Châu Phi hưởng lợi gì từ sự trỗi dậy của Ấn Độ?

Thứ Sáu, 04/11/2022, 11:00

Một Ấn Độ đang trỗi dậy có ý nghĩa lớn đối với châu Phi bởi họ có thể được hưởng lợi từ một New Delhi tham vọng và gắn bó hơn. Quy mô và sức mạnh của nền kinh tế trị giá 3.500 tỷ USD của Ấn Độ đã khiến quốc gia này trở thành một lực lượng đáng nể trong các vấn đề toàn cầu.

Lợi thế sẵn có

Thứ nhất, Ấn Độ trong lịch sử có mối quan hệ chặt chẽ với châu Phi, nhờ cuộc đấu tranh chung chống lại chủ nghĩa thực dân, phong trào không liên kết và những thách thức chung về kinh tế - xã hội và nhân khẩu học. Tuy nhiên, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi cuối cùng ở New Delhi vào năm 2015, cấu trúc chính trị của thế giới đã thay đổi về cơ bản. Trong khi quỹ đạo kinh tế đi lên của Ấn Độ vẫn tiếp tục, nhiều nước châu Phi phải đối mặt với khó khăn kinh tế và đang đánh giá lại các liên minh của họ trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực toàn cầu.

anh 2.jpg -0
Lễ khánh thành trụ sở Hội đồng Thương mại Ấn Độ - châu Phi tại Ghana vào tháng 10/2022

Về mặt địa chính trị, mong muốn của Ấn Độ về một trật tự thế giới công bằng hơn đã cộng hưởng với ước vọng của nhiều nước châu Phi, những người đã trở nên vỡ mộng với trật tự phương Tây tự do. Là một thành viên hàng đầu của khối BRICS (gồm Brazil-Nga-Ấn Độ-Trung Quốc-Nam Phi), Ấn Độ đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn có được sự hiện diện nhiều hơn trong các tổ chức đa phương. Hai bên cũng có nhiều điểm tương đồng về các vấn đề khí hậu - nơi mà Ấn Độ và các quốc gia châu Phi từ chối trở thành “vật hiến tế” của phương Tây. Lập trường này ủng hộ lợi ích của các nước đang phát triển, tương đồng với lợi ích của châu Phi.

Thứ hai, châu Phi và Ấn Độ có các lợi ích thương mại đôi bên cùng có lợi, được thể hiện qua sự gia tăng hoạt động của các tập đoàn lớn mạnh của Ấn Độ và khối lượng thương mại và đầu tư gia tăng trong những năm gần đây. Đối với các doanh nghiệp Ấn Độ, châu Phi đại diện cho một thị trường rộng lớn chưa được khai thác, đặc biệt là đối với các mặt hàng sản xuất như dệt may, dược phẩm, ô tô và máy móc hạng nhẹ. Châu Phi cũng mang lại cơ hội trong các lĩnh vực tài nguyên và năng lượng, vốn từ trước đến nay là những lĩnh vực dễ bị tổn thương đối với Ấn Độ.

Thứ ba, và có lẽ thú vị nhất, là Ấn Độ đang cố gắng đưa ra một giải pháp thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, theo chuyên gia Abhishek Mishra thuộc Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát nói với “ISS Today”, New Delhi phải tránh đóng khung chiến lược châu Phi của mình thông qua cái nhìn của Trung Quốc.

Về mặt quân sự, Ấn Độ từ lâu đã là nước đóng góp quân số hàng đầu cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi. Hoạt động quân sự của nước này tập trung xung quanh Ấn Độ Dương, nơi trước đây Ấn Độ là người chơi thống trị ở các quốc đảo như Seychelles và Mauritius. Với việc Ấn Độ Dương trở thành chiến trường quan trọng nhờ khả năng tiếp cận chiến lược và tầm ảnh hưởng đối với các nguồn năng lượng và an ninh quốc gia, Ấn Độ đang tăng cường lợi thế so sánh của mình để duy trì vị thế hải quân và ngoại giao của mình.

Về mặt kinh tế, hoạt động của Ấn Độ chủ yếu do khu vực tư nhân dẫn dắt, trái ngược với cách tiếp cận do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc. Mặc dù nhỏ hơn đáng kể về số lượng, nhưng phương pháp của Ấn Độ được các nhà phân tích cho là có lợi hơn về lâu dài. Họ ưu tiên năng suất của địa phương, minh bạch hơn và nâng cao các kỹ năng mà châu Phi cần, trái ngược với cách tiếp cận “nguồn lực đổi lấy tiền mặt” của Trung Quốc. Chiến lược của Ấn Độ được hỗ trợ thêm bởi các hoạt động của Ngân hàng Exim Ấn Độ, các sự kiện của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và các hiệp ước Ấn Độ - châu Phi.

Ngoài ra, New Delhi cũng có các công cụ quyền lực mềm quan trọng để tiếp cận châu Phi. Chính sách ngoại giao y tế đã được thể hiện rõ trong thời kỳ đại dịch, khi Ấn Độ tặng vaccine cho một số quốc gia, củng cố lợi thế của nước này với tư cách là "nhà thuốc của thế giới". Vào thời điểm mà các cường quốc phương Tây đang tích trữ vaccine, điều này đã tạo được thiện chí của Ấn Độ trên khắp châu Phi.

Vẫn còn thách thức

Tuy nhiên, mối quan hệ châu Phi - Ấn Độ vẫn còn thách thức. Đầu tiên, các doanh nghiệp Ấn Độ phải vượt qua “yếu tố sợ hãi”. Các công ty Ấn Độ thường gắn định kiến về những rủi ro không thực tế cho châu lục. Điều này sẽ đòi hỏi sự nhạy cảm đáng kể, do sự thiếu nhận thức về sự đa dạng của châu Phi.

Thách thức thứ hai là phân biệt chủng tộc. Hiện đã có báo cáo về các vụ tấn công học sinh Nigeria ở New Delhi. Hơn nữa, vụ bê bối siro ho “Made in India” gần đây ở Gambia khiến 69 trẻ em tử vong đã khiến Ấn Độ chịu tổn thất lớn về danh tiếng.

Thứ ba, hiện vẫn còn lo ngại về sự sẵn sàng và khả năng của Ấn Độ để đưa châu Phi trở thành ưu tiên khi nước này phát triển khát vọng toàn cầu của mình. Jakkie Cilliers, Trưởng phòng Tương lai và Đổi mới châu Phi tại Viện Nghiên cứu An ninh Pretoria, phát biểu trên trang “Premium Times” rằng Ấn Độ thường hoạt động kém hiệu quả về mặt ngoại giao và lợi ích của nước này ở châu Phi chỉ là chiếu lệ.

Ấn Độ có cơ hội rõ ràng để tạo ra một thị trường ngách mới với tư cách là đối tác chiến lược của châu Phi. Tuy nhiên, chuyên gia Sanusha Naidu thuộc Viện Đối thoại Toàn cầu nói với “ISS Today” rằng, để duy trì một quỹ đạo tích cực, New Delhi phải làm rõ lập trường của họ. Ông nói: “Đầu tiên, Ấn Độ cần phải làm rõ liệu chính sách châu Phi của họ sẽ được chủ yếu thực hiện qua chính phủ hay khu vực tư nhân (hoặc hỗn hợp). Tiếp theo, họ cần phải nói rõ những gì họ cung cấp cho châu Phi. Và cuối cùng, Ấn Độ cần phải rõ ràng về tầm nhìn của chiến lược quyền lực mềm của mình”.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.