Chiến sự Ukraine còn leo thang đến đâu?

Thứ Hai, 06/02/2023, 09:53

Xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi cán cân chiến lược trên lục địa châu Âu và trên toàn thế giới, nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu ở châu lục này. Kênh truyền hình tin tức vệ tinh toàn Arab Al Mayadeen cảnh báo, sự thiếu rõ ràng về các mốc thời gian kết thúc cuộc chiến đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh lạm phát gia tăng và xung đột lợi ích.

Ngay từ đầu, các nhà lãnh đạo phương Tây đã dự đoán rằng cuộc xung đột sẽ kết thúc trong bế tắc và điều này sẽ buộc Nga phải đàm phán để tránh một cuộc chiến tranh tiêu hao và do đó, Mỹ sẽ giành được thắng lợi. Nhưng, họ không tính đến kịch bản ngược lại nếu Moscow tiếp tục leo thang cuộc chiến bằng cách từ bỏ ý định đàm phán bất lợi. Cuộc xung đột có tầm quan trọng quyết định đối với Nga và đối với Washington, bởi vì Điện Kremlin sẽ thắng nếu chấm dứt được sự bành trướng về phía Đông của NATO.

Châu Âu từ bỏ quân đội riêng

Trong những thập kỷ gần đây, EU đã tìm cách chiếm vị trí cường quốc thế giới thứ hai sau Mỹ, điều này đòi hỏi phải tạo ra một liên minh chính trị mạnh mẽ hơn với một chính sách đối ngoại và quân sự chung. Nhưng, EU đã không trở thành tác nhân độc lập chính trên trường thế giới, mặc dù Anh, Pháp và Đức có truyền thống duy trì ảnh hưởng lớn.

Chiến sự Ukraine còn leo thang đến đâu? -0
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh Versailles.

EU đang trải qua những thay đổi vì xung đột Nga-Ukraine. Người dân châu Âu đã phải đối mặt với khó khăn kinh tế nghiêm trọng do hỗ trợ cho Kiev và giá dầu tăng. Trong khi ở Mỹ, lạm phát ở mức 7,7% vào tháng 11/2022, thì ở Anh, Đức và Hà Lan, lạm phát lần lượt đạt 11,1%, 11,6% và 14,3%. Đối với cuộc khủng hoảng năng lượng, các biện pháp nghiêm túc đã được thực hiện để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga ở châu Âu, đặc biệt là trên lãnh thổ Đức. Tuy nhiên, các nước Baltic và một số nước Trung Âu tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga và do đó không muốn xung đột tiếp diễn. Hơn nữa, họ rất lo ngại về triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chỉ có Ba Lan, nước láng giềng Ukraine, muốn cuộc xung đột tiếp tục và giành chiến thắng trước Moscow, đó là lý do tại sao nước này cung cấp rất nhiều vũ khí và đạn dược cho Kiev. Cộng hòa Séc cũng có cách tiếp cận tương tự. Ngoài ra, hai quốc gia này có số lượng người tị nạn Ukraine lớn nhất và chi một phần lớn GDP của họ cho cuộc xung đột này. Đồng thời, không ai trong phe phương Tây biết khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc.

EU trả giá cho chính sách của mình

Bằng cách cố gắng từ bỏ hydrocarbon của Nga, người châu Âu bắt đầu mua khí đốt của Mỹ, nhưng đắt gấp 4 lần. Hơn nữa, sau khi vũ khí được gửi đến Kiev, nhu cầu của EU đối với thiết bị quân sự của Mỹ tăng lên. Trong khi đó, Mỹ, đang trải qua cuộc khủng hoảng lạm phát, sản xuất vũ khí và nhiên liệu với số lượng kỷ lục.

Berlin, Paris và London khó có thể hy sinh Ukraine sau nhiều tháng xung đột, nhưng họ chắc chắn không muốn nó tiếp tục. Trong khoảng thời gian diễn ra cuộc chiến Ukraine, phương Tây đã không thể đồng ý về chiến lược áp dụng trong cuộc xung đột hiện tại. Đây là lý do tại sao các Bộ trưởng Quốc phòng NATO phải gặp nhau vào ngày 20/1/2023 tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức. Cuộc gặp này nhằm mục đích vượt qua sự khác biệt trong Liên minh NATO.

Kiev yêu cầu các đồng minh phương Tây, trên hết là từ Đức và Mỹ, cung cấp xe tăng hiện đại Leopard 2 của Đức và Abrams của Mỹ, để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga khi mùa xuân đến.

Washington đã cung cấp cho Ukraine hơn 50 tỷ đô la viện trợ và phần của châu Âu vượt quá 40 tỷ đô la. Tuy nhiên, cả Đức và Mỹ đều không quyết định công khai bàn giao xe tăng của họ cho Ukraine. Phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm: Anh, Ba Lan, Phần Lan và các nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Litva) đang gây sức ép buộc các thành viên NATO cung cấp các thiết bị cần thiết cho Ukraine bằng cách ủng hộ ý tưởng chuyển giao xe tăng Leopard 2.

Mỹ thu lợi, châu Âu chật vật

Diễn tiến của cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của Mỹ, mà có một số yếu tố khác, bao gồm sự chấp nhận hoàn toàn các hành động của NATO và sự liên kết mạnh mẽ với EU. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành công trong việc chấm dứt thời kỳ không chắc chắn về vai trò và sự gắn kết của NATO bằng cách mở rộng nó với sự tiến tới gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển. Washington cũng quyết định thành lập một trụ sở thường trực mới ở Ba Lan và bắt đầu thành lập lực lượng phản ứng nhanh của NATO.

Theo Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ được công bố ngày 12/10 năm ngoái, bao gồm cả nguyên tắc "Răn đe tổng hợp" trong cuộc chiến chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, Nga không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, không giống như Trung Quốc. Mỹ đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể như ngăn chặn "chính sách đối ngoại đế quốc" của Nga mà chúng ta đang chứng kiến, theo Chiến lược An ninh quốc gia, trong trường hợp xung đột ở Ukraine, can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria và can thiệp vào các nước Trung Á. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ vạch ra 3 cách để chống lại Moscow. Đầu tiên là việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine về chính trị, quân sự và kinh tế nhằm giáng cho Nga một thất bại chiến lược. Thứ hai, làm suy yếu của nền kinh tế của Nga. Thứ ba, phải ngăn chặn Nga sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

EU trở nên phụ thuộc vào chính sách của Mỹ và không tìm cách tự cung tự cấp trong các vấn đề quốc phòng. Kiến trúc địa chính trị của châu Âu, được xây dựng trên tàn tích của Thế chiến 2, ngày nay đang trải qua những thay đổi với mức độ chưa được biết đến. Trong bối cảnh cuộc đối đầu ở Ukraine, EU rơi vào tình thế khó khăn, ngay cả khi điều này có thể giúp hồi sinh quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và củng cố NATO. Dẫu vậy, sự thiếu rõ ràng về khung thời gian kết thúc xung đột đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì quan điểm chung của người châu Âu trước bối cảnh lạm phát và giá cả sinh hoạt gia tăng cũng như xung đột lợi ích.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.