Chính trường Georgia dậy sóng

Thứ Hai, 20/05/2024, 07:35

“Lửa” lại bùng cháy bởi các cuộc biểu tình rầm rộ của những người ủng hộ phe đối lập nhằm phản đối việc Quốc hội Georgia thông qua đạo luật về “cơ quan đại diện nước ngoài”. Cũng như trước đây, lần này lại có sự can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là phương Tây.

Ngày 14/5, sau một trận tranh cãi kịch liệt dẫn đến ẩu đả giữa các nghị sĩ ủng hộ và chống, dự luật “Cơ quan đại diện nước ngoài” đã được Quốc hội Georgia thông qua với 84 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống. Sau khi được Quốc hội thông qua, dự luật cần có chữ ký của Tổng thống Salome Zourabichvili để trở thành luật. Bà Zourabichvili được cho là người ủng hộ phe đối lập, sẽ phủ quyết dự luật này, nhưng đảng cầm quyền Georgia Dream và các đồng minh có đủ số ghế để bác lệnh phủ quyết của bà.

Chính trường Georgia dậy sóng -0
Người biểu tình phản đối luật “Cơ quan đại diện nước ngoài” ở Georgia.

Dự luật “Cơ quan đại diện nước ngoài” quy định các tổ chức phi chính phủ, các nhóm dân quyền và truyền thông phải đăng ký là “cơ quan đại diện nước ngoài” nếu có hơn 20% nguồn tài trợ của họ đến từ nước ngoài. Với những quy định như thế, dự luật đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía đối lập vì nghi ngại rằng Chính phủ Georgia đang có chiều hướng thân Nga hơn sẽ sử dụng luật như một công cụ nhằm trấn áp các tổ chức đối lập (đa phần có sự hậu thuẫn nhiều mặt từ nước ngoài, chủ yếu là phương Tây). Vì thế, ngay từ khi mới được đề xuất, dự luật này đã làm gia tăng căng thẳng ở quốc gia vốn đã phân hóa mạnh ở vùng Nam Kavkaz.

Tỷ phú Bidzina Ivanishvili, Chủ tịch danh dự của đảng cầm quyền Georgia Dream, phát biểu tại một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ rằng dự luật “cơ quan đại diện nước ngoài” này là cần thiết vì “nguồn tài trợ không minh bạch cho các tổ chức phi chính phủ là công cụ chính để thao túng Chính phủ Georgia từ nước ngoài”. Ông Ivanishvili cho biết, một “băng đảng chiến tranh toàn cầu” đã chiếm quyền điều khiển từ bên ngoài để phá hoại chủ quyền của Georgia và cho rằng luật “Cơ quan đại diện nước ngoài” sẽ củng cố chủ quyền quốc gia và ông muốn Georgia gia nhập EU với chủ quyền quốc gia được bảo đảm.

Dự luật “Cơ quan đại diện nước ngoài” đã được đảng cầm quyền Georgia Dream đưa ra giới thiệu từ năm ngoái nhưng nỗ lực đầu tiên đó đã thất bại sau các cuộc biểu tình. Biểu tình tiếp tục nổ ra khi dự luật lại được đảng Georgia Dream mang ra giới thiệu lại vào đầu năm nay. Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã đóng cửa các đường phố trung tâm của Tbilisi gần như hằng đêm kể từ khi Quốc hội thông qua lần đọc đầu tiên của dự luật vào ngày 17/4. Khi dự luật tiếp tục được đưa ra Quốc hội tại phiên đọc lần thứ hai vào ngày 1/5, phong trào biểu tình do thanh niên lãnh đạo được các nhóm đối lập, xã hội dân sự, người nổi tiếng và Tổng thống Zourabichvili ủng hộ tiếp tục nổ ra trên các đường phố thủ đô Tbilisi và nhiều thành phố khác. Các cuộc biểu tình phản đối đã kéo dài liên tục cho đến ngày 15/5, khi dự luật được Quốc hội thông qua lần đọc thứ ba (theo luật địnhm các dự án luật phải thông qua 3 lần đọc tại Quốc hội trước khi tổng thống ký ban hành). Cảnh sát Georgia đã được lệnh sử dụng vòi rồng, lựu đạn cay để giải tán người biểu tình, bắt giữ các lãnh đạo biểu tình nhằm giải tỏa ách tắc giao thông ở khu vực trung tâm thủ đô Tbilisi hôm 15/5. Điều này khiến cho phương Tây lên tiếng cảnh báo Chính phủ Georgia.

Chính trường Georgia dậy sóng -0
Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze.

Từ sau cuộc chiến ngắn với Nga vào năm 2008, Georgia đã luôn tìm cách tăng cường quan hệ với phương Tây và giành được tư cách ứng cử viên thành viên EU vào tháng 12/2023, nhưng các nhà phê bình cho rằng đảng Georgia Dream đang cố gắng đưa nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này đến gần nước Nga hơn. Vì thế, từ khi dự luật được mang ra thảo luận tại Quốc hội, nó được phe đối lập với sự hậu thuẫn từ nước ngoài, chủ yếu là phương Tây mô tả là “luật của nước Nga”, cho rằng các quy định của dự luật này sẽ ngăn cản Georgia gia nhập Liên minh châu Âu, đồng thời chuyển hướng quan hệ đối ngoại của Georgia về phía nước Nga nhiều hơn.

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho biết dự luật sẽ đưa Georgia “xa rời EU hơn chứ không phải gần hơn”. Người đứng đầu các cuộc đàm phán mở rộng EU Gert Jan Koopman đã tới Georgia hôm 15/5 trong bối cảnh các thủ đô EU ngày càng lo ngại rằng đảng cầm quyền theo chủ nghĩa dân túy đang tích cực tìm cách “phá hoại” tiến trình gia nhập. Nghị sĩ thuộc đảng Xanh của Đức Viola von Cramon viết trên X kêu gọi EU đưa ra “những hậu quả cụ thể” đối với Georgia, bao gồm việc rút tư cách ứng cử viên EU, ngừng tài trợ của EU cho các dự án phát triển và cấm đi lại đối với các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Jim O’Brien bày tỏ lo ngại rằng việc Quốc hội Georgia thông qua dự luật “Cơ quan đại diện nước ngoài” vào hôm 14/5 có thể là một “bước ngoặt” khác trong lịch sử đầy rắc rối của quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Trong những bình luận dường như báo hiệu niềm tin ở Mỹ rằng Chính phủ Gruzia một lần nữa lại liên kết với Nga, ông O’Brien cho rằng nguồn tài trợ Mỹ dành cho Georgia có thể sớm bị rút. Ông Jim O'Brien cho biết ông đã có một “cuộc trò chuyện quan trọng” với các nghị sĩ Georgia về “những mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi đối với dự thảo luật và những tác động của nó đến “khát vọng châu Âu của Georgia”. Ông O'Brien cho rằng mối quan hệ chiến lược (của Mỹ) với Georgia đã gặp nguy hiểm bởi luật mới và làn sóng hùng biện chống phương Tây gia tăng trong những ngày gần đây.

Ngay sau đó, đã diễn ra một cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Georgia. Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze tuyên bố nước của ông đang trở thành nạn nhân của một “băng đảng chiến tranh toàn cầu” do Mỹ lãnh đạo, bằng ngôn ngữ thù địch và đe dọa đến an ninh, can thiệp nội bộ của Georgia.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ O'Brien mô tả tuyên bố của Thủ tướng Kobakhidze là “không thực tế và hoàn toàn hiểu lầm về mối quan hệ của cộng đồng quốc tế với Georgia”. Ông O'Brien đã yêu cầu một cuộc gặp với Thủ tướng Ivanishvili nhưng bị từ chối với lý do Mỹ đã phong tỏa 2 tỷ USD thông qua các lệnh trừng phạt không chính thức. Trước đó, ông O’Brien đã cảnh báo rằng Mỹ sẵn sàng trừng phạt các bộ trưởng và quan chức Chính phủ Georgia vì cuộc “khủng hoảng” đang gia tăng, trong khi các quan chức Mỹ và châu Âu không ngừng kêu gọi người biểu tình Georgia “đấu tranh vì tương lai Georgia”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.