Chuyển đổi năng lượng: Cuộc đua không thể vội vàng
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA), thế giới cần tăng 30% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, tức là lên mức 131.000 tỷ USD vào năm 2050, nếu muốn đối phó hiệu quả tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo đó, công suất năng lượng tái tạo sẽ phải tăng hơn 10 lần vào năm 2050 và số lượng các phương tiện chạy bằng điện phải tăng 30 lần; thế giới cần cắt giảm hơn 75% tiêu thụ năng lượng hóa thạch đến trước năm 2050, nhất là đẩy nhanh việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và than đá. Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng của thế giới đang đặt ra nhiều thách thức, làm dấy lên câu hỏi liệu thế giới đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng năng lượng xanh hay chưa?
Giấc mơ năng lượng xanh
Tại châu Á, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy dự án nghiên cứu và phát triển các công nghệ giúp giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều như sản xuất thép, hóa dầu, chất bán dẫn và màn hình. Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng ôtô thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xây dựng ít nhất 500.000 trạm sạc cho xe điện vào năm 2025. Công ty LG Electronics, một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã bắt tay với một số đối tác trong nước phát triển công nghệ năng lượng tái tạo.
Indonesia đề ra 2 mục tiêu lớn trong chương trình chuyển đổi năng lượng, gồm đạt mức 23% hỗn hợp năng lượng xanh vào năm 2025 và giảm 29% lượng khí thải so với mức cơ sở vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris. Indonesia đã thực hiện chương trình 30% Biodiesel (B30) bắt buộc để giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, trong đó sử dụng dầu cọ làm nguồn nhiên liệu sinh học để giảm phát thải, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế.
Trong mục tiêu đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt khoản vay nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo. Hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, việc lắp đặt các thiết bị năng lượng mặt trời ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào cuối thập niên này.
Bên lề Hội nghị COP26 vừa qua diễn ra ở Anh, Bỉ đã đàm phán thiết lập một hành lang vận chuyển hydro giữa khu vực Mỹ Latinh với Tây Âu. Chính phủ Tây Ban Nha cũng có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ euro vào sản xuất hydro xanh trong 3 năm tới. Công ty hóa dầu Ineos của Anh thông báo sẽ đầu tư hơn 2 tỷ euro vào sản xuất hydro xanh tại châu Âu, trong khi Chính phủ Đức đã công bố quỹ 9 tỷ euro để phát triển hydro xanh với mục tiêu chấm dứt sử dụng than đá vào năm 2038.
Các doanh nghiệp và các chính phủ trên thế giới đang chú trọng đầu tư vào năng lượng hydro xanh. Năm 2020, tổng vốn đầu tư cho các dự án sản xuất hydro xanh trên toàn cầu là 150 tỷ USD, đánh dấu sự chuyển biến lớn trong vòng 5 năm vì trước đó không có dự án nào dành cho danh mục này.
Ở chiều ngược lại, nhiệt điện than toàn cầu đang có xu hướng giảm rõ rệt. Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp công suất nhiệt điện than giảm xuống. Trong đó, công suất của các nhà máy điện than thi công mới giảm hằng năm, năm 2018 giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015; năm 2019 giảm 16% so với năm 2018. Hoạt động tiền thi công tiếp tục sụt giảm 50% tại Ấn Độ, 22% tại Đông Nam Á trong giai đoạn 2018-2019 so với năm 2015.
Số nhà máy điện than đóng cửa tiếp tục gia tăng kỷ lục. Đứng đầu là Mỹ khi cho đóng cửa 17,6 GW trong năm 2018. Nếu đem so sánh công suất điện than với năm 2015 thì năm 2020, toàn thế giới giảm 78% số lượng công suất đã công bố; giảm 43% số lượng công suất đang xây dựng; giảm 72% số công suất xây dựng bình quân năm...
Nhiên liệu tái tạo chưa sẵn sàng
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, các nguồn năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, chỉ cung cấp dưới 10% tổng sản lượng điện, trong khi khí đốt là 42%. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang bao trùm châu Âu, Đức hối tiếc về việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trong thập niên qua, còn Hà Lan đang lưỡng lự việc đóng cửa mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu tại Groningen.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc tăng cường năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi chi tiêu tăng cường đáng kể trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như khai thác mỏ, để sản xuất và tinh chế các nguyên liệu thô cần thiết cho tuabin gió, tấm pin năng lượng mặt trời và lưu trữ pin quy mô lớn.
Báo cáo của IEA tính toán để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch sẽ cần tăng từ khoảng 1.100 tỷ USD trong năm nay lên 3.400 tỷ USD/năm cho đến năm 2030. Báo cáo cũng đánh giá thêm: “Thế giới không đầu tư đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai và sự không chắc chắn về chính sách và xu hướng sắp tới của nhu cầu tạo ra nguy cơ lớn về một giai đoạn biến động đối với thị trường năng lượng”.
IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt khoảng 99,6 triệu thùng/ngày trong năm tới, gần mức trước đại dịch. Cơ quan này cũng dự báo nhu cầu than sẽ vượt quá mức 2019 trong năm nay và sẽ tăng phần nào cho đến năm 2025.
Trong khi đó, nhận định về thời điểm kỷ nguyên than kết thúc, ông Sergey Mochalnikov - Cục trưởng Cục Hợp tác kinh tế đối ngoại và phát triển thị trường nhiên liệu thuộc Bộ Năng lượng Nga - cho rằng hiện chưa thấy đột phá công nghệ nào có thể tái cấu trúc toàn diện ngành năng lượng. Thế giới vẫn có những nước nghèo và ngày nay than có lẽ là dạng năng lượng rẻ nhất. Do đó, cho đến năm 2040, than chắc chắn sẽ vẫn là một trong những nguyên tố cơ bản giúp cân bằng thị trường năng lượng. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, chất lượng than sẽ là yếu tố được chú ý nhiều hơn. Những loại than cấp thấp, không đạt tiêu chuẩn sẽ dần bị loại khỏi thị trường.