Châu Á, OPEC và năng lượng hóa thạch

Thứ Hai, 25/12/2023, 10:46

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2023 (COP28) đã bế mạc với thỏa thuận “chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch”. Sau một cuộc tranh đấu kéo dài giữa những người ủng hộ và những người phản đối việc “loại bỏ dần” nguồn năng lượng này, các nhà đàm phán đã tìm ra một công thức ít ràng buộc hơn, cho phép đạt được sự đồng thuận.

Phải mất 28 hội nghị để tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch được xem xét. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng quốc tế khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận cuối cùng mà từng từ trong đó đã được đàm phán quyết liệt quy định thực hiện “sự chuyển đổi khỏi việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách hợp lý, có trật tự và cân bằng, bằng cách thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này, nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 theo những khuyến nghị khoa học”. Ý tưởng tăng tốc này đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu của Mỹ và châu Âu cũng như các khuyến nghị của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).

1.jpg -0
Pháp gần như là quốc gia duy nhất ở châu Âu có tỷ lệ năng lượng hóa thạch và năng lượng hạt nhân ở mức tương đương.

Nhu cầu tăng tốc là rõ ràng khi mà lượng phát thải CO2 vẫn tiếp tục tăng 1,1% vào năm 2023, so với 0,9% vào năm 2022. Theo IEA, cần phải giảm 42% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 để ở lại quỹ đạo tương thích với xu hướng nhiệt độ toàn cầu nóng lên giới hạn ở mức 1,5 độ C. Những tiến bộ trong hệ thống hỗn hợp năng lượng đã diễn ra rất chậm, và châu Á - Thái Bình Dương vẫn không dẫn đầu cuộc đua chậm chạp này, bất chấp sự phát triển nhanh chóng của những năng lượng mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác.

Từ năm 1990, tỷ trọng năng lượng hóa thạch trong hệ thống hỗn hợp năng lượng toàn cầu chỉ giảm 5 điểm, từ 86,9% năm 1990 xuống còn 81,8% vào năm 2022. Trung Đông là nơi không phát triển chút nào và hầu như vẫn dựa vào năng lượng hóa thạch (98,5%). 1990 cũng là năm đánh dấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương có một hệ thống hỗn hợp năng lượng thiên về năng lượng hóa thạch hơn mức trung bình của thế giới, tuy nhiên châu lục này đã phát triển nhanh hơn một chút theo hướng khử carbon, với tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch giảm 6,4 điểm, tương đương với Bắc Mỹ, nhưng vẫn ở trên mức trung bình của thế giới. Châu lục duy nhất đang tiến bộ hơn đáng kể là châu Âu (giảm 12,7 điểm), song năng lượng hóa thạch vẫn chiếm ưu thế (chỉ có Pháp ở mức 50% nhờ năng lượng hạt nhân), bất chấp cam kết được đưa ra từ Hội nghị Kyoto 1997.

OPEC lần này đi đầu trong việc chống lại sự thay đổi. Bởi vì COP27 tập trung vào một nguồn năng lượng hóa thạch duy nhất là than đá, nên COP28 mở rộng phạm vi chuyển đổi năng lượng sang dầu mỏ và khí đốt. Các nước châu Á đã nấp sau sự phản kháng của các nước Trung Đông để tránh những công thức quá ràng buộc trong văn bản cuối cùng của Hội nghị.

Trung Quốc đã thể hiện mong muốn “mang tính xây dựng” trong giai đoạn chuẩn bị cũng như trong quá trình diễn ra COP28 bằng Bản tuyên bố chung với Mỹ vừa qua - được gọi là “Tuyên bố Sunnylands” - nhất trí rằng các nỗ lực phải tiếp tục tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Về phần mình, phái đoàn Ấn Độ đã yêu cầu giảm nhẹ mức độ trong Tuyên bố Glasgow (COP27) vào năm 2023 liên quan đến than đá. Trong văn bản cuối cùng của Hội nghị, cụm từ “loại bỏ dần” than đá đã được thay thế bằng “giảm dần”. Quan điểm này được tái khẳng định trong chuyến thăm Dubai của Thủ tướng Narendra Modi đầu tháng 12/2023 vừa qua. Còn Nhật Bản, chính sách của họ có tên là “Code GX” (nghĩa là “Chuyển đổi xanh”). Kế hoạch này nhấn mạnh đến những công nghệ được gọi là “than sạch”, đặc biệt chuyển qua quá trình thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) do các nhà máy nhiệt điện thải ra hoặc đồng phát dựa trên amoniac và than đá. Nhật Bản, với công suất lắp đặt 54GW, có số lượng nhà máy nhiệt điện than lớn thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Và nước này vẫn đang có kế hoạch tăng công suất một cách hạn chế cho đến năm 2030.

Theo sáng kiến của Pháp và Mỹ, tuyên bố tăng gấp 3 lần công suất hạt nhân dân sự đến năm 2050 đã được thông qua bên lề COP28. Tuyên bố này được 23 quốc gia ký kết, trong đó có 9 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và 3 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa ký tuyên bố này. Tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong hệ thống hỗn hợp năng lượng toàn cầu đã giảm từ 6% năm 1990 xuống chỉ còn 4% vào năm 2022. Không có sự đồng thuận về sự hồi sinh của lĩnh vực này, nhưng có ý kiến cho rằng năng lượng hạt nhân có thể góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng đang được ủng hộ.

Nhìn chung, sự thận trọng của các nước châu Á trong các cuộc tranh luận tại COP28 vừa phản ánh vấn đề chủ quyền, vừa phản ánh chủ nghĩa hiện thực liên quan đến những tham vọng trái ngược với chủ nghĩa tự nguyện của châu Âu. Văn bản cuối cùng của Hội nghị có giá trị chính là nhấn mạnh vai trò trung tâm của năng lượng hóa thạch trong hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nó xác định một tầm nhìn và cố gắng thúc đẩy khả năng tăng tốc. Châu Á - Thái Bình Dương với 53% lượng phát thải khí nhà kính và mức tăng 90% kể từ năm 2015, sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc biến mục tiêu này thành hiện thực.

Ngọc Lan
.
.