Cẩn trọng sau tay lái chưa bao giờ là thừa

Thứ Sáu, 14/04/2023, 08:32

Liên tiếp nhiều vụ "xe điên" xảy ra tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành thời gian qua. Đặc biệt, có thể thấy trong những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng này, người điều khiển phương tiện vẫn tỏ ra hết sức chủ quan. Chỉ trong một phút bất cẩn, họ đã gây ra những hậu quả thảm khốc, mà không thể bù đắp được...

1. Ngày 5/4/2023 vừa qua một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội). Theo như đoạn video clip mà camera ghi lại tại hiện trường thì vào khoảng hơn 16h cùng ngày tại khu vực ngã tư Xuân La - Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội), một chiếc xe ôtô mang BKS 29A-08312 bất ngờ rồ ga đâm liên tiếp vào hàng loạt xe mô tô, khiến nhiều người bị thương, các phương tiện bị hư hỏng nặng. Tài xế chiếc "xe điên" là ông Hoàng Ngọc Vĩnh (sinh năm 1960, thường trú tại Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội). Được biết ông Vĩnh trên đường chở vợ đi khám ở viện tim về nhà thì gây ra tai nạn trên.

1.jpeg -0
Hiện trường vụ "xe điên" tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội

Tại cơ quan công an, ông Vĩnh khai nhận khi di chuyển gần tới ngã tư, ông định rà phanh song không ngờ chiếc xe lại vọt lên không theo ý định điều khiển của ông. Khi thấy phanh chân không tác dụng, ông đã dùng cả phanh tay và đưa cần số về số "Mo", tuy nhiên chiếc xe chỉ dừng lại sau khi đã đâm vào 17 phương tiện giao thông khác. Ông Vĩnh cũng thừa nhận trong thời điểm đấy có thể do luống cuống nên ông đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga. Ông cũng nói lời xin lỗi tất cả mọi người, và nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả. Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông” và ra quyết định tạm giữ hình sự lái xe để tiếp tục điều tra vụ việc.

Cũng theo clip ghi lại quá trình gây tai nạn của tài xế, có thể thấy chiếc xe này đang ở với gần làn trong (làn đường dành cho xe gắn máy) hơn là làn ngoài - làn đường dành cho ô tô. Như vậy có vẻ như tài xế đã đi sai làn. Hơn nữa, khi người tài xế bước xuống xe, có thể thấy ông ta đang đi một đôi dép lê. Trên thực tế, việc lái xe khi đi dép lê hay giày cao gót luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

2.jpeg -0
Tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh đã đi dép lê trong khi điều khiển ôtô

Anh Nguyễn Long, một tài xế taxi dày dạn kinh nghiệm kể lại tai nạn nhớ đời của mình khi mang dép lê điều khiển ôtô. Thời điểm đó anh Long đã hành nghề được hơn một năm, và khá tự tin với tay lái của mình. Song không ai nói trước được chữ ngờ. Chiều Chủ nhật một ngày cuối năm, anh Long nhớ ra lịch đón khách quen ở sân bay Nội Bài. Chỉ còn chưa đầy 30 phút nữa là máy bay hạ cánh. Vì thời gian gấp gáp, anh vội đi nguyên đôi dép lê đang dùng trong nhà rồi lên xe đi luôn.

3.jpeg -0
Nhầm chân phanh thành chân ga, nữ tài xế xe Mercedes tông nhiều xe máy bốc cháy

Đúng vào thời điểm đường đông, chiếc xe cứ nhích từng mét một. Sau khi thoát được ra đường lớn thì thời gian còn lại chỉ là 15 phút, anh Long vội tăng tốc, chạy như cướp đường. Bất ngờ khi đang lái xe tốc độ cao thì chiếc dép bị tuột, theo phản xạ anh nhòm xuống gầm xe tìm dép, khi ngẩng lên đã thấy lạc sang làn đường bên cạnh. Anh vội đánh lái để về lại làn của mình thì bị chiếc xe sau húc "đánh rầm" một cái. Tuy không thiệt hại về người, song anh Long đã tốn một khoản tiền không nhỏ để sửa chữa cho cả hai chiếc xe.

Với cánh tài xế nữ, nhiều người trong số họ thường có thói quen sử dụng giày cao gót khi lái xe. Điều này cũng luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm.

Đơn cử rạng sáng 20/11/2019 tại khu vực cầu Hoà Mục (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xe ô tô hiệu Mercedes GLC 250 di chuyển theo hướng Lê Văn Lương đi Láng Hạ. Tới khu vực ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ thì va chạm với 3 xe máy và một xe đạp điện đang dừng đèn đỏ.

Chiếc xe này sau khi đâm vào nhiều xe máy vẫn tiếp tục lao đi, cuốn theo một xe máy và một xe đạp điện vào gầm. Cuối cùng chiếc ô tô này phát ra tiếng nổ lớn rồi nhanh chóng bốc cháy. Lái xe là một người phụ nữ đã lập tức thoát ra ngoài với vẻ mặt hết sức hoảng loạn. Hậu quả của vụ TNGT nghiêm trọng này đã lấy đi tính mạng của một cô gái trẻ, và khiến cho 3 chiếc xe máy của người dân và cả chiếc xế sang đều cháy rụi. Nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái khai nhận do đi giày cao gót nên trong lúc mất bình tĩnh đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga.

Thạc sỹ Vũ Huy Toàn - chuyên gia về giao thông đường bộ cho rằng, giày cao gót thường không có độ bám/độ trụ tốt cho chân, rất dễ khiến lái xe không có tư thế thoải mái nhất khi lái xe. Kết cấu của giày cao gót giúp nâng cao chân hơn bình thường, nên làm người lái khó khăn trong việc cảm nhận lực tác động lên bàn đạp phanh/ga.

Việc đi giày cao gót còn tạo một khoảng trống giữa bàn chân với bàn đạp. Khoảng trống này sẽ khiến lái xe nhấn trượt phanh hoặc vô ý đạp nhầm vào bàn đạp ga. Hay thậm chí, một số đôi giày cao gót có thể khiến lái xe bị mắc kẹt vào thảm trải sàn, mắc kẹt giữa bàn đạp, khiến người lái giảm khả năng phản ứng của chân trong tình huống khẩn cấp.

4.jpeg -0
Giày cao gót là nguyên nhân khiến nữ tài xế dễ bị nhầm chân phanh thành chân ga

Khi chị em lái xe chọn đi giày cao gót sẽ khiến họ gặp khó khăn khi điều khiển chân ga, chân phanh, thậm chí luống cuống đạp nhầm từ chân phanh sang chân ga, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách nguy hiểm, khi di chuyển trên các tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc.

Cũng theo anh Toàn, để không bị đạp nhầm chân ga, thì việc đầu tiên khi lái xe là phải đặt gót chân phải ở phía trước chân phanh, xoay bàn chân phải sang hướng chân ga để tiếp tục đạp ga, đây là cách để phát triển trí nhớ chính xác “khi cần phanh thì đạp phanh - khi cần tăng tốc thì đạp ga”.

Tư thế chân rất quan trọng, giúp phát triển trí nhớ chính xác, tạo phản xạ có điều kiện đúng, bất kể tình huống khẩn cấp nào xảy ra cũng sẽ không bị nhầm, vị trí gót chân như vậy cũng cho phép chuyển chân phanh rất nhanh. Chỉ sử dụng chân phải để điều khiển cả chân phanh và ga. Không lái xe số tự động bằng hai chân (chân phải ga và chân trái phanh) vì khi gặp tình huống bất ngờ và giật mình thì tỷ lệ bị nhầm lẫn sẽ rất cao.

2. Còn theo anh Phạm Nguyên, giáo viên trung tâm đào tạo sát hạch lái xe V. chia sẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, như phương tiện bị hỏng hóc, chất lượng đường sá xuống cấp... thì có một nguyên nhân hàng đầu từ ý thức chủ quan của tài xế. Trong quá trình đào tạo cũng như tiếp xúc với nhiều tài xế khác nhau, anh Nguyên nhận thấy vẫn còn khá nhiều người tỏ ra chủ quan mỗi khi ngồi sau vô lăng. Loại trừ nguyên nhân không làm chủ phương tiện do say bia rượu, thì còn có những bác tài phóng nhanh vượt ẩu; vừa điều khiển ôtô, vừa nhắn tin gọi điện thoại, rồi ăn uống nhồm nhoàm... hay làm đủ trò, thể hiện sự coi thường tính mạng của mình và người đi đường.

Anh Nguyên có một người bạn thuộc dạng "tài già", song vẫn phải trả giá đắt cho một lần chủ quan. Số là anh này có thói quen vừa nghe nhạc vừa lái xe. Mà anh thường bật youtube trên điện thoại, rồi phát ra loa trong xe. Do vậy nên thi thoảng anh vẫn phải cầm điện thoại lên để chuyển bài, hoặt tắt quảng cáo.

Bình thường mọi lần anh lái một tay, tay kia cầm điện thoại và bấm nhanh trong 1-2 giây thì không sao. Một lần nọ đang di chuyển trên khu vực cầu Thanh Trì, điện thoại đang phải cắm sạc nên mỗi khi chuyển bài anh phải nhìn xuống điện thoại để bấm. Lần đầu bấm xong thấy khoảng cách với xe trước vẫn khá an toàn, anh lại ngó xuống bấm chuyển bài khác. Song lần này vừa ngẩng lên thì đã thấy đuôi chiếc xe phía trước. Anh vội đạp phanh hết cỡ, thì vẫn thấy chiếc xe vọt lên và đâm "rầm" vào xe kia, và "dồn toa" lên một xe nữa cùng hai xe đi phía sau. Hóa ra, do luống cuống, anh đã nhầm chân phanh với chân ga.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến TNGT thảm khốc là do các tài xế quá mệt mỏi, buồn ngủ, lái xe trong trạng thái tinh thần bị kích động như vui quá, buồn quá, hoặc lo lắng, bồn chồn... Chị Phương Mai (nhân viên một Công ty truyền thông tại Hà Nội), dù đã có hàng chục năm cầm vô lăng song vẫn không tránh khỏi một tai nạn nhớ đời. Đó là thời điểm chị nhận được tin hàng xóm nhắn ba chị ở quê bị tai biến. Chị vội bỏ hết công việc để lái xe với ý định đưa ông đi bệnh viện. Trong một phút mất bình tĩnh, chị Mai đã lạc tay lái chiếc xe lao thẳng xuống ruộng lúa.

Cũng theo anh Nguyên, để hạn chế TNGT, trước hết các tài xế phải theo học các khóa đào tạo thật nghiêm túc, bài bản. Từ việc nắm được phần "lý thuyết" cho đến các phần thực hành trên sa hình. Trước khi khởi động xe thì cần phải chỉnh tư thế ngồi ghế sao cho phù hợp, cách đặt tay lên vô lăng, rồi chỉnh gương chiếu hậu... xong xuôi. Ngoài ra, tài xế cũng không hình thành thói quen xấu như liên tục rà chân phanh; vừa ăn uống vừa điều khiển phương tiện, vừa sử dụng điện thoại, đi các loại giày dép không phù hợp... Khi đói bụng hay buồn ngủ thì cần phải dừng lái để bổ sung đồ ăn hoặc chợp mắt một vài phút. Đặc biệt luôn luôn phải nhớ rằng, chỉ một giây bất cẩn là có thể khiến cho tính mạng của bản thân và người khác bị đe dọa, có thể gây ra những hậu quả mà không gì bù đắp được!

TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tập trung do lỗi của người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định của pháp luật

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào 6/4/2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong tổng số 11 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong quý I/2023, có 4 vụ nguyên nhân do không chấp hành quy định về tốc độ; 2 vụ do sử dụng rượu, bia; 2 vụ do không chú ý quan sát; 2 vụ do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và 1 vụ do đi không đúng làn đường, phần đường.

Ngoài ra, vụ tai nạn xảy ra tại Quảng Nam ngày 14/2/2023, lái xe khách còn vi phạm chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, không chú ý quan sát.

Từ phân tích này, Thiếu tướng Đức cho biết, nguyên nhân TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tập trung do lỗi của người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT (chiếm hơn 80%) như: Không chấp hành quy định về tốc độ, không chú ý quan sát, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn...   

Minh Khang
.
.