Cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Hai, 06/03/2023, 16:57

Kể từ tháng 9/2022, các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra ở Iran, 4 trong số những người tham gia đã bị tử hình và khi cựu Thứ trưởng Quốc phòng của nước này, ông Alireza Akbari, người mang cả quốc tịch Iran và Anh, bị treo cổ vì tội gián điệp, London đã tuyên bố xem xét lại quan điểm của mình đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2018 đã đặt Iran vào tình thế khó khăn về kinh tế. Nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái sâu. Xuất khẩu dầu mỏ giảm xuống 0,5 triệu thùng/ngày vào năm 2019, lạm phát tăng lên 48,8% vào năm 2018 và GDP giảm 6% vào năm 2018, 6,8% vào năm 2019. Suy thoái kinh tế còn trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch tấn công mạnh vào Iran, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.

Cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran -0
Ban đầu chỉ là những cuộc biểu tình bức xúc vì cái chết của Mahsa, sau đó dần nhiễm màu sắc chính trị.

Ngoài ra, do giá xăng tăng gấp đôi vào tháng 11/2019, các cuộc biểu tình lớn, mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, đã lan rộng khắp đất nước, dẫn đến nhiều thương vong. Mỹ không chỉ khôi phục các lệnh trừng phạt cũ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt mới do đó làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế và đẩy Iran vào suy thoái. Cùng với đó, tháng 1/2020, vụ ám sát tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) được coi là ngòi nổ cho những làn sóng phẫn nộ và công kích của người dân Iran đối với những gì đang xảy ra.

“Bộ 3 châu Âu” gồm Anh, Đức và Pháp bắt đầu đàm phán với Iran vào năm 2003 và vai trò của Liên minh châu Âu với tư cách là điều phối viên của quá trình này trở nên quan trọng hơn khi thành phần những bên đối thoại của Iran tại bàn đàm phán được mở rộng vào năm 2005 thành 6, bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nhưng, chính sách ngoại giao của châu Âu chỉ tỏ ra hiệu quả khi Brussels phối hợp một cách hòa hợp với Washington.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, có sự bất hòa giữa các nước, “bộ 3 châu Âu” chỉ có thể bày tỏ lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi JCPOA (được ký kết vào năm 2015). Các đối tác châu Âu không thể khởi động một cơ chế thanh toán hiệu quả với Iran để giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt - họ quyết định đợi cho đến khi chính quyền Dân chủ trở lại Nhà Trắng và sau đó sẽ tiến hành đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, bất chấp những cơ hội, trong 4 năm, chỉ có 1 hoạt động được thực hiện theo cơ chế INSTEX và vào đầu năm 2023 vừa rồi, cơ chế này lại bị đóng cửa.

Kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, giọng điệu của Mỹ về Iran có phần dịu đi, với việc quan chức Mỹ đã nói về khả năng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, dù gọi quyết định rời bỏ JCPOA của chính quyền tiền nhiệm là một sai lầm to lớn, nhưng thực tế Tổng thống Joe Biden không có một động thái công khai có ý nghĩa nào đối với Iran.

Về phần mình, theo học thuyết “nhẫn nại chiến lược”, Iran đã tuân thủ thỏa thuận đầy đủ trong 1 năm để chờ đợi các biện pháp mang tính quyết định từ phía “bộ 3 châu Âu” nhưng kết quả đó lại không đạt được, chính vì vậy họ bắt đầu giảm nghĩa vụ của mình theo JCPOA. Dưới thời chính quyền Tổng thống Ebrahim Raisi, để đáp trả vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Móhen Fakhrizadeh, Quốc hội Iran đã thông qua luật về các hành động chiến lược nhằm gỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo đó, cơ quan hành pháp phải tăng tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân nếu Mỹ không thực hiện các biện pháp kịp thời để quay trở lại thỏa thuận. Iran không chỉ yêu cầu gỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt mà còn đòi bồi thường mọi thiệt hại tài chính do việc đình chỉ thỏa thuận, điều mà phương Tây từ chối đáp ứng. Tất nhiên, mục tiêu chính của Tehran là khôi phục JCPOA nhưng với sự đảm bảo thực thi từ hai phía chứ không chỉ đơn phương Iran.

Các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân diễn ra ngắt quãng từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2022, nhưng gặp nhiều trở ngại. Mùa hè năm 2021, Iran đã đổi mới chính quyền và phải mất vài tháng, Tehran mới thành lập được nhóm đàm phán mới, bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri và một nhóm chuyên gia từ Bộ Kinh tế, Tài chính và Ngân hàng Trung ương. Vào tháng 6 cùng năm, một vụ phá hoại đã xảy ra tại cơ sở lắp máy ly tâm ở Keredzh, làm phức tạp cuộc đối thoại kỹ thuật giữa Iran và IAEA về việc kiểm chứng bản chất hòa bình và đảm bảo tính minh bạch của chương trình hạt nhân Iran. Ngoài ra, IAEA, với sự hỗ trợ của Mỹ và nhóm “Bộ 3 châu Âu”, bắt đầu nhấn mạnh vào việc giải quyết sớm các vấn đề liên quan đến hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2023, trong khi Tehran nhấn mạnh rằng chủ đề này đã được đóng lại kể từ tháng 12/2015, từ khi IAEA thảo luận về báo cáo của Tổng Giám đốc IAEA với những đánh giá cuối cùng về vấn đề chương trình hạt nhân Iran gây tranh cãi.

Đến tháng 8/2022, một văn bản mới về thỏa thuận hạt nhân gần như đã được thống nhất. Theo ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, phái đoàn Iran đã tranh cãi về chỉ một vài dòng. Tuy nhiên, ngay sau đó, tháng 9/2022, những khó khăn mới xuất hiện do các cuộc biểu tình rầm rộ ở Iran, với lý do chính thức là cái chết của cô gái người Kurd Mahsa Amini bị cảnh sát buộc tội và bắt giữ chỉ vì đội khăn trùm đầu không đúng cách. Ban đầu chỉ là những cuộc biểu tình bức xúc vì cái chết của Mahsa, sau đó dần mang thêm màu sắc chính trị, với yêu sách loại bỏ chế độ Hồi giáo, dẫn đến các cuộc đụng độ đẫm máu khiến gần 500 người chết và 4 người bị xử tử. Chính quyền Iran đã cáo buộc Mỹ, Israel và Saudi Arabia kích động tình trạng bất ổn này.

Mặc dù các nước này cũng như đa phần các nước phương Tây đều bày tỏ thái độ công khai ủng hộ những người biểu tình, song trên thực tế, không có bằng chứng nào được đưa ra để kết luận có sự tham gia của những nước này đối với cuộc biểu tình cả. Giọt nước tràn ly chính là vụ Iran xét xử tử hình cựu Thứ trưởng Quốc phòng mang 2 quốc tịch nói trên, ngày 14/1/2023.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.