Cắt lát quan hệ Nga - Triều

Thứ Hai, 09/12/2024, 13:41

Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin trình lên Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) dự thảo luật phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và CHDCND Triều Tiên, được ký ngày 19/6 trong chuyến công du của ông tới nước này. Hiệp ước đã được phê chuẩn ngay sau đó, ngày 24/10.

Gần như cùng thời điểm, truyền thông phương Tây ồ ạt thông tin về việc phát hiện lực lượng đặc biệt của CHDCND Triều Tiên tại vùng Kursk gần đường chiến tuyến Nga - Ukraine. Theo đó, khoảng 10.000 người mang đồng phục CHDCND Triều Tiên sẵn sàng trợ giúp quân đội Nga tham chiến tại đây. Một số chuyên gia cho rằng thay vì trực tiếp chiến đấu, binh lính từ nơi xa đến này tranh thủ nghiên cứu kinh nghiệm thực chiến của người Nga trên chiến trường.

Cho đến nay, cả Moscow và Bình Nhưỡng đều chưa chính thức xác nhận hay phủ nhận những thông tin và suy đoán này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mới đây ở Kazan, Tổng thống Nga Putin chỉ đưa ra tuyên bố rằng Điều 4 của Hiệp ước cho phép các bên hỗ trợ quân sự cho nhau trong trường hợp bị nước ngoài tấn công. Cuối cùng, vào cuối tháng 10 vừa qua, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới vào vùng biển ngoài khơi phía Đông nước này trong vụ phóng thử tên lửa có thời gian bay lâu nhất từ trước tới nay của họ, đã làm phương Tây lo ngại về một giai đoạn phát triển vũ khí tiên tiến mới của nước này.

c.jpg -0
Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un thăm trung tâm vũ trụ Vostochny Cosmodrome, tháng 9/2023.

Những tin tức nóng hổi ấy đã góp phần vào cuộc thảo luận đang diễn ra về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Sau chuyến thăm của ông Putin tới CHDCND Triều Tiên hồi mùa hè, hợp tác giữa hai nước được mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Phương Tây thì đang cáo buộc Điện Kremlin phá vỡ lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) áp đặt lên Bình Nhưỡng trong giai đoạn 2011 - 2016 và cáo buộc giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên viện trợ số lượng lớn khí tài quân sự và đạn dược cho Moscow.

Có bằng chứng cho thấy hợp tác kinh tế giữa Nga và CHDCND Triều Tiên đã phát triển nhanh chóng trong 12 - 18 tháng qua. Điều này không mấy ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng gần như đóng cửa với quốc tế trong hơn 3 năm đại dịch COVID-19, khiến thương mại song phương giảm về gần bằng 0.

Hiện nay, mối quan hệ với Moscow đang cố gắng bù đắp lại việc này, tuy nhiên, dù thương mại tăng trưởng tương đối nhanh, nhưng các con số vẫn còn khiêm tốn: Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 nước chỉ đạt 35 triệu USD và trong năm 2024 có thể đạt 50 triệu USD hoặc cao hơn một chút. Hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia có những hạn chế tự nhiên khi nền kinh tế quốc gia của Nga và CHDCND Triều Tiên không bổ trợ cho nhau nhiều như kinh tế quốc gia của Nga và Trung Quốc. Thế mạnh của CHDCND Triều Tiên là than, hải sản, kim loại và các mặt hàng thiết yếu khác mà chính nước Nga đang dư thừa. Hợp tác công nghiệp sâu hơn trong chế tạo máy công cụ hay lĩnh vực công nghệ thông tin không phải là bất khả thi, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để hình thành và phát triển.

Về hợp tác quân sự - công nghệ, chỉ có thể dự đoán về quy mô và phạm vi thực tế. Giới truyền thông và học thuật phương Tây sử dụng những con số khổng lồ và không thể coi đó là điều hiển nhiên. Với tất cả những gì đã biết về CHDCND Triều Tiên, có vẻ như mọi suy đoán về “sự hỗ trợ quân sự khổng lồ” mà Bình Nhưỡng dành cho Moscow đều đang bị phóng đại quá mức. Trên thực tế, họ quá nhỏ so với nước Nga và không phải là một quốc gia giàu có, ngân sách quốc phòng của nước này năm 2023 chưa đến 1,5 tỷ USD. Do đó, năng lực sản xuất quốc phòng rõ ràng còn hạn chế. So sánh để thấy, chỉ riêng khoản viện trợ quân sự mà Mỹ chuyển cho Ukraine trong năm tài chính 2022-2023 đã là 52 tỷ USD. Một con số chênh lệch đáng để suy nghĩ về những luồng dư luận bấy lâu nay.

Cũng rất khó để cho rằng Moscow, ngay cả khi Hiệp ước mới có hiệu lực, sẽ hỗ trợ thúc đẩy chương trình hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên hay thay đổi lập trường từ lâu của mình về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Bất kỳ hình thức phổ biến hạt nhân nào tại bất kỳ đâu trên thế giới đều đi ngược lại với lợi ích chiến lược của Nga. Khi giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cần nhớ rằng hòa bình quan trọng hơn giải trừ vũ khí hạt nhân. Một cuộc xung đột không cố ý có thể xuất phát từ va chạm vô tình giữa binh lính hai bên tại khu vực phi quân sự chứ chưa hẳn đã là chủ ý của nhà nước. Do đó, các biện pháp xây dựng lòng tin tại Bán đảo Triều Tiên, như trao đổi thông tin, các chuyến thăm của quan sát viên, tiếp xúc quân sự... có thể giúp vượt qua khủng hoảng. Trong số các biện pháp thì xây dựng lòng tin sẽ dần liên quan đế việc hợp tác với giới tinh hoa quân sự của Bình Nhưỡng, bởi không thể đạt được hòa bình bền vững trên bán đảo nếu thiếu sự hợp tác này.

Liệu Nga có đột ngột rút khỏi cơ chế trừng phạt đã được Hội đồng Bảo an thông qua chống CHDCND Triều Tiên như cách Mỹ rút khỏi Chương trình hành động chung toàn diện (JCPOA), còn được biết đến với tên “Thỏa thuận hạt nhân Iran” hay “Thỏa thuận Iran”, được Liên hợp quốc phê duyệt vào tháng 5/2018 hay không? Điều này được cho là rất khó xảy ra bởi nó đặt ra tiền lệ nguy hiểm và làm dấy lên nhiều nghi ngờ hơn về tương lai của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, có vẻ giới lãnh đạo Nga vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hy vọng về một mối quan hệ gần gũi hơn với Hàn Quốc trong tương lai, điều này cũng là yếu tố làm giảm khả năng Nga có thay đổi to lớn về lập trường đối với Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Moscow có thể thúc đẩy các quyết định của Hội đồng Bảo an nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt mới nào do Mỹ và các đồng minh phương Tây đề xuất.

Huy Thông
.
.