Cơ hội nào cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen?

Chủ Nhật, 23/07/2023, 07:12

Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 17/7 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết Nga đã chính thức thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc rằng Moscow phản đối việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen (thường được gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen).

Thông báo này làm dấy lên lo ngại đối với tình trạng an ninh lương thực toàn cầu nói chung và đặc biệt ở những nước nghèo rằng giá lương thực tăng cao sẽ vượt khả năng chi trả của người dân.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh rằng ngay sau khi phương Tây thực hiện cam kết của họ, Moscow sẽ nối lại thỏa thuận. Ông nói: "Chúng tôi đang đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc này. Nếu phương Tây thực hiện các lời hứa mà họ đã đưa ra với Nga, chúng tôi sẵn sàng nối lại thỏa thuận".

Cơ hội nào cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? -0
Tàu chở hàng ARGO I cập cảng ODESSA của Ukraine ngày 10/4/2023 để vận chuyển lúa mì theo Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Ngay sau thông báo của phía Nga, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước quyết định của Moscow. Ông khẳng định rằng thỏa thuận là “phao cứu sinh cho an ninh lương thực toàn cầu và là tia hy vọng cho thế giới đầy bất ổn" vào thời điểm có tới 783 triệu người đang đối mặt với nạn đói.

Tại sao đàm phán đình trệ?

Tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này bao gồm 2 phần riêng biệt: một là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ; hai là bản ghi nhớ giữa Nga và LHQ. Văn kiện đầu đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 17/7. Trong khi đó, văn kiện giữa Nga và LHQ, có thời hạn 3 năm, bao gồm các cam kết của LHQ nhằm giúp Moscow giải quyết những trở ngại trong hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này.

Thời gian qua, Nga nhiều lần tuyên bố có kế hoạch rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng những yêu cầu của nước này không được đáp ứng. Dù lương thực và phân bón của Nga không nằm trong danh mục bị phương Tây trừng phạt, nhưng Moscow cho rằng các giới hạn về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận chuyển hàng hóa của nước này. Hoạt động xuất khẩu lúa mì của Nga tăng trong năm ngoái, nhưng hoạt động xuất khẩu phân bón, đặc biệt là sản phẩm phân đạm, lại giảm.

Tổng thư ký LHQ Guterres hôm 17/7 nói rằng ông “biết về những trở ngại vẫn còn tồn tại đối với hoạt động xuất khẩu phân bón và lương thực của Nga”, nhưng cũng nhấn mạnh cho những tiến bộ mà LHQ đã đạt được, chẳng hạn như đặt ra một số ngoại lệ đối với các biện pháp trừng phạt và tạo ra một cơ chế thanh toán đặc biệt cho Ngân hàng Nông nghiệp Nga mà không dùng hệ thống SWIFT.

Trong số những yêu cầu của mình, Nga muốn LHQ giúp tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp của nước này với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và nối lại xuất khẩu phân đạm thông qua một hệ thống vận chuyển từ Nga tới Ukraine mà hiện đang dừng hoạt động. Ngân hàng Nông nghiệp của Nga bị Liên minh châu Âu (EU) cô lập từ tháng 6/2022 để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tháng 5 vừa qua, một phát ngôn viên của EU tuyên bố rằng liên minh này sẽ không xem xét khôi phục kết nối cho các ngân hàng Nga.

Tháng 10/2022, Nga đã tạm ngừng tham gia thỏa thuận trong một thời gian ngắn để đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hạm đội của nước này ở Crimea. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nga cho biết quyết định rút khỏi thỏa thuận lần này không liên quan đến cuộc tấn công diễn ra vào ngày thỏa thuận hết hạn nhằm vào cây cầu giữa Nga và Crimea.

Những ai sẽ bị ảnh hưởng?

Các báo cáo cho biết, trong khuôn khổ Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, 32,9 triệu tấn lương thực, chủ yếu là ngô và lúa mì, đã được xuất khẩu tới 45 quốc gia ở 3 châu lục. Trong số này, 57% khối lượng hàng xuất khẩu có điểm đến là những quốc gia đang phát triển và khoảng 20% tới các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), việc kết nối một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới là Ukraine với các thị trường đã giúp giảm 11,6% giá lương thực toàn cầu kể từ tháng 7 năm ngoái.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết họ đã vận chuyển 725.000 tấn lúa mì, theo thỏa thuận giữa các bên, tới cho những người đang gặp khủng hoảng ở Afghanistan, vùng Sừng châu Phi và Yemen. Vì vậy, Dominique Ferretti - một quan chức cấp cao của WFP - cho rằng khi thỏa thuận sụp đổ, “người dân ở khu vực phía Đông của châu Phi sẽ chịu những tác động rất nặng nề”.

Chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen rời cảng Odessa vào ngày 16/7. Trong những tháng gần đây, hoạt động xuất khẩu lương thực trong khuôn khổ sáng kiến này đã giảm vì thời gian kiểm tra - do các quan chức Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ cùng tiến hành - tăng lên và một cảng của Ukraine đã bị loại khỏi sáng kiến.

Cơ hội nào cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? -0
Trong khuôn khổ Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, 32,9 triệu tấn lương thực đã được xuất khẩu tới 45 quốc gia ở 3 châu lục.

Tương lai của thỏa thuận

Nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero cho rằng quyết định của Nga đưa ra vào thời điểm nhạy cảm “khi đang chuẩn bị vào mùa gặt”. Ông cảnh báo nếu các bên không tìm được tiếng nói chung cho việc gia hạn thỏa thuận sẽ đẩy “giá cả ngũ cốc tăng đột biến”. Và, đúng như cảnh báo, giá lúa mì kỳ hạn giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng hơn 3%, đạt mức 6,84 USD/giạ vào ngày 17/7 (theo giờ Moscow).

Ngay sau khi thông báo dừng tham gia thỏa thuận, Nga cho biết họ không thể bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực phía Tây Bắc của Biển Đen. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc mà không cần có sự tham gia của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một trong những người trung gian thúc đẩy thỏa thuận, vẫn lạc quan rằng có thể tìm ra một giải pháp. Ngay sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu: “Bất chấp tuyên bố được đưa ra ngày hôm nay, tôi tin rằng Tổng thống Vladimir Putin vẫn muốn tiếp tục duy trì cây cầu nhân đạo này”. Ông Erdogan cũng đã lên kế hoạch điện đàm hay thậm chí là gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Valadimir Putin để thảo luận về thỏa thuận vào tháng 8 tới.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.