Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Những bước chân nguy hiểm bên miệng vực

Thứ Tư, 07/05/2025, 09:45

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau vụ khủng bố tại Kashmir, cả Ấn Độ và Pakistan liên tiếp phô trương sức mạnh và gửi đi những tuyên bố cứng rắn, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Đôi bên cùng thị uy sức mạnh

Hải quân Ấn Độ hôm 4/4 chia sẻ một bức ảnh về khu trục hạm tên lửa INS Kolkata, tàu ngầm tấn công lớp Scorpene và trực thăng đa nhiệm Dhruv cùng thao diễn trên biển. "Chiếc đinh ba của sức mạnh hải quân - trên không, dưới biển và trên mặt nước", bộ phận truyền thông của hải quân Ấn Độ chú thích như vậy cho bức ảnh khi đăng tải trên tài khoản mạng xã hội X. 

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Những bước chân nguy hiểm bên miệng vực -0
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra gần địa điểm xảy ra vụ khủng bố hôm 22/4 tại khu vực Kashmir do nước này kiểm soát.

Bài đăng này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan sau vụ tấn công khủng bố tại thung lũng Pahalgam thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 26 người thiệt mạng ngày 22/4. Cho rằng Pakistan có liên quan tới vụ việc, Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao gay gắt đối với Pakistan, bao gồm đình chỉ Hiệp ước Thủy lợi Indus, đóng cửa khẩu biên giới đất liền duy nhất đang hoạt động giữa hai nước tại Attari và hạ cấp quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nhiều lần tuyên bố rằng “những kẻ phạm tội và kẻ chủ mưu” sẽ phải đối mặt với “phản ứng khắc nghiệt nhất”.

Về phần mình, Pakistan phủ nhận liên quan tới vụ tấn công tại Kashmir và đề nghị tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Nước này cũng đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Ấn Độ, tạm dừng hoạt động thương mại giữa hai nước và trục xuất các nhà ngoại giao Ấn Độ; đồng thời cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn dòng chảy của sông Indus sẽ bị coi là hành động chiến tranh. Tại Kashmir, giao tranh bằng súng và pháo binh đã diễn ra hằng đêm dọc theo Đường kiểm soát (LOC), tức ranh giới quân sự dài khoảng 740 km, chia cắt vùng Kashmir thành 2 phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát, suốt từ ngày 24/4 đến nay. 

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Những bước chân nguy hiểm bên miệng vực -0
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (ảnh giữa) kêu gọi Ấn Độ và Pakistan hạ nhiệt 
căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, hải quân Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tập trận ở biển Arab mà mới nhất là màn bắn thử tên lửa chống hạm hôm 27/4, đồng thời đặt các đơn vị trong tình trạng báo động cao, nhằm đảm bảo “khả năng sẵn sàng chiến đấu và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực”, như thông điệp được hãng thông tấn ANI đăng tải. 

Đáp lại, phía Pakistan cũng công bố đoạn video cho thấy họ đã trang bị tên lửa PL-15 cho những chiếc tiêm kích JF-17 của mình vào ngày 27/4. PL-15 là tên lửa không đối không hiện đại với tầm bắn 200-300 km. Còn JF-17 là tiêm kích do Pakistan và Trung Quốc cùng phát triển, được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động KLJ-7A có khả năng khóa mục tiêu từ khoảng cách 120 km và dẫn bắn đồng thời 4 tên lửa. Nhiều chuyên gia cho rằng, KLJ-7A ưu việt hơn hẳn radar doppler gắn trên máy bay Rafale của Ấn Độ, vốn chỉ có khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 60 km.

Đến ngày 3/5, quân đội Pakistan cho biết họ đã thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo có tầm bắn 450 km. Tên lửa này có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân, được đặt theo tên của Ahmad Shah Abdali - vị quân vương sáng lập ra nước Afghanistan hiện đại vào thế kỷ 18, người đã chỉ huy nhiều cuộc xâm lược tiểu lục địa Ấn Độ. 

Islamabad tuyên bố, vụ thử nghiệm “nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng hoạt động... và xác nhận các thông số kỹ thuật quan trọng, bao gồm hệ thống dẫn đường tiên tiến của tên lửa”. Tuy nhiên, không khó nhận ra thông điệp thực sự được gửi đi, bởi vụ thử tên lửa đạn đạo diễn ra 3 ngày sau khi Bộ trưởng Thông tin Pakistan Attaullah Tarar cho biết Islamabad có “tin tình báo đáng tin cậy” rằng Ấn Độ định tiến hành một cuộc tấn công quân sự trong vòng 24 đến 36 giờ. Các quan chức Pakistan tuyên bố nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ “bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào” từ bên kia biên giới.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Những bước chân nguy hiểm bên miệng vực -0
Bộ ba vũ khí của Hải quân Ấn Độ, gồm khu trục hạm, tàu ngầm tấn công và trực thăng.

Những tiền lệ nguy hiểm

Những phát biểu cứng rắn của đôi bên cộng hưởng với màn phô trương sức mạnh quân sự và các vụ đấu súng dọc Đường kiểm soát tại Kashmir đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn giữa Ấn Độ và Pakistan, như đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ.

Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Kashmir, nhưng mỗi nước lại đang kiểm soát một phần của khu vực này và thường xuyên căng thẳng về vấn đề Kashmir kể từ khi giành được độc lập khỏi sự cai trị của Anh vào năm 1947, dẫn tới 3 cuộc chiến tranh quy mô lớn và một số cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng khác.

Trong số đó, có thể kể đến vụ đánh bom xảy ra tại quận Pulwama thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát (bang Jammu và Kashmir) khiến 40 nhân viên bán quân sự nước này thiệt mạng năm 2019. Jaish-e-Mohammed (JeM) - một nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan đã tuyên bố nhận trách nhiệm, dẫn tới một làn sóng giận dữ từ nước láng giềng.

Ấn Độ cáo buộc Pakistan dung túng cho những kẻ khủng bố trong khi Pakistan một mực phủ nhận mọi sự liên quan tới vụ khủng bố. New Delhi sau đó đã tiến hành không kích vào thị trấn Balakot của Pakistan, nơi có các trại huấn luyện của JeM. Đáp trả, Pakistan cũng điều động các chiến đấu cơ của mình đánh chặn máy bay Ấn Độ. 

Trong cuộc không chiến sau đó, một chiếc Mig-21 của Ấn Độ đã bị bắn hạ, phi công phải nhảy dù xuống khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và bị bắt giữ. Sự kiện này làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân lên mức báo động. 

May mắn là Pakistan đã quyết định trả tự do cho phi công Ấn Độ vào ngày 1/3/2019 như một “cử chỉ thiện chí”, qua đó mở ra cánh cửa đàm phán ngoại giao và cuối cùng ngòi nổ chiến tranh đã được tháo sau khi Islamabad bắt giữ 44 thành viên của nhiều nhóm khủng bố khác nhau, bao gồm cả con trai thủ lĩnh của JeM.

Nhưng, hệ quả của sự cố Pulwama vẫn còn kéo dài. Chính phủ Ấn Độ đã chấm dứt quy chế tự trị đặc biệt của bang Jammu & Kashmir và chia tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang: Jammu & Kashmir (có cơ quan lập pháp) và Ladakh (không có cơ quan lập pháp). 

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan cũng trở nên căng thẳng nghiêm trọng. New Delhi đình chỉ nhiều thỏa thuận thương mại và du lịch với Pakistan, trong khi Islamabad cũng có những phản ứng tương tự. Đồng thời, Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động an ninh tại Kashmir, tiêu diệt nhiều tay súng nổi dậy tại địa phương trong những cuộc trấn áp diễn ra vào các năm tiếp theo.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Những bước chân nguy hiểm bên miệng vực -0
Binh sĩ Ấn Độ và Pakistan biểu dương sức mạnh trong Lễ hạ cờ tại Cửa khẩu Wagah-Attari.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi tháo “ngòi nổ”

Lần này, Kashmir lại trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, khiến cộng đồng quốc tế lo lắng về nguy cơ xảy ra chiến tranh. Liên hợp quốc, Mỹ, Trung Quốc và EU kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 30/4 đã thảo luận với Thủ tướng Shehbaz Sharif của Pakistan và Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Trao đổi với ông Jaishankar, ông Rubio “tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với Ấn Độ chống lại chủ nghĩa khủng bố” nhưng cũng khuyến khích New Delhi hợp tác với Islamabad để “giảm căng thẳng và duy trì hòa bình, an ninh”. Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Rubio đã có động thái cứng rắn hơn với ông Sharif khi nhấn mạnh “cần phải lên án vụ tấn công khủng bố” đồng thời kêu gọi Pakistan hợp tác để điều tra vụ việc.

Một ngày sau, Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance cũng bày tỏ hy vọng Pakistan sẽ giúp truy lùng những kẻ khủng bố và kêu gọi Ấn Độ hành động kiềm chế. “Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ phản ứng theo cách không dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn”, ông Vance nói trên chương trình “Bản tin đặc biệt với Bret Baier” của FOX News.

“Và, chúng tôi hy vọng, một cách thẳng thắn, rằng Pakistan, trong phạm vi trách nhiệm của mình, sẽ hợp tác với Ấn Độ để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố đôi khi hoạt động trên lãnh thổ của họ sẽ bị truy đuổi và xử lý”.

Trong khi đó, trao đổi với Thủ tướng Pakistan và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh “cần tránh xung đột có thể dẫn đến hậu quả bi thảm” và đề nghị giúp làm trung gian. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Kaja Kallas cuối tuần qua cũng thảo luận với các quan chức cấp cao của New Delhi và Islamabad nhằm tháo ngòi nổ. “Tôi kêu gọi cả hai bên kiềm chế và theo đuổi đối thoại để xoa dịu tình hình”, bà Kaja Kallas tuyên bố.

Trung Quốc cũng theo dõi sát sao diễn biến tại Nam Á. Đại sứ nước này tại Pakistan Jiang Zaidong hôm 2/5 đã gặp Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và trao đổi quan điểm về tình hình hiện tại. Ông Jiang cho biết Trung Quốc ủng hộ một cuộc điều tra nhanh chóng và công bằng về vụ việc, đồng thời kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, gặp gỡ nhau, quản lý đúng đắn các khác biệt và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực.

Cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều lắng nghe cộng đồng quốc tế song cũng tỏ ra sẵn sàng trước mọi kịch bản. Tình hình lúc này gợi nhớ tới một nghi lễ rất thu hút du khách: Lễ hạ cờ Wagah diễn ra tại Wagah-Attari, cửa khẩu trên bộ duy nhất đang hoạt động giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong buổi lễ, các binh sĩ biên phòng đôi bên phô diễn nhiều động tác thị uy đầy dữ tợn trước khi cửa khẩu đóng lại mỗi ngày. Dù đều tỏ ra hung hăng, song không bên nào động thủ, không khiêu khích và chỉ xem đây là một màn biểu dương sức mạnh. Và, đấy cũng là điều cộng đồng quốc tế đang mong chờ ở New Delhi và Islamabad lúc này. Hy vọng cả hai sẽ cùng kiềm chế để không ai hụt chân trên bờ vực của một cuộc chiến.

Quang Anh
.
.