Châu Âu - Tương lai an ninh còn bỏ ngỏ?
Mới đây, trang mạng của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng và an ninh (RUSI) đưa ra đánh giá rằng, bối cảnh chiến lược của châu Âu đang thay đổi và quá trình thay đổi để thích ứng của khối này có thể sẽ được thúc đẩy bởi những cú sốc chiến lược hoặc một loạt thay đổi khác.
Cũng theo bài đánh giá này, vấn đề an ninh châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt. Môi trường an ninh của khối đang diễn biến phức tạp và thay đổi mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với những thách thức mới như sự trỗi dậy của Trung Quốc, vấn đề an ninh năng lượng, khủng hoảng khí hậu, hoạt động can thiệp bầu cử và khả năng dễ bị tổn thương trong không gian mạng.
Trong khi đó, những thách thức lâu năm từ phía Đông, câu chuyện an ninh biên giới, di cư và chia sẻ gánh nặng quốc phòng giữa các thành viên vẫn chưa được giải quyết. Cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu cũng như tầm quan trọng của châu Âu với tư cách là một tác nhân an ninh trên toàn cầu đang ngày càng bị hoài nghi. Môi trường chiến lược của châu Âu đang thay đổi và ngày càng khó đoán, có khả năng sẽ rất khác trong thập niên tới.
Một số diễn biến địa chính trị có khả năng biến đổi môi trường an ninh châu Âu đương đại. Sự cạnh tranh của các cường quốc đã thúc đẩy Mỹ tăng tốc xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các quốc gia châu Âu riêng lẻ đang củng cố hành động xoay trục này nhưng đó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Washington sẽ tập trung vào những nơi khác trong những thập niên tới. Có một điều không thể phủ nhận rằng châu Âu cũng đang trăn trở với thực tế về sự trỗi dậy của Trung Quốc: Sự trỗi dậy này sẽ mang lại cơ hội, mối đe dọa hay thách thức hay là cả 3 điều trên?
Hậu quả về chính trị và hành chính từ Brexit tiếp tục làm tiêu hao năng lực hoạch định chính sách của London và khiến Brussels bị phân tâm. Ngoài ra, mối đe dọa về sự chia rẽ chính trị cũng đang diễn ra khắp lục địa. Những mối đe dọa đối với EU đã xuất hiện rõ ràng ở cả hai bờ eo biển Manche.
Bên cạnh đó, những sự kiện bên ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ tới Lục địa già. Việc Mỹ, NATO và phương Tây rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8-2021 là một cú sốc kép đối với châu Âu. Thứ nhất, quyết định rút quân của Mỹ được thực hiện một cách đơn phương, chỉ cung cấp cho các thành viên NATO thuộc châu Âu những lựa chọn hạn chế, đồng thời cho thấy rõ việc hai bên không thể thống nhất về một kế hoạch dự phòng hiệu quả và khoảng cách rõ rệt về năng lực quân sự giữa Mỹ và châu Âu. Thứ hai, việc rút quân đã đặt dấu chấm hết cho hoạt động quan trọng đầu tiên của NATO ở bên ngoài khu vực mà đỉnh điểm là một thất bại chiến lược.
Việc thành lập AUKUS -thỏa thuận hợp tác an ninh chiến lược 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ - đã khiến Pháp tức giận, cho thấy Mỹ và Anh đã hiểu nhầm hoặc không quan tâm đến lợi ích chiến lược và văn hóa của Pháp. Sau những sự kiện này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu nên ngừng “ngây thơ” về Mỹ, cần thể hiện tình đoàn kết mới và quan tâm đến việc bảo vệ chính mình. Lời kêu gọi hàn gắn của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Macron sau AUKUS cũng mở ra cánh cửa cho những thay đổi lớn hơn về an ninh châu Âu, với tuyên bố chung nhấn mạnh “Mỹ cũng nhận thức được tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn, đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, đóng vai trò bổ sung cho NATO”.
Và châu Âu cũng đã bắt đầu chuyển đổi để đối phó với môi trường đang thay đổi này. Đánh giá thường niên phối hợp về quốc phòng (CARD 2016), Hợp tác cấu trúc thường trực (PESCO 2017) và Sáng kiến can thiệp châu Âu (EI2 2018) là những ví dụ về các phương pháp tiếp cận mới nhằm lèo lái qua một cơ cấu thể chế gồm nhiều cơ quan và mang lại tính linh hoạt. Điểm đáng chú ý là các sáng kiến của EU đang bắt đầu đưa ra những thỏa thuận cho phép các nước tùy chọn tham gia, qua đó cho phép các thành viên không thuộc EU có thể tham gia các sáng kiến cụ thể nếu thấy phù hợp. Sự thích nghi này đã dẫn đến các đợt triển khai lực lượng quan trọng: Lực lượng đặc nhiệm Takuba ở Mali và Phái bộ nhận thức hàng hải châu Âu (EMASOH) tại eo biển Hormuz ở Vùng Vịnh.
Năm 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với sự phát triển của an ninh châu Âu. Pháp sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu trong 6 tháng đầu tiên. Bản “Định hướng chiến lược của EU” - trong đó đánh giá về các mối đe dọa chung đối với liên minh - sẽ công bố kết quả. Tuyên bố chung EU - NATO mới sẽ được ký kết, cùng với đó, Hội nghị Thượng đỉnh quốc phòng châu Âu cũng sẽ diễn ra.
Một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự sắp tới chắc chắn sẽ là “Quyền tự chủ chiến lược của châu Âu”, ý nghĩa thực sự của nó và câu hỏi liệu nó sẽ bổ sung hay cạnh tranh với NATO - vốn chỉ tập trung vào phòng thủ tập thể và quản lý khủng hoảng mà thiếu tính chủ động. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố năm 2022 là “năm về quốc phòng châu Âu” và trụ cột đầu tiên trong quyền tự chủ của châu Âu sẽ là kinh tế và xã hội, thứ hai là an ninh và lấy liên minh Đại Tây Dương làm “xương sống”.