Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ xung đột mới

Thứ Tư, 10/01/2024, 08:24

Theo thỏa thuận, Somaliland đồng ý cho Ethiopia thuê một cảng hải quân ở Biển Đỏ đã gây ra sự phẫn nộ từ phía Somalia và khơi mào một cuộc xung đột tiềm tàng mới.

1. Đúng vào ngày 1/1/2024, Thủ tướng Ethiopia, ông Abiy Ahmed đã ký vào thỏa thuận ban đầu với khu vực ly khai Somaliland của Somalia để sử dụng cảng Berbera ở Biển Đỏ.

Buổi lễ diễn ra vào sáng đầu tiên của năm 2024 tại thành phố Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia với sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Somaliland, ông Muse Bihi Abdi.

Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ xung đột mới -0
Lễ ký bản ghi nhớ giữa Ethiopia và Somaliland.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Văn phòng Thủ tướng Ethiopia mô tả thỏa thuận này là “lịch sử” và nói thêm rằng nó “sẽ mở đường để hiện thực hóa khát vọng của đất nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận biển và đa dạng hóa khả năng tiếp cận cảng biển”.

Nói về thỏa thuận mình vừa ký, Thủ tướng Abiy cho biết: “Đây là điều được thống nhất với những người anh em Somaliland và một biên bản ghi nhớ đã được ký hôm nay”. Sự “thống nhất” mà ông Abiy nhắc tới chính là điều bất ngờ mà nhà lãnh đạo này đã mơ hồ đề cập từ nhiều tháng trước khi ông bày tỏ quan điểm khẳng định quyền tiếp cận Biển Đỏ của đất nước mình.

Ethiopia là một trong những quốc gia đông dân nhất châu Phi với 120 triệu người, nhưng nền kinh tế của nước này bị hạn chế do thiếu khả năng tiếp cận biển. Quốc gia Đông Phi này bị cắt khỏi vịnh Aden sau cuộc chiến kéo dài 3 thập kỷ khiến Eritrea ly khai vào năm 1993, mang theo toàn bộ bờ biển trước đây của đất nước. Kể từ đó, Ethiopia chủ yếu dựa vào nước láng giềng Djibouti cho các hoạt động cảng của mình. Cảng Djibouti xử lý hơn 95% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ethiopia. Chính quyền Addis Ababa thậm chí còn vận hành một tuyến vận chuyển từ cảng Djibouti.

Vào ngày 13/10/2023, phát biểu trước Quốc hội, ông Abiy nói rằng biển là “nguyên tắc cơ bản mang lại sự phát triển hoặc dẫn đến sự sụp đổ của Ethiopia”. Tuyên bố của ông đã làm dấy lên mối lo ngại trên khắp khu vực Đông Phi. Các nhà phân tích khi đó đã tự hỏi, không biết ông Abiy có đề cập đến một cuộc xâm lược quân sự mới để hiện thực hóa mục tiêu của mình không. Nhưng, chính quyền Addis Ababa sau đó đã làm rõ rằng thủ tướng không đề cập đến bất kỳ loại hành động quân sự nào chống lại các nước láng giềng. Cuối cùng, thỏa thuận với Somaliland đã trở thành lựa chọn của ông Abiy, nhưng tất nhiên, nó có cái giá của nó. Sự “thống nhất” đó chính là nước cờ “có đi có lại” giữa hai bên mà nhà lãnh đạo Somaliland đã nhắc đến trong buổi họp báo ngay sau lễ ký: “Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn Thủ tướng Ethiopia khi ký thỏa thuận tại đây. Chúng tôi cho phép họ tiếp cận 20 km biển của chúng tôi và họ cũng sẽ công nhận chúng tôi là một quốc gia độc lập. Họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Somaliland sau khi ký biên bản ghi nhớ này”.

Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ xung đột mới -0
Cảng Berbera, nơi Ethiopia sẽ đặt căn cứ Hải quân của mình.

2. Somalia và Somaliland có một lịch sử lâu dài. Cả hai vùng đất này giành độc lập từ người Anh và Italy. Có cùng gốc dân Somali, vào năm 1960, họ sáp nhập với nhau để thành lập một nước cộng hòa. Somaliland tách khỏi Somalia vào năm 1991 sau khi tiến hành một cuộc chiến tranh giành độc lập do những xung đột về sắc tộc. Đó là một cuộc chiến gây nhiều tổn thương cho cả hai bên, trong đó có sự kiện nổi tiếng là “Diệt chủng Isaaq” với hàng trăm nghìn người bị thiệt mạng.

Dù cuộc chiến đã kết thúc hơn 30 năm nhưng Somalia vẫn coi Somaliland là một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước mình. Cũng không có tổ chức quốc tế nào công nhận quyền độc lập của Somaliland, bất chấp vùng đất này đã thông qua hiến pháp độc lập vào năm 2001. Vì thế, việc Ethiopia ký vào bản ghi nhớ sẽ “đánh giá chuyên sâu” về “mong muốn độc lập của Somaliland” - trích thông báo từ Văn phòng Chính phủ Ethiopia - không thể khiến chính quyền ở Mogadishu (thủ đô của Somalia) hài lòng.

Ngay lập tức, chính quyền Mogadishu đã triệu hồi đại sứ của mình từ Ethiopia vào hôm 2/1/2024 để tổ chức “các cuộc thảo luận” về vấn đề này. Chính quyền Somalia nhấn mạnh thỏa thuận cảng được ký một ngày trước đó sẽ làm gia tăng căng thẳng và gây nguy hiểm cho sự ổn định ở khu vực Sừng châu Phi rộng lớn hơn.

Tổng thống Somalia, ông Hassan Sheikh Mohamud phát biểu trước Quốc hội hôm 2/1: “Chúng tôi sẽ không đứng yên nhìn chủ quyền của mình bị xâm phạm”. Cơ quan truyền thông nhà nước SONNA của Somalia tuần trước đó cũng mới đưa tin rằng, sau các nỗ lực hòa giải giữa Somalia và Somaliland đang diễn ra tích cực. Thỏa thuận giữa Somaliland và Ethiopia diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mogadishu và Hargeisa đồng ý khởi động lại các cuộc hòa giải do Djibouti dẫn đầu nhằm giúp cả hai bên giải quyết các vấn đề của họ.

Moustafa Ahmad, một nhà nghiên cứu độc lập từ Hargeisa, nói rằng, với diễn biến mới nhất này, những cuộc đàm phán đó có thể bị đình trệ một lần nữa. Ahmad nói: “Cả hai bên đều chia sẻ những cách giải thích khác nhau về những gì cuộc đàm phán đòi hỏi. Mogadishu cho biết, đây là cuộc nói chuyện về sự đoàn tụ và Somaliland nói rằng đó là để quyết định số phận của mình với tư cách là một quốc gia độc lập. Nó chắc chắn sẽ thất bại, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ là chất xúc tác cho sự sụp đổ của nó”.

Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ xung đột mới -0
Không còn là lời nói, Tổng thống Somalia tung hành động vô hiệu hóa thỏa thuận giữa Ethiopia - Somaliland. Nguồn: AFP

3. Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Ethiopia, ông Redwan Hussien cho biết, thỏa thuận mới mở đường cho phép Ethiopia thực hiện các hoạt động thương mại hàng hải trong khu vực bằng cách cho phép nước này tiếp cận căn cứ quân sự cho thuê trên Biển Đỏ. Điều đó có nghĩa là sẽ có sự hiện diện quân sự của Ethiopia tại Somaliland. Một điều rõ ràng là có tính khiêu khích mạnh mẽ với chính quyền ở Mogadishu trong nỗ lực “đòi lại” vùng lãnh thổ đang tách rời này. Phản ứng mạnh mẽ của người Somalia sau đó là có thể hiểu được.

Trong cuộc họp báo ngày 4/1/2024 tại thủ đô Mogadishu, người phát ngôn của Chính phủ Somalia, ông Farhan Mohamed Jimale cho biết: “Bước đi của Ethiopia là một cuộc tấn công gây nguy hiểm cho sự ổn định và hòa bình của khu vực vốn đang lung lay với nhiều vấn đề. Đó là sự vi phạm và xâm phạm công khai chủ quyền, tự do và sự thống nhất của Cộng hòa Liên bang Somalia. Cái gọi là “Bản ghi nhớ” và “Thỏa thuận hợp tác” là vô hiệu”.

Đáp lại, Chính phủ Ethiopia cũng đưa ra tuyên bố: “Thỏa thuận này cho phép Somaliland có được sự hỗ trợ và quan hệ đối tác mà họ không thể nhận được từ bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời đáp ứng các nhu cầu lâu dài của họ”. Với giọng điệu căng thẳng và khiêu khích, người ta lo ngại những rạn nứt ngoại giao giữa Ethiopia và Somalia có thể kéo theo một cuộc xung đột vũ trang mới giữa hai nước. Hai quốc gia láng giềng này vốn đã có sẵn một lịch sử xung đột lãnh thổ. Năm 1977, Somalia xâm chiếm Ogaden, vùng lãnh thổ tranh chấp hiện thuộc Ethiopia. Sự thất bại trong cuộc chiến đó đã khơi mào cho việc Somaliland tuyên bố độc lập. Đó có thể là một “vết thương lòng” của những người Somalia có tư tưởng dân tộc. Trong giai đoạn 2006-2009, quân đội Ethiopia cũng từng tiến vào Mogadishu để truy quét phiến quân Hồi giáo. Hiện, vẫn còn hàng nghìn lính Ethiopia trên lãnh thổ Somalia trong những nhiệm vụ khác nhau. Một cuộc xung đột mới có thể sẽ kéo cả Somaliland vào vòng xoáy và dẫn đến sự hỗn loạn ở khu vực vùng Sừng châu Phi.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2018, Thủ tướng Abiy đã kéo đất nước của mình vào 3 cuộc xung đột khác nhau với các lực lượng trong khu vực. Nhà lãnh đạo này được ủng hộ mạnh mẽ vì có tư tưởng dân tộc nhưng cũng được biết đến là người rất cứng rắn. Hiện, cả hai đất nước đều đang phải đối mặt với nhiều bất ổn bên trong. Mogadishu đang tiến hành một cuộc chiến lâu dài với nhóm vũ trang Hồi giáo al-Shabab. Ethiopia đang giải quyết hậu quả của cuộc chiến Tigray cũng như bất ổn tại khu vực Amhara phía Bắc đất nước.

Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ xung đột mới -0
Bản đồ khu vực.

Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng về thỏa thuận mới này. Hầu hết đều ủng hộ Somalia. Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều đưa ra tuyên bố kêu gọi Ethiopia tôn trọng chủ quyền của Somalia. Liên đoàn Arab cũng kêu gọi Ethiopia nên “tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc của tình láng giềng tốt”. Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD), một khối thương mại của nhóm các nước Đông Phi thì từ chối đứng về phía nào trong một tuyên bố hôm 3/1, thay vào đó kêu gọi tất cả các bên giải quyết vấn đề một cách thân thiện. Mogadishu đã chỉ trích phản ứng này, nói rằng nó không có sự lên án thích đáng.

Bất chấp những tranh cãi và lo ngại về căng thẳng gia tăng, người Somaliland đã ăn mừng trên đường phố sau khi công bố thỏa thuận về cảng. Họ vui mừng về triển vọng khu vực của họ được các nước khác công nhận và những cơ hội kinh tế mà họ tin rằng đang chờ đợi họ ngoài tầm ảnh hưởng của Mogadishu. Nhưng, đó cũng là lúc mọi con mắt đổ dồn về phía Somalia để xem nước này sẽ phản ứng như thế nào. Dù thế nào, đó cũng sẽ là một tin xấu cho khu vực bất ổn hàng đầu của châu Phi này.

Tử Uyên
.
.