Cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Khi xu thế cũng chính là điểm nghẽn
Không phải đến tận bây giờ, những gợi ý về việc cải tổ cơ cấu hoạt động của Liên hợp quốc mới được đề cập. Nhưng, phải tới lúc này, nhu cầu về sự thay đổi ấy mới trở nên rõ rệt và bức thiết đến như vậy, khi trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế trước thềm phiên họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Vấn đề là, ý tưởng mang đậm xu hướng toàn cầu hóa – đa cực hóa đó liệu đã chín muồi về điều kiện để trở nên khả thi, trong thế giới vốn vẫn mang màu sắc đơn cực này?
Nhu cầu xuất phát từ thực tiễn
Cho đến ngày 26-9, trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã có hàng loạt lời “đề cử” và “tự ứng cử” được đưa ra, như sự khẳng định mạnh mẽ về chuyện Liên hợp quốc nói chung cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng cần phải được cải tổ.
Ngày 26-9, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: “Trong nhiều năm, nước Đức đã cam kết cải cách và mở rộng quy mô ảnh hưởng của mình, đặc biệt là đối với các quốc gia ở Nam bán cầu. Nước Đức cũng sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn”.
Trước đó, ngày 24-9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng: “Chúng tôi đặc biệt lưu ý rằng Ấn Độ và Brazil là những thành viên quốc tế quan trọng và là ứng cử viên xứng đáng cho tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Hồ sơ của các nước châu Phi cũng cần được chú ý hơn”.
Trước đó nữa, trong bài diễn văn khai mạc phiên họp thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - đã sớm “mở đường”: “Tôi mong muốn cải cách Hội đồng Bảo an. Để mang tính đại diện rõ nét hơn, cơ quan quyền lực này cần chào đón thêm các thành viên thường trực mới nhằm phát huy hết vai trò của mình, cũng như hạn chế việc lạm dụng quyền phủ quyết”.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định rằng nước Mỹ ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết, như lời đồng vọng cùng quan điểm với người đồng cấp của quốc gia đồng minh lâu đời nhất bên kia Đại Tây Dương.
Như vậy, bất cứ ai cũng có thể thấy, trên bề mặt, việc mở rộng số lượng thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ chính các thành viên thường trực - nghĩa là các cường quốc quan trọng nhất lãnh đạo thế giới. Thậm chí, đến cả quyền phủ quyết (veto) tối thượng của “ngũ cường” (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) cũng đứng trước khả năng có thể sẽ hạn chế hoặc bị loại bỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa, sựleo thang xung đột vũ trang ở Ukraine chính là yếu tố trực tiếp thúc đầy những vận động gấp gáp hiện tại.
Kể từ ngày 24-2, thời điểm chiến sự bùng phát, đến lúc này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức 15 phiên họp công khai về tình hình Ukraine. Nhưng, sau hơn 7 tháng, vẫn chưa có phương hướng nào khả dĩ nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh và vãn hồi hòa bình, chứ chưa nói đến một nghị quyết đích thực từ cơ quan quyền lực ấy.
Đó cũng không hẳn là điều gì đáng ngạc nhiên. Cũng như rất nhiều cuộc chiến tranh hay xung đột (cục bộ nhưng đẫm máu) kể từ khi Liên hợp quốc khai sinh sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, chiến sự ở Ukraine là minh chứng tiếp theo và có lẽ cũng sinh động nhất, cho thấy sự bế tắc trong những tình huống khẩn cấp. Đơn giản, chỉ cần 1 trong số 5 thành viên thường trực nắm Hội đồng Bảo an sử dụng quyền phủ quyết, bất cứ quyết sách quan trọng nào cũng có thể bị đình hoãn, bất chấp ý kiến của 10 thành viên không thường trực cùng 4 thành viên thường trực còn lại.
Và khi nhìn về tương lai của loài người, điều này rõ ràng đang trở thành một lực cản. Chiến tranh hay xung đột không phải là mối lo duy nhất hay lớn nhất đe dọa sự tồn vong của loài người. Bên cạnh bóng ma ấy, còn không ít vấn đề cần tới một cơ chế hoạt động hữu hiệu và giàu tính đại diện hơn (hay nói cách khác là “dân chủ hơn”) nhằm hướng đến sự đồng thuận, gắn kết cao hơn của Liên hợp quốc, như bệnh dịch, thiên tai, tiến trình biến đổi khí hậu và môi trường, hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia cũng như các tầng lớp xã hội...
Đơn cử, như việc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã và đang liên tục phải đưa ra những lời kêu gọi tuyệt vọng, về viễn cảnh nạn đói đang ập xuống nhiều khu vực châu Phi, đe dọa tạo nên những thảm họa nhân đạo, khi “lục địa đen” mắc kẹt bởi những tranh chấp ở một châu lục khác và bất lực nhìn các chuỗi cung ứng cơ bản nhất nối nhau đứt gãy.
Những quân bài úp mặt
Như Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Melvut Cavusoglu phát biểu ngày 23-9: “Thế giới không chỉ có 5 ủy viên thường trực. Hội đồng Bảo an cần mở rộng hơn nữa, mọi quốc gia đều nên có đại diện” (theo Reuters), sự gia tăng số lượng thành viên và thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một nhu cầu có thật, và nó hiện hữu rất rõ rệt trên bản đồ địa chính trị thế giới đang phân cực hóa sâu sắc hiện tại.
Song, khi đặt nhu cầu này cạnh những ý kiến ủng hộ của các đại cường, cũng như đặt cạnh thực tế là cả Mỹ, Nga lẫn Trung Quốc đều đã không ít lần sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình hoặc của các đồng minh thân cận (trong khi Anh và Pháp đã không sử dụng quyền veto này kể từ năm 1989), câu hỏi đặt ra là liệu các trung tâm quyền lực có thực tâm từ bỏ quyền lực của mình một cách dễ dàng như vậy?
Thế giới hiện tại, đến lúc này, đã không còn gắn liền với trật tự đơn cực được duy trì từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc, cũng như với sự thách thức về quân sự-địa chính trị từ nước Nga dành cho Washington. Song, cũng không dễ dàng để xác quyết thế giới này hiện đã trở lại với trạng thái “Bức màn thép” chia cách Đông - Tây, hay sẽ còn chuyển hóa thành những hình thái khác.
Trước khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, như cột mốc đánh dấu mức căng thẳng mới trong mâu thuẫn Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính nội bộ phương Tây cũng đã hằn lên những vết rạn. Suốt nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiếp nối bằng sự vụ Mỹ cùng Anh và Australia thành lập liên minh quân sự AUKUS ở Thái Bình Dương, biến nước Pháp - một trong hai quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thành “kẻ ngoài rìa”, mỗi quan hệ Mỹ - EU đã dần trở nên lạnh nhạt, đến độ ý tưởng thành lập một “Quân đội châu Âu” độc lập với NATO cũng được đặt ra nghiêm túc, để sẵn sang xúc tiến trong thực tế.
Chiến sự tại Ukraine trì hoãn sự phân ly ấy và ép các quân đội thành viên NATO phải gắn bó trở lại với nhau. Tuy nhiên, những mâu thuẫn âm ỉ vẫn ở đó, trong khi tham vọng thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ - cường quốc dẫn đầu phương Tây - để vươn lên trở thành một “cực” độc lập trên bản đồ quyền lực toàn cầu có lẽ cũng vẫn thôi thúc hai quốc gia “đầu tàu” của EU. Do vậy, từ lâu, nước Đức đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẵn sàng “cáng đáng” những nhiệm vụ quan trọng hơn trên trường quốc tế, kể cả về mặt quân sự - điều chưa từng được nhắc đến từ sau Thế chiến 2.
Do vậy, một ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng cho nước Đức sẽ vừa là một lá phiếu đầy sức nặng nghiêng về phía các giá trị mà phương Tây vẫn đang áp đặt, vừa là cách để “khuếch trương thanh thế” cho trục Paris - Berlin.
Ở một hướng khác, khi nước Nga đề cử Ấn Độ, có lẽ chúng ta cũng nên gắn liền động thái ấy với tầm ảnh hưởng đang ngày một gia tăng của khối Các nền kinh tế mới nổi (BRICS, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), với việcMoscow đã bước đầu thành công trong việc hủy bỏ vị thế độc tôn của đồng USD trong “rổ tiền tệ thanh toán quốc tế”, với kịch bản là nước Nga sẽ không cần phải sử dụng quyền phủ quyết của mình với tần suất quá dày đặc, khi có thêm một lá phiếu đáng giá trước phương Tây.
Nói cách khác, việc mở rộng và “cải tổ” cơ chế hoạt động của Liên hợp quốc vẫn có thể chỉ là một tiến trình “tập hợp” lực lượng của các cực kình chống nhau, nếu không có những thay đổi từ gốc rễ.
Thay đổi ấy, thực ra, lại không có gì phức tạp về mặt lý thuyết, như các điều khoản sơ khởi ngày cơ quan quyền lực toàn cầu này mới thành lập: Bất cứ nghị quyết nào của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng phải được xem như một chế tài bắt buộc và bất cứ cường quốc nào, dù là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, cũng không được phép đi ngược lại nghị quyết ấy.
Nhưng, điều này vẫn luôn chỉ là lý thuyết. Thực tế là Liên hợp quốc chỉ có thể kêu gọi, chứ không thực sự sở hữu sức mạnh để áp đặt chế tài. Sức mạnh ấy luôn nằm trong tay các đại cường, kể cả khả năng răn đe và áp chế quân sự lẫn quyền phủ quyết...