đất đối với GDP của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không nghiêm trọng như trận động đất hồi năm 1999 nhưng nó cũng khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm 2% trong năm 2023.

Cái giá phải trả cho những chính sách xây dựng lỏng lẻo -0
Người dân bên tòa nhà bị sập ở Golbasi, Adiyaman, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/2. Ảnh: AP.

Thực tế khác với giấy phép

Trong khi lực lượng cứu hộ tích cực đào bới đống đổ nát để tìm kiếm điều kỳ diệu, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cố gắng tìm hiểu lý do tại sao thảm họa thiên nhiên này (vốn được Ankara cho là chuẩn bị trong hơn 20 năm) - lại gây ra quá nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của nước này. Câu hỏi được đặt ra là: Có phải hai trận động đất – trận đầu tiên có cường độ 7,8 độ richter và trận thứ hai có cường độ 7,6 độ richter – đơn giản là quá dữ dội để hầu hết các tòa nhà không thể tồn tại? Hay các tòa nhà không đạt tiêu chuẩn xây dựng hiện đại? Phải chăng có sự cẩu thả của cơ quan chức năng?

Giáo sư Okan Tuysuz chuyên về địa chất thuộc Đại học Kỹ thuật Istanbul nhận định, sự kết hợp của tất cả những điều trên đã dẫn đến thảm họa hôm 6/2. “Chúng ta đang đối phó với những trận động đất thực sự lớn ở đây. Cái đầu tiên gần tương đương với năng lượng giải phóng từ vụ nổ khoảng 5 triệu tấn TNT. Trận thứ hai tương đương 3,5 triệu tấn TNT. Hầu hết các tòa nhà sẽ phải vật lộn để chịu được lực như vậy”, giáo sư Okan Tuysuz nói với hãng Al Jazeera.

Hầu hết các tòa nhà bị sập bởi thảm hoạ động đất đều được xây dựng trước năm 1999, khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter tấn công khu vực Tây Marmara, khiến 17.500 người thiệt mạng. Kể từ đó, chính phủ đã cải thiện đáng kể mã thiết kế địa chấn và vào năm 2008, bắt tay vào một dự án chuyển đổi đô thị đầy tham vọng để Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuẩn bị cho trận động đất lớn tiếp theo.

Cái giá phải trả cho những chính sách xây dựng lỏng lẻo -0
Ảnh chụp nhìn từ trên không các tòa nhà bị sập khi các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục sau trận động đất mạnh 7,8 và 7,6 độ richter ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ.  Ảnh: Anadolu.

Tháng 11/2022, sau trận động đất mạnh 6 độ richter làm hư hại hơn 2.000 tòa nhà ở Duzce, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Môi trường và Đô thị hóa Murat Kurum cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Chúng tôi đã xây dựng lại 3,2 triệu ngôi nhà. 250.000 hộ dân trên 81 tỉnh và 992 huyện hiện đang được chuyển đổi nhà ở để đáp ứng các quy định hiện hành. 6,6 triệu ngôi nhà và doanh nghiệp đã được kiểm toán. 24 triệu công dân của chúng tôi hiện đang sống ở những nơi an toàn trước động đất”. Tuy nhiên, những nỗ lực đầy tham vọng này đã không thể ngăn chặn được thảm họa hôm 6/2.  “Trên giấy tờ, mã thiết kế chống động đất của Thổ Nhĩ Kỳ đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Nó thực sự tốt hơn hầu hết các tiêu chuẩn khác. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình lại rất khác”, Bộ trưởng Môi trường và Đô thị hóa cay đắng thừa nhận.

Chính sách xây dựng lỏng lẻo

Hãng AP viết: “Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm đã không thực thi các quy tắc xây dựng hiện đại trong khi cho phép, thậm chí khuyến khích bùng nổ bất động sản ở các khu vực dễ xảy ra động đất. Việc thực thi chính sách một cách lỏng lẻo, mà các chuyên gia về địa chất và kỹ thuật đã cảnh báo từ lâu, đang được xem xét kỹ lưỡng sau hậu quả của trận động đất kinh hoàng vừa qua”. Giáo sư David Alexander chuyên về lập kế hoạch khẩn cấp tại Đại học College London chia sẻ, trong số những tòa nhà bị sập hoàn toàn, nhiều tòa nhà cũ, nhưng cũng có những căn hộ được xây dựng trong những năm gần đây, tức là gần hai thập kỷ sau khi đất nước áp dụng các quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại. Các chuyên gia khác thì nhận định, vấn đề này phần lớn đã bị bỏ qua vì giải quyết nó sẽ rất tốn kém, không được lòng dân và hạn chế động lực chính của tăng trưởng kinh tế đất nước.

Các chuyên gia khẳng định, có hàng núi bằng chứng trong đống đổ nát để chỉ ra một thực tế phũ phàng về nguyên nhân khiến các trận động đất trở nên chết chóc hơn. Nghĩa là, mặc dù trên giấy tờ, Thổ Nhĩ Kỳ có các quy tắc xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chống động đất hiện đại song chúng lại rất hiếm khi được thực thi.

Ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018, chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã công bố một chương trình sâu rộng nhằm ân xá cho các công ty và cá nhân chịu trách nhiệm về một số hành vi vi phạm quy tắc xây dựng trên cả nước. Bằng cách trả tiền phạt, những người vi phạm có thể tránh phải đưa các tòa nhà của họ vào danh sách bị hủy hoặc phá dỡ. Những lệnh ân xá như vậy cũng đã được các chính phủ trước đây sử dụng trước thềm các cuộc bầu cử.

Như vậy, là một phần của chương trình ân xá đó, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thực thi các quy tắc xây dựng thừa nhận rằng, hơn một nửa số tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm khoảng 13 triệu căn hộ) đã không tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành. Ngay cả những tòa nhà chung cư mới xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ được quảng cáo là an toàn cũng bị tàn phá bởi trận động đất.

Cái giá phải trả cho những chính sách xây dựng lỏng lẻo -0
Giải cứu cháu bé 7 tuổi khỏi đống đổ nát của một tòa nhà tám tầng ở Adiyaman. Ảnh: Anadolu.

Tại Antakya, một thành phố lịch sử ở Hatay, tòa nhà Ronesans Rezidans 12 tầng với 250 căn hộ được hoàn thành vào năm 2012 đã sụp đổ, để lại vô số người chết hoặc vẫn còn sống bị mắc kẹt. Ronesans Rezidans được coi là một trong những tòa nhà “sang trọng” trong khu vực và được quảng cáo là “dự án cuộc sống chất lượng cao” trên Facebook với hồ bơi, phòng tập thể dục, trung tâm làm đẹp và an ninh. Một tòa nhà khác bị phá hủy ở Antakya là Guclu Bahce, được bắt đầu xây dựng vào năm 2017 và khai trương rầm rộ vào năm 2019...

Các loại vi phạm về xây dựng được trích dẫn trong báo cáo của Bộ Môi trường và Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ rất đa dạng, bao gồm cả những ngôi nhà được xây dựng mà không có giấy phép, những tòa nhà xây thêm tầng hoặc mở rộng ban công mà không được phép. Tuy báo cáo này không nêu rõ có bao nhiêu tòa nhà vi phạm các quy tắc liên quan đến chống động đất hoặc tính toàn vẹn của cấu trúc cơ bản nhưng thực tế này đã rõ ràng.

Từ năm 1999, khi hai trận động đất mạnh xảy ra ở phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, gần Istanbul làm chết khoảng 18.000 người, quy định xây dựng đã được thắt chặt và quá trình đổi mới đô thị cũng được tiến hành. Nhưng việc nâng cấp không diễn ra đủ nhanh, đặc biệt là ở các thành phố nghèo hơn. Theo Muhcu, Chủ tịch Phòng Kiến trúc sư của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà xây dựng thường sử dụng vật liệu chất lượng thấp hơn, thuê ít chuyên gia hơn để giám sát các dự án và không tuân thủ các quy định khác nhau như một cách để giảm chi phí. “Chúng ta đang phải trả giá bằng hàng nghìn cái chết, hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy, thiệt hại kinh tế”, ông Muhcu nhấn mạnh.

Sông Thương
.
.