Chủ tịch luân phiên EU và kỳ vọng “năm lớn”

Thứ Ba, 25/01/2022, 08:52

Pháp đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1-1-2022, trong 6 tháng. Tổng thống Macron đã phân tích toàn diện mục tiêu mà Pháp xây dựng thời gian này một cách khá cụ thể. Trong môi trường rối ren bất ổn hiện nay, gánh nặng của Pháp rất lớn và gánh nặng từ vị trí Chủ tịch luân phiên EU còn nhiều thách thức hơn.

Hội đồng châu Âu thiết lập cơ chế Chủ tịch luân phiên EU, do 27 quốc gia thành viên luân phiên đảm nhận, nhiệm kỳ nửa năm. Người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của nước đến lượt làm chủ tịch luân phiên. Do ảnh hưởng khác nhau của các nước nên việc luân chuyển chức vụ chủ tịch được gọi là “năm lớn” và “năm nhỏ”. Nếu chức vụ này do các nước lớn châu Âu như Pháp, Đức nắm giữ thì có thể gọi là “năm lớn” vì họ dựa vào sức mạnh và ảnh hưởng của mình để đưa ra các quyết định quan trọng hoặc thúc đẩy một số công việc của EU trong nhiệm kỳ của mình. Nếu một nước nhỏ làm chủ tịch thì có thể không làm được gì hoặc lực bất tòng tâm. Vì vậy, các quốc gia thành viên thường hy vọng vào “năm lớn”.

Nửa đầu năm 2022 là “năm lớn” có kỳ vọng cao vì nước chủ tịch luân phiên là Pháp. Trước đó, Pháp đã biến 13 nhiệm kỳ của mình thành cơ hội quan trọng để thể hiện năng lực ngoại giao và thúc đẩy EU tăng cường liên kết. Hơn nữa, năm 2022 là năm bầu cử Tổng thống Pháp theo nhiệm kỳ 5 năm. Nếu Tổng thống Macron có thể tái đắc cử - khả năng này rất cao - ông chắc chắn sẽ cố gắng mang hết sức mình để nước Pháp có thành tựu trong tiến trình thúc đẩy liên kết EU, tạo thêm động lực giành chiến thắng trong tranh cử tổng thống.

Một trong những trọng điểm công việc của Pháp trong nhiệm kỳ lần này là mục tiêu “Chủ quyền chiến lược của châu Âu”. Trên thực tế, việc đưa ra mục tiêu này gắn liền với sự rạn nứt mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương trong những năm gần đây. Dưới thời ông Obama, chiến lược tái cân bằng của Mỹ chuyển trọng tâm từ châu Âu sang châu Á, quan hệ EU - Mỹ rạn nứt. Trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, quan hệ EU - Mỹ chạm đáy.

Chủ tịch luân phiên EU và kỳ vọng “năm lớn” -0
Còn nhiều vấn đề nan giải mà ông Macron phải đối mặt trong kỳ chủ tịch luân phiên này.

Sau khi lên nắm quyền, ông Biden đã thực hiện chính sách nước Mỹ trở lại châu Âu, mối quan hệ căng thẳng có phần hòa dịu nhưng việc đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết khiến nó chưa thể thay đổi. Đặc biệt, câu chuyện liên minh AUKUS và cuộc giành giật hợp đồng cung cấp 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường của người Mỹ khiến cho nước Pháp chưa thể quên, quan hệ Mỹ - Pháp rơi vào khủng hoảng.

Do vậy, dù ai hay đảng nào nắm quyền ở Mỹ thì mối quan hệ cũng không thể trở lại như trước. Mỹ không còn là đồng minh đáng tin cậy của châu Âu và châu Âu phải từ bỏ ảo tưởng để nhanh chóng thực hiện kế hoạch quốc phòng tự chủ của mình. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Macron coi “Chủ quyền chiến lược của châu Âu” là nhiệm vụ cấp bách của châu lục này.

Tuy thế, việc thực hiện mục tiêu này không hề dễ dàng. Đây cũng sẽ là thách thức lớn nhất của Pháp khi giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU lần này. Những cản trở đến từ nhiều phía. Thứ nhất là từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc thiết lập nền quốc phòng tự chủ và hình thành quân đội châu Âu hoàn toàn trái ngược với Mỹ và hoạt động lãnh đạo công tác an ninh của châu lục này.

Mỹ, lâu nay tuy không phản đối công khai nhưng thông qua sự cản trở của Anh, phe đối lập trong nội bộ EU và thái độ hoài nghi của Đức khiến Kế hoạch Quốc phòng châu Âu bị trì hoãn và không có tiến triển. Sau khi Anh rời EU, thái độ của Đức nghiêng về Pháp nhiều hơn, nhân tố cản trở việc này giảm bớt. Đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng Mỹ - Pháp xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những nhượng bộ lớn nhằm xoa dịu sự tức giận của Pháp, bao gồm cả việc không phản đối Kế hoạch Quốc phòng tự chủ của châu Âu nữa.

Và đối với NATO, đây là một việc nhạy cảm. Mỹ bảo vệ châu Âu thông qua NATO. Vì thế, một khi kế hoạch quốc phòng tự chủ này được thực hiện, rất có thể NATO sẽ trở thành dĩ vãng. Khi Pháp muốn thúc đẩy “Chủ quyền chiến lược của châu Âu”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh trong cuộc gặp các quan chức Pháp tại Paris: “Chúng ta cần nhiều năng lực hơn, chứ không cần tổ chức mới để tranh giành năng lực”.

Việc Pháp thúc đẩy “Chủ quyền chiến lược của châu Âu” cũng bị cản trở trong nội bộ EU. Về vấn đề an ninh châu Âu, EU luôn có bất đồng giữa châu Âu mới và cũ. Châu Âu cũ được cho là chỉ bao gồm những nước Tây Âu như Pháp, Đức..., châu Âu mới thì bao gồm các quốc gia Trung và Đông Âu gia nhập EU sau này. Hai bên luôn có thái độ khác nhau đối với Mỹ, trong đó xu hướng độc lập của châu Âu cũ khá mạnh. Những nước này muốn thiết lập trụ cột quốc phòng của châu Âu bên ngoài NATO để bảo vệ lợi ích của mình.

Ngược lại, các nước châu Âu mới thì có vẻ gửi gắm hy vọng rất lớn vào vai trò đảm bảo an ninh của Mỹ, do đó họ không có thái độ tích cực đối với kế hoạch quốc phòng tự chủ này, thậm chí còn lo ngại việc này sẽ làm cho người Mỹ tức giận mà đổi khác. Gần đây, cuộc cải cách tư pháp của Ba Lan bị EU chỉ trích, dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai bên, cho thấy Trung và Đông Âu đã trở thành “lực lượng đối lập” khó kiểm soát ngay trong nội bộ khối.

Phe chủ đạo EU muốn đưa Nga vào phạm vi an ninh của châu Âu, trong khi nhóm các nước châu Âu mới phản ứng dữ dội. Có thể thấy, bất đồng trong nội bộ EU về an ninh ngày càng lớn. Làm thế nào để hàn gắn bất đồng, tìm kiếm phương án mà các bên có thể chấp nhận, đây là vấn đề nan giải mà ông Macron sẽ phải đối mặt.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.