Chiến sự Israel-Hamas: Cú đánh bất ngờ của Hamas

Thứ Sáu, 13/10/2023, 08:44

50 năm trước, Israel đã phải đối mặt với mối đe dọa đối với sự tồn vong của mình sau cuộc tấn công chung bất ngờ của Ai Cập và Syria, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến Yom Kippur. “Cú đánh bất ngờ” của Hamas không những đã khiến cho triển vọng bình thường hóa quan hệ ngoại giao của Israel với các nước Arab trở nên khó khăn hơn, mà còn bộc lộ nhiều lỗ hổng về an ninh.

Cú ra đòn bất ngờ

Vào đầu giờ sáng ngày 7/10 - ngày cuối cùng của các ngày lễ trọng đại của người Do Thái - lịch sử dường như lặp lại. Người Israel bị đánh thức bởi tên lửa và còi báo động không kích khi nhóm chiến binh Hamas phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất mà Israel phải đối mặt kể từ năm 1973. Lần đầu tiên trong 75 năm kể từ khi Israel thành lập, các lực lượng Palestine đã giành được quyền kiểm soát các khu vực bên trong Đường Xanh, phía bên kia đường biên giới lẽ ra là của một quốc gia Palestine độc lập. Hamas đã mở tổng cộng 6 mũi tấn công từ Dải Gaza vào bên trong lãnh thổ miền Nam Israel.

1_image001.jpg -0
Xe tăng hiện đại nhất của Israel bị phát hủy

Số người Israel thiệt mạng sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm chiến binh Hamas đã tăng lên ít nhất 700 người, trong đó có 44 binh sĩ. Ít nhất 260 thi thể được phát hiện tại địa điểm tổ chức nhạc hội ngoài trời Tribe of Nova, bữa tiệc thâu đêm kỷ niệm ngày lễ Sukkot của người Do Thái, nằm cách biên giới với Dải Gaza chỉ hơn 3 km. Nhiều nạn nhân Israel là thường dân, bị sát hại tại nhà, trên đường phố và tại các địa điểm khác dọc theo một vùng lãnh thổ rộng lớn giáp Gaza. Hơn 100 công dân Israel được cho là đã bị Hamas bắt giữ ở Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đang dấn thân vào một “cuộc chiến lâu dài và khó khăn”. Tại Gaza, Israel đã đáp trả bằng đòn không kích dữ dội, các quan chức báo cáo có ít nhất 413 người thiệt mạng. Hàng nghìn người Israel và Palestine bị thương kể từ khi cuộc tấn công nổ ra. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả cuộc tấn công của Hamas như một vụ “tấn công khủng bố bừa bãi”. Nhưng giới bình luận quốc tế cho rằng đòn tấn công quá bất ngờ và có tổ chức bài bản của Hamas đã khiến Israel choáng váng thật sự, thậm chí rơi vào hoảng loạn.

Hamas được cho là đã mở 6 mũi tấn công bất ngờ vào Israel dọc biên giới Dải Gaza. Trong đó, Be’eri, nơi tổ chức nhạc hội ngoài trời Tribe of Nova, nơi quân đội Israel triển khai nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực để canh gác hàng rào biên giới. Tuy nhiên, Hamas đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) thả đạn chống tăng, phá hủy một xe tăng Merkava Mark 4M, và một xe tăng khác cũng bốc cháy sát hàng rào biên giới.

Tại các cửa khẩu Erez, Beit Lahia, Nahal Oz và Sufa, giới chức quân sự Israel mô tả vô số thành viên Hamas đã giật nổ hoặc sử dụng máy ủi để phá bỏ hàng rào công nghệ cao của Israel ngăn cách ranh giới Gaza, để từ đó tiến vào các thị trấn và làng mạc lân cận của Israel. Mũi còn lại là bãi biển Zikim, các tay súng Hamas tiếp cận bằng xuồng cao tốc. Trong tình trạng hỗn loạn, không rõ Hamas đã chiếm được bao nhiêu đất, nhưng đến tối ngày 7/10, IDF (quân đội Israel) ước tính vẫn còn 200-300 chiến binh trên lãnh thổ Israel, và một số lượng dân thường chưa xác định vẫn bị mắc kẹt trong nhà của họ hoặc bị bắt làm con tin.

Vì sao Hamas tấn công vào lúc này?

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur. Hơn nữa, cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với chính phủ Israel và bản thân Thủ tướng Netanyahu. Có một điều rõ ràng: cuộc tấn công này diễn ra vào thời điểm xã hội Israel bị xáo trộn sâu sắc. Chính phủ cực hữu của ông Netanyahu, với những cá nhân được đánh giá là không phù hợp giữ chức vụ công, chẳng hạn như Itamar Ben Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia, đã ngày đêm “đổ xăng vào lửa” trong tình hình vốn đã rất dễ bùng cháy ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của ngừoi Palestine. Người ta cũng cho rằng cuộc xung đột vô nghĩa của ông Netanyahu với phần lớn xã hội Israel về kế hoạch cải tổ tư pháp nhằm hạn chế quyền hạn của Tòa án tối cao Israel, ngay cả khi ông đang trong quá trình tố tụng pháp lý vì cáo buộc tham nhũng, đã lấn át các cuộc tranh luận công khai, khiến nhiều người phản đối, quân dự bị đe dọa từ chối phục vụ đất nước khi có chiến tranh.

Chiến sự Israel-Hamas: Cú đánh bất ngờ của Hamas -0
Sơ tán thường dân Israel

Tình hình an ninh trên khắp Gaza, Jerusalem và Bờ Tây, vốn không ổn định vào thời điểm thuận lợi nhất, đã ngày càng xấu đi trong hơn một năm qua. Nhưng không ai ở cả hai bên lường trước được quy mô và sự khốc liệt của cái mà Hamas gọi là “Chiến dịch lũ lụt al-Aqsa”, một cuộc tấn công trên biển, trên không và trên bộ chưa từng có đã mở ra một chương mới đáng sợ trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Một vấn đề lớn được nhắc đến ở đây là cả hệ thống Vòm Sắt được Israel quảng cáo rầm rộ và lực lượng tình báo được đánh giá là “đáng sợ” nhất thế giới của Israel đã không nắm bắt được và không thể ngăn chặn được cuộc tấn công của Hamas.

Mặc dù vẫn còn ít thông tin chi tiết về những gì lực lượng an ninh Israel đã xác lập về kế hoạch tấn công, một số nguồn tin đã suy đoán rằng hành động của Hamas đã được tổ chức chặt chẽ đến mức ngay cả một số thành viên trong ban lãnh đạo chính trị của tổ chức này cũng có thể không được biết. Người ta cũng cho rằng những người tham gia vụ tấn công có thể đã được huấn luyện mà không biết mục tiêu của họ là gì cho đến phút cuối. Đến cuối ngày 9/10, một thành viên ban lãnh đạo lưu vong của Hamas nói với hãng tin AP rằng cuộc tấn công đã được lên kế hoạch bởi chỉ khoảng vài chỉ huy hàng đầu ở Gaza và ngay cả những đồng minh thân cận nhất của tổ chức này cũng không được thông báo trước về thời gian. Ali Barakeh nói: “Chỉ một số ít chỉ huy Hamas biết về giờ G”.

Cục diện ngoại giao ở Trung Đông thay đổi

Phản ứng đầu tiên của Mỹ là những tuyên bố mạnh mẽ lên án cuộc tấn công và ủng hộ Israel ở mức cao nhất. Trong cuộc gọi điện tới Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết viện trợ quân sự của Mỹ “hiện đang trên đường đến Israel và sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn trong những ngày tới”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết tàu sân bay USS Gerald Ford và nhóm tàu chiến tấn công của nó sẽ được di chuyển đến gần Israel hơn ở Địa Trung Hải trong khi các phi đội không quân Mỹ trong khu vực sẽ được tăng cường để phô trương sức mạnh. Trên lãnh thổ Israel, lực lượng hùng hậu nhất gồm xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tàu chiến đang tập trung đổ dồn về phía Dải Gaza. Washington cũng chỉ trích các cường quốc Nga, Trung Quốc không lên án hành động tấn công của Hamas nhằm vào Israel. Tuy nhiên, việc Israel huy động mọi sức mạnh quân sự tấn công vào Dải Gaza liên tục trong hơn 10 tiếng đồng hồ hôm 9/10, gây thương vong lớn cho dân thường vô tội và phá hủy các ngôi thánh đường Hồi giáo lớn đã châm ngòi cho phản ứng mạnh từ phía các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iran,…

Chiến sự Israel-Hamas: Cú đánh bất ngờ của Hamas -0
Israel trả đũa tàn khốc tại Gaza

Giới phân tích cho rằng cuộc chiến tàn khốc mới này sẽ làm thay đổi bức tranh ngoại giao trong khu vực Trung Đông, theo hướng “sôi động” hơn. Trong khi Hamas ngụy trang cuộc tấn công như một phản ứng đối với các cuộc xâm nhập của Israel xung quanh nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem, họ đã chọn kích hoạt cuộc xung đột này – vào thời điểm này và theo cách nói của mình – như một cách để áp đặt vai trò của mình vào bàn cờ ngoại giao trong khu vực.

Cách đây khoảng 2 tuần, ông Netanyahu đã tuyên bố một cách lạc quan trên truyền thông quốc tế rằng tiến trình đàm phán thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia do Mỹ làm trung gian đang tiến triển thuận lợi và hai bên sẽ ký kết thỏa thuận trong một tương lai không xa. Ấy vậy mà, “cú đấm” trời giáng này của Hamas đang khiến cho triển vọng ngoại giao mà ông Netanyahu mong ước đó bỗng trở nên xa vời hơn.

Israel đang chĩa mũi dùi cáo buộc vào Tehran vì đã dàn dựng các cuộc tấn công của Hamas. Các cuộc tấn công có thể xuất phát từ sự tức giận, đặc biệt là trước hành vi kéo dài nhiều tháng của Israel, bao gồm cả các hành động khiêu khích tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, nhưng Iran và các lực lượng mà nước này hỗ trợ có một mục tiêu chiến lược dài hạn hơn: ngăn chặn bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, một động thái sẽ củng cố vị thế của Mỹ ở Trung Đông, và trong mắt Iran, tước bỏ các nguồn viện trợ cuối cùng của người Palestine.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 10, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã gửi một cảnh báo tới Riyadh rằng bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào ủng hộ Mỹ đều đang sai lầm. Thông điệp này đã được lặp lại vào hôm 6/10. Thủ lĩnh nhóm Islamic Jihad, Ziad al-Nakhala đã nói: “Những người vội vã hướng tới bình thường hóa với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái phải biết và họ biết rằng đây là sự thừa nhận của họ rằng Palestine không phải là của chúng tôi, và rằng Jerusalem với nhà thờ Hồi giáo không phải là của chúng tôi”.

Trong khi Mỹ và Saudi Arabia từ lâu đã hiểu rằng bất kỳ tiến bộ nào trong quá trình bình thường hóa đều phụ thuộc vào nỗ lực hướng tới giải pháp “hai nhà nước”, thì hai trở ngại luôn được coi là chính phủ Israel cực hữu mà nhiều người cho là không thể thỏa hiệp và phong trào Hamas ở Gaza bên ngoài cuộc đàm phán và đóng vai trò “phá bĩnh”.

Điều đáng ngạc nhiên là ngay từ đầu năm nay, mối quan hệ phức tạp và thường xuyên rạn nứt giữa Saudi Arabia và Hamas dường như đang ấm lên khi phái đoàn Hamas đến thăm Riyadh lần đầu tiên sau 7 năm. Điều đó xảy ra trong bối cảnh Riyadh xoay trục sang Trung Quốc và có mối quan hệ tốt hơn với Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, điều được coi là tạo cơ hội cho Hamas.

Phản ứng ban đầu của Riyadh trước cuộc tấn công của Hamas là manh mối quan trọng đầu tiên về cách Riyadh nhìn nhận những hậu quả ngoại giao. Đó không phải là điều đáng khích lệ đối với Israel. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ghi nhận tình hình chưa từng có giữa một số phe phái Palestine và lực lượng chiếm đóng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Nhưng sau đó, họ nhắc lại “những cảnh báo liên tục về sự nguy hiểm của tình hình bùng nổ do tiếp tục bị chiếm đóng, tước đoạt các quyền hợp pháp của người dân Palestine và việc lặp lại các hành động khiêu khích có hệ thống chống lại các thánh địa của họ”. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khởi động lại tiến trình hòa bình đáng tin cậy dựa trên giải pháp “hai nhà nước”. Qatar thậm chí còn nói rằng Israel “hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang đang diễn ra do nước này liên tục vi phạm các quyền của người dân Palestine, bao gồm cả các vụ đột nhập liên tục gần đây vào Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa dưới sự bảo vệ của cảnh sát Israel”.

Hezbollah cũng đã gửi một thông điệp qua Ai Cập tới Israel về những hậu quả tiềm ẩn của một cuộc tấn công toàn diện vào Gaza. Về phần mình, Mỹ đang thúc giục Israel xuống thang, ngừng tấn công trên bộ và dựa vào các biện pháp như cắt nguồn cung cấp điện cho Gaza để buộc Hamas phải đàm phán. Bên trong Israel cũng có những tiếng nói kêu gọi bình tĩnh, nói rằng sau khi mất an ninh như vậy, cần phải có một chính phủ đoàn kết để cho phép ông Netanyahu chấm dứt sự phụ thuộc tai hại vào những kẻ cực đoan để duy trì quyền lực. Với mạng sống của rất nhiều con tin đang bị đe dọa, việc trừng phạt sẽ phải được tính toán cẩn thận.

Trương  Hùng
.
.