Châu Âu với kế hoạch tái vũ trang gây tranh cãi
Một nền quốc phòng chung châu Âu đang bị chi phối bởi nhiều ảo tưởng, đặc biệt là kỳ vọng về sự thống nhất của EU trước các mối đe dọa địa chính trị. Trong khi thực tế cho thấy EU không đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực an ninh khu vực.
Nỗ lực chung
Sau khi Vương quốc Anh rời EU, hội nghị quốc tế lớn đầu tiên nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine đã diễn ra tại London vào ngày 2/3/2025. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia như Pháp, Đức, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Canada, Phần Lan, Thụy Điển, Séc và Romania, cùng với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen. Việc chỉ có 11 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU tham gia cho thấy sự thiếu đồng thuận trong khối về các vấn đề an ninh và quốc phòng.

Trong khi đó, EU chỉ nổi bật khi bàn đến vấn đề tài chính. Ngày 10/3/2025, EC công bố kế hoạch “Readiness 2030” (trước đây gọi là “ReArm Europe” - tái vũ trang châu Âu), nhằm huy động tới 800 tỷ euro để tăng cường năng lực quốc phòng của khối. Kế hoạch bao gồm việc nới lỏng các quy tắc tài khóa để cho phép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng mà không vi phạm giới hạn thâm hụt ngân sách, cũng như cung cấp các khoản vay trị giá 150 tỷ euro cho các dự án quốc phòng chung.
Mặc dù mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng của Mỹ, nhưng các dự án hợp tác nội khối phần lớn không đạt được kết quả như mong đợi, ngay cả giữa các quốc gia chủ chốt như Pháp và Đức. Từ năm 2004 đến nay, EU đã triển khai nhiều cơ chế như Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), Hợp tác cấu trúc thường trực (PESCO) năm 2017, Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) năm 2021, và mở rộng Cơ sở hòa bình châu Âu (EPF) năm 2022 để tài trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa tạo ra một nền quốc phòng chung thực sự hiệu quả.

Điểm nghẽn lớn nằm ở vai trò hạn chế của EC, khi cơ quan này không có thẩm quyền trong Chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP), mà chỉ tập trung vào điều phối kinh tế. Việc bổ nhiệm Cao ủy về quốc phòng từ tháng 1/2025 tuy là một bước đi đáng chú ý, nhưng chủ yếu mang tính biểu tượng và dựa trên cách diễn giải linh hoạt các hiệp ước hiện hành của EU. Chính sách đối ngoại và an ninh vẫn thuộc quyền quyết định của từng quốc gia thành viên EU và đòi hỏi sự đồng thuận tuyệt đối - điều khó đạt được do khác biệt về lịch sử, lợi ích và chiến lược giữa các nước.
Trong bối cảnh đó, các liên minh tạm thời như hội nghị tại London vừa qua được thành lập một cách nhanh chóng để xử lý tình huống cụ thể. Diễn đàn Cộng đồng chính trị châu Âu, ra đời cuối năm 2022 với 47 quốc gia tham gia, cũng chỉ là nỗ lực dung hòa quan điểm về an ninh và ổn định, chứ chưa thể thay thế cho một liên minh quốc phòng thống nhất.
Thống nhất về hình thức, phân mảnh về bản chất
Kể từ sau cuộc chiến Nam Tư trong thập niên 1990, EU đã xây dựng Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) nhằm hướng đến mục tiêu dài hạn là một nền quốc phòng chung. Trong khuôn khổ đó, EU sở hữu một số công cụ điều phối như Ủy ban Chính trị và An ninh (COPS) và Ủy ban Quân sự EU (EUMC), đồng thời đang giám sát 5 sứ mệnh quân sự tại Bosnia - Herzegovina, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Somalia và Ukraine.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, những cấu trúc này không bắt nguồn từ một tầm nhìn châu Âu thực sự và cũng không có tác dụng kiến tạo một tầm nhìn như vậy. Văn kiện “La bàn chiến lược”, được thông qua vào tháng 3/2022, chỉ là danh sách các mục tiêu đặt trong khuôn khổ Đại Tây Dương, chứ không phản ánh một định hướng độc lập.
Tuyên bố chung của 27 quốc gia thành viên EU ngày 20/3/2025 tiếp tục khẳng định: “Một EU mạnh mẽ và có năng lực hơn trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng sẽ đóng góp tích cực vào an ninh toàn cầu và xuyên Đại Tây Dương và bổ sung cho NATO - tổ chức nền tảng của phòng thủ tập thể”. Trong vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh rằng mọi bảo đảm an ninh cần được triển khai “với các đối tác có cùng giá trị và là thành viên hoặc đối tác của NATO”.
Đây không chỉ là phát ngôn mang tính hình thức mà phản ánh một lựa chọn chiến lược sâu xa: Xây dựng châu Âu trong lòng trật tự an ninh Đại Tây Dương hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh. Như nhận định của cựu nghị sĩ châu Âu Jean-Louis Bourlanges đăng trên tờ Le Monde từ cuối năm 2007: “Không phải châu Âu tạo ra hòa bình, mà chính hòa bình đã tạo ra châu Âu”. Vai trò của Vương quốc Anh - vốn coi mình là cầu nối với Washington - cùng sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, càng cho thấy “dị dạng bẩm sinh” trong cấu trúc quốc phòng của EU.
Việc liên tục nhấn mạnh “mối đe dọa từ Nga” có thể tạo ra một sự thống nhất ngắn hạn, song khó có thể vượt qua những lực ly tâm bên trong khối. Khi mở rộng từ 6 lên 27 thành viên, EU cũng phải đối mặt với những mối quan tâm chiến lược rất khác biệt. Nếu như các nước Baltic và Romania cảnh giác do kinh nghiệm lịch sử, thì các quốc gia khu vực Địa Trung Hải lại bị cuốn vào những thách thức địa chính trị khác từ phía Nam như tình trạng hỗn loạn tại Libya, căng thẳng Algeria - Morocco, xung đột Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, làn sóng di cư và các mạng lưới thánh chiến từ Bắc Phi và Trung Á.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người nhiều lần chỉ trích EU thiếu đoàn kết trong ứng phó với khủng hoảng di cư, đang có xu hướng xích lại gần Tổng thống Mỹ Donald Trump và từ chối gửi quân đến Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Slovakia Robert Fico cùng bày tỏ ủng hộ mô hình “Châu Âu dựa trên bản sắc truyền thống và chủ quyền quốc gia”, thể hiện rõ xu hướng chủ quyền quốc gia cao hơn hợp tác sâu rộng trong khối.
Tình trạng phân mảnh còn được củng cố qua sự hình thành của nhiều nhóm liên kết khu vực như nhóm Euro Med gồm 9 nước Địa Trung Hải (Cộng hòa Síp, Croatia, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Italy, Malta, Bồ Đào Nha, Slovenia) và Sáng kiến 3 biển do Ba Lan dẫn đầu với 13 thành viên trải dài từ Baltic đến Balkan. Bên cạnh đó, các hiệp ước song phương như thỏa thuận quốc phòng giữa Pháp và Hy Lạp năm 2021 - rõ ràng nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ - cũng cho thấy an ninh quốc gia vẫn là ưu tiên số 1, vượt lên trên các thiết chế tập thể. Ngày 6/3/2025, Hội đồng châu Âu một lần nữa tái khẳng định rằng mọi hình thức hỗ trợ quân sự và đảm bảo an ninh cho Ukraine “phải tôn trọng đầy đủ chính sách quốc phòng của từng quốc gia thành viên” và “tính đến lợi ích an ninh chung của toàn thể khối”.
Địa chính trị không chủ quyền
Mặc dù liên tục thúc đẩy ý tưởng xây dựng một nền quốc phòng chung, nhưng EU vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng của NATO. Trên thực tế, NATO có quyền ưu tiên hành động trong các cuộc khủng hoảng, còn CSDP của EU chỉ đảm nhiệm vai trò thứ yếu, tập trung vào các nhiệm vụ như huấn luyện và hỗ trợ hậu xung đột.

Khái niệm “trụ cột châu Âu trong NATO” đến nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi cốt lõi: “Để làm gì?”, trong khi đó, việc viện dẫn NATO lại được duy trì như một cách để giữ sự liên kết giữa các quốc gia EU vốn bị chia rẽ sâu sắc, thông qua chiến lược địa chính trị áp đặt từ Washington. Đồng thời, NATO cũng giúp EU né tránh vấn đề nhạy cảm: chọn một cường quốc lãnh đạo trong số 3 đầu tàu là Pháp, Đức và Anh - những quốc gia không có sự đồng thuận chung.
Giới phân tích nhận định rằng, năm 2025 - với viễn cảnh Mỹ có thể giảm hiện diện chiến lược dài hạn tại châu Âu - sẽ tạo ra khoảng trống an ninh tiềm tàng. Song, theo nhà khoa học chính trị Federico Santopinto, người ủng hộ tích cực cho hội nhập châu Âu, câu hỏi đặt ra là: “Liệu các quốc gia có chủ quyền của lục địa già có thể duy trì đoàn kết khi thiếu đi “chiếc ô an ninh” của Mỹ?”. Theo ông, thực tế lịch sử không có câu trả lời lạc quan.
EU đang đối mặt với thách thức trong việc xây dựng một chính sách quốc phòng chung, do sự đa dạng về lịch sử và thiếu một bản sắc địa chính trị thống nhất. Những lập luận phiến diện, mang màu sắc bài Nga, chỉ tạo ra sự đồng thuận về hình thức nhưng không thực chất và dễ dẫn tới bất đồng nội khối khi đối mặt với thực tế phức tạp.
Dù vậy, EU vẫn khẳng định lập trường rõ ràng về cuộc xung đột tại Ukraine. Trong tuyên bố ngày 6/3/2025, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Hòa bình phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Ukraine, dù đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như tham nhũng, những vẫn được xem là tiền đồn cho các giá trị châu Âu như dân chủ và pháp quyền. Điều này tạo cơ sở pháp lý và đạo lý để EU tiếp tục viện trợ, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Federico Santopinto, EU cần một cách tiếp cận thực tế hơn. Ông cho rằng EU phải lựa chọn giữa 2 hướng đi: hoặc can thiệp sâu hơn để hỗ trợ Ukraine giành lại lãnh thổ, hoặc đàm phán trực tiếp với Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Việc không lựa chọn bất kỳ hướng nào thể hiện sự thiếu nhất quán, thậm chí là thiếu trách nhiệm trong chính sách đối ngoại của EU.
Sau quá trình mở rộng quy mô lớn năm 2004, EU đã tiến sát biên giới Nga, nhưng dường như họ không lường trước được hệ quả của việc này. Trong bối cảnh đó, có ý kiến cho rằng việc dựng lên một “kẻ thù bên ngoài” để củng cố nội bộ không phải là chiến lược mới. Otto von Bismarck từng sử dụng chiến tranh để thống nhất nước Đức dưới trướng Phổ và bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà báo Jean Quatremer từng nhận định trên nhật báo Libération của Pháp rằng “chiến tranh - hay nguy cơ xảy ra chiến tranh - là điều kiện để EU tự khẳng định mình, theo cách mà các quốc gia dân tộc từng được hình thành”. Theo logic đó, Nghị viện châu Âu gần đây đã đề xuất rằng các quyết định trong lĩnh vực quốc phòng nên được thông qua bằng hình thức đa số đủ điều kiện, thay vì yêu cầu đồng thuận tuyệt đối như hiện nay.
Tuy nhiên, trong một liên minh chưa có thực chất chính trị, việc “châu Âu hóa” bằng vũ lực có thể dẫn đến một thể chế hành chính mang tính áp đặt, độc đoán và hiếu chiến - trái ngược với lý tưởng ban đầu của một châu Âu hòa bình và thống nhất.