Châu Âu hối thúc kế hoạch phòng thủ chủ động

Thứ Hai, 13/12/2021, 10:08

Theo trang mạng Foreign Affairs, nội dung an ninh và quốc phòng đã bất ngờ quay trở lại chương trình nghị sự của châu Âu. Cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan không hề có sự tham vấn các đồng minh châu Âu và những căng thẳng của Pháp xung quanh AUKUS khiến châu Âu càng có cớ để lo ngại rằng khi Mỹ “xoay trục” sang châu Á, họ sẽ chuyển hướng mọi ưu tiên khỏi châu Âu cũng như Trung Đông và Bắc Phi.

Mặc dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn cam kết tuân thủ nghiêm ngặt Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - coi một cuộc tấn công nhằm vào thành viên NATO cũng là cuộc tấn công nhằm vào các thành viên còn lại của khối - nhưng kết quả thăm dò cho thấy trong những năm gần đây, Mỹ đã bớt thèm muốn can thiệp quân sự để giải quyết những xung đột ở khu vực lân cận rộng lớn hơn của châu Âu.

Trước xu hướng này, các quan chức châu Âu nhận thấy cần phải bắt đầu chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình. Trung tuần tháng 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2022, khi Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của EU.

Về phần mình, Mỹ từ lâu đã lo ngại rằng các sáng kiến phòng thủ độc lập của châu Âu có thể phá hoại liên minh xuyên Đại Tây Dương. Vì vậy, việc nước này công khai thừa nhận khả năng của châu Âu trong việc bảo vệ an ninh của chính họ bên ngoài NATO là một sự nhượng bộ có ý nghĩa về mặt chính sách. Tuy nhiên, thái độ cởi mở của Mỹ về năng lực phòng thủ của EU sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu EU nắm bắt được thời điểm và thực sự chủ động.

Châu Âu hối thúc kế hoạch phòng thủ chủ động -0
Từng là Bộ trưởng Quốc phòng, bà Ursula von der Leyen luôn hối thúc kế hoạch xây dựng lực lượng phòng vệ riêng của EU.

Nâng cấp năng lực quốc phòng đến mức có thể thực hiện các hoạt động quân sự độc lập là việc làm tốn kém đối với EU. Tuy nhiên, với gói phục hồi sau COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, Quỹ Thế hệ tiếp theo của EU đã đưa ra một mô hình tiềm năng để cung cấp tài chính cho các sáng kiến quân sự mới của EU. EU sẽ vay thêm 100 tỷ euro để cung cấp tài chính cho việc cải thiện năng lực quốc phòng của các nước thành viên và hỗ trợ những sáng kiến hiện có của mình. Nguồn tài trợ bổ sung này sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và tăng cường các nỗ lực quốc phòng của châu Âu, cải thiện khả năng tự vệ của lục địa này, đồng thời cho phép họ hợp tác với NATO và Mỹ trên cơ sở bình đẳng hơn.

Trước mùa hè năm 2020, việc EU vay tiền gần như là điều không thể. Tuy nhiên, gói phục hồi châu Âu đã tạo nên điều mới lạ. Thay vì yêu cầu các quốc gia thành viên sử dụng ngân sách của mình, EU, với sự hỗ trợ của đồng euro và Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã tiếp cận các thị trường tài chính tốt. Tín dụng của EU được xếp hạng AAA và như Bloomberg đã lưu ý vào tháng 6, nhu cầu thị trường đối với nợ của EU đã ở mức trung bình. Với khả năng mới được thiết lập để có thể vay mượn với lãi suất âm hoặc 0%, EU có thể tự đầu tư vào chính mình mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Vì những thành viên EU theo chính sách “thắt lưng buộc bụng” có thể sẽ phản đối việc vay nợ nhiều hơn nên sự kiên quyết của Mỹ là yếu tố then chốt. Chi tiêu tập thể sẽ mang lại cho EU sức ảnh hưởng lớn đối với đồng euro. Điều đó cũng có thể dẫn đến thái độ dễ chịu hơn đối với một số nước thành viên EU. Ví dụ, nhiều khả năng chính phủ mới của Đức sẽ không tăng chi tiêu cho quốc phòng. Tuy nhiên, hai trong số các đảng trong liên minh cầm quyền là đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do, về mặt nguyên tắc lại ủng hộ khái niệm phòng thủ của EU. Những điều này khiến liên minh xuyên Đại Tây Dương trở thành yếu tố nòng cốt trong thông điệp của họ.

Các sáng kiến gần đây nhằm thúc đẩy sự hội nhập về cấu trúc của các lực lượng vũ trang EU - ví như Quỹ Phòng thủ châu Âu và Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO), vốn đều được kích hoạt vào năm 2017 - đang được thực hiện nhằm tối ưu hóa các nỗ lực chi tiêu quốc phòng của châu Âu, đồng thời cung cấp tài chính cho hoạt động nghiên cứu và thu mua trong lĩnh vực quốc phòng. Nhưng, giờ đây, EU có cơ chế để can dự nhiều hơn vào lĩnh vực quốc phòng, do đó có thể tăng chi tiêu cho các năng lực cụ thể.

Việc tập trung trước tiên vào các hợp đồng thu mua trang thiết bị quân sự quy mô lớn để vừa lấp đầy những khoảng trống về năng lực mà NATO đã xác định, vừa đảm bảo khả năng phối hợp và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ là hành động khôn ngoan đối với EU. Ví dụ như các nước châu Âu phải dựa vào Mỹ để sơ tán công dân của mình khỏi Afghanistan, các thương vụ thu mua nhằm lấp đầy khoảng trống năng lực có thể liên quan đến các phi đội không vận tầm xa và máy bay tiếp liệu trên không. EU cũng có thể xem xét thu mua các tàu ngầm hoặc tàu hải quân tiên tiến nhằm tăng cường sự hiện diện hàng hải vốn đang suy giảm, cải tiến cơ sở hạ tầng mạng và máy bay không người lái, cũng như nâng cấp các năng lực tuần tra trên không, cho phép họ theo dõi mọi hành vi vi phạm.

EU hiện nay có thể đầu tư vào hơn 40 dự án phòng thủ PESCO đang được tiến hành, đặc biệt là các chương trình quốc phòng đã bị tạm dừng do sự cắt giảm ngân sách liên quan đến đại dịch. Đặc biệt, EU đang thực hiện khôi phục toàn bộ nguồn kinh phí cho sáng kiến huy động quân sự, vốn đã bị cắt giảm trong các cuộc đàm phán ngân sách nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thêm những cầu đường để xe tăng NATO có thể di chuyển về phía Đông.

Mọi tiến triển tốt trong dự án của châu Âu đều góp phần thúc đẩy những cải cách lớn về thể chế và việc EU tham gia lĩnh vực quốc phòng cũng sẽ không có gì đặc biệt. Mặc dù có thể cần đến một số thỏa hiệp khó khăn nhưng những cải cách thể chế sẽ cho phép EU tăng cường các năng lực quốc phòng và cuối cùng mở đường cho một chính sách đối ngoại chặt chẽ và hiệu quả hơn của châu Âu.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.