Châu Âu với an ninh năng lượng và tham vọng khí hậu

Thứ Hai, 17/10/2022, 11:59

Cuộc chiến ở Ukraine có vẻ như đã nhắc nhở các nước châu Âu về sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga. Từ đó, đặt ra vấn đề cấp bách là phải điều chỉnh lại hệ thống năng lượng châu Âu, đồng thời kết hợp với tham vọng chuyển đổi năng lượng.

Kế hoạch REPowerEU mới được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua chính là nhằm mục đích dung hòa hai mục tiêu này.

Châu Âu với an ninh năng lượng và tham vọng khí hậu -0
Tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than là lựa chọn của nhiều quốc gia châu Âu lúc này.

Ra đời chỉ 3 năm trước, Hiệp ước Xanh châu Âu đã “sống sót” sau đại dịch nhưng lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, đó là cuộc chiến Ukraine và hậu quả của nó đối với sự ổn định và những chi phí về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lập pháp châu Âu đã đặt ra lộ trình để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tháng 7/2021, EC đưa ra một loạt đề nghị pháp lý nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi toàn bộ các lĩnh vực kinh tế và đạt mục tiêu giảm 55% lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cũng theo cam kết của Hội đồng châu Âu, hệ thống năng lượng châu Âu cần được điều chỉnh kịp thời để nhanh chóng chấm dứt tình trạng lệ thuộc vào Nga.

Lối thoát có kiểm soát

Trên thực tế, ở châu Âu, quá trình chuyển đổi năng lượng chỉ mới bắt đầu. Tiêu thụ năng lượng sơ cấp vẫn ở mức ổn định so với năm 1990, trong khi tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm từ 83% xuống 71%. Do đó, EU phần lớn vẫn bị bó buộc trong thế giới nhiên liệu hóa thạch và sản lượng nội khối đóng vai trò ngày càng khiêm tốn - chỉ đáp ứng 3% nhu cầu dầu mỏ, 12,6% nhu cầu khí đốt và 42% nhu cầu than đá. Những bước tiến chậm chạm trong lĩnh vực phi carbon hóa và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài chỉ làm tăng thêm vai trò quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng cho EU.

Nhận thức được điểm yếu mang tính cơ cấu này, ngay từ đầu, châu Âu đã không nhắm trực tiếp vào hoạt động nhập khẩu năng lượng trong loạt trừng phạt đầu tiên của họ đối với Nga. Triển vọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga trở nên tồi tệ, nhưng các hợp đồng vẫn được tiếp tục. Cho rằng việc đột ngột phá vỡ quan hệ đối tác năng lượng với Nga sẽ gây tổn hại lớn đến lợi ích của mình, EU đã cam kết giảm dần nhập khẩu, mà không đưa ra thời hạn chính xác và không phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý.

Lệnh cấm vận của châu Âu đối với than của Nga, có hiệu lực sau 4 tháng được EU thông qua, là biện pháp đánh vào túi tiền của Nga. Quả thực, nó khiến Nga bị mất đi nguồn thu trị giá 4 tỷ euro mỗi năm. Biện pháp này được đưa ra vào thời điểm EU đang phải đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng về nguồn cung năng lượng. Để bù đắp nguồn cung khí đốt sụt giảm từ Nga, các nước thành viên EU bắt đầu tìm nguồn cung từ Mỹ, Australia, Nam Phi và Indonesia.

Trong bối cảnh thiếu khí đốt, để tránh tình trạng thiếu điện, trong những tháng gần đây, nhiều nước châu Âu tăng cường sử dụng các nhà máy nhiệt điện than. Đó là trường hợp của Áo, Hà Lan và Italy. Lựa chọn này ảnh hưởng tới tham vọng của EU là giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Như vậy, vẫn còn vấn đề liên quan đến nguồn cung khí đốt - điều khó giải quyết nhất do phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt. Vì thế, lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga không nằm trong chương trình nghị sự, nhưng EU đang chuẩn bị cho việc không còn nguồn cung khí đốt sau khi Moscow quyết định cắt giảm nguồn cung đối với một số nước thành viên. Để chuẩn bị cho mùa đông 2022-2023 nhiều rủi ro, các kế hoạch khẩn cấp quốc gia đã được kích hoạt và EC đã tổ chức đối thoại giữa các quốc gia thành viên để duy trì sự đoàn kết châu Âu.

Kế hoạch REPowerEU

Ngoài việc quản lý khủng hoảng năng lượng, cần phải xem xét lại hệ thống năng lượng châu Âu khi không có nguồn cung khí đốt của Nga, cũng như các cam kết về khí hậu của EU cho năm 2030. Đó là toàn bộ tham vọng của Kế hoạch REPowerEU do EC đề xuất hồi tháng 5 và xoay quanh 3 trụ cột chính: Tiết kiệm năng lượng, triển khai các giải pháp carbon thấp và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt.

Với những hạn chế về nguồn cung như vậy, cần huy động mọi tiềm năng để tiết kiệm năng lượng, bởi điều này cho phép giảm các hóa đơn tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo EC, mục tiêu giảm 5% lượng tiêu thụ khí đốt và dầu khí có thể dễ dàng đạt được nhờ các chiến dịch thông tin và các cơ chế bù giá năng lượng cho người tiêu dùng.

Bước tiếp theo là loại bỏ mọi trở ngại đối với việc triển khai các công nghệ carbon thấp có khả năng thay thế khí đốt Nga, không chỉ biomethane mà cả quang điện mặt trời và năng lượng gió trong lĩnh vực điện, thậm chí sản xuất quy mô lớn hydrogen từ các nguồn năng lượng tái tạo trong lĩnh vực công nghiệp. Với giá khí đốt hiện tại, lợi nhuận đầu tư gia tăng đến mức EC nhận định rằng việc nâng năng lượng tái tạo lên mức 45% lượng tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2030, so với 40% trong đề xuất ban đầu vào tháng 7/2021, là điều hoàn toàn hợp lý.

Do đó, cuộc chiến ở Ukraine có thể đóng vai trò là động cơ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu. Tuy nhiên, EC cho rằng để giảm bớt sự căng thẳng giữa nhu cầu và nguồn cung khí đốt, cần đầu tư 10 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng mới để chứa thêm lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tổ chức tốt khâu vận chuyển đến các nước EU.

Nếu các quốc gia thành viên thực hiện đúng Kế hoạch REPowerEU thì việc mất nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu khí hậu, nhưng phải là đến năm 2030. Tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có thể tồi tệ hơn trong ngắn hạn, bởi giá khí đốt tăng cao sẽ khiến các nhà máy nhiệt điện than tăng cường hoạt động sản xuất điện và việc đóng cửa các nhà máy điện này có thể bị hoãn lại do nhu cầu an ninh năng lượng. Ngược lại, sự gia tăng đầu tư vào tính hiệu quả năng lượng và các giải pháp thay thế carbon thấp sẽ mang lại kết quả trong vòng một vài năm tới, đồng thời khiến lượng khí thải hằng năm giảm mạnh.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.