CFE dành cho ai?

Thứ Hai, 05/06/2023, 14:50

“Việc Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) sẽ không gây ra tác động gì, vì cơ chế này đã lỗi thời từ lâu”. Đó là khẳng định của ông Dmitry Peskov - Phát ngôn viên Điện Kremlin khi được hỏi về quyết định của Tổng thống Vladimir Putin về việc Nga rút khỏi Hiệp ước CFE vào hôm 29/5.

Khi được hỏi về hệ quả của quyết định trên, phát ngôn viên của Điện Kremlin nói: “Điều đó sẽ không có bất kỳ tác động trực tiếp nào, vì trên thực tế, đó đã là một hiệp ước lỗi thời. Tin tôi đi, Nga không có lỗi trong chuyện này. Trên thực tế, Nga chỉ đơn giản muốn đưa tình hình vào quỹ đạo. Quyết định này sẽ không tạo ra tác động trực tiếp nào”, ông Peskov khẳng định. Ông cho biết thêm, về mặt này, cũng như “trong vấn đề kiểm soát vũ khí lẫn ổn định chiến lược, có một khoảng trống lớn cần được nhanh chóng lấp đầy bằng những hành động mới. Ông nói: “Đây là vì lợi ích của toàn thế giới. Nhưng, đó là điều chúng tôi không có vào lúc này và đó không phải do lỗi của chúng tôi”.

CFE dành cho ai?  -0
Ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật về việc Nga rút khỏi Hiệp ước CFE.

Moscow hy vọng rằng phương Tây sẽ coi trọng tín hiệu của Moscow sau khi nước này rút khỏi Hiệp ước CFE, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cho biết tại phiên họp toàn thể của Duma Quốc gia. Ông nói thêm rằng các đối thủ của Nga không nên ảo tưởng về việc Moscow có thể quay trở lại Hiệp ước CFE. "Rõ ràng, hiệp ước cuối cùng đã trở thành tàn tích của quá khứ trong tình hình mới. Các đối thủ của chúng ta không nên ảo tưởng rằng Nga có thể quay trở lại hiệp ước này vì Hiệp ước CFE đi ngược lại lợi ích an ninh của chúng ta trong bối cảnh diễn biến hiện nay. Và, phương Tây sẽ phải nhận ra sự thật hiển nhiên này", ông Ryabkov nói.

Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nói rằng, khi đưa ra quyết định chính thức từ bỏ Hiệp ước CFE, các đại biểu của Duma đã lấy lợi ích của công dân Nga làm đầu. "Washington và Brussels, bị ám ảnh bởi ý tưởng xây dựng một thế giới đơn cực và mở rộng NATO về phía Đông, đã phá hủy hệ thống đảm bảo an ninh toàn cầu. Khi thành lập NATO vào năm 1949, các thành viên sáng lập của Liên minh Bắc Đại Tây Dương tuyên bố rằng họ đang làm như vậy chỉ nhằm mục đích phòng thủ thuần túy. Nhưng, trên thực tế, khối này đã hóa ra là một con sói đội lốt cừu. Nó không làm gì khác ngoài tấn công và tiến lên, mang lại đau khổ cho người dân và phá hủy các quốc gia: Nam Tư, Afghanistan, Libya, Iraq và Syria", ông Volodin viết trên kênh Telegram của mình. "Washington, sử dụng NATO như công cụ của mình và cung cấp vũ khí cho Kiev, đang gây bất ổn tình hình trên thế giới nhằm duy trì vị thế bá chủ của chính mình. Điều này đang gây ra một thảm họa toàn cầu", theo Chủ tịch Duma.

Hiệp ước CFE là gì?

Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được ký kết vào ngày 19/11/1990 tại Paris, giữa 16 quốc gia thành viên NATO (Bỉ, Anh, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Iceland, Tây Ban Nha, Italy, Canada, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp) và 6 thành viên Tổ chức Hiệp ước Warszawa là Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Tiệp Khắc.

Theo hiệp ước, trong phạm vi hoạt động của văn bản - từ Đại Tây Dương đến dãy núi Ural, sông Ural và biển Caspian - bao gồm cả những vùng lãnh thổ hải đảo, ở mỗi khu vực, số lượng vũ khí và thiết bị quân sự tối đa phải là: 20 nghìn xe tăng, 30 nghìn phương tiện chiến đấu bọc thép, 20 nghìn hệ thống pháo, 6,8 nghìn máy bay chiến đấu và 2 nghìn máy bay trực thăng tấn công. Nếu số lượng vũ khí và thiết bị vượt những mức trên thì phải cắt giảm lại trong vòng 40 tháng. Ngoài ra, những khu vực được xác định là sườn đồi sẽ có mức hạn chế cao hơn (trong Tổ chức Hiệp ước Warszawa có Bulgaria, Ro[1]mania, Transcaucasian, Leningrad, Bắc Kavkaz và những quân khu Odessa của Liên Xô. Trong NATO có Hy Lạp, Iceland, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ). Mỗi bên được phép có không quá 4.700 xe tăng, 5.900 xe bọc thép và 6.000 hệ thống pháo ở hai bên sườn. Để đảm bảo tuân thủ hiệp ước, văn kiện đề xuất có một hệ thống kiểm tra lẫn nhau.

Sau khi Liên Xô tan rã, Hiệp ước Warszawa chấm dứt, Tiệp Khắc bị chia cắt và Đức tái thống nhất đất nước, Hiệp ước CFE bây giờ có 30 quốc gia thành viên. Những hạn mức từng áp dụng cho Liên Xô đã được giao lại cho những quốc gia vừa tuyên bố độc lập. Một thỏa thuận về vấn đề này đã được ký kết tại Tashkent vào ngày 15/5/1992, với chữ ký của Nga, Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Moldova, Ukraine và Geor gia (Latvia, Litva và Estonia không tham gia hiệp ước). Nga cam kết không có hơn 6.400 xe tăng, 11.480 xe bọc thép, 6.415 hệ thống pháo, 3.450 máy bay và 890 trực thăng.

Nhìn chung, dưới ảnh hưởng của Hiệp ước CFE, 59.000 vũ khí đã bị loại bỏ và khoảng 60.000 cuộc kiểm tra đã được thực hiện.

CFE dành cho ai?  -0
Lễ ký CFE tại Hội nghị thượng đỉnh Paris, tháng 11/1990.

Điều chỉnh

Đến cuối những năm 1990, khi một số cựu thành viên của khối Hiệp ước Warszawa gia nhập NATO, những quy định hiện hành đối với số lượng trang thiết bị chiến đấu trong khuôn khổ CFE đã trở nên vô nghĩa. Do đó, các bên tham gia Hiệp ước CFE đã quyết định điều chỉnh thỏa thuận. Kết quả là, vào ngày 19/11/1999, Thỏa thuận về việc điều chỉnh Hiệp ước CFE đã được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh OSCE ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo văn kiện này, những hạn chế từng được đưa ra dựa trên khu vực sẽ chuyển thành hạn chế dựa theo lãnh thổ của từng quốc gia, bao gồm cả việc đưa ra giới hạn triển khai trang thiết bị quân sự của những quốc gia khác trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Hạn ngạch quốc gia dành cho Nga được nâng lên thành 6.350 xe tăng, 11.280 xe bọc thép, 6.315 hệ thống pháo, 3.416 máy bay và 855 trực thăng. Đồng thời, hạn ngạch bên khu vực sườn của Nga (vùng Tây Bắc châu Âu của Nga và Bắc Kavkaz) được nâng lên thành 1.300 xe tăng, 2.140 xe bọc thép và 1.680 hệ thống pháo. Tổng hạn ngạch của những nước thành viên của NATO, tại thời điểm ký kết, là 19.096 xe tăng, 31.787 xe bọc thép, 19.529 hệ thống pháo, 7.273 máy bay và 2.282 trực thăng.

Đạo luật về việc điều chỉnh hiệp ước lần cuối

Song hành với Thỏa thuận về việc điều chỉnh Hiệp ước CFE là Đạo luật cuối cùng về tiến trình đàm phán về việc điều chỉnh Hiệp ước CFE, trong đó quy định những nghĩa vụ chính trị của những quốc gia thành viên. Thỏa thuận điều chỉnh lần cuối cũng đã được thông qua tại Istanbul vào ngày 19/11/1999. Từ đó, những thành viên NATO cam kết không triển khai thường trực lực lượng chiến đấu của họ với mức đáng kể, bao gồm cả máy bay, trên lãnh thổ của những thành viên mới; giới hạn trang bị vũ khí của từng lãnh thổ được hạ xuống cho Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia. Nga cũng cam kết hạn chế triển khai lực lượng đến khu vực Kaliningrad và Pskov, đồng thời rút lượng vũ khí dư thừa khỏi Gruzia và Moldova. Những cam kết này mang tính chính trị và không cần sự phê duyệt.

CFE rơi vào khủng hoảng

Hiệp ước CFE sau điều chỉnh đã nhận được sự phê duyệt của tất cả các bên ký kết phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ có 4 quốc gia là Belarus, Ukraine, Kazakhstan và Nga hoàn tất quá trình phê duyệt.

Vào năm 2007, nhiều thanh viên có số lượng trang bị vũ khí thông thường không cân đối: 22 quốc gia thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương tham gia Hiệp ước CFE có 22.424 xe tăng, 36.570 xe bọc thép, 23.137 hệ thống pháo, 8.038 máy bay và 2.509 trực thăng. Như vậy, họ vượt ngưỡng được quy định vào năm 1990. Trong khi đó, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Bulgaria và Romania tránh chính thức hóa số lượng vũ khí của họ trong giai đoạn gia nhập NATO. Ngoài ra, việc Litva, Latvia, Estonia và Slovenia gia nhập NATO, vốn không phải là thành viên của Hiệp ước CFE, đã tạo ra vùng xám nằm ngoài tầm kiểm soát của hiệp ước.

Từ ngày 12 đến 15/6/2007, một hội nghị giữa những quốc gia thành viên Hiệp ước CFE đã được tổ chức sớm tại Vienna. Hội nghị được triệu tập theo yêu cầu của Nga, liên quan đến đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tuyên bố tạm ngừng thực thi hiệp ước. Tại hội nghị, phái đoàn Nga đã đệ trình một gói đề xuất nhằm khôi phục những nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước CFE. Dù vậy, các bên không thống nhất được văn bản cuối cùng.

CFE dành cho ai?  -0
NATO với việc mở rộng về phía Đông, đã không còn phù hợp với hoàn cảnh ra đời của CFE nữa.

Nga ngừng thực thi rồi rút khỏi CFE

Ngày 13/7/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng thực thi Hiệp ước 1990 và tất cả văn bản liên quan. Nga sẽ ngừng thực thi “cho đến khi các quốc gia NATO phê chuẩn thêm Thỏa thuận điều chỉnh CFE và bắt đầu thực thi văn kiện này với thiện chí”. Duma Quốc gia Nga đã thông qua sắc lệnh của tổng thống vào ngày 7/11/2007, còn Hội đồng Liên bang Nga thì phê chuẩn vào ngày 16/11/2007.

Lệnh ngừng thực thi được đưa ra vào ngày 12/12/2007, 150 ngày sau khi cơ quan lưu chiểu (Hà Lan) nhận được văn kiện. Đồng thời, Nga ngừng chia sẻ thông tin với những đối tác hiệp ước về tình trạng của quân đội, vũ khí và thiết bị. Ngoài ra, Nga cũng ngừng tổ chức và gửi phái đoàn kiểm tra. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov cho biết vào tháng 11/2014: “Không thành viên NATO nào tuân thủ hiệp ước này và chúng tôi không muốn tạo ấn tượng rằng chúng tôi đang tham gia vào một vở kịch phi lý”.

Ngày 10/5/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đệ trình dự luật rời khỏi Hiệp ước CFE và những điều ước quốc tế liên quan lên Duma Quốc gia Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov, được bổ nhiệm làm đại diện chính thức trong quá trình xem xét việc bãi bỏ Hiệp ước CFE do Quốc hội Nga thực hiện, tuyên bố rằng sau khi Phần Lan gia nhập liên minh, hiệp ước “cuối cùng cũng trở thành di tích của quá khứ”. Theo Konstantin Gavrilov - trưởng phái đoàn Nga tại bàn đàm phán ở Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, “hiệp ước cuối cùng cũng hết giá trị sử dụng và việc tiếp tục tham gia sẽ không tạo ra lợi ích quốc gia cho đất nước chúng tôi”.

Ngày 16/5, Duma Quốc gia Nga đã thông qua luật rút khỏi hiệp ước CFE. Ngày 24/5, Hội đồng Liên bang Nga đã thông qua luật này. Đến ngày 29/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật về việc Nga rút khỏi Hiệp ước CFE.

Tình hình lực lượng vũ trang ở châu Âu

Tính đến năm 2015, số lượng máy bay chiến đấu tham gia tuần tra không phận của Latvia, Litva và Estonia đã tăng gấp 3,5 lần, với lý do muốn đảm bảo an ninh cho những quốc gia vùng Baltic. Kể từ tháng 3/2014, thêm 12 máy bay chiến đấu chiến thuật của NATO đã được đưa đến những căn cứ không quân ở Ba Lan và Romania.

Năm 2016, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định triển khai 4 nhóm chiến đấu đa quốc gia “đại diện cho tiền phương của NATO” tại Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia. Vào năm 2022, có thêm 4 nhóm chiến đấu mới được triển khai tới Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, NATO đã thông qua một khái niệm chiến lược mới nhằm sửa đổi triệt để những chính sách đối ngoại của họ đối những mối đe dọa và ưu tiên. Tài liệu này gọi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với nền an ninh của liên minh và các thành viên của khối quyết định nâng tổng sức mạnh của lực lượng phản ứng nhanh từ 40.000 lên 300.000 vào cuối năm 2023.

Vào ngày 2/11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng quân sự chung Nga-Belarus, đã chỉ ra sự gia tăng chưa từng thấy của lực lượng NATO gần biên giới Nga. Trong 6 tháng sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt, NATO đã nâng số lượng binh sĩ lên 2,5 lần, với con số hơn 30 nghìn binh sĩ (theo tuyên bố chính thức của NATO; vào thời điểm đó, trên toàn châu Âu chỉ có hơn 100 nghìn lính Mỹ đóng quân thường trực). Đồng thời, vào tháng 5/2023, một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng, tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào tháng 7 sắp tới, NATO sẽ thông qua kế hoạch phòng thủ quy mô lớn trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. Đây là lần đầu tiên phương Tây đưa ra quyết định này từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Họ dự định sau đó sẽ tập trung vào hiện đại hóa lực lượng và hậu cần.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.