Cơ cấu năng lượng hạt nhân toàn cầu đang tăng trở lại

Thứ Bảy, 05/04/2025, 08:10

Các chuyên gia cho rằng, để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai cũng như nhu cầu điện tăng cao, vai trò của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng toàn cầu có thể sẽ được gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, sự phát triển của điện hạt nhân vẫn phải đối mặt với những thách thức về chi phí, tài chính, độ tin cậy và chuỗi cung ứng đa dạng.

Theo trang Nikkei, gần đây, trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng và khử carbon, các dự án xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á lần lượt được triển khai. Việt Nam đã khởi động lại kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công suất 4 triệu kW. Indonesia có kế hoạch đưa vào hoạt động nhà máy điện hạt nhân với công suất 250 ngàn kW vào đầu năm 2030 và đặt mục tiêu đưa hơn 20 lò phản ứng vào hoạt động đến năm 2050.

Thái Lan cũng đang cân nhắc đưa vào sử dụng các lò phản ứng kiểu modul nhỏ (SMR), dự định đưa vào sử dụng 2 lò SMR có công suất 300 ngàn kW vào năm 2037. Philippines có kế hoạch đến trước năm 2035 đưa vào vận hành công suất phát điện lên 2,4 triệu kW. Malaysia công bố Chính sách công nghệ hạt nhân quốc gia đến năm 2030, cam kết thúc đẩy các ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và cơ quan năng lượng hạt nhân của nước này được đổi tên thành Trung tâm hợp tác nguyên tử hạt nhân.

Cơ cấu năng lượng hạt nhân toàn cầu đang tăng trở lại -0
70% điện năng của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân.

Ngoài ra, các quốc gia như Singapore, Lào, Campuchia và Myanmar cũng thể hiện sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân. Theo các kế hoạch hiện tại, Đông Nam Á dự kiến sẽ có hơn 7 gW (1 gW bằng 1 triệu kW) công suất điện hạt nhân đi vào hoạt động đến năm 2040. Điều này tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các quốc gia có công nghệ điện hạt nhân tiên tiến.

Cũng theo Nikkei, lý do khiến các nước Đông Nam Á tích cực đưa vào sử dụng các tổ máy điện hạt nhân vì họ cho rằng có thể ứng phó với nhu cầu điện tăng cao trong khi vẫn hạn chế được lượng khí thải nhà kính. Hiện nay, một số quốc gia khu vực này đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế hoặc các nước có điện hạt nhân, điều này đã thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các dự án điện hạt nhân trong khu vực.

Năm 2024, Singapore đã ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Mỹ. Nga đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ điện hạt nhân cho Myanmar. Philippines có kế hoạch bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân Bataan chưa sử dụng trên đảo Luzon với sự hỗ trợ của Mỹ và Hàn Quốc. Mỹ sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu Philippines học tập công nghệ năng lượng hạt nhân và thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vật liệu và linh kiện hạt nhân dân sự có hiệu lực vào tháng 7/2024.

Tuy nhiên, theo đánh giá, khu vực này chưa có kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân sẽ là một hạn chế có thể kéo dài thời gian đi vào thực tế của các dự án. Hơn nữa, các nhà máy điện hạt nhân rất tốn kém và mất nhiều thời gian để xây dựng, nên cũng mất nhiều thời gian để có lãi. Ngoài chi phí xây dựng cao, còn cần phải đảm bảo có nhân tài về mặt chuyên môn.

IEA từng nêu trong báo cáo rằng các nước Đông Nam Á thiếu kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo bài bản. Hiện nay, công nghệ hạt nhân vẫn do một số ít quốc gia kiểm soát chặt chẽ. Các quan chức Việt Nam ước tính kế hoạch tái khởi động năng lượng hạt nhân thiếu 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân và sẽ mất một khoảng thời gian để dần xây dựng toàn bộ hệ sinh thái và công nghệ.

Ngoài ra, việc chất thải hạt nhân và chất thải bị ô nhiễm phóng xạ có được xử lý đúng cách hay không là yếu tố quan trọng quyết định liệu công chúng có chấp nhận năng lượng hạt nhân hay không. Thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986 là yếu tố khiến Philippines quyết định gác lại dự án điện hạt nhân của mình. Sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản xảy ra sự cố sau trận động đất và sóng thần thảm khốc năm 2011, Thái Lan cũng dừng chương trình điện hạt nhân của nước này. Các nước Đông Nam Á có quan điểm khác nhau về nhà máy điện hạt nhân và cũng có thể điều chỉnh căn cứ theo những thay đổi nội bộ và tình hình trong tương lai.

Trong số các nước châu Âu, Pháp là nước tích cực phát triển năng lượng hạt nhân. Số liệu của Hiệp hội Hạt nhân thế giới cho thấy khoảng 70% điện năng của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân. Hiện nay, Pháp có 18 nhà máy điện hạt nhân thương mại với tổng số 57 lò phản ứng đang hoạt động. Số liệu của trang mạng thống kê Statista cho thấy tổng sản lượng điện hạt nhân của Liên minh châu Âu (EU) năm 2023 tăng khoảng 1,7 so với năm 2022, chủ yếu là do sản lượng điện hạt nhân ở Slovakia và Pháp tăng, khoảng 15% so với năm 2022.

Ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đã trích dẫn báo cáo gần đây của IEA có tiêu đề “Con đường đến kỷ nguyên của năng lượng hạt nhân”, cho biết hiện đang có hơn 15 quốc gia đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân có công suất khoảng 70 gW. Một số quốc gia trước đây từng từ chối năng lượng hạt nhân, bao gồm Italy, hiện đang tìm cách xây dựng. Trung Quốc, Thụy Điển, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ cũng đang tìm cách tăng thêm các tổ máy điện hạt nhân, khởi động lại điện hạt nhân hoặc nâng cấp hệ thống điện.

Ngoài nguồn năng lượng sạch và ổn định, năng lượng hạt nhân có năng lực cạnh tranh rất mạnh mẽ trong bối cảnh trung hòa carbon. Các nước châu Âu và Mỹ hiện đang tích cực thúc đẩy phát triển carbon thấp, đồng thời, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu, điều này cũng thúc đẩy các nước xem xét lại tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, sự phát triển của AI đã đặt ra nhu cầu cao hơn về điện. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi phải đầu tư nhiều vốn, thời gian dài và rủi ro lớn, khiến các dự án điện hạt nhân ở một số quốc gia phải gác lại do thiếu vốn.

Ngọc Lan
.
.