Chuyến đi của ông Blinken tới Saudi Arabia
Với hai chuyến thăm cấp cao trong vòng chưa đầy một tháng, Mỹ hy vọng quan hệ giữa họ và Saudi Arabia sẽ ổn định lại sau nhiều năm bất đồng và mất lòng tin sâu sắc. Giới phân tích cho biết, tuy không kỳ vọng sẽ đạt đột phá qua chuyến đi này, Mỹ đặt ra nhiều mục tiêu: Tìm lại cơ hội đàm phán với Riyadh về giá dầu; chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga; vun vén hy vọng về cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã gặp Thái tử Arab Saudi Mohamed bin Salman vào sáng 7/6 và thảo luận nhiều vấn đề trong cuộc trò chuyện "cởi mở và thẳng thắn".
Qua một tuyên bố ngắn gọn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai ông Antony Blinken và Mohamed bin Salman đã thảo luận về một số chủ đề trong cuộc gặp của họ, bao gồm cuộc chiến ở Yemen, tình hình ở Sudan và các vấn đề về Israel cũng như nhân quyền. Riyadh đã đưa ra thỏa thuận ngầm về việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và hai quốc gia dầu mỏ Vùng Vịnh khác là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain. Ngoại trưởng Mỹ và Thái tử Saudi Arabia cũng thảo luận về Yemen và những nỗ lực của Arab Saudi nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Sudan. Ông Blinken đã thảo luận về khả năng hợp tác kinh tế và an ninh, cũng như tham dự một cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Mỹ-Vùng Vịnh và một hội nghị về việc chiến đấu chống lại chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Tổng thống Joe Biden đã có một khởi đầu khó khăn với Riyadh. Vào năm 2019, ông tuyên bố sẽ đối xử quốc gia này “cho xứng với vị trí của kẻ bị bài trích”. Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021, ông công khai một báo cáo tình báo của Mỹ, cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đã phê duyệt kế hoạch bắt giữ hoặc ám sát nhà báo Khashoggi. Saudi Arabia đã phủ nhận có sự tham gia của thái tử.
Việc ông Biden đến thăm Riyadh vào tháng 7/2022 cũng không làm giảm đi căng thẳng. Ngược lại, Riyadh càng lúc càng tìm cách khẳng định lại ảnh hưởng của mình trong khu vực và ít quan tâm hơn đến việc tự định hướng mình sao cho phù hợp với những ưu tiên của Mỹ trong khu vực. Ví dụ gần đây nhất là khi ông Mohammed bin Salman trao một cái ôm nồng ấm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab vào tháng 5, cho thấy những quốc gia Arab đã tái kết nạp Syria sau một thập kỷ đình chỉ tư cách thành viên. Tuy nhiên, Washington cho biết họ không ủng hộ, cũng như không khuyến khích động thái trên. Chỉ 3 tháng sau đó, Riyadh tiếp tục làm Washington tức giận. Nguyên nhân là do OPEC+, bao gồm cả Nga, đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô trước thềm bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Trong khi bấy giờ, diễn biến giá khí đốt tại Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của ông Biden. Nên biết, ngay thềm chuyến thăm này của Ngoại trưởng Mỹ, Saudi Arabia cũng đã cùng Nga trong liên minh OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu hòng đẩy giá lên cao, thậm chí Saudi Arabia còn tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng từ tháng 7/2023 so với hạn ngạch của OPEC+ đề ra.
Giới lãnh đạo Saudi Arabia không hài lòng về kết quả đàm phán của Mỹ về Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Nhiều quốc gia Vùng Vịnh tin rằng thỏa thuận này sẽ đặt họ vào vị trí dễ bị tổn thương nếu Tehran nắm trong tay vũ khí hạt nhân. Dù vậy, Iran đã phủ nhận tham vọng này. Vào năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Rồi vào năm 2019, Riyadh tức giận vì không có cơ hội trả đũa Iran vì sử dụng UAV và tên lửa tấn công 2 cơ sở dầu mỏ Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia.
Có thêm 2 vấn đề dài hạn đang chờ ông Blinken giải quyết. Đầu tiên, trụ cột lâu đời của quan hệ Mỹ - Saudi Arabia, lời cam kết của Mỹ về việc đảm bảo an ninh cho Saudi Arabia để đổi lấy nguồn cung dầu mỏ ổn định, đã héo tàn. Mỹ - hiện là quốc gia khai thác dầu mỏ hàng đầu thế giới - không còn lệ thuộc vào dầu thô của Saudi Arabia nhiều như vào những năm 1970. Ông Chas Freeman - cựu Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, cho biết: “Cả hai biểu thức của phương trình trên - Mỹ được ưu tiên tiếp cận năng lượng của Saudi Arabia và Mỹ bảo vệ Saudi Arabia khỏi những thách thức an ninh đến từ bên ngoài, dường như không còn nữa”.
Thứ hai, sự trỗi dậy của Trung Quốc - khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất lẫn nguồn nhập khẩu lớn nhất của Saudi Arabia, cũng như mối quan hệ đối đầu Mỹ-Trung, đã khiến Riyadh phải đề phòng trước khi đưa ra nước cờ địa chính trị của mình. Ông Richard Goldberg - Cố vấn cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (FDD) ở Washington, cho biết: Ngăn cản khả năng bền chặt quan hệ Saudi Arabia - Trung Quốc có lẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm của ông Blinken. Ông nói: “[Blinken nên giải thích] vì sao lợi ích của Trung Quốc sẽ không phù hợp với Saudi Arabia và tại sao bền chặt quan hệ với Trung Quốc sẽ ngăn cản khả năng “gần gũi” hơn với Washington”. Giáo sư Gregory Gause của Đại học Texas A&M cho biết: “Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ có thể tin cậy rằng Saudi Arabia sẽ hỗ trợ những chiến lược lớn của họ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Saudi Arabia không có nhiều lựa chọn”. Ông nói thêm: “Nhưng, bây giờ thì họ có. Thời điểm đơn cực của Mỹ về cơ bản đã kết thúc, người Saudi Arabia hiểu điều đó nên họ đang nhìn về những lựa chọn khác”.
Một dấu hiệu hòa giải cho thấy, vào tháng 3, Saudi Arabia và Iran dự định sẽ thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau khi thực hiện cuộc đàm phán kín ở Bắc Kinh.
Phát biểu trước Ủy ban của Mỹ về Quan hệ công chúng Israel, ông Blinken cho biết, Washington có “lợi ích an ninh quốc gia thực sự” nếu ủng hộ bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, ông cho biết điều đó sẽ không nhanh chóng diễn ra. Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Benaim, một trong những mục tiêu mà ông Blinken đặt ra cho chuyến đi này là để nhấn mạnh rằng “Mỹ là một thế lực mạnh trong khu vực. Chúng tôi sẽ không để lại cơ hội cho đối thủ”.
Dù căng thẳng đến đâu, quan hệ Mỹ - Saudi Arabia cũng khó mà bị rạn nứt, vì Riyadh cần quân đội Mỹ để đảm bảo dòng chảy dầu từ Vùng Vịnh. Đây là một vai trò mà cả Trung Quốc lẫn Nga - hai quốc gia có ảnh hưởng rộng trong khu vực, đều khó có thể đảm nhận.
Tuy nhiên, có một mục tiêu mà Mỹ khó đạt sớm được: Thuyết phục Riyadh nghe theo lời động viên năm 2020 của những quốc gia Arab, bao gồm cả Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, để bình thường hóa quan hệ với Israel thông qua Hiệp định Abraham.