Cao điểm kiểm soát nồng độ cồn
Năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 270.601 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm hơn 10% các trường hợp vi phạm. Riêng tháng cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông, bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 40.079 tài xế vi phạm nồng độ cồn, tăng 2.771 trường hợp so với thời gian cùng kỳ trước đó. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà lái xe có nồng độ cồn gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 22/12, tại Hội nghị triển khai công tác CSGT năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng CSGT xử lý nghiêm hành vi này, không nhân nhượng, ngoại lệ bất cứ trường hợp nào.
Ám ảnh những vụ tai nạn giao thông “từ trên trời rơi xuống”
Những ngày vừa qua, liên tiếp trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe sử dụng rượu bia. Điển hình vào đêm 15/12, tại đối diện số nhà 59 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 1 xe ô tô và 2 xe máy. Thời điểm xảy ra tai nạn, ô tô mang BKS 30E-927.XX do Lê Tiến S (sinh năm 1971, trú tại phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển đã va chạm với xe máy do anh H.T.D (sinh năm 2003, trú tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) điều khiển và xe máy điện do cháu P.Đ.V (sinh năm 2009, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. Vụ va chạm làm 4 người bị thương, 3 phương tiện bị hư hỏng. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn với tài xế S, xác định tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,46 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm “kịch khung” được quy định trong Nghị định 100/NĐ-CP (mức vi phạm cao nhất trong Nghị định 100/NĐ-CP là 0,4 mg/L khí thở).
Trước đó, tối 10/12, xe ô tô BKS 30G-111.52 do Nghiêm Thành Đạt (sinh năm 1976) đã đâm dồn toa 4 xe máy đang dừng đón học sinh tại ngõ 300 phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội làm 4 người bị thương. Nguyên nhân do lái xe ô tô không chú ý quan sát gây tai nạn, điều khiển xe ô tô trong hơi thở có nồng độ cồn là 0.501 mg/L khí thở (cao gấp 1,25 lần vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất).
Mới đây nhất, tối 21/12 tại phố Đinh Tiên Hoàng, TP Huế cũng xảy ra vụ TNGT liên hoàn do ô tô con tông vào 8 xe máy. Lái xe là Lê Văn Hiền sinh năm 1991, trú ở thôn Lăng Xá Cồn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vụ va chạm làm 8 xe máy đổ ra đường và bị hư hỏng khiến nhiều người đi đường sợ hãi. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế Hiền tiếp tục điều khiển xe ô tô này rời khỏi hiện trường và tông vào cổng nhà số 219 đường Trần Phú (TP Huế). Lúc này tài xế Hiền mới bị chủ nhà yêu cầu đứng lại để giải quyết. Bước đầu, Cơ quan công an xác định tài xế Hiền vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Đặc biệt, ngày 17/12, 17h20 ngày 16/12, lái xe Trương Vạn Nhật (SN 1995, trú ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) điều khiển ô tô bán tải BKS 43C-256.30 chạy với tốc độ nhanh trên đường Quảng Nam, đoạn qua phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam bất ngờ tong vào xe máy chị V.T.H.S (sinh năm 1997, trú ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và xe máy anh N.T.K (sinh năm 1974) chở theo vợ đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả khiến 3 người tử vong tại chỗ. Theo Công an quận Ngũ Hành Sơn, ngay sau khi gây ra tai nạn nghiêm trọng, qua tiến hành làm việc với tài xế Nhật thì người này có thái độ ngoan cố, không thành khẩn khai báo. Qua kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Trương Vạn Nhật cho kết quả là 1.288mg/L, vượt hơn 3 lần mức vi phạm cao nhất.
Còn nhớ, vào tháng 6/2022, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do tài xế Nguyễn Đức Thịnh gây ra tại Bắc Giang, làm 3 người trong một gia đình tử vong, câu chuyện tài xế này vi phạm nồng độ cồn 0,604 mg/L khí thở được chia sẻ, lên án trên nhiều diễn đàn. Nhưng, sau hàng loạt vụ TNGT làm chết người rất ám ảnh, dù đủ chuyện tài xế nói lời sám hối, ăn năn, ân hận, những bài đọc đắt giá đó có vẻ vẫn chưa đủ thức tỉnh “ma men”.
Muôn kiểu chống đối lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng 8, Cục CSGT cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn rất khó và mất nhiều thời gian vì lái xe không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi, lời nói nên thường không hợp tác, thậm chí chống đối. Vì vậy, có những trường hợp xử lý 1 trường hợp mất 2-3 tiếng đồng hồ. Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý nghiêm.
Với các trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản được lập tại hiện trường, chúng tôi sẽ đề nghị những người chứng kiến xác nhận sự việc. “Bản thân người vi phạm sẽ mất thêm thời gian tự chứng minh mình chính là người vi phạm và tài sản bị tạm giữ là của bản thân khi lên Cơ quan công an giải quyết” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Điển hình của việc bất hợp tác, chống đối CSGT là vụ việc xảy ra tại đường Láng, Hà Nội. Tổ công tác của Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội yêu cầu tài xế ô tô Mercedes biển kiểm soát 30E- 973.XX dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Qua kiểm tra, tài xế N.V.D (sinh năm 1961, trú tại Ba Đình, Hà Nội) vi phạm ở mức 0,093 mg/L khí thở. Ngay khi thấy ông N.V.D. bị kiểm tra nồng độ cồn, vợ ông lớn tiếng chửi bới, lăng mạ tổ công tác. Trong quá trình tổ CSGT lập biên bản, người phụ nữ này liên tục gọi điện thoại cho người thân yêu cầu CSGT cho xem bảng tên, số hiệu. Còn ông N.V.D. thừa nhận đã uống bia rồi điều khiển ô tô, chấp hành ký vào biên bản xử phạt. Với lỗi trên, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt ông N.V.D. với số tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Tại chốt Y9/141, đã phát hiện lái xe Q.N.P (sinh năm 1983, trú tại Thái Thụy, Thái Bình) điều khiển xe máy mang biển số 17N6-58XX, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,433 mg/L khí thở. Trong quá trình làm việc, anh P. không hợp tác với tổ công tác bằng cách không ký vào biên bản vi phạm. Tổ công tác đã mời những người chứng kiến ký biên bản và xử lý nghiêm theo quy định. Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, với các trường hợp người vi phạm chống đối, tổ công tác sẽ ghi hình để xác lập hồ sơ ban đầu, xử lý nghiêm nhằm tăng sự răn đe.
Điều đáng nói, không ít người vi phạm đã mạo danh cán bộ cơ quan nhà nước để xin bỏ qua, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, khoảng 22h ngày 18/12, tổ công tác Y1/141 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại nút giao Quán Sứ - Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiến hành dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn với tài xế ô tô mang BKS 30K[1]072.XX. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế N.Đ.H. (sinh năm 1983, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) là 0,068 mg/L khí thở. Tài xế H. đã xin tổ công tác bỏ qua vi phạm và tự giới thiệu làm tại một Bộ, đang đưa một số người về theo nhiệm vụ. Khi không xin được lỗi vi phạm, tài xế H. đã không chấp hành, liên tục to tiếng tranh cãi. Thậm chí, đòi lực lượng chức năng cho kiểm tra tem kiểm định của máy đo, kế hoạch, chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn. Sau 1 giờ tranh cãi, dùng điện thoại quay tổ công tác và xô xát với lực lượng làm nhiệm vụ, cảnh sát cơ động đã cưỡng chế đưa tài xế H. rời khỏi chốt kiểm tra nồng độ cồn. Tổ cảnh sát 141 đã lập biên bản xử phạt nam tài xế 7 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng và tạm giữ xe 7 ngày vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Chiếc Mercedes GLC 200 được cảnh sát niêm phong và cẩu kéo về bãi tạm giữ.
Thiếu tá Lã Sơn Tùng, Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, sau hàng loạt vụ tai nạn liên hoàn do người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn gây ra, đơn vị đã tăng cường lực lượng, tuần tra 24/24h để tăng cường kiểm tra.
“Trong quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều người vi phạm còn rất chủ quan. Họ đưa ra lý do chỉ uống một chút nên không chấp hành việc xử phạt của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, tổ công tác đã giải thích cho người vi phạm hiểu mức độ nguy hiểm của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện” - Thiếu tá Lã Sơn Tùng nói.
Xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT cho biết, các vụ TNGT đều để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là các vụ lái xe có sử dụng rượu bia vì khi đó lái xe không làm chủ được bản thân... dẫn đến tai nạn.
Lãnh đạo Bộ Công an vừa có chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, song song với việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán. Lực lượng CSGT sẽ tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Bên cạnh việc xử lý đúng theo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo Bộ Công an cũng giao lực lượng CSGT ghi lại đơn vị công tác của người vi phạm là công chức, viên chức, Đảng viên, lực lượng vũ trang... để trao đổi với cơ quan, đơn vị, có hình thức xử lý.
Nói về quyết tâm giảm TNGT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, dù TNGT đã giảm nhưng 1 năm chúng ta vẫn có gần 7 nghìn người ra đường không trở về nhà, có gần 7 nghìn gia đình có tang tóc, hơn 10 nghìn đứa trẻ mất bố mẹ, hàng nghìn người mất con. Chính vì vậy, bảo vệ an toàn của người dân mỗi khi ra đường là trách nhiệm với dân, với nước, với Đảng, là tâm tư, nguyện vọng của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. “Đa số các vụ TNGT đều liên quan đến rượu bia, trong đó có nhiều vụ TNGT liên hoàn, làm chết, bị thương nhiều người. Chính vì vậy, chúng ta phải xử lý mạnh mẽ hơn hành vi vi phạm này, không để xảy ra chết người do không xử lý nghiêm nồng độ cồn. Kiểm soát tốt nồng độ cồn còn làm giảm các vụ đánh nhau, giết người” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Nói về các vụ tai nạn giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long tâm tư: Có những vụ tai nạn, chúng tôi nghe rung mình, đau xót, thương tâm vô cùng. Có những hôm ăn cơm trưa, nhắc đến tai nạn, đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng rớt nước mắt, bữa cơm chùng xuống, không ai nói với ai lời nào. Như vụ xảy ra ở Thừa Thiên-Huế vừa qua, chết tới 4 mẹ con, trong đó có cháu bé đang là thai nhi 7 tháng. Thật không có gì đau xót bằng...