Châu Âu tìm cách “hạ nhiệt” du lịch
Nhiều du khách nước ngoài đến thăm thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) mới đây đã có một phen “hú hồn” khi bị hàng chục khẩu súng nước bắn vào người. Hành động này là một phần trong cuộc biểu tình của người dân Barcelona phản đối việc thành phố đang bị quá tải du lịch.
Và không chỉ mình Barcelona hay Tây Ban Nha đang phải trải qua việc này. Người dân trên khắp châu Âu đang có những phản ứng mạnh mẽ khi chất lượng sống của họ đang bị đe dọa bởi du lịch.
Quá tải
Các nước châu Âu đã đón tổng cộng 709 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2023. Phần lớn trong số này là người Châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lượng du khách đến từ châu Á và Nam Mỹ cũng đã tăng mạnh. Chẳng ai phủ nhận lợi ích kinh tế đến từ ngành du lịch. Nhưng đồng thời việc có quá nhiều du khách đổ đến Châu Âu đã và đang “phá hỏng” các cảnh quan du lịch tại đây.
“Những điểm đến hàng đầu châu Âu đang bị “nhấn chìm” trong biển khách du lịch. Nhiều du khách phải xếp hàng chờ đến hai tiếng mới được vào thăm khu di tích Acropolis ở Athen (Hy Lạp). Họ cũng phải chờ từng đấy thời gian mới bắt được taxi đi từ nhà ga Rome (Ý) vào nội thành. Hay ở tại quảng trường St. Mark nổi tiếng ở Venice (Ý), có nhiều khách du lịch đứng chờ đến mức tất cả các cây cầu nối với quảng trường đều chật kín người”.
Mà không chỉ ở các địa điểm du lịch nổi tiếng mới đông khách. Nhiều thị trấn, làng mạc, rừng rậm, bãi biển hoang sơ cũng chật kín khách du lịch. Các viện bảo tàng thì yêu cầu khách đến thăm phải đặt chỗ trước từ ba tháng trở lên. Kể cả khi du khách có đủ kiên nhẫn để chờ thì cũng chưa chắc đã có đủ tâm thế để chiêm ngưỡng các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật - giữa lúc khách của viện bảo tàng phải chen nhau từng thước đất một.
Tổ chức Du lịch thế giới ước tính lượng khách du lịch nước ngoài trên toàn thế giới sẽ tăng lên đến 2 tỷ người vào năm 2029. Pháp và Tây Ban Nha sẽ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng này. Riêng Pháp đã đón 100 triệu du khách trong năm 2023 (cao nhất thế giới), còn Tây Ban Nha đón 85,2 triệu khách (cao thứ hai). Nền kinh tế của hai quốc gia này cũng phụ thuộc rất nhiều vào du lịch. Nhưng ngay vào lúc này đây nhiều người dân Pháp và Tây Ban Nha đang xuống đường biểu tình ngành du lịch. Họ phản đối việc không có đủ tiền để mua hoặc thuê nhà, không còn nước sạch để dùng, không có chỗ đứng trên xe buýt, và các di tích thì bị thương mại hóa quá mức. Nhiều người cũng bất bình trước các hành vi vô văn hóa của du khách, ví dụ như ở Tây Ban Nha họ biểu tình việc khách du lịch cởi trần mà đi ngoài đường rồi cứ thấy hồ nước thì lại leo lên cây hoặc ban công mà nhảy xuống.
Tại quần đảo Canary hiện có 56.000 người tham gia các cuộc biểu tình du lịch. Các bãi biển xinh đẹp ở Mallorca (Tây Ban Nha) thì đang bị 10.000 người dân địa phương “chiếm đóng”. Ở Paris, Marseille, Bordeaux, Étretat (Pháp), Madrid, Málaga, Alicante, Cádiz, Seville, San Sebastián (Tây Ban Nha) cũng đang có biểu tình. Đôi khi người biểu tình còn tỏ ra manh động hơn nữa. Tại Ibiza, nơi được mệnh danh là “thủ đô resort” của Châu Âu, người biểu tình đã bí mật leo lên một chiếc du thuyền rồi phun sơn đỏ lên khắp boong tàu. Chiếc du thuyền này trị giá 300 triệu Euro và đứng tên bởi tỷ phú Nancy Walton Laurie, người sở hữu chuỗi siêu thị Walmart nổi tiếng ở Mỹ. Sau đó người biểu tình còn phá hoại một hộp đêm, một chiếc máy bay tư nhân và một chiếc siêu xe Lamborghini.
Người biểu tình tuy hành động quyết liệt nhưng lại không nhắm vào du khách. Anh Martí Cusó, người tổ chức cuộc biểu tình tại Barcelona, cho biết: “Chúng tôi biết rằng du khách không phải người có lỗi. Chính quyền và ngành du lịch mới là bên phải chịu trách nhiệm. Họ thu lời từ dòng người du lịch mà chẳng tính đến việc bảo vệ chất lượng sống cho dân địa phương. Nhiều không gian công cộng đã bị tư nhân hóa trên thực tế. Thế rồi người dân bị mất nơi ở vì chủ nhà tăng tiền thuê lên để bằng với giá cho khách du lịch nghỉ qua đêm”.
Gánh nặng đặt lên vai Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Jordi Hereu đăng tăng lên từng ngày. Ông viết trên tờ El País: “Chúng ta không thể chối bỏ những thành công mà ngành du lịch Tây Ban nha sẽ đạt được. Nhưng trong bối cảnh lượng khách du lịch dự báo sẽ tăng đến 13% trong năm 2024, chúng ta phải nhớ rằng đất nước này thuộc về ai. Không có người dân địa phương thì sẽ không có du lịch... Câu hỏi hiện nay là làm thế nào để thay đổi ngành du lịch, và sẽ tốn bao nhiêu tiền để làm việc đó?”.
Ông Jordi Hereu còn cho biết lượng khách du lịch đã tăng liên tục từ thập niên 1970 đến nay. Người dân Tây Ban Nha đã đi từ vui mừng sang dửng dưng và nay là tức giận. Chính phủ các nước châu Âu đã có một số biện pháp để kiểm soát dòng người du lịch, ví dụ như ra lệnh cấm xây dựng khách sạn, resort mới tại một số địa phương. Các hành động trên tuy vậy là vẫn chưa đủ, và vấn đề càng ngày trở nên nhức nhối.
Đây không phải lần đầu tiên người dân Tây Ban Nha xuống đường biểu tình vì quá tải du khách. Còn nhớ cách đây 10 năm đã xuất hiện những cuộc biểu tình tương tự như vậy. Biểu tình chỉ tạm lắng xuống bởi vì nhu cầu của du khách thay đổi: thay vì chỉ tập trung ở một hai thành phố, bãi biển nổi tiếng, họ bắt đầu tìm đến những làng mạc, rừng núi ít người qua lại để tìm kiếm trải nghiệm được khám phá.
Thế rồi đại dịch COVID-19 xảy ra. Người dân tại các điểm nóng du lịch lần đầu tiên có cảm giác rằng thành phố, bãi biển, v.v... là của họ. Chính quyền và doanh nghiệp các địa phương thì đau đầu vì không còn nguồn thu du lịch. Khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ và khách du lịch quay trở lại, tâm lý chung của mọi người là chỉ muốn thu hút thật nhiều khách để bù đắp những khoản thiệt hại trước đó. Đây chính là tiền đề cho các cuộc biểu tình đang diễn ra.
Tiến sỹ ngành quy hoạch Angelos Varvarousis nhật xét: “Rất nhiều khu vực ở Châu Âu đang chuyển giao từ xã hội truyền thống thành xã hội du lịch. Nền kinh tế, nền địa lý, các quan hệ xã hội trong đó đều đang thay đổi vì mục tiêu phục vụ du khách. Nhiều người dân địa phương cảm thấy mình lạc lõng cũng không có gì lạ”.
Loay hoay tìm cách giải quyết
Ý kiến chung của giới chuyên gia là có bốn hướng giải quyết vấn đề quá tải khách du lịch khác nhau. Hướng thứ nhất và đơn giản nhất là chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát ngành du lịch. Thành phố Amsterdam (Hà Lan) nổi tiếng là nơi luôn mở rộng cửa đón khách du lịch mà gần đây cũng đã cấm du thuyền ra vào cảng thành phố. Chính quyền thành phố còn cấm cả việc hút cần sa ở chỗ công cộng nữa. Bây giờ trên đường phố nào ở Amsterdam cũng dán những tấm áp-phích cảnh báo du khách nước ngoài rằng họ sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm chuẩn mực hành vi ở chỗ đông người.
Hay là ở Tây Ban Nha đã có các thành phố như San Sebastián và Palma cấm khách du lịch đi ra ngoài đường mà không mặc quần áo. Chính quyền quần đảo Balearic cấm khách du lịch không được uống rượu ở nơi công cộng. Những ai tổ chức tiệc tùng trên du thuyền thì sẽ phải lái thuyền ra xa hòn đảo. Ở Barcelona thì bây giờ các đoàn khách đi theo tour chỉ được có dưới 25 người nhằm tránh ùn tắc. Các tuyến xe buýt ở Barcelona cũng bị xóa khỏi bản đồ Google Maps để ngăn không cho khách du lịch sử dụng,
Người Ý thì tập trung “đánh vào” ví tiền của du khách. Như ở năm ngôi làng du lịch nổi tiếng ở Cinque Terre, du khách nào đi vào đường cấm thì sẽ bị phạt đến €2,500. Hay là tại thủ đô Rome, du khách ngồi sai chỗ sẽ bị phạt €250. Kỳ lạ nhất là ở một bãi biển tại thành phố Erclea, du khách sẽ bị phạt tiền và đuổi khỏi bãi biển chỉ vì... xây lâu đài cát. Hiện nhiều địa phương tại Ý đang xem xét việc đưa ra luật cấm du khách tụ tập một chỗ để chụp hình selfie, gây ra tình trạng ùn tắc. Người vi phạm có thể bị phat đến €275.
Vấn đề nhức nhối nhất liên quan đến việc quá tải du lịch là thiếu chỗ ở. Nguồn cung nhà ở tại nhiều thành phố Châu Âu vốn đã ít rồi mà lại càng bị chèn ép bởi nhu cầu về khách sạn, nhà trọ. Đáng thương nhất là những công nhân làm việc trong các khách sạn, khu resort 5 sao mà không có đủ tiền để thuê nhà, buộc họ phải ngủ ngoài lề đường. Một số thành phố như Lisbon (Bồ Đào Nha) đang bàn tính khả năng đưa ra lệnh cấm xây dựng khách sạn mới và đóng cửa các cơ sở lưu trú hoạt động không giấy phép theo mô hình AirBnB.
Các nhà quy hoạch chính sách cũng đang nghĩ đến việc “nâng tầm giá trị” sản phẩm du lịch. Ông Mateu Hernández, giám đốc cơ quan phát triển du lịch Barcelona, cho biết: “Chúng tôi không muốn loại du khách đến Barcelona để làm những chuyện mà họ bị cấm ở nước mình. Chúng tôi không muốn loại du khách chỉ biết say xỉn tối ngày. Chúng tôi không muốn loại du khách keo kiệt ngay cả trong việc ăn uống”.
Cơ quan phát triển du lịch Barcelona đang trong quá trình thay đổi hình ảnh thành phố này. Họ hướng đến việc marketing các nhà hàng, rạp phim, v.v... cao cấp và các sự kiện mang tầm thượng lưu như hòa nhạc thính phòng và triển lãm tranh. Barcelona đang cạnh tranh vị trí đăng cai cúp đua thuyền America’s Cup với một số thành phố châu Âu khác. Bộ môn đua thuyền quý tộc được cho là sẽ giúp thu hút nhiều du khách hạng sang đến với Barcelona hơn.
Không phải ai cũng vừa lòng với việc “nâng tầm giá trị” sản phẩm du lịch. Đầu bếp, doanh nhân Ioaki López de Vinaspre, người sáng lập nên chuỗi nhà hàng Sagardi lừng danh ở Tây Ban Nha, nhận xét: “Không ít người trẻ tuổi và không có tiền đã đem lòng yêu Barcelona ngay từ lần đầu tiên họ đặt chân tới đây. Thế rồi hơn một chục năm sau họ trở lại Barcelona khi đã giàu. Việc cứ chăm chăm vào nhóm khách du lịch hạng sang quả thật là thiển cận”.
Phương hướng giải quyết thứ ba là nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương. Tuy các nước châu Âu có mạng lưới đường sắt, đại lộ mang tầm quốc tế, nhưng ở nhiều địa phương thì hệ thống cơ sở hạ tầng của họ đã cũ nát, không còn đáp ứng nổi nhu cầu của cả người dân lẫn du khách. Các chính quyền vì nhiều lý do khác nhau đã không sử dụng nguồn lợi từ du lịch để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bà Jordi Valls, Phó thị trưởng thành phố Barcelona, trả lời báo chí: “Du lịch hiện đang đóng góp 14% vào GDP thành phố. Đã đến lúc con số đó được chuyển thành những khoản đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sống tại thành phố”.
Vậy thì cách giải quyết thứ tư là gì? Theo nhiều chuyên gia thì đã đến lúc châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào du lịch. Tiến sỹ Ernest Canada, nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Alba Sud (Tây Ban Nha), viết trên tờ El País: “Sau khi các doanh nghiệp châu Âu ồ ạt di dời nhà máy sang Trung Quốc và Ấn Độ, nền kinh tế Châu Âu không còn động lực phát triển nào nữa ngoài du lịch và tài chính. Điểm chung của hai ngành nghề này là nguồn lợi thu được đều tập trung vào một số ít cá nhân đứng ở trên “đỉnh”. Tầng lớp lao động và các cộng đồng địa phương hưởng rất ít lợi ích từ du lịch. Nếu chúng ta thật sự muốn tiếp tục phát triển xã hội theo hướng công bằng và bình đẳng thì việc đầu tiên phải làm là giảm sự phụ thuộc vào du lịch và đa dạng hóa nền kinh tế”.