Chuyến công du Nam Thái Bình Dương của ông Vương Nghị
Trung Quốc đang thúc đẩy việc ký kết một thỏa thuận an ninh kinh tế sâu rộng với các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương nhằm mở rộng đáng kể ảnh hưởng tại khu vực này. Việc ký kết hiệp ước khiến phương Tây và một số quốc gia khu vực Thái Bình Dương tỏ ra “đứng ngồi không yên”.
Thỏa thuận rộng rãi trên nhiều lĩnh vực xác lập tầm nhìn của Trung Quốc về một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Thái Bình Dương, đặc biệt là về các vấn đề an ninh, với việc Trung Quốc đề xuất họ sẽ tham gia đào tạo cảnh sát, an ninh mạng, lập bản đồ biển và tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bản dự thảo thỏa thuận mang tên Tầm nhìn phát triển chung Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương (China-Pacific Island Countries Common Development Vision) được soạn thảo theo lối tương tự như thỏa thuận an ninh song phương gây tranh cãi đã được ký giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc vào tháng 4-2022, kèm theo là kế hoạch hành động 5 năm. Cả hai văn kiện này bao hàm một loạt các vấn đề, như: thương mại, tài chính và đầu tư, du lịch, y tế cộng đồng và hỗ trợ COVID-19, thiết lập các hoạt động giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, đào tạo và học bổng, cũng như phòng chống và cứu trợ thiên tai.
Thỏa thuận sẽ được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thảo luận với lãnh đạo các đảo quốc Nam Tháí Bình Dương trong chuyến công du đang diễn ra. Ông Vương Nghị sẽ đến thăm 8 đảo quốc Nam Thái Bình Dương trong khoảng thời gian 10 ngày, từ ngày 26-5 đến ngày 4-6. Ngày 26-5, ông Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du tại Quần đảo Solomon để thảo luận việc tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực dựa trên các thỏa thuận trong hiệp ước an ninh đã ký. Mấu chốt của chuyến công du nằm ở cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và 10 nước Nam Thái Bình Dương do ông Vương Nghị chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 30-5 tới tại Fiji. Trung Quốc hy vọng thỏa thuận hợp tác với 10 nước sẽ được ký kết ngay sau thảo luận tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao.
Ngay trước chuyến công du của ông Vương Nghị, bản dự thảo thỏa thuận đã bị rò rỉ ra báo chí. Nội dung thỏa thuận cho thấy tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc là rất lớn, từng bước được triển khai thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về an ninh và kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ,...
Thỏa thuận này nhắc lại cam kết của Trung Quốc là sẽ tăng gấp đôi khối lượng thương mại song phương vào năm 2025 so với năm 2018, đồng thời hứa hẹn cung cấp thêm 2 triệu USD cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương để hỗ trợ chống COVID-19, đồng thời Trung Quốc cử 200 nhân viên y tế đến các quốc gia này trong 5 năm tới. Trung Quốc cũng đang cung cấp 2.500 học bổng chính phủ cho khu vực và sẽ cử 5 hoặc 10 đoàn nghệ thuật đến các quốc đảo.
Trọng tâm chính của thỏa thuận được đề xuất là sự tham gia của Trung Quốc vào an ninh Nam Thái Bình Dương. Dự thảo thỏa thuận mở rộng đáng kể sự tham gia của Trung Quốc vào công tác trị an trong khu vực, trong đó có đề xuất “mở rộng hợp tác thực thi pháp luật, cùng chống tội phạm xuyên quốc gia và thiết lập cơ chế đối thoại về năng lực thực thi pháp luật và hợp tác cảnh sát”. Trong đó điểm nhấn tập trung vào việc Trung Quốc huấn luyện cho lực lượng cảnh sát các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Cùng với đó là đề xuất tổ chức cuộc đối thoại cấp bộ trưởng đầu tiên giữa Trung Quốc và các đảo quốc Nam Thái Bình Dương về năng lực thực thi pháp luật và hợp tác cảnh sát vào cuối năm nay, cũng như giúp xây dựng các phòng thí nghiệm để kiểm tra dấu vân tay, khám nghiệm pháp y, ma túy, pháp y điện tử và kỹ thuật số. Ngoài ra, thỏa thuận cũng tăng cường hợp tác về “an ninh mạng” và thúc đẩy “xây dựng các quy tắc quản trị dữ liệu toàn cầu”.
Bên cạnh vấn đề an ninh, dự thảo thỏa thuận cũng đề xuất thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia, bao gồm khám phá khả năng thiết lập “Khu vực thương mại tự do” với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Cùng với việc tìm cách mở rộng hợp tác lẫn nhau trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai khoáng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nông, lâm và ngư nghiệp, Trung Quốc hy vọng sẽ có nhiều đầu tư trực tiếp hơn vào các nước Nam Thái Bình Dương được thực hiện bởi các “doanh nghiệp Trung Quốc có uy tín”.
Điều khiến cộng đồng thế giới lo ngại chính là đề xuất Trung Quốc tham gia xây dựng một “kế hoạch không gian hàng hải” và tham gia vào việc lập bản đồ biển, cũng như cho phép Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trung Quốc đã thống trị các ngành khai thác tài nguyên ở Nam Thái Bình Dương, tiếp nhận hơn một nửa trong tổng sản lượng hải sản, gỗ và khoáng sản xuất khẩu từ khu vực này trong năm 2019, trị giá 3,3 tỷ USD. Số tàu thuyền Trung Quốc hoạt động ở Nam Thái Bình Dương cũng rất đông đảo, chiếm số lượng áp đảo so với các quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương.
Với các đề xuất đầy tham vọng, bản dự thảo thỏa thuận giữa Trung Quốc với 10 đảo quốc Nam Thái Bình Dương đã gây nên sự quan tâm đặc biệt và phản ứng quyết liệt. Trong một bức thư gửi 21 nhà lãnh đạo khu vực Nam Thái Bình Dương, Tổng thống quốc đảo Liên bang Nhà nước Micronesia (FSM) David Panuelo cho biết nước ông sẽ phản biện và kêu gọi bác bỏ cái gọi là “thỏa thuận” nhưng hầu như đã được “ấn định sẵn”. Ông David Panuelo cho rằng việc ký kết một thỏa thuận như thế sẽ thiết lập ảnh hưởng gần như “độc quyền” của Trung Quốc trong khu vực và như thế sẽ tạo ra một không gian cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, đặc biệt là có thể sẽ dẫn đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Trung Quốc với các cường quốc phương Tây.
Trước mắt, Australia và New Zealand, hai đối tác lớn lâu năm trong khu vực đang rất sốt ruột trước các động thái của Bắc Kinh. Ngay trong ngày 26-5, khi ông Vương Nghị đặt chân đến Quần đảo Solomon, tân Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cũng đã lên đường đi thăm các đảo quốc Nam Thái Bình Dương để vận động “đối trọng” với ông Vương Nghị. Chưa biết cuộc “đua ngoại giao” sẽ dẫn đến kết quả ra sao nhưng có vẻ như Australia và các đồng minh khó lòng ngăn cản Trung Quốc ký kết thỏa thuận với 10 đảo quốc Nam Thái Bình Dương.