Chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư: Vẫn lọt lưới?

Thứ Tư, 02/03/2022, 15:01

Ngay sau khi Hội đồng Giáo sư (HĐGS) Nhà nước công bố danh sách ứng viên được HĐGS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021, trên một số diễn đàn rộ lên “tố” nhiều ứng viên ở một số ngành không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “lọt lưới” HĐGS cơ sở để lên hội đồng cấp cao hơn, khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về tính nghiêm túc, công bằng và liêm chính trong khoa học.

Bị “tố” thì... xin rút

Trên Diễn đàn Liêm chính khoa học phản ánh một số ứng viên xét chức danh GS, PGS ngành Kinh tế có bài báo không đạt chất lượng, được đăng trên các tạp chí săn mồi (predator), trong đó có nhiều tạp chí đã bị loại khỏi danh mục ISI, Scopus, thường là tạp chí dạng mở OPEN ACCESS (không thu phí người đọc, chỉ thu phí cao đối với người đăng, bài đăng có thể được tải miễn phí dễ dàng). Những tạp chí này không thu phí nộp bài để thu hút người gửi bài nhưng lại thu phí đăng bài cao để lấy tiền. Có tạp chí thuộc danh mục Scopus nhưng thuộc diện Q4 (thấp nhất trong các Q) và thường có chỉ số H index rất thấp (dưới 10).

Chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư: Vẫn lọt lưới? -0
Các nhà khoa học luôn mong chờ sự công tâm, công bằng từ Hội đồng Giáo sư các cấp

Diễn đàn nêu, có ứng viên là tác giả chính của 8 bài báo ISI, Scopus, trong số đó, 4 bài báo nằm trong danh sách predator; bài đăng trên tạp chí của nhà xuất bản săn mồi Growing Science. Tệ hơn, có ứng viên là tác giả chính của 10 bài báo ISI, Scopus, trong đó, 4 bài báo thuộc tạp chí săn mồi, 3 bài báo được đăng trên tạp chí “Journal of Asian Finance”, “Economics and Business” là tạp chí đã bị một số trường đại học đưa vào danh mục cảnh báo và không hỗ trợ kinh phí đăng bài do quá dễ dãi trong việc đăng bài, chỉ cần nộp tiền là đăng được.

Không chỉ ở HĐGS ngành Kinh tế, tại HĐGS liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học cũng có 1 ứng viên bị phản ánh đăng nhiều bài trên tạp chí giả mạo. Sau phản ánh đó, ứng viên này đã xin rút khỏi danh sách và đã được HĐGS liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học ủng hộ nguyện vọng rút hồ sơ, nhưng việc cho phép ứng viên này rút đơn hay không sẽ thuộc thẩm quyền của HĐGS Nhà nước quyết định.

Trước đó, tại HĐGS liên ngành Xây dựng – Kiến trúc cũng có 1 ứng viên bị tố không đủ điều kiện để xét chức danh GS, PGS vì không đảm bảo các điều kiện “liêm chính khoa học” theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (gọi tắt là Quyết định 37). Cụ thể ứng viên này bị “tố” có 8 bài báo không đạt chất lượng, thậm chí còn “đạo văn”… Còn tại HĐGS liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục cũng có 1 ứng viên bị phản ánh “đạo văn” lên HĐGS Nhà nước và ứng viên này đã bị loại khỏi danh sách.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch HĐGS ngành Kinh tế cho biết, Hội đồng chỉ xem xét các bài báo mà tại thời điểm đăng, tạp chí đăng các bài báo đó vẫn đang nằm trong danh mục ISI và Scopus. Trong quá trình thẩm định, Hội đồng cũng xem xét các ứng viên có phát sinh thắc mắc và đã báo cáo giải trình cụ thể từng trường hợp với HĐGS Nhà nước. Được biết, HĐGS ngành Kinh tế đã loại 3 ứng viên từ hội đồng cơ sở đưa lên vì không đạt về tiêu chuẩn bài báo (3 ứng viên này không nằm trong danh sách mà Diễn đàn Liêm chính khoa học phản ánh). Trong quá trình thẩm định hồ sơ, nhiều ứng viên tại HĐGS ngành Kinh tế đã bị thay đổi điểm số, nhiều bài báo có điểm số không cao.

Về ứng viên thuộc Hội đồng liên ngành Xây dựng – Kiến trúc bị tố cáo, sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, Hội đồng này vẫn thống nhất quan điểm ứng viên này đủ điều kiện để trình hồ sơ lên HĐGS Nhà nước, nhưng theo GS. Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Xây dựng – Kiến trúc, Hội đồng đã làm đúng theo chức trách, nhiệm vụ được giao, còn việc ứng viên có được HĐGS Nhà nước công nhận hay không không phải là nhiệm vụ của HĐGS ngành.

Giải pháp nào để lập lại “liêm chính khoa học”?

Câu hỏi được đặt ra là vì sao, trước thềm xét chức danh GS, PGS đều xảy ra hiện tượng “tố” các ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn có tên trong danh sách “đề cử” xét chức danh (năm 2020, Hội đồng ngành Y có 21 ứng viên GS, PGS bị phản ánh)? Mặc dù hội đồng các cấp đã làm việc dựa vào Quyết định 37 - là một văn bản pháp lý chặt chẽ cho việc xét chức danh GS, PGS, nhưng vẫn tái diễn tình trạng này, thì nguyên nhân do đâu, liệu có kẽ hở nào trong quá trình xét tiêu chuẩn chức danh GS, PGS?

Chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư: Vẫn lọt lưới? -0
Xem xét cẩn trọng về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình của ứng viên phải là nhiệm vụ của các cấp Hội đồng

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Dương Nghĩa Bang, Phó chánh văn phòng HĐGS Nhà nước cho biết, hằng năm, vào dịp xét GS, PGS, Văn phòng HĐGS Nhà nước có nhận được những ý kiến phản ánh của xã hội (hầu hết là phản ánh không chính danh) về một số ứng viên. Những phản ánh của xã hội giúp HĐGS các cấp có các thông tin đa chiều trong quá trình xét từng hồ sơ. Theo PGS.TS Dương Nghĩa Bang, có phản ánh đúng một phần, có phản ánh không đúng, nhưng đều được HĐGS các cấp nghiêm túc thẩm định tập thể, công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng cho các ứng viên theo quy định của Quyết định 37 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Có những ý kiến phản ánh được các HĐGS ngành, liên ngành xem xét giải quyết ngay; có một số ý kiến phản ánh được trình HĐGS Nhà nước xem xét quyết định trong kỳ họp. Toàn bộ kết quả xét của HĐGS các cấp đều được công khai trên cổng thông tin điện tử của HĐGS Nhà nước.

Về thông tin phản ánh có ứng viên không đủ tiêu chuẩn trong đợt này, PGS.TS Dương Nghĩa Bang xác nhận, đúng là trong quá trình xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021, Văn phòng HĐGS Nhà nước có nhận được một số phản ánh của xã hội (qua bưu điện, email, ..) về một số ứng viên có đăng bài trên trên những tạp chí kém chất lượng, uy tín thấp. Các HĐGS ngành, liên ngành, trong đó có HĐGS ngành Kinh tế, HĐGS Triết học - Xã hội học - Chính trị học đều đã thực hiện nghiêm túc theo các quy định hiện hành, đã có văn bản báo cáo Thường trực HĐGS Nhà nước (qua Văn phòng HĐGS Nhà nước) việc xem xét, thẩm định, đánh giá từng trường hợp theo các ý kiến phản ánh và sẽ báo cáo HĐGS Nhà nước xem xét, quyết định.

Hiện việc phản ánh các ứng viên không đủ tiêu chuẩn chủ yếu do bài báo khoa học quốc tế không đạt chất lượng, thậm chí có hiện tượng “đạo văn”, “mua bài”. Năm 2020, có 1 ứng viên bị loại khỏi danh sách xét GS do số lượng bài báo khoa học công bố quá nhiều và tăng đột biến khi chỉ tính đến tháng 9, ứng viên này đã công bố 77 bài báo. Đây là một con số kỷ lục khiến ngay cả những GS đầu ngành cũng cảm thấy “choáng” và bất ngờ vì đây là điều không thể và thực sự không ai có thể làm được như vậy trong một thời gian ngắn. Vấn đề đặt ra là những căn cứ pháp lý hiện có đã đủ để bao quát, ngăn chặn tận gốc tình trạng mua danh, mua bài báo quốc tế hay chưa? Về phía HĐGS Nhà nước có cơ chế kiểm soát như thế nào để bài báo quốc tế của các ứng viên phải thực sự là sản phẩm khoa học chất lượng?

Chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư: Vẫn lọt lưới? -0
Lập lại liêm chính trong khoa học, công bằng trong học thuật là mong mỏi của cộng đồng khoa học Việt Nam

Năm 2021, HĐGS Nhà nước đã ban hành công văn số 32/HĐGSNN ngày 20-5-2021 về việc bổ sung, cập nhật Phụ lục II, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, trong đó có mẫu Báo cáo khoa học tổng quan của ứng viên. Theo đó, ứng viên phải liệt kê cụ thể thành tích đào tạo, nghiên cứu khoa học theo từng hướng nghiên cứu. Việc này được HĐGS các cấp đánh giá cao, giúp cho các nhà khoa học dễ dàng thẩm định nội dung bài báo có phù hợp, liền mạch với hướng nghiên cứu hay không, từ đó có đánh giá chính xác công trình của ứng viên.

Ngày 13-1-2022, HĐGS Nhà nước đã có Công văn số 09/HĐGSNN yêu cầu các HĐGS ngành, liên ngành chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan về những trường hợp ứng viên có số lượng bài báo công bố nhiều bất thường trong thời gian ngắn; thẩm định kỹ những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí.

“Với những quy định chặt chẽ như vậy, những công trình khoa học kém chất lượng hoặc không đúng hướng nghiên cứu của ứng viên sẽ không được tính điểm hoặc tính điểm rất thấp. Việc mua bài báo quốc tế để đưa vào xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là rất khó có thể thực hiện được”, PGS.TS Dương Nghĩa Bang bày tỏ.

Trước hiện tượng nhiều ứng viên không đạt tiêu chuẩn vẫn “lọt lưới” lên hội đồng cấp cao hơn, nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quyết định vẫn là thành viên HĐGS các cấp phải là các nhà khoa học tiêu biểu về học thuật và liêm chính học thuật. Họ ở vị thế “cầm cân nảy mực” nên phải công minh. HĐGS cơ sở làm chặt chẽ, nghiêm túc, không vị nể thì sẽ loại được các ứng viên không đủ tiêu chuẩn. Năm 2021, như HĐGS ngành Toán, có tới 14/25 ứng viên bị loại, đây là hội đồng nổi tiếng “làm chặt” nhưng theo GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch HĐGS ngành Toán, “mặc dù chúng tôi làm nghiêm khắc như vậy nhưng tiêu chuẩn còn xa mới bằng tiêu chuẩn GS, PGS của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tôi cho rằng, chấm điểm ứng viên xét PGS, GS không thể như chấm điểm sinh viên”. Còn theo thống kê của HĐGS Nhà nước, số ứng viên GS, PGS năm 2021 qua vòng xét duyệt ở 28 HĐGS ngành/liên ngành là 416/495 ứng viên. Như vậy có 79 ứng viên GS, PGS bị loại. Ở một số ngành khác như liên ngành Điện - Điện tử - Tự động, có một nửa ứng viên bị loại ở đợt xét của HĐGS liên ngành. Những ngành có nhiều ứng viên bị loại là ngành Công nghệ thông tin (7 ứng viên), Kinh tế (6 ứng viên). Ngành Y học, ngành có nhiều ứng viên nhất, chỉ có 5 ứng viên bị loại.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tướng, GS. Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên Giám đốc Học viện CSND cho hay, chất lượng HĐGS các cấp là những vấn đề dẫn tới chất lượng xét chức danh GS, PGS. Do hiện nay không quy định rõ nên các cơ sở đào tạo được thành lập HĐGS cấp cơ sở thường đề xuất nhiều thành viên hội đồng là cán bộ cơ hữu của mình để thuận lợi cho xét chọn. Với HĐGS ngành, liên ngành cũng vậy, thường chọn những thành viên quen, thân thiết với Chủ tịch Hội đồng.

Chính vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, một số thành viên HĐGS các cấp chưa xứng đáng và chưa là các nhà khoa học đầu ngành. “Tôi cho rằng, trước hết phải xác định đúng vị trí của HĐGS các cấp. Cần lựa chọn các nhà khoa học, nhà giáo đã có kinh nghiệm quản lý cơ sở giáo dục đại học, có kinh nghiệm tổ chức HĐGS các cấp để tham gia lãnh đạo HĐGS Nhà nước”, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm đề xuất.

Để hướng tới xây dựng một cộng đồng khoa học liêm chính, theo PGS.TS Dương Nghĩa Bang, quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg ngày 31-8-2018 là quy định tối thiểu cần phải có đối với ứng viên GS, PGS. Hiện nay, một số ứng viên và một bộ phận dư luận xã hội đang lầm tưởng chỉ cần đạt đủ số lượng là đạt tiêu chuẩn. HĐGS các cấp, đặc biệt là HĐGS ngành, liên ngành, ngoài việc kiểm đếm số lượng về kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn thẩm định đánh giá kỹ về mặt chất lượng, hàm lượng khoa học của công trình, uy tín của tạp chí, từ đó đánh giá về uy tín khoa học của ứng viên. Vì vậy, các ứng viên ngoài việc đảm bảo về số lượng, ứng viên cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng công trình khoa học và đặc biệt là chất lượng của tạp chí nơi họ công bố.

Thu Phương
.
.