Chuyến công du Đông Bắc Á của ông Joko Widodo

Chủ Nhật, 31/07/2022, 17:47

Ngày 25-7, Tổng thống Indonesia đã đến Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước những thay đổi chưa từng có trên thế giới đang diễn ra, Indonesia muốn các nước châu Á giúp đỡ nhau, thực hiện chủ nghĩa đa phương, tuân thủ chủ nghĩa khu vực mở, thúc đẩy quản trị toàn cầu và đóng góp vào sức mạnh của châu Á.

Tối 25-7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng đệ nhất phu nhân đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày, trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Indonesia đăng tải, Ngoại trưởng Retno Marsudi khẳng định, 3 nước Đông Bắc Á trên là các đối tác quan trọng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời là đối tác quan trọng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là đối tác chiến lược của Indonesia trong lĩnh vực kinh tế.

Theo lịch trình các chuyến công du, Tổng thống Widodo sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 3 nước để thảo luận về quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, y tế, hạ tầng, ngư nghiệp, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chuyến công du Đông Bắc Á của ông Joko Widodo -0
Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 26-7.

Ngày 26-7, Tổng thống Joko Widodo đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đôi bên bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng sâu rộng trên toàn cầu. “Hai nước là điển hình về các nước đang phát triển lớn tìm kiếm sức mạnh thông qua đoàn kết và hợp tác đôi bên cùng có lợi”, tuyên bố chung giữa Indonesia và Trung Quốc cho biết. Theo giới quan sát, cam kết của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ thương mại và ủng hộ Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới được coi là một thắng lợi về kinh tế và chính trị cho ông Widodo.

Indonesia, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, là nguồn cung cấp than đá, hợp kim sắt, niken, đồng và khí đốt tự nhiên. Năm 2021, thương mại song phương lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia trong 9 năm liên tiếp và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia trong 6 năm liên tiếp. Trung Quốc cũng là một trong những nhà đầu tư chính tại Indonesia. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đứng sau Nga. 2022 cũng là năm Indonesia giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, mà cuộc họp thượng đỉnh vừa kết thúc tháng 6 vừa qua. Gần đây ông Joko Widodo đã liên tiếp công du các nước G20, trong đó có Nga. Có thể chuyến công du của Tổng thống Indonesia cũng nằm trong khuôn khổ chương trình hoạt động liên quan đến G20. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cũng nhấn mạnh đến trọng tâm chuyến đi của Tổng thống Indonesia là “quan hệ song phương, cũng như các vấn đề của khu vực và quốc tế”. Nhân cuộc họp này, hai nguyên thủ Indonesia và Trung Quốc cũng trao đổi ý kiến về cuộc khủng hoảng Ukraine và các vấn đề khác, cho rằng cộng đồng quốc tế cần tạo điều kiện thúc đẩy đàm phán, đóng vai trò xây dựng trong việc giảm căng thẳng tình hình, ổn định trật tự kinh tế toàn cầu và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Trước đó, trong tháng 5, Tổng thống Indonesia có cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và gửi thông điệp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm Moscow. Cuộc chiến Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn về thương mại trên toàn cầu, khiến giá ngũ cốc và lúa mì tăng cao trong bối cảnh các cảng biển của Ukraine bị phong tỏa và các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào nhiều mặt hàng của Nga như dầu, khí đốt và phân bón.

Những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc - Indonesia phát triển mạnh mẽ. Sự tin cậy lẫn nhau mang tính chiến lược giữa hai bên ngày càng được củng cố và mô hình hợp tác “4 bánh” cùng có lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa và hàng hải tiếp tục đi vào chiều sâu. Sự phát triển của quan hệ không chỉ phù hợp với lợi ích chung lâu dài của hai nước mà còn tác động tích cực, sâu rộng ở cấp khu vực và toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc và Indonesia đang trong giai đoạn phát triển tương tự nhau, với những lợi ích được liên kết chung, những khái niệm và con đường chung. Xây dựng một cộng đồng vì tương lai Trung Quốc - Indonesia là nguyện vọng và kỳ vọng chung của nhân dân hai nước. Ông Tập Cận Bình cho rằng, những thay đổi hiện nay trên thế giới diễn ra theo cách thức chưa từng có. Trung Quốc và Indonesia nên giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện trách nhiệm của các nước lớn đang phát triển, thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự, tuân thủ chủ nghĩa khu vực mở, thúc đẩy quản trị toàn cầu và đóng góp vào sức mạnh của châu Á. Đáp lại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chúc Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 và tin tưởng Trung Quốc sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn thời gian tới. Trong tình hình quốc tế hiện nay, quan hệ hợp tác giữa Indonesia - Trung Quốc phản ảnh bản chất chiến lược của mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời là nguồn năng lượng tích cực cho khu vực và thế giới. Indonesia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và có những đóng góp lớn hơn vào việc thúc đẩy hòa bình khu vực và phát triển toàn cầu.

Hai bên đã ra Tuyên bố báo chí chung về cuộc gặp giữa nguyên thủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Indonesia, ký Bản ghi nhớ về cùng thúc đẩy sáng kiến “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, sáng kiến “Đòn bẩy hàng hải toàn cầu”, cũng như hợp tác trên các lĩnh vực vaccine, phát triển xanh, an ninh mạng và đại dương.

Chuyến công du Đông Bắc Á của ông Joko Widodo -0
Tàu cao tốc, một trong những hạng mục đầu tư điển hình của Trung Quốc vào Indonesia.

Chuyến công du của nhà lãnh đạo Indonesia còn có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng đón các lãnh đạo nước ngoài, sau một thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc-Indonesia cũng đôi lúc căng thẳng, Jakarta lo ngại về an ninh, chủ quyền trước những tham vọng của Trung Quốc. Hai nước không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có bất đồng về vùng đặc quyền kinh tế. Tàu tuần dương Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập khu vực này, khiến Indonesia luôn cảnh giác với những động thái của Trung Quốc trên vùng biển của mình. Một mặt, Indonesia cần Trung Quốc vì đây là một thị trường, cũng như nguồn đầu tư lớn. Mặt khác, Jakarta luôn dè chừng, xem Bắc Kinh như nguyên nhân dẫn đến bất ổn an ninh khu vực.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.