Châu Á: Những hứa hẹn tăng trưởng trong năm 2023

Thứ Hai, 20/02/2023, 11:16

Sau nhiều năm đối mặt với thách thức, các quốc gia trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bước vào năm 2023 với một số động lực. Các biện pháp kiểm soát COVID-19 được giảm bớt và khả năng đi lại được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu trong nước và doanh số bán lẻ.

Tuy nhiên, theo dự báo trên trang top1000funds.com, trang web chuyên phân tích thị trường được thiết kế riêng cho các giám đốc điều hành tại các quỹ hưu trí, quỹ tài trợ và quỹ đầu tư quốc gia tại hơn 78 quốc gia, năm 2023 sẽ đặc trưng bởi những cơn gió ngược mạnh hơn được dự đoán làm chậm tốc độ tăng trưởng.

Cơ quan dự báo kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo mức tăng trưởng của khu vực là 3,5% vào năm 2023, chậm hơn một chút so với năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với xu hướng trước đại dịch là 4 đến 5%.

Chi phí nợ tăng

Ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, các ngân hàng trung ương trong khu vực đã tăng lãi suất chính sách của họ trong năm 2022 để giải quyết lạm phát và hỗ trợ đồng nội tệ, tác động của những mức tăng này sẽ chủ yếu được cảm nhận vào năm 2023.

Châu Á: Những hứa hẹn tăng trưởng trong năm 2023 -0
Châu Á vẫn hứa hẹn là tâm điểm của tăng trưởng trong năm 2023.

Các quốc gia có mức nợ hộ gia đình cao - chẳng hạn như Hàn Quốc và Austtralia - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. EIU đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cho Australia và Hàn Quốc lần lượt là 1,3% và 1,5%. Mức nợ hộ gia đình cao của Malaysia và Thái Lan cũng phần nào cản trở các nền kinh tế này.

EIU cho rằng chi phí thanh toán nợ cao hơn sẽ “làm tăng thêm áp lực” trong bối cảnh người dân đang đối mặt với giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao do cuộc chiến Ukraine, đồng thời ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Ngược lại, các thị trường mới nổi khổng lồ như Indonesia và Ấn Độ, cũng như nền kinh tế tiên tiến của Singapore, đều có mức nợ hộ gia đình thấp và những thị trường này ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi việc ép buộc giảm nợ hộ gia đình.

Tình trạng không chắc chắn ở Đông Nam Á

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao các quốc gia Đông Nam Á khi các nhà sản xuất tìm kiếm các điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Khu vực này đã chứng kiến sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số, trong khi các hiệp định thương mại tự do liên khu vực đã giúp liên kết chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, rủi ro chính trị sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn và các điều kiện sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia điều hướng những thách thức của chính họ. Thái Lan phải đối mặt với một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi trong năm nay và nếu các lực lượng trung thành với cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra giành được ưu thế, tranh cãi và bất hòa có thể sẽ xảy ra.

Malaysia đã chứng kiến một kết quả không hẳn rõ ràng trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2022. Trong khi người dân hy vọng rằng một chính phủ “đoàn kết” do Thủ tướng Anwar Ibrahim lãnh đạo có thể mang lại năng lượng và cải cách mới, họ cũng lo ngại tình trạng bất ổn kéo dài sẽ tiếp tục. Indonesia cũng đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử vào năm 2024 và việc bầu chọn các nhà lãnh đạo tại hơn 270 chính quyền cấp tỉnh, huyện, thành phố đồng thời vào tháng 11/2024 sẽ là một sự kiện đáng chú ý.

Đà tăng trưởng của Ấn Độ

Ấn Độ có thể là nước hưởng lợi từ sự bất ổn ở Đông Nam Á và mối lo ngại của các nhà đầu tư về Trung Quốc. Điều này có thể cho phép Ấn Độ thu hút nhiều nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách thay đổi địa điểm. Với việc Ấn Độ có một thị trường lao động trẻ và rộng lớn, EIU ghi nhận “những tiến bộ ngày càng tăng trong việc giải quyết những điểm yếu về cơ sở hạ tầng giao thông, thuế và quy định thương mại”. EIU hiện xếp Ấn Độ trên Trung Quốc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu.

Đầu tư đã tăng tốc trong lĩnh vực điện tử của Ấn Độ, lĩnh vực mà đất nước này trước đây đã phải vật lộn để phát triển, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Xuất khẩu hàng điện tử đã tăng khoảng 50% lên 14 tỷ USD vào năm 2021 và họ thậm chí đã đạt được cùng thành tích đó trong 9 tháng đầu năm 2022.

Con đường trở lại của Trung Quốc

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sự suy yếu liên tục của thị trường bất động sản Trung Quốc và tác động của nhu cầu tiêu dùng quốc tế yếu đối với xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế nước này.

Trong khi các nước khác trong khu vực đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ đầu năm 2022, thì Trung Quốc mới chỉ bắt đầu hành trình này và quá trình chuyển đổi suôn sẻ trở lại cuộc sống bình thường là điều không chắc chắn. 

Kỳ vọng vào ngành công nghệ

Theo Viện Toàn cầu McKinsey, châu Á có một nguồn tài năng công nghệ khổng lồ, sản sinh ra một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trên thế giới. Project Syndicate báo cáo rằng châu Á đã chiếm 52% tăng trưởng toàn cầu trong các dự án của công ty công nghệ và 87% số bằng sáng chế được nộp trong thập kỷ qua.

Khu vực này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về pin xe điện thế hệ tiếp theo, sự đổi mới trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, phát triển 5G và các dịch vụ công nghệ thông tin kỹ thuật số.

Nhà nghiên cứu thị trường toàn cầu Forrester lập luận rằng việc lựa chọn công nghệ khôn ngoan có thể giúp các nhà đầu tư trong khu vực xây dựng khả năng phục hồi và tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai, đồng thời chỉ ra các nền tảng công nghiệp kỹ thuật số, sáng kiến metaverse, tự động hóa và người máy là những lĩnh vực chính cần theo dõi trong khu vực.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.