Câu hỏi bỏ ngỏ của năm 2025
Nếu năm 2024 là năm của các cuộc bầu cử thì năm 2025 là năm của các câu hỏi. Đầu năm 2025 sẽ chứng kiến nhiều chính phủ trên toàn thế giới bước vào nhiệm kỳ mới, buộc phải nhanh chóng giải quyết các thách thức đang ngày càng gia tăng về kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường, công nghệ. Động lực và câu hỏi khác nhau sẽ định hình chương trình nghị sự địa chính trị khác nhau.
Thúc đẩy an ninh trong trật tự thế giới đang rạn nứt
Hợp tác toàn cầu đang ở mức thấp và xung đột leo thang. Các thể chế truyền thống, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Liên hợp quốc, gần đây gặp khó khăn trong việc mang lại sự đồng thuận rộng rãi toàn cầu hay là diễn đàn để giải quyết tranh chấp. Các quốc gia và khối mới nổi ở Nam bán cầu vẫn chưa thể hiện rõ là họ sẽ đóng vai trò cân bằng cho một trật tự an ninh toàn cầu do phương Tây dẫn đầu đang suy yếu, hay chỉ đóng vai trò gây rối.
Việc cân bằng động lực này cũng là nhiệm vụ của Trung Quốc do nước này là trung tâm của nhiều cấu trúc địa chính trị mới - như Sáng kiến an ninh toàn cầu, Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi hay có thể là trục Nga - Iran - Trung Quốc.
2 cuộc xung đột gây chia rẽ nhất trong năm 2024 là cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp diễn và cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza nảy sinh từ những mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu. Việc những xung đột này bất ngờ bùng phát báo hiệu trật tự an ninh toàn cầu quá phân mảnh để có thể duy trì hay đàm phán hòa bình. Trong bối cảnh này, khi việc tuân thủ các giá trị toàn cầu là điều bất khả thi và trật tự hiện có đang tan rã, các nhà lãnh đạo buộc phải thừa nhận những hạn chế, ảnh hưởng và những ràng buộc trong các liên minh của họ.
Các nhà lãnh đạo sẽ phải hỏi: Có cách nào để vượt qua sự chia rẽ nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai? Liệu các nhà lãnh đạo có thể chấp nhận chịu nhiều hạn chế hơn đối với quyền lực của mình và đảm nhận nhiệm vụ kiến tạo hòa bình không? Những điểm chung tối thiểu để có thể đạt được bước tiến và ngăn chặn các hành động phá hoại là gì?
Vấn đề chủ quyền trong thế giới đương đại
Ý tưởng trật tự dựa trên luật lệ, được giữ gìn cẩn thận từ năm 1945, hiện đang được thực hiện kém hơn rất nhiều so với suốt 8 thập kỷ qua. Nếu không có các quy chuẩn chung, thể chế mạnh mẽ và cam kết với luật pháp quốc tế, thì rất khó để định hình môi trường ổn định và hòa bình. Tuy nhiên, những người bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ đã nhận ra rằng đối với nhiều quốc gia, vai trò và sự ổn định của các thể chế và sự sắp đặt chính trị quốc gia là quan trọng thiết yếu. Trong khi đưa quân đội vượt qua biên giới vật lý rõ ràng là xâm phạm chủ quyền thì các biện pháp kinh tế sai trái, thao túng hệ thống chính trị, kiểm soát khả năng tiếp cận thị trường, các thỏa thuận thương mại và hệ thống thanh toán có khả năng vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, cũng được coi như xâm phạm các yếu tố quan trọng nhất của chủ quyền.
Trong những thập kỷ gần đây, dường như điều quan trọng là các quốc gia phải nhượng bộ về chủ quyền và quyền tự quyết trong một số chính sách nhất định cho các thể chế quản trị toàn cầu để xây dựng trật tự toàn cầu “gắn kết”. Đối với trật tự này, những kẻ thách thức không có học thức từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng, theo quan điểm của họ, của việc duy trì chủ quyền như là nền tảng của quan hệ quốc tế. Hiện, ngay cả những người bảo vệ trật tự toàn cầu cũng hiểu rằng luật lệ không thể được thiết lập hay thực thi trong một thế giới mà chủ quyền quốc gia không được tôn trọng. Nếu không có nhà nước mạnh mẽ có thể bảo vệ được người dân và các quyền của mình thì làm sao trật tự dựa trên luật lệ có thể phát triển?
Vì vậy, trong năm 2025, các nhà lãnh đạo sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu nền độc lập của quốc gia có được giải quyết và khôi phục một cách đồng thời với việc tăng cường các cấu trúc xuyên quốc gia nhằm mang lại an ninh cho người dân?
Khôi phục và định hình lại toàn cầu hóa thương mại và kinh tế
Thời kỳ hoàng kim của thương mại dường như đã kết thúc. Trong năm 2023, thương mại hàng hóa giảm khoảng 2%, mức thấp nhất trong thế kỷ này trừ giai đoạn suy thoái toàn cầu. Xung đột gia tăng và nhận thức rằng các giá trị toàn cầu là khó nắm bắt đã thể hiện qua những thách thức đối với chính sách thương mại, công nghiệp và tài chính. Việc bảo vệ chuỗi cung ứng ngày càng khó khăn hơn và tính liêm chính của hệ thống thanh toán cũng đối mặt với các sức ép mới. Các điểm nghẽn mới - từ biển Đỏ đến biển Baltic - mang đến “hương vị” của tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra ở những điểm nóng khác.
Trong khi đó, các chính sách bảo hộ công nghiệp đang quay lại vì hoàn cảnh chính trị trong nước và sự biến dạng của chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi phải xem xét lại hệ thống thương mại toàn cầu. Sau hàng thập kỷ cảnh báo các nước đang phát triển rằng sự can thiệp của chính phủ là nguy hiểm, các nhà kinh tế phương Tây không ngần ngại chuyển sang đề xuất chính sách này cho chính xã hội của mình. Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ đã gây ra những chỉ trích về chủ nghĩa bảo hộ và sự bất mãn từ một loạt đối tác thương mại nước ngoài quan trọng. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, làm dấy lên những lo ngại tương tự, dù rằng Trung Quốc đã thực hiện chính sách bảo hộ như vậy trong nhiều năm. Mặc dù bị các nền kinh tế mới nổi coi là đạo đức giả, nhưng các biện pháp này là kết quả của sức ép trong nước để đảm bảo sức cạnh tranh, không phải đơn thuần là mong muốn leo thang cạnh tranh.
Việc chuỗi cung ứng bị các động lực bảo hộ phá vỡ có thể khiến hệ thống kinh tế toàn cầu hoạt động kém hiệu quả và từ đó dẫn đến sức ép lạm phát mới. Tệ hơn, tình trạng này có thể dẫn đến “toàn cầu hóa phân mảnh”, theo đó chỉ một số quốc gia nhất định hưởng lợi và phát triển. Bài học rút ra từ nhiều năm phát triển hậu chiến tranh dường như đã bị lãng quên. Những lợi ích từ nay không được chia đều cho các quốc gia, nhưng chúng vẫn là những lợi ích thực sự và là lý do chính giúp tình trạng nghèo đói trên toàn cầu giảm ở mức chưa từng có.
Thế giới đang ở đâu đó giữa kỷ nguyên thị trường tự do và kinh tế can thiệp, nhưng khi các chính phủ can thiệp vào những ngành công nghiệp chính, thì sự lãnh đạo mạnh mẽ vẫn có thể đưa thế giới đến thời đại thương mại công bằng hơn. Vì vậy, trong nă 2025, các nhà lãnh đạo cần đặt ra câu hỏi: Việc đàm phán các thỏa thuận mới với các đối tác mới trong khi vẫn đảm bảo lợi ích thương mại lâu dài có khả thi không? Làm thế nào để có thể tạo ra lợi ích thương mại mới và chúng ta có thể cố gắng chia sẻ lợi ích công bằng hơn không?
Duy trì tính phi tập trung trong đổi mới, sáng tạo
Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác đối với xã hội và kinh tế. Những bước tiến công nghệ khác trong thập kỷ qua cho phép các khu vực trước đây chưa được kết nối có cơ hội bắt kịp với toàn cầu. AI có tác động không đồng đều: dường như lợi ích đến từ AI nghiêng về người sở hữu thuật toán, dữ liệu, vốn là các trung tâm chi phối sức mạnh xử lý. Nếu AI cần được dùng để phát triển AI hơn nữa, thì có lý do chính đáng để tin rằng bản chất phi tập trung của đổi mới, sáng tạo công nghệ - vốn cần thiết cho phát triển việc làm và tạo động lực - có thể đi đến hồi kết. Xu hướng như vậy sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các nền kinh tế mới nổi trong việc tạo ra thêm của cải vật chất.
Nhiều chính phủ vội vàng kiểm soát công nghệ nhằm giải quyết các thách thức này, nhưng phải cân bằng với những cân nhắc về lợi ích và cơ hội lớn hơn đến từ đổi mới, sáng tạo một cách nhanh chóng - ví dụ việc đẩy nhanh các tín toán khoa học, cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu hay phát triển các hoạt động để hỗ trợ sức khỏe và an toàn của người lao động khi làm việc. Việc chia sẻ công nghệ giữa các quốc gia kiểm soát phương tiện sản xuất công nghệ mới nổi và các quốc gia không kiểm soát cần được ưu tiên để đảm bảo rằng các lợi ích kinh tế và xã hội của công nghệ được phân bổ đồng đều trên khắp thế giới. Việc tập trung hóa đổi mới, kinh doanh và tạo ra giá trị - với những tiến bộ về AI bị giới hạn ở các công ty lớn, có nhiều vốn và giàu nguồn lực - sẽ có tác động đến sự công bằng dữ liệu và sự đa dạng trong sáng tạo.
Do đó, trong năm 2025, các nhà lãnh đạo cần đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để giữ cho đổi mới, sáng tạo và nghiên cứu vẫn tinh gọn, phân tán và cạnh tranh? Làm thế nào để đảm bảo rằng các trung tâm tạo ra giá trị và đổi mới trở nên bao trùm hơn? Làm thế nào để các cơ quan quản lý toàn cầu được thiết kế để theo kịp tốc độ thay đổi và phân bổ lợi ích của công nghệ một cách công bằng?
Năng lượng mới ứng phó biến đổi khí hậu
Xã hội đang đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng lên mức chưa từng có. Năm 2023, thế giới đã lần đầu tiên vượt ngưỡng nhiệt độ trung bình tăng 1,5 độ C do Thỏa thuận Paris đặt ra và tác động của nhiệt độ tăng là rõ ràng - di cư ngoài ý muốn, mất đa dạng sinh học, suy dinh dưỡng và nhiều vấn đề khác đang lan rộng. Những hậu quả này có tác động không đồng đều, thường tác động nhiều nhất đến các cộng đồng ít góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu nhất.
Sự bất công này đã nêu bật thất bại của nhiều khuôn khổ toàn cầu, vốn được hình thành để huy động vốn nhằm hạn chế phát thải và hỗ trợ thích ứng - chẳng hạn như cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển từ năm 2020. Thay vào đó, tài chính cho khí hậu có xu hướng được huy động trong một khu vực địa lý để đáp ứng nhu cầu của chính khu vực đó.
Nhiều ý tưởng đã được đưa ra: cải cách các ngân hàng phát triển đa phương để có thể đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, năng lượng, hoán đổi nợ lấy khí hậu và các công cụ chính sách dựa trên thị trường khác. Các nhà lãnh đạo cần tập trung vào thực hiện và chịu trách nhiệm nhiều hơn, thay vì chú trọng đề xuất ý tưởng.
Trong năm 2025, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào những lời hứa được đưa ra tại COP28 và xem xét liệu cam kết đầu tư 5.000-7.000 tỷ USD/năm hướng tới “xanh hóa” nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, cũng như lời hứa cắt giảm nguyên liệu hóa thạch, có được thực hiện hay không. Các nhà lãnh đạo sẽ hỏi và được hỏi: Làm thế nào để phân bổ vốn tới các lĩnh vực và khu vực địa lý một cách hiệu quả nhất?
Trong năm 2025, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới sẽ phải tìm kiếm câu trả lời cho 5 vấn đề trên. Câu trả lời của họ không nhất thiết phải giống nhau hoàn toàn, nhưng nếu các câu trả lời quá khác biệt thì vấn đề mà thế giới phải tìm cách giải quyết sẽ càng lớn hơn. Trong bối cảnh có sự phi lý, thiếu nhất quán và quá nhiều tiếng nói, việc tìm được sự đồng thuận mong manh đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.