Châu Phi: “Chiến địa” Âu - Á mới
Bắc Kinh đang duy trì chương trình nghị sự kinh tế bảo thủ trong quan hệ với châu Phi, trong khi ngày càng khó tránh khỏi xung đột chính trị với các nước phương Tây.
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 9 và Hội nghị thượng đỉnh FOCAC được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 4 đến 6/9 đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quan hệ của châu Phi với các đối tác toàn cầu của họ trong kỷ nguyên hậu COVID-19. Được biết, Trung Quốc là đối tác lớn cuối cùng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia châu Phi sau khi đại dịch kết thúc; các hội nghị thượng đỉnh châu Phi được tổ chức bởi EU và Mỹ vào năm 2022 và bởi Nga vào năm 2023.
Đại dịch, cùng với căng thẳng toàn cầu gia tăng, những thay đổi kinh tế vĩ mô và một loạt các cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của châu Phi trong nền kinh tế và chính trị toàn cầu - điều mà Trung Quốc, quốc gia đã trải qua những thay đổi lớn (cả bên trong và bên ngoài) do đại dịch gây ra, rất thấu hiểu.
Rõ ràng là mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đang bước vào giai đoạn mới. Trung Quốc không còn chỉ là đối tác kinh tế ưu tiên của châu Phi như trong 2 thập kỷ trước mà đã trở thành đồng minh chính trị và quân sự quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Phi.
Mối quan hệ này thể hiện rõ qua vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc đào tạo các công chức châu Phi và chia sẻ chuyên môn với họ, cũng như qua một số sáng kiến được công bố tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm hợp tác quân sự - kỹ thuật: Các chương trình đào tạo sĩ quan, nỗ lực rà phá bom mìn và hơn 100 triệu USD mà Trung Quốc sẽ cung cấp để hỗ trợ lực lượng vũ trang của các quốc gia châu Phi.
Trong lĩnh vực chính trị, Bắc Kinh đang tiến hành rất thận trọng và các sáng kiến nêu trên nên được coi là những nỗ lực ban đầu hơn là một chiến lược có hệ thống.
Mặc dù Trung Quốc nỗ lực tránh xung đột chính trị với phương Tây ở châu Phi và thậm chí hợp tác chặt chẽ với phương Tây về một số vấn đề nhất định, nhưng ngày càng khó để duy trì điều này. Washington quyết tâm theo đuổi chính sách đối đầu với Bắc Kinh ở châu Phi - điều này thể hiện rõ qua cả giọng điệu lẫn các tài liệu chiến lược của Mỹ.
Một cuộc “chia tay” giữa Trung Quốc và phương Tây gần như là điều không thể tránh khỏi. Điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc có thể mất hợp đồng với các tập đoàn phương Tây và không còn tiếp cận được hạ tầng vận tải, hậu cần. Do đó, Trung Quốc cần phát triển một cách tiếp cận toàn diện với châu Phi, hoặc độc lập hoặc hợp tác với các trung tâm quyền lực toàn cầu khác.
Một dấu hiệu quan trọng của cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi là việc ký kết biên bản ghi nhớ 3 bên giữa Trung Quốc, Tanzania và Zambia liên quan đến việc tái thiết đường sắt Tanzania - Zambia (TAZARA), tuyến đường sắt được Trung Quốc xây dựng vào những năm 1970.
Nếu được mở rộng, điện khí hóa và hiện đại hóa, TAZARA có tiềm năng trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho một trong những dự án đầu tư quan trọng của Mỹ tại khu vực hành lang Lobito, nhằm mục đích nâng cao cơ sở hạ tầng hậu cần để xuất khẩu khoáng sản từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia bằng cách hiện đại hóa tuyến đường sắt từ DR Congo đến cảng Lobito của Angola.
Ở các vùng nội địa như Đông Congo, cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình khai thác khoáng sản. Xét đến tình trạng thiếu hụt mạng lưới đường sắt và đường bộ của khu vực, ngay cả một tuyến đường sắt không có điện dẫn đến một cảng ở Đại Tây Dương hoặc Ấn Độ Dương cũng có thể thúc đẩy đáng kể hoạt động của ngành khai khoáng.
Có vẻ như sáng kiến của Trung Quốc có triển vọng hơn so với sáng kiến của Mỹ, đặc biệt là vì các công ty Trung Quốc kiểm soát các mỏ lớn ở cả Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia. Điều này mang lại cho họ lợi thế rõ ràng khi làm việc với các nhà khai thác và thiết bị của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khoáng sản qua các cảng Đông Phi. Nhìn chung, điều này cho thấy Đông Phi sẽ duy trì vai trò là đầu tàu kinh tế của lục địa và là một trong những khu vực hội nhập và phát triển nhanh nhất về nhập khẩu.
Điểm nổi bật của hội nghị thượng đỉnh là cam kết của Trung Quốc sẽ cung cấp 50 tỷ USD cho các nước châu Phi trong 3 năm tới. Con số này tương ứng với cam kết 55 tỷ USD mà Mỹ đưa ra cho châu Phi (trong 3 năm) tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2022 và 170 tỷ USD mà EU đã hứa cung cấp trong 7 năm, từ 2021. Do đó, các công ty hàng đầu thế giới phân bổ khoảng 15-20 tỷ USD hằng năm cho châu Phi.
Đáng nói là trong những năm gần đây, những lời hứa như vậy ngày càng nhiều. Hầu như quốc gia nào cũng muốn hứa hẹn điều gì đó với châu Phi - ví dụ, Ý đã cam kết tài trợ 1 tỷ USD hằng năm.
Tuy nhiên, những gói tài chính khổng lồ được gọi là “viện trợ” này thường không liên quan nhiều đến viện trợ thực tế, vì chúng thường là các khoản vay thương mại hoặc đầu tư của các công ty. Hơn nữa, một phần lớn trong số các khoản tiền này được chi cho các quốc gia tài trợ (chẳng hạn như mua sắm và sản xuất hàng hóa), điều đó có nghĩa là chúng chỉ đóng góp rất nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Phi.
Về phía Trung Quốc, họ sẽ cung cấp khoảng 11 tỷ USD viện trợ thực sự. Số tiền khủng này sẽ được sử dụng để phát triển y tế và nông nghiệp ở châu Phi. Khoảng 30 tỷ USD khác sẽ ở dưới dạng các khoản vay (khoảng 10 tỷ USD mỗi năm) và thêm 10 tỷ USD dưới dạng đầu tư.
Bắt đầu từ năm 2020, sự kết hợp của các yếu tố bên trong và bên ngoài đã khiến Trung Quốc cắt giảm đáng kể khoản cho vay đối với các nước châu Phi - từ khoảng 10-15 tỷ USD xuống còn 2-3 tỷ USD. Việc cắt giảm tài trợ này đã thúc đẩy các cải cách kinh tế ở một số nước châu Phi (ví dụ: Ghana, Kenya và Nigeria) chuyển sang các chính sách thuế và tiền tệ nghiêm ngặt hơn.