Châu Âu tìm “chỗ đứng” trong vấn đề Ukraine
Ngay khi Mỹ thông báo về cuộc hội đàm giữa các quan chức Nga và Mỹ tại Saudi Arabia mà không mời châu Âu cũng như Ukraine, châu Âu lập tức có phản ứng quyết liệt. Cảm nhận việc bị gạt ra ngoài “cuộc chơi” mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ xướng, các lãnh đạo châu Âu đang làm mọi cách để tìm kiếm một "chỗ đứng" trên bàn cờ Ukraine của ông Trump.
Đưa quân đội tới Ukraine
Để có chung tiếng nói trong việc ứng phó với Mỹ về vấn đề Ukraine, Tổng thống Pháp Macron đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo châu Âu vào ngày 17/2 tại Paris. Chủ đề nóng nhất của cuộc họp là làm thế nào để đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, nhất là khi Mỹ đã tuyên bố rút khỏi mọi cam kết bảo đảm an ninh với cả châu Âu và Ukraine.
Anh và Pháp dẫn đầu các nỗ lực nhằm tạo ra một "lực lượng trấn an" châu Âu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của Nga vào các thành phố, cảng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian.

Các quan chức phương Tây cho biết, đề xuất này sẽ bao gồm hơn 30.000 quân và có khả năng sẽ tập trung vào phòng thủ trên không và trên biển. Lực lượng mặt đất sẽ ở mức tối thiểu và không được triển khai gần tiền tuyến ở phía Đông Ukraine. Một trong những mục tiêu của lực lượng này là đảm bảo mở lại an toàn không phận của Ukraine cho các chuyến bay thương mại và duy trì an ninh cho hoạt động thương mại qua Biển Đen, rất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu lương thực và ngũ cốc của nước này.
Điện và các tiện ích khác của Ukraine đã liên tục bị Nga phá hủy trong cuộc chiến kéo dài gần 3 năm và việc duy trì tính toàn vẹn của chúng cũng được coi là rất quan trọng đối với sự phục hồi của đất nước nếu cuộc xung đột kết thúc.
Không rõ liệu một lực lượng có số lượng tương đối nhỏ có được Ukraine hỗ trợ hay không, khi Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi thành lập một lực lượng răn đe gồm 100.000-150.000 quân, có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nói rằng “sẽ không có chuyện quân đội Mỹ được triển khai tới Ukraine”.
Quy mô quân đội châu Âu vẫn còn khiêm tốn, nghĩa là bất kỳ nỗ lực an ninh hậu chiến nào cũng phải ở mức thấp là vài chục nghìn người và tập trung vào các lĩnh vực có ưu thế về công nghệ.
Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ bay đến Washington vào tuần tới để vận động trực tiếp Tổng thống Mỹ và thuyết phục ông đồng ý cung cấp một biện pháp dự phòng để đảm bảo "lực lượng trấn an" của châu Âu sẽ không bị Nga thách thức trong tương lai. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng dự kiến sẽ đến thăm Washington vào tuần tới.
Trong khi đó, Nga đã công khai tuyên bố phản đối bất kỳ quốc gia NATO nào triển khai quân ở Ukraine trong trường hợp chiến tranh kết thúc. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 18/2 rằng lực lượng NATO dưới bất kỳ màu cờ nào cũng sẽ là “không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”.
Châu Âu sẽ tăng chi tiêu quốc phòng
Các lãnh đạo châu Âu đến hội nghị thượng đỉnh Paris ngày 17/2 trong tâm trạng “ê chề” sau một tuần đầy sóng gió với việc nước Mỹ đưa ra những yêu cầu châu Âu phải đoàn kết hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo đảm an ninh châu lục và an ninh cho Ukraine. Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich từ ngày 14 đến 16/2 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã có bài phát biểu dậy sóng, được mô tả là “gây chiến” với châu Âu. Trong bài phát biểu đó, một trong những nội dung quan trọng được ông Vance đề cập là yêu cầu châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng để có thể tự đảm bảo an ninh trong khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh Paris ngay sau đó, hầu hết các lãnh đạo châu Âu đều thống nhất đưa ra 2 ý tưởng: trái phiếu quốc phòng chung hoặc điều khoản miễn trừ nợ quốc phòng. Đây là 2 lựa chọn chính sách khác nhau và một lựa chọn táo bạo hơn nhiều so với lựa chọn kia. 2 ý tưởng này sẽ mở ra cơ hội để mở khóa các mức chi tiêu quốc phòng mà châu Âu sẽ cần một khi sự phụ thuộc vào Mỹ sau chiến tranh thực sự chấm dứt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho rằng bà sẽ đề xuất kích hoạt điều khoản miễn trừ trong các quy tắc tài chính của khối nhằm nỗ lực thúc đẩy "đáng kể" đầu tư quốc phòng của các quốc gia thành viên.
Trước đó, điều khoản này đã được kích hoạt trong 3 năm đại dịch COVID, cho phép các quốc gia chi tiêu để thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Theo Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của khối, các quốc gia thành viên EU có nghĩa vụ phải thực hiện chính sách tài khóa nhằm mục đích giữ thâm hụt của chính phủ dưới 3% GDP và nợ dưới 60% GDP hoặc phải đối mặt với các hình phạt, bao gồm cả tiền phạt.
Một điều khoản miễn trừ cho chi tiêu quốc phòng, mà các quan chức đã chỉ ra có thể được kích hoạt trong hơn 1 năm, đã nhận được sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính EU họp tại Ba Lan và sự ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Đức Olaf Scholz - người cũng muốn tăng chi tiêu quốc phòng của Đức được miễn khỏi điều khoản phanh nợ cứng rắn của Đức.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhận thức rõ ràng về 3 thực tế: thứ nhất, Mỹ và châu Âu dường như không còn chia sẻ các giá trị đã hỗ trợ liên minh xuyên Đại Tây Dương kể từ năm 1945. Thứ hai, châu Âu không còn có thể trông cậy vào Mỹ để bảo vệ mình nữa. Thứ ba - về câu hỏi cấp bách mà châu Âu đang háo hức chờ đợi câu trả lời nhất - kế hoạch của Mỹ, trong chừng mực thực tế, dường như không bao gồm một vị trí nào cho châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh Paris hôm 17/2 được triệu tập bởi vì, theo lời một cố vấn của Điện Elysée, "bây giờ người châu Âu cần phải làm nhiều hơn, tốt hơn và theo cách thống nhất, vì an ninh chung của chúng ta". Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, an ninh của châu Âu đang "ở một bước ngoặt. Đúng, đó là về Ukraine - nhưng cũng là về chúng ta. Chúng ta cần một tư duy cấp bách. Chúng ta cần một sự gia tăng trong quốc phòng. Và, chúng ta cần cả hai ngay bây giờ".
Nhưng, hội nghị thượng đỉnh Paris cũng có thể là hội nghị đầu tiên trên con đường hướng tới một chính sách an ninh châu Âu thống nhất cho Ukraine và cho châu Âu nói chung: Môi trường an ninh của châu Âu có thể đã thay đổi về cơ bản, nhưng châu Âu thì không.