Châu Âu chia rẽ vì lệnh cấm vận mới với Nga

Thứ Hai, 09/05/2022, 15:03

Cuộc chiến ở Ukraine dường như đang bước vào hồi kết. Quân đội Nga đã kiểm soát được một số vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine và bắt đầu ngừng bắn 3 ngày để di tản dân thường. Trong lúc này, ý muốn của Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đang gặp nhiều cản trở ngay từ chính các thành viên của liên minh này.

Dự luật trừng phạt Nga “không thể được thông qua ở tình hình hiện tại. Với tất cả trách nhiệm, chúng tôi không thể bỏ phiếu cho nó”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto thông báo. Trong phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu họp tại Strasbourg, miền Đông nước Pháp, nơi đặt trụ sở của Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen, khi trình bày loạt trừng phạt thứ 6 chống lại Nga, đã công khai thừa nhận việc áp dụng lệnh cấm vận dầu hỏa Nga sẽ “không dễ dàng” đối với “một số quốc gia thành viên đang phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga”. Giải thích trước Nghị viện châu Âu, bà đề nghị trong gói trừng phạt thứ 6 “cấm đối với tất cả dầu (thô và tinh luyện), vận chuyển bằng đường biển và đường ống của Nga” vào cuối năm 2022.

Lĩnh vực tài chính cũng được nhắm mục tiêu vào ngân hàng quan trọng nhất của Nga, Sberkank và 2 cơ sở khác của hệ thống tài chính quốc tế Swift. 3 kênh truyền hình của Nga, bao gồm Russia 24 và Russia RTR, sẽ bị cấm phát sóng ở EU, theo AFP. Người đứng đầu Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, cũng là một trong những nhân vật mới trong danh sách đen của EU cùng với gia đình của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov và nhiều binh sĩ Nga khác.

Châu Âu chia rẽ vì lệnh cấm vận mới với Nga -0
Năm 2021, doanh thu xuất khẩu dầu qua châu Âu chiếm đến 11% GDP của Nga.

“Mong muốn trừng phạt của Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác là một con dao hai lưỡi. Bằng cách cố gắng làm tổn thương chúng tôi, họ cũng sẽ phải trả giá đắt. Họ đã phải trả giá rồi. Cái giá của các biện pháp trừng phạt đối với công dân châu Âu sẽ tăng từng ngày”, ông Dmitry Peskov cảnh báo.

EU đã quyết định ngừng mua than và tìm các nhà cung cấp khác ở Mỹ để thay thế cho 1/3 lượng khí đốt mua của Nga. Bà von der Leyen cho biết việc ngừng nhập khẩu dầu sẽ được thực hiện “từ từ và có trật tự, nhằm thiết lập các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động đối với các thị trường thế giới”. Một ngoại lệ được đề xuất cho phép Hungary và Slovakia, hai nước nằm sâu trong đất liền, tiếp tục mua hàng từ Nga cho đến cuối năm 2023, bởi vì hai nước kết nối với các đường ống dẫn dầu của Nga nhưng lại không được kết nối với các đường ống châu Âu, hai quan chức châu Âu nói với AFP.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto không ngần ngại khẳng định: “Hungary chỉ có thể chấp nhận các lệnh trừng phạt này nếu việc nhập khẩu dầu thô bằng đường ống được miễn các hạn chế”. Slovakia cũng đòi thời gian chuyển tiếp ít nhất là 3 năm, trong lúc Cộng hòa Séc và Bulgaria đòi được đối xử đặc biệt. Ngay cả các nước như Hy Lạp, Malta và Síp cũng tỏ ra khó chịu trước lệnh cấm tàu của EU vận chuyển dầu mỏ Nga đi khắp thế giới.

Riêng đối với hai nước đầu tàu của Liên minh châu Âu, việc cấm vận dầu Nga có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Scholz xác định rằng Đức đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy. Cho đến gần đây, 1/3 dầu mà Đức nhập khẩu đến từ Nga, thế nhưng mới đây, Berlin đã giảm được 2/3 mức lệ thuộc này. Các nguồn cung cấp thay thế đã sẵn sàng và thời hạn chuyển tiếp do Ủy ban châu Âu ấn định đủ dài để Đức ứng phó. Miền Đông nước Đức vẫn còn là vấn đề với một nhà máy lọc dầu ở Schwedt ở Brandenburg thuộc tập đoàn Rosneft của Nga, cung cấp dầu cho 90% khu vực Berlin. Nhưng, Đức không loại trừ việc tịch thu nhà máy. Đức cũng đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than của Nga, chỉ còn bằng 1/4 mức trước đây. Thách thức lớn nhất đối với Berlin vẫn là nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Đức sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để từ bỏ nguồn cung này.

Theo ước tính của Trung Tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) tại Phần Lan, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Liên minh châu Âu đã trả cho Nga đến hơn 53 tỷ euro chi phí mua năng lượng, bao gồm 21 tỷ mua dầu, gần 31 tỷ mua khí đốt và 881 triệu mua than.

Ngày 8-4, EU đã thực hiện bước đầu tiên bằng cách quyết định dừng mua than đá của Nga. Đề nghị cấm vận dầu mỏ của Nga, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của EU, là bước kế tiếp, trong khi chờ đợi bước tối hậu và phức tạp nhất là dừng mua khí đốt. Nếu quyết định về than đá có tác động không đáng kể, thì việc EU xóa bỏ nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, trên lý thuyết có ý nghĩa hơn rất nhiều. Dầu thô chiếm một vị trí quan trọng trong ngân sách nước Nga.

Châu Âu chia rẽ vì lệnh cấm vận mới với Nga -0
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói về hậu quả kinh tế và xã hội của cuộc chiến Ukraine đối với Eu tại Strasbourg, Pháp.

Trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu dầu qua châu Âu chiếm đến 11% GDP của Nga, trong lúc khí đốt chỉ chiếm 2,5%. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên gấp đôi. Vấn đề đặt ra là Moscow không phải là không tính tới khả năng EU đóng cửa thị trường đối với dầu mỏ Nga. Trong thời gian qua, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đã đổ xô mua dầu thô của Nga đang được bán với giá thấp. Thế nhưng, theo giới chuyên gia phân tích, khả năng Nga nhanh chóng tìm được thị trường mới đủ sức hấp thụ một lượng dầu tương đương với châu Âu trước mắt có vẻ khá hạn chế. Hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không thể tiêu thụ 2,5 triệu thùng mà Nga vận chuyển đến châu Âu mỗi ngày.

Bên cạnh đó, vấn đề giá cả sẽ không có lợi cho Nga, vì Moscow sẽ bị các khách hàng mới bắt bí. Ấn Độ chẳng hạn, hiện đang đàm phán để mua dầu của Nga ở mức 70 đô la/thùng, trong khi giá dầu Brent đã tăng lên mức trên 100 đô la/thùng. Do đó, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ bị giảm sụt theo lệnh cấm vận của EU.

Một khó khăn khác đối với Nga là các đường ống dẫn dầu chính của Nga đều hướng về phương Tây. Chỉ có một đường ống duy nhất nối Nga với Trung Quốc và tuyến này đang hoạt động hết công suất. Để xây dựng một mạng lưới mới phục vụ châu Á tương tự như đường ống đã cung cấp dầu thô cho châu Âu, Nga sẽ phải mất không chỉ vài tháng, mà là nhiều năm và rất nhiều tiền của. Phương án vận chuyển bằng đường thủy, thông qua các tàu chở dầu cỡ lớn cũng sẽ gặp trở ngại vì không chắc chủ nhân các con tàu này sẵn sàng hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nếu không có khách hàng, các nhà sản xuất Nga sẽ bị buộc phải đóng cửa các giếng dầu.

Tóm lại, lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu sẽ có tác động tiêu cực đến cả doanh thu xuất khẩu và năng lực sản xuất của Nga. Tuy nhiên, cấm vận của châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường quốc tế. Nếu xuất khẩu của Nga giảm, điều này có thể đẩy giá dầu lên cao, qua đó giúp Nga bù đắp một phần thiếu hụt. Nhìn chung, cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga nhưng không chắc ngăn cản được Tổng thống Putin tiến đến đích trong cuộc chiến ở Ukraine. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tài sản chủ quyền của Nga đã có đến 155 tỷ đô la, đủ để trang trải chi phí chiến tranh và chi phí xã hội nếu nguồn thu từ dầu mỏ cạn kiệt.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.