Cần sớm xử lý "nghĩa địa xe cũ" tại Hà Nội để tránh lãng phí
Do thủ tục khá phức tạp, giá trị xe tương đương với mức phạt, thậm chí cao hơn, hiện nay người vi phạm khi tham gia giao thông đã bỏ xe không nhận lại. Chính vì thế những năm gần đây, tình trạng bãi trông giữ phương tiện này ngày càng quá tải. Các chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng có những phương án xử lý để tránh lãng phí cho người dân.
Tiền phạt cao hơn giá trị xe
Thời gian vừa qua, hầu hết các xe tang vật trong vụ án, xe liên quan đến tai nạn giao thông bị lực lượng Công an tịch thu và đưa về các bãi trông giữ phương tiện vi phạm giao thông của TP Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều bãi trông giữ xe đã lên tới hàng nghìn chiếc và đang trong tình trạng quá tải. Lực lượng Cảnh sát giao thông cho hay, bên cạnh nguyên nhân xe không có giấy tờ thì trong nhiều trường hợp, mức xử phạt cao hơn giá trị thực của chiếc xe cùng với thủ tục nhận lại xe mất nhiều thời gian, dẫn đến việc các tài xế thường bỏ của chạy lấy người. Chính vì vậy rất nhiều xe vi phạm phơi mưa phơi nắng nhiều năm không có chủ đến nhận lại, cũng chưa thể thanh lý.
Ghi nhận tại bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long (Hà Đông, Hà Nội), đây là đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tang vật với công an một số quận, đội cảnh sát giao thông và một số tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội. Tại đây có hàng nghìn phương tiện như xe máy, xe ba gác, ô tô xếp ngổn ngang, phủ đầy bụi. Đa số đó chủ yếu là những phương tiện bị tạm giữ nhiều năm liền do chủ xe không tới nhận hoặc các phương tiện tang vật bị tịch thu.
Theo người quản lý bãi xe này, để phục vụ tìm kiếm, hầu hết trên các xe đều được viết ngày vào bãi cũng như đơn vị mang đến gửi. Những phương tiện này khi đưa vào kho tang vật đều được rút hết xăng và dầu nhớt bên trong để hạn chế cháy nổ. Mặc dù được bố trí hệ thống mái che nhưng với số lượng tang vật quá nhiều, đặc biệt là xe máy nên các phương tiện phải để ở ngoài trời. Có nhiều phương tiện còn được để ra phía ngoài đường hay trước cửa nhà dân xung quanh.
Mới đây lực lượng Cảnh sát giao thông cho biết, bên cạnh nguyên nhân xe không có giấy tờ, nhiều chủ xe giá trị thấp lại bị phạt ở mức cao (theo Nghị định 100/2019), cùng với thủ tục nhận lại xe mất nhiều thời gian nên các chủ xe đã bỏ phương tiện, không đóng phạt và nhận lại phương tiện.
Bà Nguyễn Thị Hà (người khu vực Bãi Sậy, Cầu Đơ, Hà Đông) cho biết: “Thực sự nhìn bãi xe, ai cũng thấy xót xa, người thì không có phương tiện mà đi lại, làm ăn, còn bao nhiêu xe vứt thế kia. Tôi nghĩ phải có phương án thanh lý hay xử lý thế nào để tránh lãng phí”.
Người trông giữ kho của Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết: “Ở đây chúng tôi cũng vừa luân chuyển xe, những chiếc xe mới thì để vào nơi có mái che để đảm bảo quyền lợi cho chủ xe. Còn những chiếc xe cũ quá, không có ai đến nhận thì chuyển ra ngoài trời”. Chỉ cho phóng viên sàn xe cũ trước mặt, người quản lý bãi xe nói thêm: “Một sàn thế này cũng tầm vài trăm cái xe. Chị nhìn đấy, ở đây có mấy sàn như vậy”.
Khi được hỏi về những chiếc xe đã quá cũ thì sẽ xử lý như thế nào thì người giữ kho nói rằng: “Theo như ban giám đốc vừa thông báo cho chúng tôi từ tháng trước thì khả năng từ giờ đến cuối năm bên Công an sẽ thanh lý”. Phóng viên tỏ ra e ngại về những chiếc xe đã cũ nát liệu có ai dám mua thì người quản lý bãi xe cho biết: “Thực ra xe ở đây nó không cũ và nát như trong TP Hồ Chí Minh đâu. Hôm vừa rồi tôi có xem trên truyền hình còn thấy họ xếp chồng đống xe lên nhau, chứ ở đây chúng tôi vẫn xếp rải một lượt thôi”. Cũng theo lời người giữ kho của bãi xe cho biết thì khoảng 2 năm trở lại đây, bãi xe này đã tiếp nhận, trông giữ tầm 3.000 chiếc xe vi phạm giao thông.
Tương tự, bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) cũng chẳng khác gì “nghĩa địa” xe. Tại đây cũng có hàng nghìn chiếc xe máy đang được xếp chật kín. Rất nhiều trong số này đã nằm tại đây vài năm mà không có chủ đến làm thủ tục để lấy xe.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó giám đốc Xí nghiệp 5 cho biết, cả bãi có khoảng hơn 3 nghìn xe vi phạm, riêng từ đầu năm đến giờ lượng tồn đọng đã lên hơn 300 xe máy, chủ yếu là xe của người vi phạm nồng độ cồn. Nói về nguyên nhân người vi phạm không đến làm thủ tục để nhận xe, ông Lộc cho rằng, chủ yếu vẫn là mức phạt tương đương, thậm chí cao hơn giá trị xe. Ngoài ra còn do nguyên nhân một số xe vi phạm không đủ các loại giấy tờ theo quy định, xe đã bị thay đổi kết cấu.
Anh Ngô Văn Thắng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có xe vi phạm bị tạm giữ, sau khi làm thủ tục nhận xe, anh Thắng cho hay: “Thực sự vào đây tôi mới thấy lượng xe bỏ lại bãi quá nhiều. Có nhiều chiếc xe có giá trị cao nhưng do để lâu ngày bị hư hỏng, trở thành phế liệu, không thể khôi phục để sử dụng được. Thật quá lãng phí”.
Tiếp tục ghi nhận tình trạng xe bị “bỏ quên”, chúng tôi tiếp tục có buổi khảo sát thực tế tại 3 bến xe lớn ở Hà nội, gồm bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Tại đây cũng có tình trạng chủ xe bỏ lại phương tiện trong một thời gian dài không đến nhận, tuy nhiên số lượng không quá nhiều. Đa số những phương tiện này đều là xe cũ nát.
Điển hình như bến xe Giáp Bát, bãi gửi xe máy của bến có quy mô 2 tầng, trong đó có một góc nhỏ ở tầng 2 được sử dụng làm nơi cất giữ những chiếc xe không ai đến nhận sau nhiều năm gửi. Qua quan sát thực tế, những chiếc xe bị bỏ lại đa số là xe cũ nát, có giá trị thấp, hư hỏng nhiều bộ phận, như yếm xe, chắn bùn, yên... phủ bụi kín mít.
“Xe lâu nhất chắc độ khoảng 3 năm, có một số xe thì khoảng 3 - 4 tháng nay chưa ai đến nhận. Nhân viên bãi xe thường xuyên phải đi kiểm đếm. Những phương tiện lâu ngày không thấy chủ quay lại nhận thì sẽ dồn vào cùng một góc như thế này để dành diện tích cho phương tiện khác”, người quản lý bãi gửi xe tại bến xe Giáp Bát cho hay.
Cũng theo vị quản lý này cho hay, đã có một số trường hợp phương tiện bị bỏ lại 5 - 6 tháng, thậm chí là hơn, sau đó chủ xe mới quay lại nhận. Chính vì vậy, đối với các xe lâu ngày không có người nhận thì bãi vẫn phải giữ lại, phòng trường hợp chủ xe quay lại.
Còn tại Bến xe Mỹ Đình, hiện có 3 bãi gửi xe máy nằm trong khuôn viên bến. Các bãi xe này có quy mô khá nhỏ, chỉ có thể trông giữ. Người quản lý một bãi xe tại đây cho biết, những năm trước cũng thường xuyên có trường hợp chủ xe bỏ lại phương tiện, không đến nhận lại. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng này thỉnh thoảng mới xảy ra.
“Hiện bãi xe của tôi chỉ có 1 xe khoảng 2 tháng nay chưa thấy chủ đến nhận, xe cũng khá cũ rồi. Trước đây các phương tiện bỏ lại quá lâu thì bãi sẽ liên hệ bên Công an phường nhờ giải quyết, hoặc mang đi các bãi rộng hơn để gửi”, người quản lý bãi xe cho biết.
Không chỉ ở các bãi trông giữ phương tiện vi phạm giao thông, ở các điểm trông giữ xe ở bến xe mới có nhiều xe cũ, nát “vô chủ” mà nhiều nhà xe của bệnh viện, siêu thị cũng tồn tại loại xe này. Theo ghi nhận của phóng viên, tại bãi gửi xe của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, phía trong cùng của nhà xe cũng có hàng chục phương tiện xe máy cũ, được xếp chồng lên nhau. Chỉ cần nhìn vào độ “nát” của những chiếc xe và độ dày của lớp bụi bao bọc đủ thấy chúng đã bị chủ nhân vứt bỏ từ rất lâu.
Cần phải áp dụng công nghệ số
Theo các chuyên gia pháp lý, xử lý vi phạm hành chính quy định, chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp. Thời gian xử lý xe vi phạm tính từ thời điểm xe bị tạm giữ ít nhất hơn 1 năm.
Để xác lập tài sản toàn dân, đấu giá xe máy “vô chủ”, cơ quan chức năng cần lập Hội đồng thẩm định giá (với nhiều đơn vị như đại diện Công an, Tài chính, Tư pháp..), ra quyết định tịch thu xe. Sau đó, cơ quan chức năng định giá trên cơ sở thời gian lưu kho, so sánh giá trị với xe mới và đưa ra giá khởi điểm đấu giá.
Bộ Tài chính cho biết, đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất chi tiết phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
“Dự thảo Nghị định khi được thông qua sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quy trình, thủ tục xử lý tài sản xác lập sở hữu toàn dân. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng để lãng phí các tài sản như trường hợp xe vi phạm hành chính cũ hỏng”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Về vấn đề này, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm bỏ xe là để không bị tước GPLX. “Không ít những trường hợp khi vi phạm nồng độ cồn, nếu giá trị xe tương đương với mức phạt, thậm chí cao hơn 1-2 triệu đồng, người vi phạm sẽ nói là không nhớ để GPLX ở đâu hoặc nói dối là không có GPLX, từ đó lực lượng chức năng không thể lập biên bản tạm giữ GPLX. Sau đó người vi phạm sẽ bỏ xe để không bị tạm giữ GPLX”, Thiếu tá Chinh cho hay.
Thiếu tá Trần Quang Chinh cũng đưa ra giải pháp, cần phải áp dụng công nghệ số trong quản lý GPLX, CCCD sẽ tích hợp vào hệ thống, sau đó CSGT sẽ tra cứu và biết được đầy đủ thông tin người vi phạm, ngăn tình trạng bỏ xe.
Ở góc nhìn chuyên gia, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: “Để giải quyết tình trạng bỏ xe vi phạm có nhiều giải pháp khác, cần phải việc áp dụng công nghệ. Khi GPLX được tích hợp trên dữ liệu dân cư quốc gia, CSGT sẽ biết được người nào đã có GPLX, người nào không. Từ đó lực lượng chức năng có thể tước GPLX ngay trên hệ thống, bắt đầu thời điểm họ vi phạm. Nếu không đến nộp phạt, GPLX sẽ bị vô hiệu, lúc đó chắc chắn sẽ không ai dám bỏ xe nữa”.
Ngoài các lỗi vi phạm nồng độ cồn theo các mức được đánh giá là nguy cơ cao dẫn đến tai nạn cần tạm giữ xe để ngăn chặn hậu quả, thì Nghị định 100 và Nghị định 123 còn rất nhiều lỗi khác cũng buộc tạm giữ xe như: Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, lái xe buông cả hai tay, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên, nằm trên yên xe, thay người điều khiển xe máy, lạng lách đánh võng, chạy một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh, điều khiển xe thành nhóm chạy quá tốc độ, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, không có giấy đăng ký xe hoặc giấy đăng ký xe hết hạn, xe không gắn biển số...