Châu Á trên bàn cờ địa chính trị châu Âu
Sự quay trở lại của châu Âu là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trong các vấn đề an ninh châu Á trong năm nay. Không khó để tìm thấy bằng chứng về ý định của châu Âu. Tháng 9-2021, EU đã giới thiệu Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lần đầu đưa ra một cách tiếp cận chung giữa 27 thành viên của khối.
Josep Borrell, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách đối ngoại và an ninh, đã lập luận rằng cách tiếp cận này được xây dựng dựa trên những sức mạnh kinh tế đang tồn tại. Ông nói: "EU là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác hợp tác phát triển hàng đầu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Chiến lược đó của EU theo sau các văn kiện tương tự từ Pháp, Đức, Anh và các nước khác. Ở những nơi khác, đã có nhiều minh chứng hơn về hành động, chẳng hạn sự xuất hiện của tàu sân bay mới của Vương quốc Anh và nhóm tàu tấn công đi cùng cập cảng châu Á.
Châu Á đã đóng vai trò nổi bật đáng chú ý ở Đức trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận về mối quan hệ với Trung Quốc, mở đường cho ông Olaf Scholz kế nhiệm bà Angela Merkel trở thành Thủ tướng Đức. Vấn đề Đài Loan cũng gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Litva, sau khi quốc gia Baltic nhỏ bé là thành viên của EU này bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc vì đã cho phép Đài Bắc mở văn phòng ngoại giao ở thủ đô Vilnius của nước này.
Còn Paris thì tự phong mình là một cường quốc của châu Á, với các viện dẫn về các vùng lãnh thổ hải đảo của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính sách ngoại giao gần đây của nước này cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu tái khẳng định mình sau hiệp định AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, trong đó Pháp đã mất đi một hợp đồng cung cấp tàu ngầm có giá trị với Australia.
Nga thậm chí còn nổi bật hơn và như được tiếp thêm động lực từ cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây. Đây là quốc gia thứ ba tiến hành một loạt hoạt động như vậy với khối Đông Nam Á này. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có chuyến thăm hiếm hoi đến New Delhi, hoạt động được coi là sự phát triển hơn nữa hợp tác về nhiều mặt, trong đó có khía cạnh an ninh, đối với Ấn Độ, một cửa ngõ vào châu Á.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì một số căng thẳng vẫn còn rõ ràng trong nỗ lực mới của châu Âu, trong đó vấn đề đầu tiên liên quan đến nguồn lực. Hồi đầu tháng, EU đã công bố chương trình cơ sở hạ tầng mới mang tên "Cửa ngõ toàn cầu", được quảng cáo rộng rãi là đối thủ tiềm năng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc trong các lĩnh vực, từ khí hậu và năng lượng đến giao thông. Kế hoạch này đi kèm với khoản đầu tư có vẻ ấn tượng trị giá 300 tỷ euro trong số các khoản đầu tư đã được hứa hẹn trong 5 năm. Tuy nhiên, hầu hết số tiền này sẽ được chi tiêu theo các chương trình hiện có của châu Âu.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU liệt kê 7 lĩnh vực trọng tâm, từ an ninh và quốc phòng đến kết nối, quản trị số và chuyển đổi xanh. Các chiến lược quốc gia khác cũng cung cấp danh sách dài các lĩnh vực mà 2 châu lục có thể cùng hợp tác.
Và rủi ro của kiểu tiếp cận toàn diện này có thể cản trở việc tập trung sự chú ý và các nguồn lực vào một số lĩnh vực có thể tạo ra ảnh hưởng lớn nhất. Đặc biệt là các lĩnh vực như an ninh hàng hải có xu hướng gây tranh cãi về địa chính trị và tốn kém có thể bị bỏ lại phía sau. Sự tập trung và chú ý cũng sẽ là một vấn đề cụ thể vì các quốc gia châu Âu có rất nhiều lo lắng tại khu vực của mình, với những vấn đề đang diễn ra xung quanh khu ngoại vi của họ liên quan đến Ukraine và những căng thẳng về người di cư với Belarus. Sau đó là vấn đề về sự chia rẽ chính trị liên quan đến chính các quốc gia châu Âu.
Một vài trong số này liên quan đến các vấn đề châu Á. Lấy ví dụ về Pháp và nỗ lực ngoại giao hậu AUKUS hiện nay. Mới đây, Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Christophe Penot đã đến thăm Singapore, chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian có chuyến công du tới Jakarta, Indonesia.
Những chuyến thăm như vậy đã nâng tầm của cả Pháp lẫn châu Âu. Tuy nhiên, chúng cũng nhấn mạnh mức độ mà vết thương ngoại giao do AUKUS gây ra vẫn chưa thể được chữa lành. Sự căng thẳng giữa Paris và Canberra có khả năng làm cho các quốc gia lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc khó hành động cùng nhau hơn vì vai trò của Australia trong nhóm an ninh Bộ Tứ.
Cuối cùng, các quốc gia châu Âu phải đối mặt với căng thẳng giữa trọng tâm của họ vào hợp tác đa phương và thực tế của một khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó hoạt động chính trị giờ đây thường tập trung vào các nhóm tiểu đa phương nhỏ hơn. EU tự mô tả mình là một đối tác tự nhiên của các thể chế đa phương châu Á, đặc biệt là ASEAN. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thức được những căng thẳng này và năm 2022 có khả năng chứng kiến họ tiếp tục các nỗ lực nhằm triển khai sự hiện diện lớn hơn trong khu vực châu Á. Dấu hiệu sớm đã xuất hiện vào cuối tháng 12-2021, khi tàu khu trục Bayern của Hải quân Đức đến Singapore, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình kéo dài 6 tháng và là chuyến đi đầu tiên của Hải quân Đức đến khu vực Đông Á trong suốt gần 2 thập kỷ. Trong khi đó, Pháp cũng đã đặt khu vực này là một trong 3 mục tiêu chính sách đối ngoại trung tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của mình, bắt đầu với các kế hoạch vào tháng 2-2022 chủ trì một hội nghị thượng đỉnh lớn ở Paris.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy, việc thực hiện những tham vọng được đề ra trong các văn kiện chiến lược khác nhau của EU sẽ đòi hỏi sự tập trung, khả năng lãnh đạo và các nguồn lực liên tục trong dài hạn, chứ không chỉ trong vài tháng tới. Năm 2022 sẽ là năm quan trọng để hiểu được mức độ nghiêm túc của châu Âu trong mong muốn nâng tầm của mình ở châu Á.