Chuyến đi Trung Đông của ông Erdogan

Chủ Nhật, 23/07/2023, 16:41

Vào hôm 17/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bắt đầu loạt chuyến thăm đến các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar. Mang theo phái đoàn gồm 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông Erdogan đến Saudi arabia để ký kết một thỏa thuận về việc bán máy bay không người lái TB2 Bayraktar, nổi tiếng nhờ vai trò của nó trong cuộc chiến ở Ukraine.

Giám đốc điều hành của Công ty Baykar - nhà sản xuất mẫu máy bay TB2 Bayraktar, cho rằng đây là hợp đồng xuất khẩu hàng không và quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Trị giá thương vụ này có thể vượt qua cả con số 367 triệu USD được trả trong khuôn khổ một thỏa thuận trước đó giữa Ankara và Kuwait, được ký vào tháng 6 vừa qua.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa gợi ý về khả năng những quốc gia Vùng Vịnh mở ra khoản đầu tư tài chính với trị giá 25 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có vẻ như có ý nghĩa quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là một quốc gia có tình hình kinh tế rất suy thoái và một trong những chìa khóa mở ra cơ hội cho quốc gia này phục hồi chính là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài ra, nhân dịp này, ông Erdogan cần phải đánh giá lại những thỏa thuận đã ký kết và những lĩnh vực có liên quan, nhất là những dự án mạng lưới đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến đi Trung Đông của ông Erdogan -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Receptayyip Erdogan và Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất Mohammad bin Zayed tại Abu Dhabi, ngày 19/7/2023.

Những thỏa thuận này sẽ không chỉ khẳng định vai trò của đất nước như một trung tâm năng lượng khu vực, mà còn củng cố tầm quan trọng địa chính trị của nó. Đây là vấn đề thứ hai được trao đổi trong chuyến công du của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn diễn ra làn sóng “Mùa xuân Arab” năm 2011, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Arab.

Saudi và UAE, đã bị đánh dấu bằng nhiều bất ổn lớn. Năm 2017, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Saudi Arabia liên kết với một số nước láng giềng nhằm bóp nghẹt kinh tế và chính trị Qatar. Với tư cách là một nước đối tác, vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh ủng hộ quý giá nhất của vương quốc Qatar nhỏ bé, giúp nước này ngay phá vỡ vòng vây cấm vận.

Những căng thẳng này giờ đã là dĩ vãng, nhiều nỗ lực hòa giải đã được thực hiện từ vài năm nay. Ankara, cùng với Tehran và Riyadh, là một trong 3 điểm nắm vai trò trọng yếu trong khu vực. Họ hoàn toàn hiểu rằng, ở giai đoạn này, tốt hơn là nên có hướng đi linh hoạt thay vì đối chọi nhau. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách hòa giải với nhiều quốc gia mà nước này từng có mối quan hệ bất hòa. Tiến trình hòa giải với Israel đã xong xuôi và đàm phán với Ai Cập đang được tiến hành. Tuy nhiên, khi nói đến Syria, quá trình này phức tạp hơn nhiều. Do đó, trong bối cảnh này, việc ông Erdogan thực hiện chuyến thăm chính thức đến Vùng Vịnh là điều dễ hiểu.

Ngoài mong muốn được tuyên bố đã nới lỏng quan hệ với những nước Vùng Vịnh, Ankara còn thể hiện một bước tiến về phía phương Tây vào tuần trước, bằng cách ủng hộ ý tưởng Ukraine gia nhập NATO và phê duyệt cho Thụy Điển. Việc đảo ngược lập trường này phản ảnh điều gì về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng chiến thuật ngoại giao "nâng tầm cuộc chơi" và kiên trì đề ra những yêu cầu với lập trường cứng rắn, rồi chấp nhận thỏa hiệp vào thời điểm cuối cùng. Ông Erdogan muốn dùng sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt cho Thụy Điển gia nhập NATO để kích hoạt lại những vòng đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị đóng băng từ vài năm nay.

Cả hai bên đều muốn cố gắng (dù rằng biểu hiện còn khá mơ hồ) điều chỉnh thỏa thuận liên minh thuế quan Thổ Nhĩ Kỳ - Liên minh châu Âu năm 1996 và giải quyết vấn đề bãi bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn đi du lịch đến EU. Những yếu tố này chỉ ra rằng, tuy hai bên có mối quan hệ cực kỳ phức tạp, thì bây giờ, họ lại muốn xây dựng lại mối giao hảo để cùng tiến lên phía trước.

Nhưng, trên hết, quyết định phê duyệt cho Thụy Điển gia nhập NATO là một minh chứng khác cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem trọng tư cách thành viên của mình trong tổ chức xuyên Đại Tây Dương, vì đây là cách đảm bảo an ninh tốt nhất của họ. Trái ngược với nhận định từ một số nhà quan sát, nhất là trong giai đoạn năm 2019- 2020, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ có ý định rời NATO. Họ là một đồng minh khó đoán và khó bảo, nhưng vẫn là một đối tác thiết yếu.

Jonathan Fenton-Harvey - nhà nghiên cứu chuyên về địa chính trị Vùng Vịnh - đã lý giải 3 điểm về quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với những quốc gia Vùng Vịnh, dưới thời Tổng thống Erdogan.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani là người đầu tiên chúc mừng chiến thắng của ông Erdogan, ngay trước cả khi tiến trình kiểm phiếu hoàn tất. Điều này nhấn mạnh mối quan hệ song phương chặt chẽ của Doha với Ankara, cũng như mong muốn củng cố mối quan hệ đã có từ trước của họ. Tổng thống UAE Mohammad bin Zayed cũng gửi lời khen ngợi đến Tổng thống Erdogan và bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Sự tương tác này cho thấy, mối quan hệ giữa UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã có hướng phát triển lạc quan, tạo thành động lực cho sự hợp tác này. Tương tự, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Erdogan trong một cuộc điện thoại, còn Quốc vương Salman thì gửi điện mừng cùng lời ca ngợi về quan hệ song phương.

Trước thềm bầu cử, ông Erdogan đã cảm ơn những quốc gia Arab Vùng Vịnh vì đã có những đóng góp tài chính cho Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hỗ trợ tương tự từ những quốc gia lớn ở Vùng Vịnh đã nói lên sự tin tưởng lâu dài của họ đối với chính phủ của ông Erdogan. Hiện trạng này có thể sẽ còn duy trì lâu. Quan hệ song phương thậm chí sẽ còn có thể tiến triển hơn nữa.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.